TS. Nguyễn Thị Thu Hà
Học viện Hành chính và Quản trị công
(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là hệ thống không gian mạng, các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng internet, mạng xã hội để phát tán nhiều loại thông tin sai trái, xuyên tạc, độc hại nhằm tác động tiêu cực đến tư tưởng, giảm lòng tin của cán bộ, Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Do vậy, nhận diện và có giải pháp đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một nhiệm vụ cấp thiết.
Từ khóa: Nhận diện, đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch.
1. Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thể lực thù địch trên không gian mạng
Thế kỷ XXI chứng kiến thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ đã tạo ra sự đa dạng các hình thái tương tác xã hội. Kể từ khi Việt Nam hòa mạng internet toàn cầu (ngày 01/12/1997), mọi thông tin được phổ biến rộng rãi, nhanh chóng; nhu cầu giao tiếp, liên lạc trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Vượt qua sự trở ngại của khoảng cách địa lý, dù ở bất kỳ đâu trên trái đất, chúng ta vẫn có thể trò chuyện trực tuyến, chia sẻ, trao đổi thông tin với âm thanh và hình ảnh sống động. Mỗi người dân Việt Nam có thể dễ dàng truy cập vào tất cả các website, tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới hay các trang cá nhân của mọi “công dân toàn cầu” mà không gặp phải bất cứ sự hạn chế, ngăn chặn, cấm đoán nào…; và tự do bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, lối sống, hành vi của mình.
Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị gia tăng các hoạt động chống phá, truyền tải, tán phát tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch. Âm mưu chiến lược của các thế lực thù địch là kiên trì, quyết liệt thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm phá hủy nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ định học thuyết Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ định mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, từ đó, làm suy yếu lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn, tạo tiền đề cho những kế hoạch can thiệp, bạo loạn, lật đổ chính quyền nhân dân. Chúng thúc đẩy các hoạt động chống phá một cách toàn diện, cả trực tiếp và gián tiếp, ở các cấp độ khác nhau, trên tất cả các lĩnh vực từ tư tưởng lý luận đến kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… nhằm hướng “lái” Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch không mới, nhưng tính chất, mức độ và phương thức thực hiện đã có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó có những phương diện thay đổi về chất, đặt biệt là hoạt động tổ chức, liên kết lực lượng chống phá đã bước sang giai đoạn mới, tiềm ẩn nguy cơ to lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự ổn định và phát triển của đất nước.
Không gian mạng (Facebook, Zalo, YouTube, Instagram, Linkedin, Zingme, Google…) phát triển mạnh mẽ, có ảnh hưởng rất lớn trong việc truyền tải thông tin, định hướng dư luận, tác động mạnh đến tư tưởng, nhận thức, quan điểm của người sử dụng mạng xã hội và đối với mọi mặt của đời sống xã hội hiện nay. Mạng xã hội nói riêng và internet nói chung là cơ hội để người dân được tiếp cận thông tin nhanh nhất và đa chiều. Tuy nhiên, do có tính mở và đặc trưng tự do, đa dạng, bình đẳng, nhiều khi xóa nhoà ranh giới giữa thực và ảo, không gian mạng đã và đang đem đến nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bởi nó đang là công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá nhằm chuyển hóa tư tưởng, chính trị; là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch chống đối, gieo rắc tư tưởng sùng bái quyền dân sự, quyền chính trị theo mô hình của phương Tây, phớt lờ các thành tựu của nước ta về dân chủ, về quyền con người đã được Liên Hiệp quốc và các tổ chức quốc tế khác công nhận.
Các thế lực thù địch đã lập ra hàng nghìn trang thông tin điện tử và tài khoản mạng xã hội giả mạo các cơ quan, ban, bộ, ngành trung ương và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước để tuyên truyền xuyên tạc, tung tin thất thiệt, vu cáo, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao, phủ nhận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước – xu hướng này ngày càng trở lên trầm trọng; đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; gây mâu thuẫn nội bộ, chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Âm mưu, thủ đoạn của chúng thường xuyên thay đổi, đa dạng, tinh vi, xảo quyệt hơn, hoạt động chống phá trên cả diện rộng và chiều sâu, cả gián tiếp và trực tiếp, với mật độ dày đặc, nhất là trong dịp diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, những vấn đề nóng trên thế giới, khu vực, những vụ việc phức tạp, nhạy cảm được dư luận xã hội quan tâm, tác động đến đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Chúng triệt để sử dụng internet, mạng xã hội và một số hãng truyền thông không thiện chí với Việt Nam, như: RFI, RFA, VOA, BBC, kênh YouTube, trang Facebook để phát động hàng trăm chiến dịch chống phá, đồng thời đẩy mạnh đăng tải, tán phát tin, bài, video xấu, độc, bóp méo, xuyên tạc, cắt ghép, suy diễn, quy chụp vô căn cứ; dàn dựng công phu, tỉ mỉ, tạo dựng một số trang chuyên bàn về nghị quyết Ðại hội XIII của Đảng trên các nền tảng website, YouTube, Facebook, TikTok, triệt để lợi dụng hình thức livestream để tổ chức giao lưu trực tuyến với một số đối tượng chuyên chống phá Việt Nam ở nước ngoài. Với chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, cắt ghép, dàn dựng công phu từ những điều không có thật nhưng được lặp đi lặp lại nhiều ngày, nhiều lần nhiều người cùng nói khiến cho người đọc, người xem dễ nảy sinh suy diễn lệch lạc, méo mó nhằm chia rẽ đoàn kết nội bộ, hạ thấp uy tín cán bộ lãnh đạo cấp cao, làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, chế độ.
Công nghệ cốt lõi của an ninh mạng nước ta còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với hệ thống thông tin, an ninh tư tưởng. Mục tiêu tấn công là các hệ thống thông tin quan trọng, như: chính phủ điện tử, hệ thống điều khiển giao thông đường bộ, đường hàng không, cung cấp điện, nước, điều khiển nông nghiệp công nghệ cao, các sân bay, nhà ga, bến cảng, ngân hàng… nhằm thu thập, lấy cắp thông tin, dữ liệu; nhằm chiếm quyền điều khiển máy tính, thiết bị số, truy cập bất hợp pháp vào hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chiếm quyền điều khiển từ xa, thay đổi giao diện website hoặc cơ sở dữ liệu… Sử dụng các mạng xã hội để tán phát các thông tin, tài liệu sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền kích động quần chúng, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, kích động biểu tình, phá rối an ninh. Các hoạt động khủng bố mạng, gián điệp mạng, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước thông qua mạng xã hội sẽ có những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng.
2. Một số giải pháp đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Thứ nhất, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thông tin, tuyên truyền về an ninh tư tưởng nói riêng và an ninh quốc gia nói chung. Đây điều kiện tiên quyết về chính trị để bảo đảm an ninh tư tưởng, bảo đảm phát triển hòa bình và có trật tự của đất nước. Trên không gian mạng xã hội, Đảng cần tăng cường định hướng, hướng dẫn những người tham gia mạng xã hội từ tổ chức, tuyên truyền và thực hành để hệ tư tưởng chủ nghĩa xã hội chiếm địa vị chủ đạo.
Các phương tiện báo chí,truyền thông chính thống của Đảng phải đóng một vai trò quan trọng trong công tác tư tưởng trên mạng xã hội, góp phần làm sáng tỏ sự tốt đẹp trong mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cách mạng thời kỳ mới. Phản bác kịp thời những tư tưởng sai trái trên mạng xã hội; kiên quyết kiểm soát các thông tin xuyên tạc lịch sử Đảng, đất nước, quân đội và phủ nhận vai trò của Đảng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Thứ hai, không ngừng giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về phương thức, thủ đoạn và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước trên không gian mạng; kịp thời cập nhật, cung cấp thông tin chính thống về các vấn đề, vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm để cho người dân dễ dàng tiếp cận, đối chiếu, kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị.
Thường xuyên giáo dục, quán triệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục tiêu, quan điểm và các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và phát huy vai trò của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch; tăng cường niềm tin vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và các nguyên tắc xây dựng Đảng… Đồng thời, tăng cường các biện pháp công tác quản lý đảng viên, quản lý cán bộ, thường xuyên thực hiện giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, người lao động; quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng mạng xã hội của cán bộ, đảng viên, chủ động trong công tác cập nhật, tiếp cận, xử lý thông tin.
Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải không ngừng tự nghiên cứu, học tập, trau dồi nhận thức, bản lĩnh chính trị, nâng cao “sức đề kháng” trước những tư tưởng lệch lạc, quan điểm sai trái, thù địch, không để mình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bị lôi kéo, mua chuộc; hãy là người sử dụng mạng xã hội thông minh, nhận diện và đẩy lùi thông tin xấu, độc, tin sai sự thật, góp phần tuyên truyền, nhân rộng những thông tin tích cực, chính thống trong cộng đồng mạng.
Thứ ba, phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực của hệ thống cơ quan chuyên trách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Giữ vững và phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực của hệ thống cơ quan chuyên trách, các cơ quan tuyên giáo, báo chí của Đảng; mở rộng các kênh, lực lượng thông tin rộng khắp, làm chủ không gian thông tin trong nước và không gian mạng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Có cơ chế chỉ đạo thông tin thống nhất, hiệp đồng thông tin đồng bộ, tác chiến thường trực, đa dạng, đa tuyến.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng”, Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới, Thông báo số 17-TB/VPTW ngày 23/8/2016 của Thường trực Ban Bí thư về biện pháp cấp bách bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng; đặc biệt là Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và tuyên truyền sâu rộng về những hành vi bị cấm trong Luật An ninh mạng, nhất là các hành vi sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống phá Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ tư, sử dụng hệ thống thông tin đại chúng, chính thống tuyên truyền “làm loãng” thông tin xấu, độc bằng xây dựng tuyến, luồng, vệt bài viết có thông tin tích cực hoặc trực diện phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch để liên tục phủ lên và tiến tới chiếm thế thượng phong trên không gian mạng, không gian các phương tiện truyền thông mới, truyền thông xã hội. Kết hợp hài hòa giữa lan tỏa phổ rộng thông tin với ngày càng coi trọng chiều sâu thông tin, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng hệ bài chuyên luận chuyên sâu bẻ gãy từ gốc những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch bằng lý luận, có hệ thống luận cứ, luận chứng chặt chẽ, tính thuyết phục cao giúp độc giả hiểu sâu, thấy rõ bản chất vấn đề, từ đó, có niềm tin khoa học vững chắc vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là phương thức đấu tranh có chiều sâu, căn cơ, kịp thời và chủ động ngăn chặn thủ đoạn chuyển hướng chống phá của các thế lực thù địch nhằm vào những vấn đề cốt lõi thuộc hệ tư tưởng và nền tảng lý luận của Đảng ta.
Thứ năm, lấy công tác dư luận xã hội trực tuyến làm trọng tâm hàng đầu của công tác tư tưởng, của hoạt động thông tin, tuyên truyền. Định hướng dư luận xã hội trên mạng xã hội phải có lập trường rõ ràng theo đường lối chính trị, định hướng tuyên truyền và định hướng giá trị đúng đắn. Giữ vững sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, lấy trọng tâm, trọng điểm là phục vụ sự phát triển của đất nước, gìn giữ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân; đồng thời, tăng cường đối thoại để làm sáng tỏ và phản bác những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu, “dắt mũi” dư luận với âm mưu chống phá đất nước của các thế lực thù địch.
3. Kết luận
Nhận diện để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch trên không gian mạng là một nhiệm vụ quan trọng, là cuộc chiến đầy khó khăn, phức tạp. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước với những thành tựu đã đạt được trong công tác này tiếp tục đạt những thành công trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng chính là góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đang xây dựng.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công an (2024). Học viện An ninh nhân dân: Bảo đảm an ninh thông tin trong kỷ nguyên 4.0. H. NXB Công an nhân dân,tr. 829.
2. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới – Bài 1: Cuộc đấu tranh gian khó và lâu dài. https://moha.gov.vn/nghi-quyet tw4/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang.
3. Carnes Lord (1989). “The Psychological Dimension in National Strategy”, in Carnes Lord and Frank R. Barnett, eds., Political Warfare and Psychological Operations: Rethinking the US Approach, Washington, D.C.: National Defense University Press, p.16.