ThS. Cao Thị Thanh Loan
Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, việc hoàn thiện khung pháp lý về trọng tài thương mại quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Bài báo tập trung phân tích thực trạng pháp luật về trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam, đánh giá sự tương thích với các Điều ước quốc tế và thông lệ quốc tế. Nghiên cứu chỉ ra những bất cập trong khung pháp lý hiện hành về trọng tài thương mại quốc tế ở Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về trọng tài thương mại quốc tế, từ quy định về thẩm quyền, trọng tài viên đến cơ chế thi hành phán quyết nhằm nâng cao hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp này, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Từ khóa: Hoàn thiện, khung pháp lý, trọng tài thương mại quốc tế, hiệp định thương mại, điều ước quốc tế, thông lệ quốc tế.
1. Đặt vấn đề
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng về trọng tài thương mại. Từ năm 1995, Việt Nam đã chính thức gia nhập Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, đánh dấu bước đi quan trọng trong việc công nhận và thực thi các phán quyết trọng tài quốc tế. Việc gia nhập Công ước này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm hiệu lực của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2024 đã có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với việc gia nhập WTO từ năm 2006 và các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, RCEP1.
2. Thực trạng pháp luật về trọng tài thương mại quốc tế của Việt Nam với các điều ước quốc tế
Theo số liệu từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến tháng 10/2024, Việt Nam đã ký kết và có 17 hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreemen – FTA) có hiệu lực (Bảng 1)2.
Bảng 1. Danh sách FTA có hiệu lực tính đến tháng 10/2024
STT | FTA | Hiện trạng | Đối tác |
1 | AFTA | Có hiệu lực từ 1993 | ASEAN |
2 | ACFTA | Có hiệu lực từ 2003 | ASEAN, Trung Quốc |
3 | AKFTA | Có hiệu lực từ 2007 | ASEAN, Hàn Quốc |
4 | AJCEP | Có hiệu lực từ 2008 | ASEAN, Nhật Bản |
5 | VJEPA | Có hiệu lực từ 2009 | Việt Nam, Nhật Bản |
6 | AIFTA | Có hiệu lực từ 2010 | ASEAN, Ấn Độ |
7 | AANZFTA | Có hiệu lực từ 2010 | ASEAN, Australia, New Zealand |
8 | VCFTA | Có hiệu lực từ 2014 | Việt Nam, Chi Lê |
9 | VKFTA | Có hiệu lực từ 2015 | Việt Nam, Hàn Quốc |
10 | VN – EAEU FTA | Có hiệu lực từ 2016 | Việt Nam, Nga, Belarus, Amenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan |
11 | CPTPP (Tiền thân là TPP) | Có hiệu lực từ 30/12/2018, có hiệu lực tại Việt Nam từ 14/01/2019 | Việt Nam, Canada, Mexico, Peru, Chi Lê, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia, Vương quốc Anh (ký Nghị định thư gia nhập ngày 16/7/2023) |
12 | AHKFTA | Có hiệu lực tại Hong Kong (Trung Quốc), Lào, Myanmar, Thái Lan, Singapore và Việt Nam từ 11/06/2019 Có hiệu lực đầy đủ với toàn bộ các nước thành viên từ ngày 12/02/2021. | ASEAN, Hong Kong (Trung Quốc) |
13 | EVFTA | Có hiệu lực từ 01/8/2020 | Việt Nam, EU (27 thành viên) |
14 | UKVFTA | Có hiệu lực tạm thời từ 01/01/2021, có hiệu lực chính thức từ 01/5/2021 | Việt Nam, Vương quốc Anh |
15 | RCEP | Có hiệu lực từ 01/01/2022 | ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand |
16 | VIFTA | Khởi động đàm phán tháng 12/2015. Hoàn tất đàm phán tháng 4/2023. Chính thức ký kết ngày 25/7/2023 | Việt Nam, Israel |
17 | Việt Nam – UAE FTA | Ký kết ngày 28/10/2024 | Việt Nam, các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) |
Đặc biệt, các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đều có những quy định tiên tiến về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, bao gồm cả trọng tài thương mại và trọng tài đầu tư. Những cam kết này không chỉ thể hiện xu hướng hội nhập của Việt Nam mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc hoàn thiện khung pháp lý trong nước để bảo đảm tính tương thích với các chuẩn mực quốc tế.
Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tham khảo Luật mẫu UNCITRAL về trọng tài thương mại quốc tế, thể hiện nỗ lực hài hòa hóa pháp luật với chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng cho thấy vẫn còn nhiều điểm chưa tương thích cần được xem xét và điều chỉnh. Việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết tranh chấp về đầu tư, kinh doanh và thương mại, phù hợp với Luật mẫu UNCITRAL và thông lệ quốc tế về trọng tài thương mại.
Về phạm vi áp dụng, Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa trọng tài trong nước và trọng tài quốc tế như Luật mẫu UNCITRAL. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng các quy định phù hợp cho từng loại tranh chấp.
Về thỏa thuận trọng tài, pháp luật Việt Nam đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn về hình thức và nội dung của thỏa thuận trọng tài so với thông lệ quốc tế. Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định thỏa thuận trọng tài phải được lập thành văn bản và có nhiều điều kiện cụ thể về nội dung. Trong khi đó, Luật mẫu UNCITRAL và nhiều quốc gia đã chấp nhận hình thức thỏa thuận trọng tài linh hoạt hơn, bao gồm cả thỏa thuận điện tử.
Về thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, quy trình công nhận và cho thi hành tại Việt Nam còn phức tạp và kéo dài. Thời gian trung bình để xem xét một đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài là 6 – 8 tháng, cao hơn nhiều so với mức trung bình 3 – 4 tháng của các nước trong khu vực.
– Quy định về thẩm quyền của trọng tài: Thực tiễn áp dụng pháp luật về trọng tài thương mại tại Việt Nam cho thấy nhiều bất cập trong quy định về thẩm quyền của trọng tài. Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2019 – 2022, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tiếp nhận 1.057 vụ tranh chấp3.

Con số nêu trên phản ánh những khó khăn trong việc xác định và thực thi thẩm quyền của trọng tài, đó là:
Một là, khung pháp lý hiện hành thiếu những quy định rõ ràng về phạm vi tranh chấp có thể giải quyết bằng trọng tài. Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 chỉ đưa ra một danh mục các hoạt động được coi là thương mại mà không xác định rõ các tiêu chí để phân định phạm vi thẩm quyền của trọng tài. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc phải chuyển sang tòa án giải quyết do không xác định được rõ có thuộc thẩm quyền của trọng tài hay không, đặc biệt là đối với các tranh chấp phức tạp có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau.
Hai là, việc thiếu hướng dẫn cụ thể về cách xác định tính “thương mại” của tranh chấp tạo ra nhiều khó khăn trong thực tiễn. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, khi xuất hiện nhiều loại giao dịch và mô hình kinh doanh mới mà tính chất thương mại của chúng không dễ xác định theo các tiêu chí truyền thống.
Ba là, pháp luật hiện hành còn thiếu những quy định đầy đủ về thẩm quyền của trọng tài trong việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Mặc dù Điều 49 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có đề cập đến vấn đề này, nhưng việc thực thi các biện pháp khẩn cấp tạm thời vẫn phụ thuộc nhiều vào sự can thiệp của tòa án. Điều này làm giảm đáng kể tính hiệu quả và kịp thời của việc bảo vệ quyền lợi các bên trong quá trình tố tụng trọng tài, đặc biệt trong các vụ việc có yếu tố quốc tế.
– Quy định về trọng tài viên: Các quy định về trọng tài viên trong khung pháp lý hiện hành bộc lộ nhiều điểm yếu đáng quan ngại. Trước hết, các yêu cầu về trình độ và kinh nghiệm của trọng tài viên chưa theo kịp thông lệ quốc tế. Trong khi các trung tâm trọng tài hàng đầu trong khu vực như SIAC (Singapore) hay HKIAC (Hồng Công) đặt ra những tiêu chuẩn cao về chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế, quy định của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào yêu cầu về thời gian hành nghề mà chưa chú trọng đến các yếu tố khác như kinh nghiệm xử lý các vụ việc quốc tế phức tạp hay khả năng ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, việc thiếu các quy định chi tiết về đạo đức nghề nghiệp và xung đột lợi ích là một điểm yếu nghiêm trọng. Mặc dù Điều 21 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có đề cập đến nguyên tắc độc lập, khách quan của trọng tài viên nhưng chưa có một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp cụ thể như các trung tâm trọng tài quốc tế. Việc thiếu các hướng dẫn chi tiết về việc xác định và xử lý xung đột lợi ích đã dẫn đến nhiều khó khăn trong thực tiễn, ảnh hưởng đến niềm tin của các bên vào tính công bằng của quá trình tố tụng trọng tài.
Việc chưa có cơ chế giám sát hiệu quả đối với hoạt động của trọng tài viên là một hạn chế lớn. Hiện nay chưa có quy định rõ ràng về việc đánh giá định kỳ năng lực của trọng tài viên cũng như cơ chế xử lý các vi phạm nghiêm trọng về đạo đức nghề nghiệp. Trong đó, có vụ việc phát sinh khiếu nại về tính độc lập, khách quan của trọng tài viên nhưng việc giải quyết các khiếu nại này còn gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý đầy đủ.
3. Một số giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về trọng tài thương mại quốc tế trong bối cảnh hội nhập
Thứ nhất, mở rộng phạm vi thẩm quyền.
Việc mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Thứ nhất, cần bổ sung quy định cho phép trọng tài giải quyết các tranh chấp liên quan đến đầu tư, phù hợp với xu hướng quốc tế và thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư. Theo báo cáo thường niên của ICSID, số lượng vụ việc tranh chấp đầu tư được đăng ký tại ICSID đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, phản ánh xu hướng ưu tiên lựa chọn phương thức trọng tài trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Việc làm rõ khái niệm “tranh chấp thương mại” theo hướng mở rộng là cần thiết để bao quát được nhiều loại tranh chấp phát sinh trong thực tiễn kinh doanh hiện đại. Định nghĩa này cần được xây dựng dựa trên Luật Mẫu UNCITRAL và thông lệ quốc tế, bao gồm cả các giao dịch thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới4.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả tố tụng trọng tài.
Trong xu hướng chuyển đổi số, việc bổ sung quy định về trọng tài trực tuyến là không thể thiếu. Theo khảo sát của Queen Mary University of London, việc bổ sung quy định về trọng tài trực tuyến là không thể thiếu, 79% người tham gia khảo sát đã sử dụng các nền tảng điều trần trực tuyến và 72% ủng hộ việc tiếp tục sử dụng công nghệ trực tuyến trong tương lai5. Về cơ chế phối hợp giữa trọng tài và tòa án, cần hoàn thiện quy định về hỗ trợ tư pháp, bao gồm việc thu thập chứng cứ, triệu tập nhân chứng và thực thi các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả là rào cản ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam
Thứ ba, bảo đảm tính độc lập, khách quan.
Quy định về công khai thông tin và xung đột lợi ích cần được chi tiết hóa theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Theo Hướng dẫn mới nhất của Hiệp hội Luật sư Quốc tế (IBA) về xung đột lợi ích trong trọng tài quốc tế năm 2024, việc công khai và quản lý xung đột lợi ích được quy định chặt chẽ thông qua hệ thống các danh mục chi tiết giúp xác định rõ các tình huống có thể dẫn đến xung đột lợi ích và cách thức xử lý phù hợp6.
Thứ tư, hoàn thiện khung pháp lý.
Nghiên cứu cho thấy, 12/15 nước ASEAN đã cập nhật luật trọng tài của mình trong 5 năm gần đây để đáp ứng các thách thức của kỷ nguyên số7. Để bảo đảm tính khả thi của các đề xuất sửa đổi, bổ sung, cần thực hiện đồng bộ việc rà soát và điều chỉnh các văn bản pháp luật liên quan. Cụ thể, cần sửa đổi Luật Trọng tài thương mại năm 2010 theo hướng hiện đại hóa và tuân thủ chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về trọng tài trực tuyến, thu thập chứng cứ điện tử và các vấn đề kỹ thuật khác.
Phát triển nguồn nhân lực là giải pháp then chốt để thực thi hiệu quả các sửa đổi. Cần xây dựng chương trình đào tạo toàn diện cho trọng tài viên, bao gồm kiến thức pháp luật, kỹ năng giải quyết tranh chấp và đạo đức nghề nghiệp. Đối với đội ngũ thẩm phán và cán bộ tòa án, cần tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về luật trọng tài và thực tiễn quốc tế.
Tăng cường hợp tác quốc tế, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các trung tâm trọng tài uy tín trên thế giới, tham gia các diễn đàn quốc tế về trọng tài và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu.
4. Kết luận
Hoàn thiện khung pháp lý về trọng tài thương mại quốc tế là nhiệm vụ cấp thiết của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về trọng tài cần được thực hiện toàn diện, có hệ thống, từ các vấn đề về thẩm quyền, trọng tài viên đến cơ chế thi hành phán quyết. Đồng thời, cần chú trọng bảo đảm tính tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Một số giải pháp đề xuất trong bài báo tập trung vào việc khắc phục những bất cập của khung pháp lý hiện hành, hướng tới xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Việc thực hiện các giải pháp này cần có lộ trình phù hợp, có sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức liên quan và sự học hỏi kinh nghiệm quốc tế.
Chú thích:
1, 2. Quốc hội (2024). Sửa đổi Luật Trọng tài thương mại đáp ứng yêu cầu phát triển cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.
2. Tổng hợp các FTA của Việt Nam tính đến tháng 10/2024. https://trungtamwto.vn/thong-ke/12065-tong-hop-cac-fta-cua-viet-nam-tinh-den-thang-112018, ngày 09/8/2023.
3. Tòa án hỗ trợ và thúc đẩy trọng tài thương mại để nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư phục vụ hội nhập kinh tế. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=82333, ngày 20/11/2023.
4. United Nations. “UNCITRAL Model Law on International Commercial Arbitration (1985), with amendments as adopted in, 2006”.
5. The School of International Arbitration (SIA), Queen Mary University of London, “2021 International Arbitration Survey: Adapting Arbitration to a Changing World”. https://www.qmul.ac.uk/arbitration/research/2021-international-arbitration-survey/.
6. International Bar Association. “IBA Guidelines on Conflicts of Interest in International Arbitration”, 2024.
7. Báo cáo nghiên cứu so sánh pháp luật về trọng tài thương mại trong khu vực ASEAN, 2023.