Nhu cầu được hỗ trợ tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

NCS. Hoàng Thị Hồng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Quanlynhanuoc.vn) Số liệu thống kê cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 98,7% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Do đó, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định là “chiến lược lâu dài, nhất quán và xuyên suốt trong chương trình hành động của Chính phủ, là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế” của quốc gia. Bài viết khái quát về tình hình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua; đồng thời, đánh giá nhu cầu hỗ trợ tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội hiện nay.

Từ khóa: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ tài chính, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, thể chế tổ chức và hoạt động.

1. Đặt vấn đề

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, chiếm tới 69,3%; doanh nghiệp nhỏ chiếm 24,5% và chỉ có khoảng 3,5% là doanh nghiệp vừa1. Do đó, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được xác định là chiến lược lâu dài, nhất quán và xuyên suốt trong chương trình hành động của Chính phủ, là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế của quốc gia.

Thực tế cho thấy, do đặc điểm của doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thiếu tài sản bảo đảm để vay vốn từ các ngân hàng thương mại nên hỗ trợ tài chính từ quỹ nhà nước giúp họ có nguồn vốn cần thiết mà không cần phải có tài sản thế chấp vững chắc. Do đó, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có hỗ trợ từ các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là rất cần thiết, không chỉ để giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động và phát triển bền vững mà còn để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia, tạo ra giá trị cho xã hội và cộng đồng.

2. Tình hình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam

(1) Khái niệm về doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tại Việt Nam, quy định về khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa có sự thay đổi trong gần 3 thập kỷ qua. Ngày 20/6/1998, Công văn số 681/CP-KTN của Chính phủ đã xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là những doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng và dưới 200 lao động. Sau 3 năm, trong bối cảnh đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó định nghĩa: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở sản xuất kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ VND hoặc số lao động trung bình hằng năm không quá 300 người”. 8 năm sau, để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong và ngoài nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 về trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay thế cho Nghị định số 90/2001/NĐ-CP; theo đó khái niệm về doanh nghiệp nhỏ và vừa “là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên)”.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật, xác định doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa theo các nguyên tắc chung sau: doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí: (1) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; (2) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được phân loại dựa trên các tiêu chí về quy mô vốn, số lượng lao động và khu vực, như sau:

(2) Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa đã góp phần quan trọng giải quyết những mục tiêu kinh tế – xã hội, được thể hiện thông qua các vai trò sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Khu vực này giữ vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định và thường xuyên cho một bộ phận lớn dân cư, góp phần ổn định chính trị xã hội. Doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn có đóng góp lớn vào GDP, là nơi thu hút lực lượng lao động xã hội rất hiệu quả. Ở Việt Nam, theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 31/12/2021, cả nước có 718.697 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97,4%, ước tính tổng số lao động trong khu vực này đạt hơn 5,3 triệu lao động, chiếm tỷ lệ 36,1% tổng số lao động của khu vực doanh nghiệp2. Năm 2022, kinh tế nước ta năm đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nổi bật là GDP ước tăng 8,02%, trong đó phải kể đến sự đóng góp quan trọng, tích cực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp, khu vực chiếm trên 60% GDP3. Với đặc tính phân bố rải rác, các doanh nghiệp này thường phân tán nên có thể bảo đảm cơ hội việc làm cho nhiều vùng địa lý và nhiều đối tượng lao động, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng chưa phát triển kinh tế; tạo nguồn thu nhập ổn định và thường xuyên cho một bộ phận lớn dân cư góp phần giảm bớt chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa các bộ phận dân cư, giữa các vùng, các địa phương; đồng thời, tạo ra sự phát triển tương đối đồng đều giữa các vùng.

Thứ hai, doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần quan trọng trong sử dụng các nguồn lực và phát huy các động lực còn tiềm ẩn trong xã hội.  

Với số lượng lớn, lại được phân bố tương đối rộng khắp các vùng, địa phương nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa đặc biệt có lợi thế trong huy động và sử dụng các nguồn tài chính phân tán và nhỏ lẻ trong dân cư, thu hút được một khối lượng lớn về vốn nhàn rỗi trong dân cư để kinh doanh. Khu vực doanh nghiệp này dễ dàng, nhanh chóng đổi mới thiết bị công nghệ nên dễ thích ứng với sự biến đổi thường xuyên của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại. Các doanh nghiệp với quy mô nhỏ có thể chuyển đổi mô hình kinh doanh một cách dễ dàng khi kinh tế biến động, có thể dễ dàng kinh doanh ở những vùng mà các doanh nghiệp lớn cho là ít lợi nhuận hoặc chi phí cơ hội cao; đồng thời, có nhiều thuận lợi trong khai thác các tiềm năng về trí tuệ, tay nghề tinh xảo, bí quyết nghề nghiệp, thu hút lao động nông thôn và phát huy lợi thế của từng vùng để phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, cũng theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, hiệu suất sử dụng lao động trong khu vực doanh nghiệp tăng từ 14,4 lần vào năm 2016, lên 16,83 lần vào năm 2021, trong đó lĩnh vực dịch vụ có hiệu suất sử dụng lao động cao nhất. Tính về quy mô, doanh nghiệp quy mô vừa có hiệu suất sử dụng lao động cao nhất với 18,54 lần vào năm 2021, tiếp đến là doanh nghiệp có quy mô lớn đạt 17,47 lần5.

Thứ ba, doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị hoặc dây chuyền công nghệ của các tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới. Xu hướng thành công hai bên cùng có lợi và đồng tăng trưởng giữa các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng phát triển mạnh mẽ, không chỉ giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các tập đoàn kinh tế lớn trong phạm vi một quốc gia mà còn mở rộng ra phạm vi quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa với ưu điểm là quy mô vốn nhỏ, dễ thành lập và thích ứng cao với những biến động của nền kinh tế tham gia hoạt động không chỉ ở đồng bằng mà còn dễ dàng hoạt động ở các địa bàn khó khăn hơn như vùng núi, nông thôn… Trước đây, các ngành nghề sản xuất kinh doanh đều do khu vực kinh tế quốc doanh đảm nhận. Hiện nay, trừ một số ít các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quốc doanh đều tham gia với mức độ ngày càng lớn. Trong đó, một số ngành nghề đã chiếm tỷ trọng khá cao (sản xuất lương thực, thực phẩm, bán lẻ hàng hóa, hàng tiêu dùng, nuôi trồng thủy sản…). Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phát triển mạnh, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế góp phần chuyển dịch ngành kinh tế.

(3) Quá trình phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Một điểm mốc nổi bật trong lịch sử phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam là thời điểm năm 2001, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là văn bản pháp lý chính thức đầu tiên dành toàn bộ nội dung để quy định trực tiếp về các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kể từ năm 2001 đến năm 20086, cả nước có 310.112 doanh nghiệp được thành lập mới, gấp khoảng 5 lần số lượng doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh của giai đoạn 1991- 2000. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân (trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) chiếm 47% GDP năm 2008, tạo ra 50,2% việc làm của toàn nền kinh tế. Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực tư nhân trong tổng vốn đầu tư xã hội tăng lên hơn 40% năm 2008. Đã có sự chuyển dịch rõ rệt về cơ cấu ngành nghề của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn này. Các khu vực có tốc độ tăng trưởng cao như dịch vụ tài chính, phần mềm và các lĩnh vực kinh doanh đa dạng hơn đã thu hút sự dịch chuyển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tăng đáng kể doanh thu thuần của trong giai đoạn này, “từ 203.155 tỷ năm 2000 lên 2.973.456 tỷ năm 2008”7.

Sự ra đời của Nghị định số 56/2009/NĐ- CP, ngày 30/6/2009 với thay đổi lớn về khái niệm về doanh nghiệp nhỏ và vừa và chính sách hỗ trợ khu vực này so với Nghị định số 90/2001/NĐ-CP. Đặc biệt, đây là văn bản quy phạm pháp luật tầm Nghị định đầu tiên có chủ trương hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các Quỹ tài chính nhà nước. 17 năm sau, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, đánh dấu bước tiến quan trọng trong lịch sử phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Đây là bộ luật đầu tiên quy định đồng bộ, thống nhất về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn bộ quá trình phát triển từ khởi nghiệp, phát triển ổn định đến tăng tốc, tái cấu trúc.

Trải qua hơn 3 thập kỷ triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, số lượng và chất lượng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Tính đến thời điểm 31/12/2023, cả nước có 921.372 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, khu vực dịch vụ tập trung nhiều doanh nghiệp đang hoạt động nhất, có 628.036 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 68,2% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước8. Tiếp đó là khu vực công nghiệp và xây dựng, có 281.177 doanh nghiệp, chiếm 30,5% với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là điểm sáng của khu vực do số lượng doanh nghiệp chiếm số đông và tốc độ tăng cao nhất. Còn lại là khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản  với 12.159 doanh nghiệp, chỉ chiếm 1,3% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước9. Từ năm 2009 đến nay, số lượng các doanh nghiệp đăng ký mới cũng đã tăng gấp đôi. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2009 có 84.531 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đến năm 2023 có 159.294 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới10.

Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 31/12/2022, cả nước có 735.455 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, trong đó số doanh nghiệp nhỏ và vừa là 715,179 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 97,2%. Doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ luôn là khu vực có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất, với 493.246 doanh nghiệp siêu nhỏ, chiếm 67,1% số doanh nghiệp của cả nước (trong đó: doanh nghiệp kinh doanh có lãi chiếm 34,5%, doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn chiếm 12,1%, doanh nghiệp kinh doanh lỗ chiếm 53,4%); 194.217 doanh nghiệp nhỏ, chiếm 26,4% (trong đó: doanh nghiệp kinh doanh có lãi chiếm 63,2%, doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn chiếm 1%, doanh nghiệp kinh doanh lỗ chiếm 35,8%). Số lượng doanh nghiệp quy mô vừa 27.716 doanh nghiệp, chiếm 3,8% (trong đó: doanh nghiệp kinh doanh có lãi chiếm 71,5%, doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn chiếm 0,5%, doanh nghiệp kinh doanh lỗ chiếm 28%). Bình quân so với giai đoạn 2016-2020, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ tăng 21,5%; doanh nghiệp nhỏ tăng 15,8% và doanh nghiệp vừa tăng 25,9%11.

(4) Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng nguồn vốn huy động của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh đạt 59,1 triệu tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng thời điểm 2016. Quy mô nguồn vốn bình quân một doanh nghiệp cả nước năm 2022 đạt 80,4 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 4,7 lần so mức vốn bình quân năm 2009 là 16,9 triệu đồng12.

Doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút nguồn vốn lớn nhất với 35,3 triệu tỷ đồng, chiếm 59,7% vốn của toàn khu vực doanh nghiệp. Khu vực này phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm số đông nên có quy mô nguồn vốn khá nhỏ so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ đạt 49,7 tỷ đồng/doanh nghiệp. Doanh nghiệp siêu nhỏ thu hút 5,2 triệu tỷ đồng, chiếm 8,9%; doanh nghiệp nhỏ thu hút 6,8 triệu tỷ đồng, chiếm 11,5% và doanh nghiệp vừa thu hút 4,5 triệu tỷ đồng, chiếm 7,7%. Bình quân giai đoạn 2021-2022 so với giai đoạn 2016-2020, tốc độ thu hút vốn của doanh nghiệp quy mô vừa tăng 54,6%, doanh nghiệp nhỏ tăng 44% và doanh nghiệp siêu nhỏ tăng 29,8%13.

Nhu cầu vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất lớn. Phần lớn vốn tự có của các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tạo ra từ vốn riêng của chủ doanh nghiệp, vốn góp của bạn bè, cổ đông, họ hàng. Nguồn vốn này chỉ chiếm 5-10% vốn luân chuyển của doanh nghiệp. Vốn chủ sở hữu bình quân một doanh nghiệp nhỏ và vừa là  5,5 tỷ đồng năm 2009 với tốc độ tăng của các năm 2010, 2011, 2013 lần lượt là 13,36%; 18,46%; 10,34%14, cho thấy khả năng tự tài trợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa không cao.

Số liệu điều tra năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, quy mô doanh nghiệp càng lớn thì tỷ lệ vốn chủ sở hữu càng giảm; cụ thể là tỷ lệ vốn chủ hữu của doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 55,3% tổng nguồn vốn, của doanh nghiệp nhỏ là 42,1% và doanh nghiệp vừa là 34,5%15. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu tăng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhu cầu huy động các nguồn vốn từ bên ngoài, trong đó có nguồn vốn hỗ trợ từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là rất lớn.  

3. Hỗ trợ tài chính là động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hỗ trợ tài chính là việc chủ thể (nhà nước, tư nhân) dùng nguồn lực của mình (tiền, hiện vật) để cung cấp cho đối tượng hỗ trợ, sử dụng các công cụ hỗ trợ (như quy định, quy chế, bộ máy thực hiện) để điều chỉnh các mối quan hệ này diễn ra theo đúng định hướng và mục tiêu của chủ thể đặt ra. Qua nghiên cứu các bài viết và công trình nghiên cứu đi trước, có thể khái quát khái niệm về Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là việc nhà nước dùng ngân sách nhà nước hoặc các nguồn tài chính ngoài ngân sách cung cấp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; sử dụng các công cụ quản lý (như các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, quy chế) và bộ máy tổ chức để triển khai các hoạt động hỗ trợ, nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra”.

Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, xét trên các góc độ sau:

Một là, xuất phát từ vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vào nền kinh tế. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là nguồn cung cấp việc làm chính cho một phần lớn dân số. Hỗ trợ tài chính giúp các doanh nghiệp này duy trì và mở rộng quy mô, từ đó tạo thêm việc làm. Đồng thời, doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn đóng góp lớn vào GDP quốc gia nên việc cung cấp tài chính sẽ kích thích sản xuất, tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Hai là, do đặc điểm của doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thiếu tài sản bảo đảm để vay vốn từ các ngân hàng thương mại nên hỗ trợ tài chính từ quỹ nhà nước giúp họ có nguồn vốn cần thiết mà không cần phải có tài sản thế chấp vững chắc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể gặp khó khăn trong việc chi trả lãi suất cao từ các nguồn tài chính truyền thống, việc hỗ trợ tài chính với lãi suất thấp giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí tài chính.

Ba là, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo và công nghệ. Hỗ trợ tài chính sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như đổi mới sáng tạo, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Tài chính hỗ trợ cho việc nâng cấp công nghệ, cải thiện quy trình sản xuất, từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả.

Bốn là, hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường khả năng cạnh tranh, nâng cao năng lực quản lý và mở rộng thị trường. Hỗ trợ tài chính có thể đi kèm với chương trình đào tạo, tư vấn quản lý, giúp tăng cường năng lực cho chủ doanh nghiệp và đội ngũ nhân viên. Có nguồn lực tài chính sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng thị trường, tiếp cận đối tác mới và nâng cao sản phẩm thông qua cải tiến chất lượng.

Năm là, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo đảm phát triển bền vững và giảm thiểu rủi ro. Hỗ trợ tài chính có thể tập trung vào các dự án sản xuất thân thiện với môi trường, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững; có thể được sử dụng cho các chương trình phát triển kỹ năng, tạo nên một lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng chống đỡ tốt hơn trước các rủi ro và biến động của thị trường, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn như đại dịch hay suy thoái kinh tế.

Sáu là, thông qua hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nhà nước có thể triển khai chính sách khuyến khích các lĩnh vực ưu tiên, phát triển các lĩnh vực chiến lược. Chính phủ có thể sử dụng nguồn tài chính từ các quỹ để khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa trong những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, du lịch bền vững giúp định hình phát triển kinh tế theo hướng tích cực.

4. Kết luận

Để có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì một trong những giải pháp quan trọng là hỗ trợ tài chính và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho doanh nghiệp. Việc cung ứng vốn kịp thời và đầy đủ sẽ là nền tảng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động ổn định, chủ động nắm bắt và tận dụng các cơ hội phát triển, nâng cao năng lực đổi mới và tham gia vào các thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Qua đó, tăng cường quy mô đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa cho tăng trưởng kinh tế quốc gia, tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao đời sống kinh tế – xã hội. Đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng, tạo động lực để các doanh nghiệp từ khu vực phi chính thức sang hoạt động tại khu vực chính thức, gia tăng số lượng doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa trong nền kinh tế.

Chú thích:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023). Báo cáo thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2, 3, 4, 5. Tổng cục Thống kê (2021, 2022, 2023). Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam.
6, 7, 14. Số liệu về doanh nghiệp. https://www.gso.gov.vn/doanh-nghiep.
8, 9, 10, 11, 12, 13, 15. Tổng cục Thống kê (2024). Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Wold Bank (2018). Improving accesss to Finance for SMEs.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019, 2020, 2021, 2022). Báo cáo tình hình thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3. Tổng cục Thống kê (2009). Kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam phân theo ngành kinh tế VSIC.