Nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm chính trị cấp huyện của tỉnh Cao Bằng 

ThS. Hoàng Việt Hưng
Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, tỉnh Cao Bằng

(Quanlynhanuoc.vn) – Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tại các Trung tâm chính trị cấp huyện đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhằm phục vụ Nhân dân hiệu quả. Thời gian qua, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của các trung tâm chính trị cấp huyện tại tỉnh Cao Bằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Bài viết khái quát thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hoạt động của các trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Từ khóa: Trung tâm chính trị cấp huyện; hiệu quả hoạt động; tỉnh Cao Bằng.

1. Đặt vấn đề

Cao Bằng là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Hệ thống hành chính của tỉnh bao gồm 10 đơn vị cấp huyện, (trong đó có 1 thành phố và 9 huyện). Hiện nay, tỉnh có 9 trung tâm chính trị cấp huyện, đảm nhận nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn. 

Những năm gần đây, các trung tâm chính trị cấp huyện đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách. Quá trình triển khai đã cho thấy, nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và kỹ năng thực tiễn cho đội ngũ này. Song, thực tiễn hoạt động của các trung tâm chính trị cấp huyện tại tỉnh Cao Bằng cũng nảy sinh và tồn tại những hạn chế, khó khăn. Do đó, việc khảo sát thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của các trung tâm chính trị cấp huyện của tỉnh Cao Bằng là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.

2. Thực trạng hoạt động của các trung tâm chính trị cấp huyện của Cao Bằng 

a. Kết quả đạt được

Một là, tỉnh Cao Bằng hiện có 9 trung tâm chính trị cấp huyện, gồm: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Thạch An, Trùng Khánh1. Các trung tâm chính trị cấp huyện thường nằm ở thị trấn, nơi đặt trụ sở của Ủy ban nhân dân huyện và các cơ quan hành chính quan trọng khác. Những năm qua, các trung tâm này đã không ngừng đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại, gắn lý luận với thực tiễn. Việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp ngày càng đi vào nền nếp góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Sau quá trình bồi dưỡng, nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã vận dụng linh hoạt những kiến thức tiếp thu được vào thực tiễn công tác, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Hai là, về đội ngũ giảng viên. Hiện nay, các trung tâm chính trị cấp huyện tại tỉnh Cao Bằng có 14 giảng viên chuyên trách2 và nhiều giảng viên kiêm nhiệm. Lực lượng giảng viên kiêm nhiệm chủ yếu là các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo các ban Đảng và các phòng chuyên môn. 

Các giảng viên đều có trình độ lý luận, khả năng truyền đạt được đào tạo bài bản, có kiến thức sâu rộng về chính trị, pháp luật, quản lý nhà nước và các chính sách xã hội. Họ nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, từ đó truyền tải cho các học viên một cách chính xác và đầy đủ. Đội ngũ giảng viên thường có sự am hiểu sâu sắc về điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương. Nhiều giảng viên đã và đang đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo hoặc quản lý trong chính quyền địa phương, do đó, họ có cái nhìn toàn diện và kinh nghiệm thực tế phong phú để chia sẻ với học viên.

Trình độ chuyên môn của giảng viên tại các trung tâm chính trị cấp huyện được nâng cao thông qua việc tự học, tự bồi dưỡng và hoạt động thao giảng. Tại Trung tâm chính trị huyện Hòa An hiện nay, “100% giảng viên kiêm chức của trung tâm đều có trình độ lý luận chính trị cao cấp”3. Đội ngũ giảng viên luôn tận tâm với công việc, dành thời gian nghiên cứu tài liệu và cập nhật những thông tin mới bổ sung vào bài giảng, kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn giúp học viên hiểu rõ và vận dụng hiệu quả kiến thức đã học. Đồng thời, giảng viên khuyến khích học viên tích cực tham gia thảo luận, mạnh dạn bày tỏ quan điểm, tạo môi trường học tập sôi nổi và thân thiện. Nhờ đó, học viên dễ dàng tiếp thu và nắm vững nội dung bài giảng hơn.

Ba là, về cơ sở vật chất. Các trung tâm chính trị cấp huyện được chú trọng đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập. Hệ thống phòng học, phòng làm việc cùng các trang thiết bị, như: máy vi tính, máy chiếu, hệ thống âm thanh… được trang bị để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình đào tạo; có ký túc xá cho học viên ở xa nghỉ lại; có khuôn viên riêng, trụ sở làm việc độc lập. Hệ thống trang thiết bị và hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy, đồng thời được bổ sung và nâng cấp phục vụ tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Bốn là, về kết quả đào tạo, bồi dưỡng. Trong năm 2024, các trung tâm chính trị cấp huyện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng và phát triển đội ngũ cán bộ tại địa phương. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả, bảo đảm tiến độ và vượt kế hoạch đề ra. Các chương trình đào tạo được thực hiện đúng nội dung, mụctiêu và yêu cầu, đồng thời giảng viên thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, bổ sung quan điểm chỉ đạo từ các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt, việc liên hệ thực tiễn địa phương trong giảng dạy được chú trọng, giúp học viên vận dụng kiến thức vào thực tế công tác. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục có sự đổi mới về nội dung, phương pháp, kết hợp lý luận với thực tiễn, đồng thời đa dạng hóa hình thức giảng dạy nhằm nâng cao hiệu quả học tập. Trong khóa học, các học viên được đi nghiên cứu thực tế nhằm nghiên cứu, tìm hiểu các di tích lịch sử, các mô hình kinh tế hay, hiệu quả tại địa phương, tỉnh bạn… qua đó, nâng cao tầm nhìn và kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ, đảng viên. Đơn cử:

Tại Trung tâm chính trị huyện Thạch An, năm 2024 đã: “mở được 18 lớp bồi dưỡng, lý luận chính trị nghiệp vụ cho 921 học viên, trong đó: mở 5 lớp cho đối tượng đảng và đảng viên mới; 6 lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ khối Đảng, cán bộ chính quyền, khối đoàn thể; 2 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh đối tượng 4; 1 lớp nghiệp vụ tuyên truyền miệng; 4 lớp bồi dưỡng chuyên đề chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Kết thúc khóa học, 100% học viên viết bài thu hoạch; kết quả bài thu hoạch được đánh giá, phân loại theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương”4.

Tại Trung tâm chính trị huyện Hạ Lang, giai đoạn 2021 – 2023, đã: “mở 17 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho hơn 1.500 học viên, gồm các chương trình: sơ cấp lý luận chính trị, nhận thức về Đảng, đảng viên mới, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên đề, bồi dưỡng cán bộ các ngành, đoàn thể, các lớp theo yêu cầu cấp ủy. Ngoài các chương trình giáo dục theo hướng dẫn và tài liệu của Trung ương, tỉnh, Trung tâm Chính trị huyện tích cực triển khai các lớp nghiên cứu các nghị quyết Trung ương (khóa XII, XIII) và thông tin thời sự, chính sách cho hàng nghìn lượt cán bộ, đảng viên”5.

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tại các trung tâm chính trị cấp huyện trong tỉnh luôn được chú trọng. Các trung tâm chính trị cấp huyện đã tham mưu cho thường trực cấp ủy ban hành kế hoạch triển khai công tác giáo dục lý luận chính trị, tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; tham mưu cho cấp ủy ban hành quyết định kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên cơ sở, kiện toàn ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn, xây dựng quy chế hoạt động của trung tâm chính trị; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đủ các loại hình chương trình do Trung ương quy định và một số nội dung do yêu cầu của cấp ủy cấp huyện. 

b. Những tồn tại, hạn chế

Cùng với những kết quả đạt được, thực tiễn hoạt động của các Trung tâm chính trị cấp huyện tại tỉnh Cao Bằng vẫn còn những hạn chế nhất định.

(1) Một số cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên chưa quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục lý luận chính trị. Đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế về số lượng. Bên cạnh đó, các hoạt động, như: thao giảng, hội giảng, dự giờ và trao đổi ý kiến nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy tại các trung tâm chính trị chưa được triển khai hiệu quả. 

(2) Còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, đặc biệt là các huyện vùng sâu, vùng xa, như: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang. Một số trung tâm vẫn chưa được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, bao gồm phòng học, phòng làm việc cho giảng viên, thư viện, phòng máy tính. Ngoài ra, các trang thiết bị giảng dạy hiện đại, như: máy chiếu, hệ thống âm thanh và ánh sáng cũng còn thiếu hoặc chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng.

(3) Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng và phối hợp đào tạo, tập huấn tại một số địa phương vẫn còn hạn chế. Công tác cập nhật kiến thức mới đôi khi chưa được thực hiện kịp thời. Một số đơn vị chưa quan tâm thường xuyên đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, bao gồm thao giảng, dự giờ, thăm lớp, kiểm tra giáo án và trao đổi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện để giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là đào tạo sau đại học, chưa được chú trọng đầy đủ.

3. Một số giải pháp 

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác giáo dục lý luận chính trị. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần xác định rõ vai trò quan trọng của các trung tâm chính trị cấp huyện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Cần có cơ chế chỉ đạo, giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hoạt động của các trung tâm được triển khai hiệu quả, đúng mục tiêu đề ra. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện chặt chẽ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên tại các đảng bộ, cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh ý thức trách nhiệm trong học tập lý luận chính trị, khuyến khích cán bộ, đảng viên chủ động, tự giác nghiên cứu, tích cực nâng cao kiến thức nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình học tập và công tác chuyên môn.

Thứ hai, tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy. Cần có sự quan tâm đầu tư từ ngân sách địa phương và các nguồn lực xã hội hóa để bảo đảm các trung tâm được trang bị đầy đủ phòng học, phòng làm việc cho giảng viên, thư viện, phòng máy tính cùng các phương tiện hỗ trợ giảng dạy. Cần quan tâm xây dựng thư viện tại các trung tâm chính trị cấp huyện với hệ thống tài liệu phong phú, bao gồm các đầu sách lý luận chính trị từ sơ cấp đến cao cấp, cùng với tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy. Bên cạnh đó, mỗi trung tâm chính trị cấp huyện cần được trang bị ít nhất hai phòng học hiện đại, tích hợp đầy đủ máy chiếu, máy tính, hệ thống âm thanh, nhằm đáp ứng tốt việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch

Thứ ba, xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ giảng viên. Việc bổ sung, kiện toàn đội ngũ giảng viên chuyên trách và kiêm chức là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu giảng dạy ngày càng cao. Cần có chính sách thu hút giảng viên có năng lực, đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, đặc biệt là khả năng cập nhật những vấn đề mới trong lý luận và thực tiễn. Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động như thao giảng, dự giờ, hội giảng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cũng cần được thực hiện thường xuyên. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thông qua các hoạt động chuyên môn tại đơn vị; thực hiện nghiêm túc thao giảng cụm và hội thi giảng viên giỏi các cấp.

Thứ tư, tích cực đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại các trung tâm cần được điều chỉnh linh hoạt theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, tăng cường tính thực tiễn trong các bài giảng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy như sử dụng bài giảng điện tử, hệ thống quản lý học tập trực tuyến cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao tính hấp dẫn, hiệu quả tiếp thu của học viên. Bên cạnh đó, cần khuyến khích phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm, tăng cường đối thoại, thảo luận và vận dụng thực tiễn. Từng bước đa dạng hóa các hình thức, ứng dụng công nghệ 4.0 trong học tập. 

Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động thực tế cơ sở trong đội ngũ cán bộ, giảng viên các trung tâm. Việc cập nhật thông tin, nắm bắt những vấn đề phát sinh trong thực tế sẽ giúp giảng viên điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp, sát với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, cần khuyến khích giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng, hội thảo chuyên đề để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Các trung tâm chính trị cũng nên tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể để tổ chức các hoạt động thực tế gắn với nội dung giảng dạy. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ, giảng viên không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Bổ sung hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên nghị quyết của Đảng, tham gia viết bài khoa học đăng trên báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử của huyện, của tỉnh, tham gia các công trình nghiên cứu khoa học,… của giảng viên là một trong những tiêu chuẩn hàng năm phục vụ công tác quy hoạch, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, xét nâng lương, bổ nhiệm…

Thứ sáu, tăng cường hợp tác với các cơ quan chuyên môn, viện nghiên cứu, trường chính trị trong và ngoài tỉnh để đa dạng hóa chương trình đào tạo, tiếp cận các phương pháp giảng dạy hiện đại. Ngoài ra, cần tổ chức nhiều hơn các hội thảo, tọa đàm khoa học để trao đổi kinh nghiệm, cập nhật những vấn đề mới trong công tác lý luận chính trị.

Thứ bảy, thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo. Việc kiểm tra, đánh giá không chỉ dừng lại ở quá trình học tập của học viên mà còn cần mở rộng đến việc khảo sát hiệu quả ứng dụng kiến thức sau đào tạo. Điều này giúp điều chỉnh, cải tiến nội dung giảng dạy sao cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích học viên chủ động học tập, nghiên cứu, đồng thời, xây dựng hệ thống đánh giá giảng viên khách quan, minh bạch nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

4. Kết luận

Trong những năm qua, các trung tâm chính trị cấp huyện của Cao Bằng đã tích cực tham gia, góp phần nâng cao kiến thức lý luận, chuyên môn nghiệp vụ và quản lý Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được nâng cao, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên đối với sự lãnh đạo của Đảng, tạo động lực thúc đẩy quá trình đổi mới. Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Do vậy, tiếp tục nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tại các trung tâm chính trị cấp huyện của tỉnh Cao Bằng luôn là yêu cầu cần thiết.

Chú thích:
1, 2. Tác giả tổng hợp từ nguồn số liệu do các Trung tâm Chính trị cấp huyện tỉnh Cao Bằng cung cấp, tháng 12/2024. 
3. Hòa An nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. https://beta.baocaobang.vn, ngày 14/02/2022.
4. Trung tâm chính trị huyện Thạch An nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, https://tuyengiaocaobang.vn, ngày 19/01/2024.
5. Hạ Lang nâng cao chất lượng bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. https://baocaobang.vn, ngày 22/03/2023.
6. Ban Tuyên giáo Trung ương (2023). Công văn số 6961-CV/BTGTW ngày 26/10/2023 về việc tham gia Hệ thống thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2019). Quy định số 208/QĐ-TW ngày 08/11/2019 về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm chính trị cấp huyện.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2019). Kết luận số 66-KL/TW ngày 08/11/2019 về tổng kết việc thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tố chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
3. Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy trung tâm chính trị cấp huyện. https://www.quanlynhanuoc.vn/2019/11/26/quy-dinh-moi-ve-chuc-nang-nhiem-vu-to-chuc-bo-may-trung-tam-chinh-tri-cap-huyen/
4. Phát huy vai trò đội ngũ giảng viên tại các trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Lạng Sơn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/05/02/phat-huy-vai-tro-doi-ngu-giang-vien-tai-cac-trung-tam-chinh-tri-cap-huyen-tinh-lang-son-trong-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/