TS. Ông Văn Năm
Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số của cả nước. Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến nhằm hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Bài viết tập trung phân tích thực trạng chuyển đổi số trong bộ máy chính quyền tại thành phố Đà Nẵng, đánh giá những kết quả đạt được; đồng thời, chỉ ra những khó khăn, thách thức cần vượt qua. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần xây dựng chính quyền Đà Nẵng hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Từ khóa: Đà Nẵng; hoạt động bộ máy; chính quyền; chuyển đổi số
1. Đặt vấn đề
Chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của mọi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi số trong hoạt động bộ máy chính quyền đóng vai trò then chốt góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân và doanh nghiệp. Nếu không chuyển đổi số nhanh, mạnh, toàn diện, hiệu quả thì sẽ bị tụt hậu. Vì vậy, Đà Nẵng trở thành thành phố tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đã triển khai Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, chuyển đổi số là phương tiện, công cụ, động lực, là chìa khóa để xây dựng thành phố thông minh; đặc biệt là thực hiện mục tiêu “đến năm 2023: hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”1.
2. Thực trạng chuyển đổi số trong bộ máy chính quyền tại thành phố Đà Nẵng
Đà Nẵng triển khai chuyển đổi số theo 3 trục: hạ tầng – dữ liệu – thông minh; trong đó hạ tầng, dữ liệu làm nền tảng, nền móng; ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả2. Những năm qua, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn thành phố diễn ra đồng bộ, mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tại Đà Nẵng được chú trọng đầu tư, hình thành một số cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành3. Đồng thời, Đà Nẵng triển khai cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, phát triển các nền tảng số dùng chung và các ứng dụng, tiện ích thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp4.
Chuyển đổi số trong bộ máy chính quyền tại thành phố Đà Nẵng diễn ra ở nhiều cấp độ, như: số hóa hồ sơ, tài liệu, thông tin quy trình thực hiện các dịch vụ công; ứng dụng số cung cấp các dịch vụ công và chuyển đổi sang mô hình giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến, giảm mạnh các hoạt động trực tiếp tại các cơ quan địa phương. Hiện nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng và tạo ra nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ số đánh giá chuyển đổi số chung (ở cả 3 chỉ số chính quyền số, kinh tế số và xã hội số) của Đà Nẵng năm 2023 đạt 80,02% đứng vị trí thứ nhất các tỉnh, thành phố. Nếu xét riêng về dịch vụ công của Đà Nẵng đạt loại A mức điểm số trên 90 điểm5.
Đà Nẵng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng kho dữ liệu số, xây dựng các cơ sở dữ liệu nền, như: cơ sở dữ liệu công dân (hơn 1,3 triệu dữ liệu, đạt 100% so với dân số); cơ sở dữ liệu doanh nghiệp (44.000 dữ liệu, đạt 100%); cơ sở dữ liệu nhân, hộ khẩu (267.695 dữ liệu hộ khẩu, đạt 96% và 1.021.822 bản ghi nhân khẩu, đạt 96%); cơ sở dữ liệu đất đai, công khai các thông tin tại cổng thông tin đất đai thành phố Đà Nẵng; cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (với 30.850 dữ liệu, đạt 100% so với cán bộ, công chức, viên chức); cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính (100% thủ tục hành chính được số hóa);… Các cơ sở dữ liệu nền trên kết nối, chia sẻ dùng chung qua nền tảng Hệ thống eGov6.
Hiện nay, Đà Nẵng đã tích hợp về kho dữ liệu dùng chung 9 nguồn dữ liệu: cơ sở dữ liệu công dân; cơ sở dữ liệu nhân, hộ khẩu; cơ sở dữ liệu doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội; cơ sở dữ liệu cấp phép xây dựng; cơ sở dữ liệu cấp phép lái xe; cơ sở dữ liệu du lịch; cơ sở dữ liệu đất đai; cơ sở dữ liệu môi trường với 112 bảng dữ liệu; 1.149 trường dữ liệu; 7.669.915 bản ghi. Thành phố Đà Nẵng đã triển khai thí điểm sử dụng dữ liệu điện tử (cơ sở dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu nhân, hộ khẩu, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp) để thay thế thành phần hồ sơ thủ tục hành chính phải nộp tại hầu hết các sở, ngành có liên quan và UBND cấp quận, phường7.
Từ kho dữ liệu, Đà Nẵng đã mở dữ liệu của cơ quan nhà nước và cung cấp gần 600 dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp khai thác thông qua API, SMS, Zalo, web. Chính quyền thành phố khai thác dữ liệu số để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của thành phố (tính tới tháng 8/2024) cao nhất cả nước với 95,56% (trung bình tỉnh, thành phố là 55%); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình tỉnh, thành phố là 17%). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ thấp dưới 5%8.
Đà Nẵng đã hoàn thành các chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến và bước đầu sử dụng dữ liệu số để điều hành và cung ứng dịch vụ công. Thành phố đã triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức 4, trong đó có 91% dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến (gấp 1,7 lần so với trung bình toàn quốc), tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 73% (gấp 1,3 lần so với trung bình toàn quốc)9. Nhiều ứng dụng đa dịch vụ và tiện ích được Đà Nẵng xây dựng phục vụ cho tương tác giữa chính quyền và cộng đồng, như: Danang Smart City (hơn 1,2 triệu lượt tải)10 nền tảng công dân số MyPortal, cổng thông tin góp ý Đà Nẵng và cứu hộ, ứng dụng “Cho và nhận” và tổng đài Chatbot tư vấn tự động về thủ tục hành chính, kho dữ liệu số trên hệ thống chính quyền điện tử… Các cơ quan đơn vị đều được bổ sung mua sắm các trang thiết bị hội nghị trực tuyến.
Ngoài các cơ sở dữ liệu nền, Đà Nẵng còn có khoảng 100 dữ liệu chuyên ngành chia sẻ dùng chung, 10 dữ liệu mở tạo ra giá trị mới. Trung tâm giám sát điều hành thông minh được đưa vào hoạt động ở giai đoạn đầu với 15 nhóm dữ liệu số thống kê. Đà Nẵng cũng đã đưa vào sử dụng 15 nhóm dịch vụ thông minh với 159 dịch vụ giám sát và 52 dịch vụ phân tích, cảnh báo trên Trung tâm IOC giúp tăng cường hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố và tăng chất lượng dịch vụ công của các cơ quan, địa phương11. Đà Nẵng đã hoàn thành trước hạn một số chỉ tiêu chuyển đổi số đặt ra đến năm 2025 theo Nghị quyết số 05-NQ/TU và mục tiêu của Đề án chuyển đổi số, như: 100% dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp toàn trình; 100% văn bản điện tử được ký số, gửi nhận liên thông; 100% cơ quan cung cấp dữ liệu mở; cung cấp 1.200 bộ dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trên cổng dữ liệu mở thành phố; kinh tế số chiếm 20% GRDP thành phố; mỗi người dân cơ bản có 1 mã ID và hồ sơ sức khỏe cá nhân; mỗi học sinh có 1 mã ID và học bạ điện tử12…
Đà Nẵng cũng thực hiện chuyển đổi số cả trong các cơ quan Đảng, đoàn thể và mặt trận. Năm 2023, Đà Nẵng đã triển khai ứng dụng thông tin phục vụ tham mưu tổng hợp của Văn phòng Thành ủy; số hóa VR360 phòng truyền thống Đảng bộ thành phố, triển khai mô hình sổ tay đảng viên điện tử; xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu theo dõi thực hiện kết luận thanh tra và kiểm toán nhà nước trên địa bàn thành phố,… Thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tổng thể trên địa bàn thành phố, trong đó đầu tư bổ sung thiết bị hội nghị trực tuyến cho các cơ quan tham mưu, giúp việc và các đảng ủy trực thuộc Thành ủy phục vụ triển khai kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành13. Thành Đoàn triển khai các nhiệm vụ thanh niên tham gia chuyển đổi số năm 2023; theo đó tập trung tuyên truyền hướng dẫn tạo lập tài khoản công dân số, định danh điện tử; tổ chức Ngày hội thanh niên tiên phong chuyển đổi số; xây dựng App Thanh niên Đà Nẵng; triển khai số hóa địa chỉ đỏ, di tích lịch sử thành phố…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số các hoạt động của chính quyền địa phương ở Đà Nẵng vẫn còn một số hạn chế và khó khăn, như: công tác triển khai chuyển đổi số trên địa bàn vẫn gặp nhiều vướng mắc liên quan chính sách, khung pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, nguồn nhân lực… Dữ liệu số hiện nay của thành phố còn rời rạc, chưa bảo đảm độ tin cậy, chất lượng chưa cao, tính khả dụng thấp, việc chia sẻ dữ liệu còn hạn chế”14. Vì vậy, thành phố Đà Nẵng cần có các giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần xây dựng chính quyền thành phố ngày càng hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
3. Một số giải pháp
Thứ nhất, tạo cơ sở pháp lý vững chắc và điều kiện thuận lợi để các cơ quan thuộc chính quyền các cấp chuyển đổi, số hóa. Xây dựng các định mức chi phí dự án đầu tư về công nghệ phù hợp với thực tế thị trường, tháo gỡ những rào cản và khó khăn cho các cơ quan chức năng địa phương. Hệ thống chính sách cần theo hướng điều chỉnh và khuyến khích không chỉ ở cơ quan công quyền mà cần khuyến khích và thúc đẩy cộng đồng tham gia tích cực và sáng tạo vào chuyển đổi số.
Thứ hai, thành phố cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về vai trò, sự cần thiết, lợi ích và cả những vấn đề phát sinh trong việc thực hiện chuyển đổi số trong bộ máy chính quyền thành phố. Xác định chuyển đổi số là chiến lược trọng tâm, là trách nhiệm của các cơ quan đơn vị nhằm góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công cho cộng đồng. Vận động các tổ chức, doanh nghiệp, người dân thành phố Đà Nẵng tích cực tham gia chuyển đổi số.
Thứ ba, Đà Nẵng cần bổ sung thêm cơ sở dữ liệu về các tổ chức khoa học – công nghệ tích hợp. Cần xây dựng sản phẩm chủ lực về công nghiệp công nghệ thông tin. Ngoài phần mềm còn có phần cứng, hệ thống điều khiển số, thiết bị số. Kêu gọi doanh nghiệp và các cơ quan khoa học – công nghệ cùng triển khai thực hiện15.
Thứ tư, Đà Nẵng cần chú trọng thu hút và đào tạo đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin để thực hiện trọng trách chuyển đổi số trong chính quyền thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cần xây dựng môi trường làm việc năng động, sáng tạo, xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút và giữ chân những nhân lực công nghệ thông tin chất lượng để họ yên tâm công tác lâu dài.
Thứ năm, thành phố Đà Nẵng cần xây dựng và thực hiện các biện pháp tăng cường phòng ngừa và ứng phó với vấn đề an ninh mạng. Việc bảo đảm an ninh mạng là yêu cầu quan trọng, thiết yếu để hoạt động chuyển đổi số được diễn ra thông suốt sẽ giảm rủi ro, thiệt hại và hậu quả do mất an toàn an ninh mạng gây ra. Đặc biệt, hiện nay, tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, nhiều nhóm tội phạm xây dựng những trang web giả mạo cơ quan chức năng để lừa người dân. Điều này không chỉ nguy hiểm cho người dân mà còn ảnh hưởng tới uy tín của các cơ quan chức năng, ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Thứ sáu, Đà Nẵng cần thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả ba trụ cột ở tất cả các quận huyện, phường xã trên địa bàn là: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Theo đó, doanh nghiệp được khai thác dữ liệu do cơ quan Nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất kinh doanh. Cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp16.
4. Kết luận
Chuyển đổi số trong bộ máy chính quyền mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố Đà Nẵng. Chuyển đổi số cũng là biện pháp quan trọng để thực hiện lộ trình tinh giản biên chế các cơ quan nhà nước mà vẫn bảo đảm chất lượng và hiệu quả phục vụ. Bên cạnh những thành công trong chuyển đổi số, Đà Nẵng hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và vướng mắc từ hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực, chính sách, cơ chế,… Vì vậy, để chuyển đổi số thành công và phát huy hiệu quả thì cần có sự phối hợp giữa Nhà nước, chính quyền thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu.
Chú thích:
1. UBND thành phố Đà Nẵng (2022). Báo cáo số 340/BC-UBND ngày 15/ 11/2022 về kết quả 03 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018- 2025, định hướng đến năm 2030.
2, 3, 4,14, 15, 16. Chuyển đổi số Đà Nẵng trước nhiều thách thức cần “khơi thông”. https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-da-nang-truoc-nhieu-thach-thuc-can-khoi-thong-post754808.html, ngày 26/5/2023.
5, 9. Đà Nẵng: Xây dựng mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình https://mic.gov.vn/da-nang-xay-dung-mo-hinh-thanh-pho-chuyen-doi-so-dien-hinh-197158453.htm, ngày 13/5/2023.
6. UBND thành phố Đà Nẵng (2021). Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 28/8/2021 về việc Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
7. Kho dữ liệu dùng chung thành phố Đà Nẵng (chuyên mục chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số). https://dx.danang.gov.vn/chuyenmuc_detail/4, ngày 15/3/2022.
8. Nâng cao chất lượng chuyển đổi số, tạo động lực để phát triển. https://www.youtube.com/watch?v=wUc_zrGs6J8, ngày truy cập 18/10/2024.
9. Đà Nẵng: Xây dựng mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình. https://mic.gov.vn, ngày 13/5/2023.
10. 5 năm triển khai Đề án Thành phố thông minh – Bài 1: Hình thành thương hiệu “Đà Nẵng – Thành phố thông minh”. https://danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet?id=62013&_c=3, ngày 18/12/2024.
11. Vì sao Đà Nẵng luôn dẫn đầu về chuyển đổi số?. https://cadn.com.vn/vi-sao-da-nang-luon-dan-dau-ve-chuyen-doi-so-post302599.html, ngày 10/10/2024.
12. Dấu ấn chuyển đổi số của Đà Nẵng. https://www.sggp.org.vn/dau-an-chuyen-doi-so-cua-da-nang-post762994.html, ngày 10/10/2024.
13. UBND thành phố Đà Nẵng (2022). Quyết định số 1906/QĐ-UBND ngày 18/7/2022 về phê duyệt chủ trương đầu tư hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tổng thể trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.