Đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

ThS. Nguyễn Mạnh Cường
Tổng Công ty Thép Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Trên cơ sở đúc kết các kinh nghiệm từ một số quốc gia lớn và đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, một số quan điểm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước được đề xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước đổi mới, thực hiện tốt vai trò của mình, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững kinh tế – xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Đổi mới doanh nghiệp, nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp nhà nước, kinh nghiệm quốc tế.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam hiện nay đang áp dụng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó,doanh nghiệp nhà nước có vị trí và vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là công cụ để Đảng và Nhà nước thực hiện các chủ trương, chính sách. Kinh tế nhà nước đã phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, là lực lượng quan trọng và là công cụ để Nhà nước định hướng, điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước giữ những vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, đạt yêu cầu năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế – xã hội và chấp hành pháp luật. 

Sự đóng góp to lớn từ các doanh nghiệp nhà nước như một “công cụ” của Nhà nước đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây với GDP năm 2024 đạt mức tăng trưởng 7,09% (Nam Hải, 2025), trong đó, doanh nghiệp nhà nước đóng góp xấp xỉ 30% tổng GDP cả nước (Lê Anh, 2024). Các doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vị trí quan trọng trong nhiều ngành kinh tế, nhất là những ngành quan trọng đòi hỏi đầu tư lớn, kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất cung ứng các hàng hóa và dịch vụ công cộng… Đồng thời, doanh nghiệp nhà nước là thành phần đóng góp chủ yếu cho ngân sách nhà nước.

2. Hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tại một số quốc gia

(1) Vương Quốc Anh

Tuy chỉ có khoảng 68 triệu dân nhưng Vương Quốc Anh là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới theo GDP danh nghĩa. Bên cạnh đó, Vương Quốc Anh còn là một quốc gia công nghiệp phát triển với kỹ nghệ tiên tiến, có sức ảnh hưởng đáng kể về kinh tế, văn hóa, quân sự, khoa học, kỹ thuật và chính trị với tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu.

Sau những nỗ lực cổ phần hóa, Vương Quốc Anh hạn chế đáng kể việc sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Tổng giá trị đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước giảm dần từ 10,9% năm 1979 xuống còn 2,2% năm 1997. Theo đó, khoảng 1 triệu người lao động đã chuyển từ khu vực công sang làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân. Tương ứng, tỷ lệ việc làm tại doanh nghiệp nhà nước giảm từ 7,2% năm 1979 xuống dưới 1% năm 1997. Vương Quốc Anh hiện nay chỉ tập trung duy trì sở hữu nhà nước đối dịch vụ công, như: dịch vụ y tế quốc gia (National Health Service), Tập đoàn Phát thanh truyền hình Anh (BBC) và sở hữu cổ phần chi phối tại một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực chiến lược nhằm hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài.

Doanh nghiệp nhà nước tại Vương Quốc Anh được quản lý bởi hai đơn vị là Cơ quan Điều hành cổ đông (ShEx) và Cơ quan Đầu tư tài chính Vương quốc Anh (UKFI) trực thuộc Cơ quan Đầu tư Chính phủ Vương quốc Anh (UKGI), một doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu của Kho bạc (HM Treasury). Trong đó, UKFI được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính để quản lý phần vốn nhà nước tại các ngân hàng được Chính phủ giao, như: Lloyds và Royal Bank of Scotland, NRAM và Bradford & Bingley. Trong khi đó, ShEx, tính đến 2015, giám sát 23 doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực đa dạng, như: truyền thông, tài chính, hạt nhân, hàng không… trong đó, lĩnh vực năng lượng được Vương Quốc Anh chuyển đổi sang sở hữu tư nhân hoàn toàn.

Để đạt được các mục tiêu xã hội mong muốn và khắc phục “vấn đề ông chủ và người đại diện (principal – agent problem)”, các doanh nghiệp sau khi chuyển sang sở hữu tư nhân phải chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan này đặt ra các tiêu chuẩn, thúc đẩy cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng. Ví dụ, công ty đường sắt (Network Rail Limited) được quản lý bởi Văn phòng đường sắt và đường bộ. Tương ứng các doanh nghiệp trong các ngành cụ thể sẽ do các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác, như: Văn phòng Thị trường khí đốt và điện (Ofgem), Văn phòng Truyền thông, Cơ quan Quản lý Dịch vụ nước và Cơ quan Quản lý tài chính… giám sát (European Union, 2016).

(2) Thụy Điển

Thụy Điển là một nước trong khối EU có nền kinh tế phát triển cao, duy trì một hệ thống phúc lợi xã hội rộng rãi, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tổng quát và giáo dục đại học miễn phí cho người dân. Thụy Điển đứng thứ 11 thế giới về thu nhập bình quân đầu người (United Nations, 2013).

Các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước ở Thụy Điển có giá trị 460 tỷ SEK (12% GDP của Thụy Điển) và tạo ra lợi nhuận 16,5 tỷ SEK trong năm 2014. Danh mục doanh nghiệp nhà nước bao gồm 49 doanh nghiệp, mang lại việc làm cho 163.000 người (khoảng 3,5% tổng số việc làm toàn quốc). Thụy Điển tập trung sở hữu nhà nước tại các ngành trọng tâm như công nghiệp/năng lượng cơ bản và viễn thông, chiếm lần lượt 32% và 18% tổng số doanh nghiệp nhà nước năm 2014.

Mục tiêu chính đối với các doanh nghiệp nhà nước của Thụy Điển là tạo ra giá trị và bảo đảm cung cấp dịch vụ công, bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn 2006 – 2014, Thụy Điển chủ trương thoáivốn khỏi các doanh nghiệp thương mại có hoạt động tốt. Theo đó, từ năm 2007 đến năm 2013, Thụy Điển đã thực hiện thoái 160 tỷ SEK vốn nhà nước. Hoạt động này khiến doanh thu tài chính từ thu cổ tức doanh nghiệp nhà nước giảm từ 31,3 tỷ SEK (0,8% GDP) năm 2007 xuống còn 18,1 tỷ SEK (0,5% GDP) năm 2014 (European Union, 2016).

(3) Trung Quốc

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ) với tổng GDP năm 2022 đạt 16.325 tỷ USD. Nền kinh tế của Trung Quốc trong những năm qua được đánh giá tương đối ổn định với các chỉ số kinh tế vĩ mô, như: lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức tương đối thấp. Trong giai đoạn 2013-2022, tỷ lệ lạm phát trung bình của Trung Quốc là 2% và tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 4,6% (VCCI, 2024).

Nghiên cứu “Doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc: Nhìn lại 40 năm nghiên cứu và thực tiễn” (K. J. Lin, X. Lu, J. Zhang, Y. Zheng, 2019) đánh giá Trung Quốc thiếu các hoạt động hỗ trợ thị trường mà thay vào đó là sự can thiệp sâu rộng của Nhà nước, trong đó thông qua doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước thường được coi là hoạt động kém hiệu quả, tuy nhiên nền kinh tế Trung Quốc được đánh giá là phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp nhà nước thì lại có sự tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Trong giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2016, số lượng doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc có chiều hướng giảm nhưng tổng tài sản của khối doanh nghiệp nhà nước đã tăng 11.39 lần (đạt 151.711 tỷ RMB, tương đương 22.310 tỷ USD), doanh thu tăng 5.6 lần. 

Nghiên cứu chỉ ra ba lý do cho sự thành công ở Trung Quốc là sự can thiệp của Nhà nước giúp chuyển dịch nguồn lực vào những ngành thiết yếu của nền kinh tế mà cơ chế thị trường không thực hiện được (đầu tư lớn, dài hạn…); doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước sử dụng để đạt được các mục tiêu kinh tế – xã hội bên cạnh khả năng sinh lời. Ví dụ, doanh nghiệp nhà nước được sử dụng để giải quyết việc sử dụng lao động dư thừa; doanh nghiệp nhà nước là công cụ để Nhà nước duy trì kiểm soát xã hội đối với các sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp nhà nước sao cho phù hợp với mục tiêu của Nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc đã cung cấp hơn 52.200 tỷ RMB (khoảng 7.676 tỷ USD) hàng hóa và dịch vụ trong năm 2017.

Tuy nhiên, với nhiều nhiệm vụ chính trị, xã hội phải gánh vác làm cho hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp nhà nước giảm sút. Cụ thể, khi được giao thực hiện chính sách duy trì ổn định xã hội, doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc phải chịu chi phí vốn cao; chi phí liên quan đến lương, phúc lợi xã hội và sử dụng lao động dư thừa. Điều này đi ngược lại với kế hoạch và mục tiêu kinh tế của các doanh nghiệp. Cơ cấu phân cấp tại Trung Quốc cũng gây cản trở cho hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Với khoảng cách thông tin lớn giữa Nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước, việc đưa ra các quyết định sản xuất, kinh doanh trở nên kém hiệu quả hơn, gián tiếp ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

(4) Singapore

Sau khi giành độc lập năm 1965, kinh tế Singapore phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước tương đối yếu, chưa xây dựng được thị trường tiền tệ… do đó, Nhà nước phải đứng ra huy động vốn để đầu tư vào các dự án lớn, dài hạn. Tuy nhiên, Singapore xác định chỉ đóng vai trò hỗ trợ phát triển chứ không can thiệp vào hoạt động của nền kinh tế. Singapore tập trung vào xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp nhà nước, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có điều kiện và được khuyến khích phát triển. 

Cách thức quản lý vốn nhà nước của Singapore là thông qua Temasek Holdings – quỹ đầu tư quốc gia của Singapore. Temasek tập trung đầu tư và kinh doanh vào một số lĩnh vực có lợi nhuận tốt với vai trò chỉ là cổ đông theo cơ chế thị trường (chỉ tham gia vào những vấn đề lớn như chính sách quản trị, định hướng chiến lược phát triển… thực hiện mua bán, sáp nhập, thoái vốn đối với các doanh nghiệp theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh). Lợi nhuận thu được sẽ được Temasek nộp cho Nhà nước chia lại cho người dân thông qua phúc lợi xã hội như trợ cấp, hưu trí… (Thanh Bình, 2017). 

Các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư ở Singapore được định nghĩa là “các công ty liên kết với Chính phủ (government-linked companies – GLCs)” thay vì thuật ngữ doanh nghiệp nhà nước. GLCs ở Singapore hoạt động gần giống như các doanh nghiệp tư nhân trên cơ sở cạnh tranh thương mại và không hưởng các đặc quyền từ Nhà nước cũng như không bị yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ xã hội. Với mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận, GLCs ở Singapore tập trung chủ yếu tại một số lĩnh vực then chốt, như: sản xuất, tài chính, thương mại, vận tải, đóng tàu và dịch vụ. Một số GLCs được tư nhân hóa, niêm yết, phát triển thành các công ty lớn có tên tuổi được công nhận rộng rãi trong khu vực và thậm chí trên toàn cầu như Singapore Airlines (Carlos D. Ramírez và Ms. Ling H Tan, 2003).

Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ở một số quốc gia lớn trên thế giới có thể thấy, về cơ bản doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng và hiện diện trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu, có tính lan toả, mang lại lợi ích cho phát triển kinh tế – xã hội như các dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng, năng lượng, giao thông vận tải và viễn thông. Sự quản lý của Nhà nước là tất yếu, song cũng cần trao quyền chủ động cho doanh nghiệp nhà nước trong việc đưa ra các quyết định sản xuất, kinh doanh để bắt kịp tốc độ của thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

3. Thực trạng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam

Theo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội (2024), tính đến cuối năm 2023, cả nước có 671 doanh nghiệp nhà nước bao gồm 6 tập đoàn kinh tế, 53 tổng công ty nhà nước và 19 Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con. Trong đó, tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng nhưng khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con lại có vai trò kinh tế quan trọng, nắm giữ 92% tổng tài sản và 90% tổng vốn chủ sở hữu, 93% tổng doanh thu và 85% tổng đóng góp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp nhà nước trên toàn quốc. Tổng tài sản và tổng vốn chủ sở hữu của khối doanh nghiệp nhà nước đạt lần lượt là 3.899.447 tỷ đồng và 1.838.707 tỷ đồng. Khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp trên toàn quốc, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp trên toàn quốc. Các doanh nghiệp nhà nước đóng góp khoảng 28% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của doanh nghiệp trên toàn quốc (Hà Văn, 2023).

Với các chủ trương, chính sách của Đảng thay đổi qua các thời kỳ để phù hợp với quá trình đổi mới tư duy, nhận thức của Đảng và hội nhập quốc tế, vai trò chính trị của doanh nghiệp nhà nước cũng có sự thay đổi. Nếu trong thời điểm quản lý tập trung bao cấp, các doanh nghiệp nhà nước được thành lập và tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế thì đến giai đoạn thực hiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, đòi hỏi doanh nghiệp nhà nước phải sắp xếp, đổi mới. Theo đó, Nhà nước thực hiện các kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp có vốn nhà nước, hướng đến mục tiêu tinh giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước tập trung nguồn lực đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư, yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn nắm vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu, thiết yếu của nền kinh tế, như: bảo đảm cung ứng xăng dầu trong biến động của thị trường (cung ứng 13,76 triệu m3 xăng dầu, 10,84 triệu tấn dầu thô, chiếm 50% thị phần xăng dầu bán lẻ cả nước); bảo đảm an ninh, cung ứng năng lượng bao gồm điện cho sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh (cung ứng 242,7 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 48% điện năng cả nước), khai thác khí (cung ứng 8,08 tỷ m3 khí, chiếm 100% khí khô, 70% khí hóa lỏng), than đá (cung ứng 42,2 triệu tấn than sạch); cung ứng sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp cho nền kinh tế bao gồm hóa chất cơ bản (cung ứng 842 nghìn tấn hóa chất cơ bản), phân bón (cung ứng 4,8 triệu tấn phân bón, chiếm 70% phân bón cả nước), cây giống (cung ứng 41,6 triệu cây giống); cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông (chiếm hơn 90% thị phần về thuê bao di động và băng rộng di động mặt đất)…(CMSC, 2023).

Các doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện một số chương trình, dự án an sinh xã hội hỗ trợ vùng, miền, như: chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 với mục tiêu đến 2020 hầu hết số hộ nông thôn có điện với tổng số vốn đầu tư gần 29.000 tỷ đồng (trong đó gần 25.000 tỷ đồng vốn nhà nước và hơn 4.000 tỷ đồng vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Trong chương trình hỗ trợ giảm nghèo đối với 61 huyện nghèo, khối doanh nghiệp nhà nước đã hỗ trợ tổng cộng 3.138 tỷ đồng, tích cực tham gia xây dựng nhà tình nghĩa, đóng góp cho các quỹ khuyến học, hỗ trợ thiết bị y tế, hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai. Riêng trong năm 2024, chung tay khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 (Yagi), các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã triển khai quyên góp gần 500 tỷ đồng cùng nhiều nhu yếu phẩm và tổ chức các đoàn công tác đến các tỉnh bị thiệt hại hỗ trợ người dân và địa phương (CMSC, 2024).

Như vậy, công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã có những kết quả đáng ghi nhận. Doanh nghiệp nhà nước được tinh giảm về số lượng, nhưng tăng cường về chất lượng. Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được tập trung đầu tư cho những ngành, lĩnh vực có tính nền tảng, ứng dụng công nghệ cao, mang tầm chiến lược và có khả năng tạo động lực, dẫn dắt các ngành, lĩnh vực khác phát triển nhằm thực hiện hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Những ngành, lĩnh vực này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, chậm thu hồi vốn, không có khả năng tối đa hóa lợi nhuận trong ngắn hạn nên khó thu hút đầu tư tư nhân. 

Đặc biệt, các tập đoàn, tổng công ty giữ vai trò to lớn trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực tiếp thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia; đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông đồng bộ cho phát triển kinh tế – xã hội. Trong một số thời điểm, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị – xã hội, phục vụ chính sách điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn giá…

Bên cạnh những thành công, cơ chế, chính sách quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước còn bất cập khiến cho công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm so với kế hoạch đề ra. Còn có những doanh nghiệp nhà nước tồn đọng tài chính, đầu tư kéo dài gây lãng phí, thiệt hại lớn, hiệu quả thu về không cao. Thêm vào đó, doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam chủ yếu là hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có mức độ cạnh tranh thấp, tập trung vào ngành khai thác tài nguyên và tận dụng điều kiện tự nhiên (khai khoáng) hoặc những ngành, lĩnh vực thống lĩnh, chi phối thị trường (như viễn thông, năng lượng). Do đó, tính cạnh tranh để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của khối doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Ngoài ra, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng, chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước vào một số ngành công nghệ cao có khả năng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, như: sản xuất linh kiện máy móc cơ khí chính xác, công nghệ lõi, chíp bán dẫn… còn thấp. Năng lực cạnh tranh về khoa học – công nghệ của khối doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

4. Một số giải pháp

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng phải trao cho doanh nghiệp quyền tự chịu trách nhiệm quản lý vốn và hoạt động đầu tư kinh doanh. Tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước, song song với việc tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu là Nhà nước. Nhà nước thực hiện quản lý các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch và bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước được hoạt động bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác theo Luật Doanh nghiệp.

Thứ hai, thực hiện tinh gọn và nâng cao chất lượng quản trị đối với vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Hướng đến chỉ nên có một cơ quan làm đầu mối quản lý vốn nhà nước tập trung. Cụ thể, có thể nghiên cứu chuyển đổi mô hình SCIC thành Quỹ Đầu tư Quốc gia làm đầu mối tập trung thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước/quyền cổ đông Nhà nước tại doanh nghiệp. Các bộ quản lý ngành thực hiện định hướng, giám sát hoạt động thuộc phạm vi ngành quản lý tại doanh nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục rà soát, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những lĩnh vực phục vụ xã hội mà đòi hỏi vốn đầu tư lớn, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không tham gia đầu tư. Doanh nghiệp nhà nước cần rút khỏi các ngành, lĩnh vực kinh doanh cạnh tranh mà các thành phần kinh tế khác có thể thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn góp phần thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư, tập trung đầu tư vào hạ tầng công nghệ cao để tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Các tập đoàn, tổng công ty tập trung đầu tư phát triển khoa học – công nghệ làm động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế, như: ứng dụng và phát triển công nghệ mới kết nối 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, năng lượng sạch, công nghiệp bán dẫn, dược phẩm…

Thứ năm, đổi mới, tái cấu trúc mô hình quản trị của doanh nghiệp nhà nước theo hướng tinh gọn, hiện đại, đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động và người quản lý theo cơ chế thị trường, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để khuyến khích, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa. Từ đó, nâng cao được năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp nhà nước.

Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2024). Báo cáo số 607/BC-CP ngày 04/10/2024 về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2023.
2. Singapore Inc. Versus the Private Sector: Are Government-Linked Companies Different?International Monetary Fund. https://doi.org/10.5089/9781589063518.024. Accessed 23/11/2004.
3. European Union (2016). “State-Owned Enterprises in the EU: Lessons Learnt and Ways Forward in a Post-Crisis Context”. Publications Office of the European Union. Insitutaional paper 031.
4. OECD Guidelines on Corporate Governance of State-owned Enterprises. https://doi.org/10.1787/9789264244160-en. Accessed 19/11/2015.
5. Doanh nghiệp Nhà nước dự kiến nộp ngân sách hơn 128.000 tỷ đồng trong năm nay.https://baochinhphu.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-du-kien-nop-ngan-sach-hon-128000-ty-dong-trong-nam-nay-102230914094940275.htm, ngày 14/9/2023.
6. State-owned enterprises in China: A review of 40 years of research and practice. China Journal of Accounting Research. https://doi.org/10.1016/j.cjar.2019.12.001. Accessed 15/02/2020.
7. 10 sự kiện chứng khóan nổi bật năm 2021. VnEconomy. https://vneconomy.vn/10-su-kien-chung-khoan-noi-bat-nam-2021.htm, ngày 28/12/2021.
8. Xây dựng doanh nghiệp nhà nước là đầu tàu và “giàu sức sống”. https://tapchitaichinh.vn/xay-dung-doanh-nghiep-nha-nuoc-la-dau-tau-va-giau-suc-song.html, ngày 09/5/2024.
9. Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,09%. https://tapchinganhang.gov.vn/nam-2024-nen-kinh-te-viet-nam-dat-muc-tang-truong-709-15095-15095.html&link=autochanger, ngày 07/01/2025.
10. Nhà nước trong nền kinh tế thị trường Singapore.https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/46354/nha-nuoc-trong-nen-kinh-te-thi-truong-singapore.aspx#, ngày 11/8/2017.
11. Thu Thủy (2019). “Tạo nền tảng cho các tập đoàn kinh tế phát triển”. Báo Thời nay. https://nhandan.vn/tao-nen-tang-cho-cac-tap-doan-kinh-te-phat-trien-post364082.html, ngày 11/7/2019.
12. United Nations (2013). “2013 Human Development Report”. United Nations Development Programme. https://hdr.undp.org/system/files/documents/global-report-document/hdr2013encompletepdf.pdf. Accessed 18/8/2013.
13. Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (2023). “Báo cáo 5 năm hoạt động của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, ngày 29/9/2023.
14. Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (2024). “Báo cáo Tổng kết công tác năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty”, ngày 06/12/2024.
15. VCCI (2024). “Quy mô thị trường Trung Quốc”. https://trungtamwto.vn/thi-truong-rcep/25479-quy-mo-thi-truong-trung-quoc, ngày 14/10/2024.