Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ công chức quản lý nhà nước về kinh tế của tỉnh Bắc Ninh

Nguyễn Mạnh Hùng
NCS Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Đào tạo đội ngũ công chức quản lý nhà nước về kinh tế là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ công chức đủ về số lượng, có năng suất lao động cao, gắn đào tạo với quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển và đánh giá công chức. Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, công chức và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, bất cập. Bài viết phân tích thực trạng và đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo đội ngũ công chức quản lý nhà nước về kinh tế tỉnh Bắc Ninh.

Từ khoá: Chất lượng đào tạo; công chức; quản lý nhà nước về kinh tế; Bắc Ninh.

1. Đặt vấn đề

Là tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ với quy mô kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bắc Ninh đang trở thành cực tăng trưởng kinh tế của vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả nước. Chính quyền tỉnh Bắc Ninh cũng nhận thức rõ vai trò của đội ngũ công chức quản lý nhà nước (QLNN) về kinh tế trong việc phát triển kinh tế địa phương. Tỉnh đã có nhiều giải pháp để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức quản lý kinh tế, thể hiện ở việc tăng lên về số lượng, tỷ lệ cán bộ có trình độ phát triển cao, đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng tăng. Tuy nhiên, công tác đào tạo đội ngũ công chức QLNN về kinh tế của tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua vẫn còn những mặt hạn chế.

Từ việc khảo sát xã hội học thực nghiệm đối với đội ngũ công chức QLNN về kinh tế đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, bài viết đánh giá thực trạng đào tạo đội ngũ công chức QLNN về kinh tế, từ đó đề xuất những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo đội ngũ công chức QLNN về kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

2. Thực trạng công tác đào tạo đội ngũ công chức quản lý nhà nước về kinh tế tỉnh Bắc Ninh thời gian qua

Bài viết sử dụng phương pháp điều tra xã hội học với bảng hỏi bán cấu trúc thực hiện trên nhóm mẫu là 347 công chức QLNN về kinh tế, trong đó có 60 công chức đang công tác tại Ủy ban nhân dân (UBND), Hội đồng nhân dân tỉnh và 200 công chức công tác tại các sở quản lý lĩnh vực kinh tế, như: Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường; 87 công chức công tác trong bộ phận kinh tế, tài chính ở các sở đảm nhận một phần chức năng quản lý kinh tế, như: Sở Nông nghiệp, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải… Số liệu thu thập được nhập, làm sạch và xử lý bằng phần mềm SPSS, phương pháp mô tả thống kê kết hợp với phương pháp phân tích thực tiễn được sử dụng chủ yếu trong khi đánh giá kết quả của công tác đào tạo. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy:

Thứ nhấtkế hoạch đào tạo – khâu đầu tiên trong quy trình quản lý công tác đào tạo được UBND tỉnh quan tâm xây dựng và triển khai cụ thể tới các đầu mối trực thuộc nhằm bảo đảm đào tạo đúng đối tượng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Dữ liệu khảo sát thể hiện 100% công chức cho biết, cơ quan họ có xây dựng kế hoạch đào tạo. Tỷ lệ tuyệt đối này đã phản ánh mức độ quan tâm của các cơ quan, đơn vị tại tỉnh Bắc Ninh về công tác đào tạo cán bộ, công chức nói chung, công chức QLNN về kinh tế nói riêng. Việc xây dựng kế hoạch đào tạo của các sở, ngành đều dựa trên cơ sở kế hoạch đào tạo, phát triển đội ngũ chung của tỉnh Bắc Ninh và nhu cầu phát triển từng giai đoạn của cơ quan (với 98% số người được hỏi đồng ý). Các công chức được khảo sát cũng đánh giá cao về vai trò của việc xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ công chức.

Thứ haiđào tạo ngày càng phát huy vai trò trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ công chức QLNN về kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, thể hiện qua Biểu 1.

Phần lớn các ý kiến được hỏi đều cho rằng, kế hoạch đào tạo đã được xây dựng dựa trên thực trạng đội ngũ công chức đào tạo công chức góp phần vào việc xây dựng cán bộ (chiếm tỷ lệ tuyệt đối, với 100% ý kiến xác nhận). Bên cạnh đó, có tới 89,9% ý kiến trả lời rằng, hoạt động này góp phần vào sự phát triển và tiến bộ của cơ quan; tỷ lệ trả lời góp phần vào công tác quy hoạch cán bộ thấp, với 35,9%. 

Thứ bamức độ bao phủ của chính sách đào tạo đội ngũ công chức QLNN về kinh tế ngày càng cao. Kết quả khảo sát thể hiện có tới 70,0%, tương ứng với 271 công chức QLNN về kinh tế cho biết, họ đã từng tham gia các khóa học dài hạn (được cấp bằng) từ khi họ được tiếp nhận vào cơ quan công tác. Đây là tỷ lệ rất cao, thể hiện hơn 2/3 công chức đã được thụ hưởng từ chủ trương, chính sách về đào tạo cán bộ, công chức của tỉnh Bắc Ninh.

Tỉnh đã cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị (với 42,8% số người được hỏi tham gia), đào tạo trung cấp lý luận chính trị (với 52,4% số người được hỏi đã tham gia), đào tạo chuyên môn ở cấp học cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ) có số người tham gia cao nhất là 61,7%. Để đáp ứng mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải cách hành chính để phục vụ tốt hơn các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và quá trình chuyển đổi số, tỉnh đã cử nhiều cán bộ, công chức tham gia đào tạo ngoại ngữ (với tỷ lệ người được hỏi tham gia lớp là 45,4%), ngoài ra, công chức còn tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn, lớp bồi dưỡng kỹ năng, đào tạo tin học (tỷ lệ 10,3% số người được hỏi trả lời). Thể hiện qua Biểu 2 như sau:

Thứ tưcông tác đào tạo cán bộ, công chức QLNN về kinh tế ở tỉnh Bắc Ninh thời gian qua đã có nhiều thuận lợi, trong đó, thuận lợi lớn nhất là lãnh đạo cơ quan quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ (chiếm 94,6% ý kiến trả lời); sắp xếp công việc phù hợp với đào tạo cán bộ (với 79,6% cán bộ được hỏi xác nhận) và cơ chế, chính sách thuận lợi cho hoạt động đào tạo cán bộ, nhận được sự đồng tình của 37,6% ý kiến trả lời (Biểu 3).

Song song với những thuận lợi được đội ngũ công chức QLNN về kinh tế ghi nhận vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo công chức tại Bắc Ninh. 

Khó khăn lớn nhất là kinh phí đào tạo, với 79,6% ý kiến xác nhận. Khó khăn về thời gian đào tạo và việc bố trí, sắp xếp công chức QLNN về kinh tế nhận được ý kiến xác nhận lần lượt là 58,4% và 30,0% người được hỏi. Mặc dù còn một số khó khăn, song 116 công chức (chiếm 30,0% tổng số người được hỏi) chưa được thụ hưởng hoạt động đào tạo dài hạn (được cấp bằng) của cơ quan (Biểu 4).

3. Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ công chức quản lý nhà nước về kinh tế tỉnh Bắc Ninh

Để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ công chức QLNN về kinh tế ở tỉnh Bắc Ninh, hầu hết ý kiến được hỏi đều cho rằng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc xác định mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Ninh, rà soát thực trạng đội ngũ, nắm bắt nhu cầu đào tạo để làm cơ sở xây dựng kế hoạch; đồng thời, huy động các nguồn lực phục vụ công tác đào tạo, đến việc hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích, liên kết hợp tác với các cơ sở đào tạo… 

Một là, liên kết hợp tác với các cơ sở giáo dục. Có tới 95,9% công chức cho rằng, đây là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo công chức tại tỉnh Bắc Ninh. Các ý kiến cho biết, cần lựa chọn các cơ sở giáo dục có uy tín, có kinh nghiệm, năng lực và có đội ngũ giảng viên chất lượng, cơ sở vật chất hiện đại để đào tạo đội ngũ công chức QLNN về kinh tế. Đồng thời, mở rộng liên kết với nhiều cơ sở giáo dục trong và ngoài nước để đa dạng hóa việc lựa chọn loại hình, trình độ đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của đội ngũ công chức QLNN về kinh tế.

Hai là, huy động nguồn lực phục vụ hoạt động đào tạo. Giải pháp này nhận được sự đồng tình của 95,6% ý kiến của công chức. Việc đa dạng hoá nguồn lực, bao gồm nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, các dự án phát triển, các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động đào tạo… Thực hiện thành công giải pháp này tức là tạo ra nguồn lực tổng thể, giải quyết được vấn đề kinh phí đào tạo, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo công chức.

Ba là, rà soát, đánh giá công chức để cử đi đào tạo. Đây là bước quan trọng để bảo đảm chương trình đào tạo mang lại hiệu quả cao nhất và phù hợp với nhu cầu phát triển của đội ngũ công chức. Do đó, giải pháp này nhận được 95,3% ý kiến tán đồng. Theo đó, cần đánh giá năng lực, kỹ năng hiện tại của công chức, xác định điểm mạnh, điểm yếu của mỗi công chức cũng như nhu cầu, nguyện vọng của họ. Các công chức cũng đề cập đến các tiêu chí để lựa chọn công chức cử đi đào tạo, gồm: năng lực chuyên môn, kinh nghiệm công tác, nhu cầu, mong muốn được học tập nâng cao trình độ, sức khỏe, cam kết làm việc sau đào tạo… 

Bốn là, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm của công chức. Giải pháp này nhận được sự đồng tình của 95,1% công chức được khảo sát. Theo đó, cần rà soát, đánh giá vị trí việc làm, xác định mức độ phù hợp giữa vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh, với yêu cầu nhiệm vụ công tác và với cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị trong tình hình mới. Cần xác định rõ những bất cập, hạn chế và nguyên nhân của những bất cập, hạn chế nêu trên để từ đó xác định rõ nhu cầu đào tạo và nâng cao chất lượng của công tác đào tạo công chức QLNN về kinh tế.

Năm là, có kế hoạch bổ nhiệm, sắp xếp đội ngũ công chức sau đào tạo. Đây là giải pháp nhận được 94,8% ý kiến đồng tình. Việc làm này nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực phù hợp với chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm, phát huy tối đa khả năng của mỗi công chức; đồng thời, tạo cơ hội cho công chức phát triển, nâng cao năng lực của bản thân, gắn bó lâu dài với cơ quan, đơn vị. 

Sáu là, xác định mục tiêu của tỉnh khi cử công chức đi đào tạo. Giải pháp này nhận được sự đồng thuận của 92,8% công chức được khảo sát. Việc xác định mục tiêu của tỉnh liên quan đến công tác đào tạo công chức cần lưu ý đến mục tiêu nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ công, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp thu các kinh nghiệm từ các tỉnh, thành phố khác và các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bảy là, đánh giá “vùng trũng” về công tác đào tạo để bổ sung chỉ tiêu đào tạo. Đây là giải pháp quan trọng, nhận được 92,2% ý kiến tán đồng. Để làm được việc này cần xác định rõ mục tiêu của hoạt động đánh giá “vùng trũng” về đào tạo, như tìm hiểu mức độ thiếu công chức đã qua đào tạo, cấp độ đào tạo, ngành nghề cần đào tạo. Bên cạnh đó, cần xây dựng tiêu chí đánh giá về chất lượng, số lượng công chức, mức độ đáp ứng yêu cầu công việc so với nhu cầu thực tế, từ đó bảo đảm yêu cầu phát triển của khu vực, của tỉnh, đồng thời tạo ra sự ngang bằng về trình độ của đội ngũ công chức tại các khu vực khác nhau trong tỉnh.

4. Kết luận

Đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có công chức QLNN về kinh tế là việc làm rất quan trọng, qua đó, tạo ra tiền đề căn bản để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cơ quan, đơn vị trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Xuất phát từ việc khảo sát xã hội học thực nghiệm đối với đội ngũ công chức QLNN về kinh tế đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cho thấy, để phát huy, nâng cao hiệu quả của công tác này cần tiến hành tổng thể các giải pháp trước mắt và dài hạn. Với việc tiến hành đồng bộ các giải pháp nêu trên, công tác đào tạo đội ngũ công chức QLNN về kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sẽ là đòn bẩy để tỉnh vững vàng bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tài liệu tham khảo:
1. Thông báo Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII).https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/thong-bao-hoi-nghi-lan-thu-10-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-119240921103923213.htm
2. Kết quả khảo sát của luận án: “Đào tạo đội ngũ công chức quản lý nhà nước về kinh tế tại tỉnh Bắc Ninh hiện nay” của ThS. Nguyễn Mạnh Hùng, NCS tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2024.