Nâng cao hiệu quả kiểm soát xuất, nhập cảnh của đồn biên phòng trong tình hình mới 

NCS, ThS. Lê Hồng Thành 
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Kiểm soát xuất, nhập cảnh khu vực biên giới, cửa khẩu là một nhiệm vụ của đồn biên phòng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu; góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh của đồn biên phòng.

Từ khóa: Nâng cao hiệu quả; kiểm soát xuất, nhập cảnh; đồn biên phòng.

1. Đặt vấn đề         

Hoạt động kiểm soát xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu của đồn biên phòng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới. Trong bối cảnh hiện nay đặt ra nhiều thách thức tác động trực tiếp đến hoạt động kiểm soát xuất, nhập cảnh của đồn biên phòng; do đó, phải thực hiện tốt quy trình nghiệp vụ thủ tục xuất, nhập cảnh và kiểm tra giám sát người, phương tiện xuất, nhập cảnh; giảm bớt sự phiền hà về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hoạt động xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu được nhanh chóng, thuận lợi.

2. Thực trạng kiểm soát xuất, nhập cảnh của đồn biên phòng

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của hoạt động kiểm soát xuất, nhập cảnh, thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các đội biên phòng đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; xác định chủ trương biện pháp lãnh đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh. Công tác tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao: kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện xuất, nhập cảnh góp phần phát hiện, đấu tranh xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật và nguyên tắc, thể lệ xuất, nhập cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực được phân công phụ trách; hướng dẫn, giúp đỡ các đối tượng thực hiện đúng quy trình, thủ tục, chấp hành nghiêm pháp luật và nguyên tắc, thể lệ khi xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu. Các hoạt động nghiệp vụ quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh của các đồn góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở cửa khẩu.

Trong năm 2024, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các ngành thực hiện thủ tục xuất, nhập cảnh cho gần 26 triệu người cùng 2,5 triệu phương tiện với gần 600 triệu tấn hàng hóa; phát hiện, xử lý 161 đối tượng tạm hoãn xuất cảnh, 29 đối tượng truy nã; 48 vụ/66 đối tượng hình sự, xử lý vi phạm hành chính 2.020 vụ/4.502 đối tượng vi phạm các quy định về xuất, nhập cảnh. Trong đó: các đồn biên phòng và công an đã phối hợp phát hiện kịp thời 31 vụ/39 đối tượng cấm nhập cảnh, 46 vụ/64 đối tượng chưa được phép xuất cảnh1.

Phối hợp với hải quan tại cửa khẩu đường bộ đã phát hiện, bắt giữ 7.111 vụ/16.524 đối tượng, thu giữ gần 1,3 tấn ma túy các loại; tạm giữ hàng hóa trị giá hơn 137 tỷ đồng; bắt giữ 19 vụ/54 đối tượng mua bán người, giải cứu, tiếp nhận 34 nạn nhân; thu giữ 43 khẩu súng các loại, 862 viên đạn, 486 kg thuốc nổ; xử lý 1.743 vụ/7.503 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép; khởi tố 730 vụ/1.024 đối tượng, xử lý vi phạm hành chính 3.846 vụ/9.760 đối tượng, thu nộp ngân sách hơn 49 tỷ đồng2.

Các đồn biên phòng đã cùng với lực lượng chức năng của nước láng giềng phối hợp, xử lý tổng số 518 vụ với 4.436 người xuất, nhập cảnh trái phép. Cụ thể, nhập cảnh 200 vụ với 746 người; xuất cảnh 15 vụ với 36 người; trục xuất 45 vụ với 141 người; lực lượng chức năng của nước láng giềng trao trả cho Việt Nam tiếp nhận 214 vụ với 3.371 người; Việt Nam trao trả cho lực lượng chức năng của nước láng giềng tiếp nhận 44 vụ với 142 người3.

Tuy nhiên, công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh còn có một số hạn chế, đó là: “Việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (Nghị quyết số 387-NQ/ĐU ngày 13/3/2022) ở một số đơn vị cửa khẩu còn chậm, chưa cụ thể. Công tác nắm, báo cáo tình hình, vụ việc xảy ra tại cửa khẩu của một số đơn vị cửa khẩu chậm, chưa kịp thời gây khó khăn cho công tác chỉ huy chỉ đạo. Một số đơn vị cửa khẩu duy trì thực hiện công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh chưa nghiêm, cán bộ làm công tác cửa khẩu chưa tuân thủ đúng quy trình thủ tục, kiểm tra và giám sát biên phòng, để xảy ra vi phạm kỷ luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”4.

Việc tổ chức, bố trí lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh ở các đồn còn có lúc, có nơi chưa thật sự hợp lý. Lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, kiểm soát trạm biên phòng cửa khẩu còn thiếu về số lượng và chất lượng. Việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh ở các đồn vẫn còn tình trạng chưa đúng với chuyên ngành đào tạo.Việc tổ chức thu thập, nghiên cứu, tổng hợp tình hình, tham mưu, đề xuất chủ trương, đối sách giải quyết các vấn đề có liên quan đến công tác quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh còn hạn chế và thực hiện chưa thường xuyên. Quá trình thực hiện các hoạt động nghiệp vụ quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Việc trao đổi các dữ liệu về hoạt động xuất, nhập cảnh giữa các đồn biên phòng với trung tâm chỉ huy xuất, nhập cảnh trực thuộc Phòng Cửa khẩu, Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng còn chậm. Việc cải cách thủ tục hành chính trong quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh chưa được thực hiện tốt.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, đó là: 

Khu vực cửa khẩu là địa bàn nhạy cảm, phức tạp về an ninh chính trị- trật tự xã hội; mặt trái của cơ chế thị trường, những vấn đề an ninh phi truyền thống thường xuyên tác động ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng và điều kiện công tác của cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu. 

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của cấp ủy, chỉ huy ở một số đồn biên phòng cửa khẩu chưa quyết liệt, thường xuyên; chưa chủ động, khoa học; thiếu nhạy bén, kịp thời. 

Hiện ở các đồn biên phòng cửa khẩu quân số biên chế còn thiếu, nhất là nhân viên kỹ thuật nghiệp vụ. Công tác đào tạo, huấn luyện tại chức chưa được cấp ủy, chỉ huy đơn vị quan tâm đúng mức. Một số ít cán bộ, nhân viên làm công tác cửa khẩu chưa tích cực nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ; thiếu ý thức tu dưỡng rèn luyện về đạo đức, lối sống, về ý thức tổ chức kỷ luật, dẫn đến vi phạm kỷ luật.

Bên cạnh đó, về trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tại cửa khẩu còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa trong công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh5.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát xuất, nhập cảnh của đồn biên phòng hiện nay

Trước yêu cầu phát triển đất nước, hệ thống các cửa khẩu tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, phát triển theo hướng đồng bộ, thống nhất, văn minh, hiện đại; công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh đước trước yêu cầu ngày càng cao về đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa trong công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh, tuân thể các cam kết quốc tế trong lĩnh vực lưu thông xuất, nhập cảnh, xuất nhập khẩu; công tác quản lý, bảo vệ an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và những thách thức an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới cũng đã đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh của Bộ đội Biên phòng6. Để nâng cao hiệu quả kiểm soát xuất, nhập cảnhcủa đội biên phòng, cần tiến hành một số nội dung, biện pháp sau đây:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên trực tiếp kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu.

Nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới nói chung và kiểm soát xuất, nhập cảnh nói riêng. Mỗi cán bộ, nhân viên nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh trong tình hình mới; nâng cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức nghề nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ. Bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cả về chính trị, nghiệp vụ và pháp luật; bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm soát xuất, nhập cảnh, bảo đảm cho cán bộ, nhân viên có trình độ, năng lực chuyên môn vững vàng trong, đáp ứng nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy đối với hoạt động kiểm soát xuất, nhập cảnh của đồn biên phòng.

Cấp ủy đảng, chỉ huy phải thường xuyên quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương, chính sách xuất, nhập cảnh. Tăng cường công tác chỉ huy, chỉ đạo và tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện kiểm soát xuất, nhập cảnh hợp lý, khoa học nhằm thực hiện có hiệu quả hoạt động. Duy trì thường xuyên, chặt chẽ chế độ kiểm tra, đôn đốc và sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm về hoạt động kiểm soát xuất, nhập cảnh; chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch huấn luyện, đặc biệt, mời chuyên gia về tập huấn hoặc đề nghị cấp trên mở các lớp, các khóa huấn luyện nghiệp vụ để nâng cao nhận thức, kiến thức nghiệp vụ kiểm soát trong tình hình mới.

Thứ ba, vận dụng linh hoạt các biện pháp công tác biên phòng trong kiểm soát xuất, nhập cảnh của đồn biên phòng.

Tăng cường chỉ đạo thực hiện hoạt động quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh đối với các đối tượng theo đúng nội dung, quy trình; kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng, cấp, thu hồi các loại giấy tờ, tạo thuận lợi, thông thoáng cho các đối tượng xuất, nhập cảnh; kiểm tra, giám sát chặt chẽ người, phương tiện xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, trực tiếp hoặc bàn giao cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, nguyên tắc, thể lệ xuất, nhập cảnh theo đúng quy định của pháp luật. 

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia giúp đỡ Bộ đội Biên phòng thực hiện hoạt động quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh. Tăng cường chỉ đạo làm tốt việc thu thập tin tức, nắm chắc tình hình có liên quan nhằm dự báo khách quan, chính xác về hoạt động xuất, nhập cảnh để chủ động tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện thực hiện hoạt động quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh có hiệu quả. Tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện để thực hiện các hoạt động tuần tra, quan sát, canh gác, bảo vệ an ninh khu vực cửa khẩu, các mục tiêu bảo vệ và an toàn cho các đối tượng xuất, nhập cảnh. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để duy trì hoạt động xuất, nhập cảnh cho các loại đối tượng, giải quyết các vụ việc có liên quan đến biên giới, cửa khẩu. Tăng cường đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm soát xuất, nhập cảnh vững mạnh.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Bộ đội Biên phòng cần tiếp tục quán triệt nghiêm túc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 387-NQ/ĐU ngày 13/3/2022 của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác cửa khẩu và xây dựng lực lượng cửa khẩu vững mạnh, chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ làm nhiệm vụ xuất, nhập cảnh một cách chính xác. Xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức theo yêu cầu, nhiệm vụ. Tổ chức tốt công tác huấn luyện tại đơn vị để trang bị thêm những tri thức mới; nhất là trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng khai thác, sử dụng các loại trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại được trang cấp phục vụ cho hoạt động. Tổ chức tập huấn và triển khai thực hiện chiến lược về công tác đào tạo cán bộ, nhân viên cửa khẩu.

Việc bố trí cán bộ phải theo chuyên ngành được đào tạo, ưu tiên bố trí người có kinh nghiệm ở những vị trí trọng điểm. Số cán bộ trẻ cần được bố trí xen kẽ với những cán bộ có kinh nghiệm công tác, bảo đảm có số lượng phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu.

Tập trung rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh, trong đó tập trung nghiên cứu thủ tục biên phòng đối với người, phương tiện. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định mới đối với người, phương tiện ra, vào và hoạt động trong khu vực cửa khẩu cho phù hợp với quy định hiện hành. Quy định công khai thủ tục biên phòng ở cửa khẩu và niêm yết bằng tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng nước láng giềng để các đối tượng tham gia xuất, nhập cảnh nắm vững các quy định, tự giác chấp hành. Rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công tác ở cửa khẩu để bố trí cho phù hợp. Cải cách lề lối làm việc, tác phong và phương pháp công tác, chấp hành Điều lệnh, Điều lệ và chế độ chính quy; tăng cường kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, pháp luật của cán bộ, nhân viên các đồn biên phòng.

Thứ sáu, đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm soát xuất, nhập cảnh.

Bên cạnh việc có kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ các trang bị kỹ thuật hiện có, cần đề nghị đầu tư mới các trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại; trang bị phục vụ kiểm tra, giám sát. Chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống máy tính kèm theo phần mềm quản lý xuất, nhập cảnh mới phục vụkiểm tra, đăng ký hộ chiếu giấy tờ; phát hiện các đối tượng cấm xuất, nhập cảnh; rút ngắn thời gian kiểm soát hộ chiếu, thời gian hoàn thành thủ tục. Khai thác sử dụng hệ thống máy tính và ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền, nhận dữ liệu giữa các cửa khẩu với Trung tâm Chỉ huy xuất, nhập cảnh Cục Cửa khẩu – Bộ đội Biên phòng nhằm bảo đảm hoạt động kiểm soát xuất, nhập cảnh nhanh chóng, chính xác và đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ, pháp luật. Trang bị cho cửa khẩu hệ thống máy tính, phần mềm quản lý xuất, nhập cảnh và các trang bị kỹ thuật khác phục vụ kiểm soát xuất, nhập cảnh.

Thứ bảy, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan trong công tác quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh.

Tập trung rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản để kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập, trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, ký kết những văn bản mới quy định về công tác phối hợp giữa các lực lượng trong công tác quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường chỉ huy, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt việc xây dựng kế hoạch và tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phối hợp với các lực lượng có liên quan trong công tác quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh. Chủ động nắm chắc các yếu tố tình hình có liên quan đến công tác quản lý, kiểm soát để đưa ra những dự báo khách quan, khoa học; đồng thời, chủ động áp dụng hình thức, phương pháp phối hợp cho phù hợp nhằm phát huy cao nhất khả năng, tiềm lực của các lực lượng khi tham gia phối hợp. Trao đổi và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ theo chuyên ngành trong quá trình thực hiện các hoạt động nghiệp vụ quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu; phối hợp giải quyết có hiệu quả các vụ việc đột xuất xảy ra có liên quan đến công tác quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh. Tiến hành tốt việc sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác phối hợp trong công tác quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh.

4. Kết luận

Trong xu thế hội nhập hiện nay và những năm tiếp theo, tình hình đất nước ta tiếp tục ổn định. Các cửa khẩu tiếp tục sôi động, cần tập trung nhân lực và vật lực để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soátxuất, nhập cảnh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu của Bộ đội Biên phòng cần vận dụng linh hoạt, đồng bộ các giải pháp cho phù hợp với từng nhiệm vụ, thời gian, địa bàn cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý cửa khẩu nói chung, kiểm soát xuất, nhập cảnh nói riêng.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Bộ đội Biên phòng (2024). Báo cáo Tổng kết công tác Biên phòng năm 2024. Hà Nội, tr. 5.
5, 6. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (2022). Nghị quyết lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác cửa khẩu và xây dựng lực lượng cửa khẩu vững mạnh, chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hà Nội, tr. 4.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2018). Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
2. Bộ Quốc phòng (2023). Thông tư số 30/2023/TT-BQP ngày 12/4/2023 quy định tiêu chuẩn và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, nhân viên kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý.
3. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (2021). Chỉ thị số 173-CT/ĐU ngày 03/7/2021 về tăng cường giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng, bảo vệ nội bộ; chấn chỉnh, khắc phục tình vi phạm kỷ luật, pháp luật và bảo đảm an toàn trong Bộ đội Biên phòng.
4. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (2022). Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 84-NQ/ĐU ngày 07/3/2011 về nâng cao chất lượng công tác cửa khẩu của Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới.
5. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (2019). Nghị quyết số 820-NQ/ĐU ngày 05/7/2019 về xây dựng đội ngũ cán bộ Bộ đội Biên phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.