Đánh giá các yếu tố tác động đến việc làm của lao động nông thôn tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội

ThS. Nguyễn Thị Bền
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết phân tích, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến việc làm của lao động nông thôn tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, bao gồm 3 nhóm: kinh tế, xã hội và chính sách. Từ kết quả nghiên cứu, đề xuất một số khuyến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về việc làm cho lao động nông thôn, giúp hỗ trợ lao động nông thôn có việc làm ổn định, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Từ khóa: Lao động nông thôn; đánh giá; yếu tố tác động; việc làm; huyện Sóc Sơn; Hà Nội

1. Đặt vấn đề 

Việc làm là vấn đề quan trọng đối với lao động nông thôn, không chỉ là yếu tố quyết định thu nhập mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống, sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở khu vực nông thôn. Huyện Sóc Sơn nằm ở ngoại thành Hà Nội, với 98,59% dân số sống ở khu vực nông thôn1. Thời gian qua, cấp ủy, lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đưa kinh tế – xã hội liên tục tăng trưởng, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển theo hướng công nghiệp – dịch vụ – du lịch sinh thái, qua đó mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động nông thôn.

Dù đã có nhiều nỗ lực trong tạo việc làm cho lao động nông thôn, huyện Sóc Sơn vẫn đối mặt với nhiều hạn chế và thách thức, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động nông thôn. Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến việc làm của lao động nông thôn là cần thiết để đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về việc làm, qua đó xây dựng thị trường lao động bền vững, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 

a. Cơ sở lý thuyết

(1) Lý thuyết thị trường lao động: Blanchard & Diamond (1994) cho rằng, thị trường lao động chịu tác động từ cả phía cung (người lao động) và cầu (doanh nghiệp), trong đó việc làm phụ thuộc vào các yếu tố như trình độ kỹ năng, chính sách lao động và xu hướng phát triển kinh tế2. Bên cạnh đó, theo Becker (1993), đầu tư vào vốn con người có vai trò quan trọng trong nâng cao năng suất lao động và cơ hội tiếp cận việc làm3.

(2) Lý thuyết chuyển đổi cơ cấu lao động: Lewis (1954) phát triển mô hình kinh tế hai khu vực, trong đó lao động từ khu vực nông nghiệp sẽ dần chuyển dịch sang công nghiệp và dịch vụ4. McMillan & Rodrik (2011) phân tích sự chuyển dịch cơ cấu lao động tại các nước đang phát triển và nhấn mạnh, quá trình này diễn ra nhanh hơn khi có các chính sách phù hợp hỗ trợ đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp5.

(3) Tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa và chuyển đổi số: Todaro & Smith (2011) cho rằng, công nghiệp hóa giúp tạo việc làm nhưng cũng làm tăng nguy cơ mất việc trong nông nghiệp6. Đô thị hóa đẩy nhanh quá trình dịch chuyển lao động, trong khi chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng đặt ra thách thức cho lao động thiếu kỹ năng công nghệ (Brynjolfsson & McAfee, 2014)7.

(4) Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững: Stern (2007) nhấn mạnh, phát triển bền vững không chỉ đòi hỏi tăng trưởng kinh tế mà còn yêu cầu chuyển đổi sang các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường8. Theo báo cáo của UNEP (2018) lực lượng lao động trong các ngành xanh sẽ tăng nhanh, tạo ra cơ hội việc làm mới nhưng cũng đòi hỏi người lao động phải có kiến thức và kỹ năng phù hợp9.

Ngoài ra, nghiên cứu của Nguyễn Văn Hạnh (2020) nhấn mạnh vai trò của công nghiệp hóa và số hóa trong tạo việc làm, nhưng cũng chỉ ra rằng lao động nông thôn gặp khó khăn khi thích ứng với mô hình kinh tế số10. Nguyễn Thị Lan (2019) chỉ ra rằng, lao động nông thôn chưa được đào tạo đầy đủ về kỹ năng xanh để đáp ứng yêu cầu của các ngành nghề thân thiện với môi trường11. Fields (2004) nghiên cứu về thị trường lao động ở các nước đang phát triển và khẳng định rằng chính sách hỗ trợ đào tạo kỹ năng số và kỹ năng xanh là yếu tố quyết định trong việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ việc làm12.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Tác giả thực hiện khảo sát bằng phiếu đánh giá đối với 500 lao động nông thôn tại huyện Sóc Sơn, bên cạnh đó, thực hiện các cuộc phỏng vấn với đại diện doanh nghiệp và chính quyền địa phương để thu thập thông tin về việc làm, thu nhập, kỹ năng nghề nghiệp… Kết quả khảo sát được tổng hợp và phân tích, kết hợp với sử dụng số liệu từ Tổng cục Thống kê, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn nhằm phân tích xu hướng việc làm và thị trường lao động, qua đó đánh giá các yếu tố tác động đến việc làm của lao động nông thôn trên địa bàn. Thời gian thực hiện khảo sát từ tháng 6/2024 – 8/2024.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Mô hình nghiên cứu

Qua tổng quan nghiên cứu lý thuyết và các công trình nghiên cứu trước đó, tác giả đã tổng hợp và đề xuất 3 nhóm yếu tố tác động đến việc làm của lao động nông thôn tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, bao gồm các nhóm yếu tố kinh tế, xã hội và chính sách, cụ thể: (1) Sự tăng trưởng kinh tế. và chuyển đổi cơ cấu lao động; (2) Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa; (3) Sự phát triển của công nghệ và chuyển đổi số; (4) Trình độ học vấn và kỹ năng nghề; (5) Nhận thức về thị trường lao động và phát triển bền vững; (6) Yếu tố giới tính; (7) Chính sách đào tạo nghề và phát triển kỹ năng; (8) Chính sách hỗ trợ tìm kiếm việc làm; (8) Chính sách chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Mô hình nghiên cứu đề xuất như sau:

3.2. Đánh giá tác động của các yếu tố 

aYếu tố kinh tế

Một là, sự tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi cơ cấu lao động giúp mở rộng thị trường lao động và đa dạng hóa việc làm. Tuy nhiên, lao động nông thôn thường gặp bất lợi trong cạnh tranh do thiếu kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm làm việc trong các ngành phi nông nghiệp. Huyện Sóc Sơn đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, đòi hỏi lực lượng lao động có trình độ cao hơn, trong khi lao động nông thôn lại chủ yếu làm các công việc giản đơn, ít có khả năng thích nghi với yêu cầu mới của thị trường lao động.

Hai là, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa khiến nhiều lao động nông thôn mất đất sản xuất nông nghiệp, buộc họ phải tìm kiếm việc làm khác nhưng thiếu sự hỗ trợ cần thiết về đào tạo và thông tin thị trường lao động. Cùng với đó, việc thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ các dự án phát triển kinh tế đã tạo áp lực lớn lên công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Sự phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn huyện đã thu hút lượng lớn lao động nông thôn vào các ngành sản xuất và chế biến. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp yêu cầu lao động có tay nghề cao hơn mức đào tạo hiện tại của địa phương, gây ra sự mất cân đối cung – cầu lao động

Ba là, sự phát triển của công nghệ và chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ số vào thị trường lao động mang lại cơ hội cho lao động từ xa và làm việc linh hoạt. Tuy nhiên, phần lớn lao động nông thôn chưa có kỹ năng công nghệ phù hợp để tiếp cận những cơ hội việc làm này, dẫn đến tình trạng tụt hậu trong thị trường lao động số. Ngoài ra, xu hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư và khả năng tiếp cận công nghệ của lao động nông thôn.

b Yếu tố xã hội

Một là, trình độ học vấn và kỹ năng nghề. Theo thống kê, hơn 80% lao động nông thôn có việc làm sau khi tham gia đào tạo nghề, nhưng phần lớn làm việc trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp13. Chất lượng lao động chưa cao, ý thức làm việc và năng suất lao động còn thấp, gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận việc làm chất lượng. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo nghề hiện tại chưa bắt kịp với sự thay đổi của thị trường lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ và kinh tế xanh. Học vấn thấp và đào tạo nghề hạn chế là những trở ngại lớn nhất đối với lao động nông thôn trong việc tiếp cận các dịch vụ việc làm chất lượng cao. 

Hai là, nhận thức về thị trường lao động và phát triển bền vững. Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều lao động nông thôn chưa có nhận thức đầy đủ về thị trường lao động hiện đại, cũng như chưa tiếp cận được các cơ hội việc làm xanh và bền vững. Nhiều lao động nông thôn còn gặp khó khăn do thiếu thông tin về việc làm phù hợp, bị phụ thuộc vào tìm việc qua mạng lưới cá nhân hơn là sử dụng các dịch vụ hỗ trợ chính thức. Mặc dù công tác tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp được đẩy mạnh nhưng sự kết nối giữa đào tạo nghề và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế 

Ba là, yếu tố giới tính. Đánh giá từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy, những rào cản từ quan niệm truyền thống đánh giá thấp khả năng và tiềm năng của phụ nữ cùng với định kiến giới, đã hạn chế cơ hội việc làm và thăng tiến của lao động nữ14. Phụ nữ nông thôn thường đối mặt với nhiều rào cản hơn so với nam giới trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm do gánh nặng gia đình, định kiến xã hội và sự phân biệt giới tính trong tuyển dụng. Nhiều ngành nghề có tiềm năng phát triển nhưng lao động nữ khó tiếp cận do yêu cầu kỹ năng công nghệ cao hoặc lao động chân tay nặng nhọc.

c. Yếu tố chính sách

Một là, chính sách đào tạo nghề và phát triển kỹ năng. Hiện nay, mặc dù có nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo nghề được triển khai, nhưng số lượng lao động tham gia vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Chính sách hỗ trợ tài chính cho đào tạo nghề còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào nhóm lao động thuộc diện chính sách, trong khi các đối tượng khác ít được tiếp cận ưu đãi, đặc biệt là với các nhóm yếu thế, như: phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật…

Hai là, chính sách hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Việc kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm là yếu tố quan trọng giúp tăng tỷ lệ lao động tự tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nội dung này còn hạn chế. Bên cạnh đó, các nền tảng tuyển dụng trực tuyến chưa thực sự hiệu quả đối với lao động nông thôn, do họ còn hạn chế về khả năng tiếp cận công nghệ thông tin.

Ba là, chính sách chuyển đổi xanh và phát triển bền vững hiện đang tập trung vào phát triển nông nghiệp bền vững và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, nhằm tăng năng suất lao động và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều hạn chế, do thiếu thông tin và các kênh kết nối hiệu quả giữa chính quyền, doanh nghiệp và người lao động. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc triển khai các khóa đào tạo kỹ năng, giúp lao động nông thôn tiếp cận việc làm trong các lĩnh vực bền vững như nông nghiệp hữu cơ, tái chế chất thải, năng lượng tái tạo. Một vấn đề khác là khả năng tiếp cận tín dụng của lao động nông thôn để phát triển các mô hình sản xuất bền vững còn hạn chế, điều này khiến nhiều lao động nông thôn không thể tham gia vào các mô hình việc làm bền vững do thiếu vốn đầu tư ban đầu.

4. Kết luận và khuyến nghị

Khả năng tiếp cận dịch vụ việc làm của lao động nông thôn tại Sóc Sơn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó các yếu tố kinh tế, như: công nghiệp hóa, chuyển đổi số và tăng trưởng kinh tế có tác động mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, yếu tố xã hội như trình độ học vấn, nhận thức về thị trường lao động và giới tính cũng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tìm kiếm việc làm của lao động nông thôn. Ngoài ra, các chính sách hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong việc hỗ trợ đào tạo nghề và phát triển các dịch vụ tuyển dụng phù hợp. cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội việc làm cho đối tượng lao động nông thôn. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về việc làm cho lao động nông thôn, giúp lao động nông thôn tiếp cận tốt hơn với thị trường lao động hiện đại, nâng cao thu nhập và bảo đảm phát triển bền vững, cụ thể:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần chú trọng định hướng đào tạo theo nhu cầu thị trường, khảo sát thực tế nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Trong đó, các ngành nghề, như: công nghệ thông tin, dịch vụ logistics, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật môi trường… cần được ưu tiên. Liên kết với doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao để đào tạo lao động theo nhu cầu. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo với nội dung về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tích hợp các kỹ năng công nghệ và sản xuất bền vững vào các khóa đào tạo nghề. Tăng cường hợp tác, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, đặc biệt cần quan tâm, triển khai hiệu quả đào tạo gắn với thực tiễn, vừa giúp học viên có cơ hội thực hành, đồng thời tăng cường tiếp cận thực tế trong quá trình học. 

Ngoài ra, tăng ường ứng dụng công nghệ số vào đào tạo nghề. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo nghề giúp lao động nông thôn tiếp cận kiến thức linh hoạt thông qua các nền tảng học trực tuyến, mô hình thực tế ảo (VR). Việc triển khai đào tạo kết hợp trực tiếp và trực tuyến sẽ giúp tăng tính linh hoạt và hiệu quả. Ngoài kỹ năng chuyên môn, lao động nông thôn cần được trang bị kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo và sử dụng công nghệ số. Đây là những yếu tố quan trọng giúp người lao động thích nghi tốt hơn với yêu cầu công việc hiện đại.

Thứ hai, tăng cường chính sách hỗ trợ trong đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp.

Cần mở rộng chính sách hỗ trợ tài chính cho nhiều đối tượng hơn, bao gồm cả lao động phổ thông, lao động có nguy cơ mất việc làm và lao động trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp. Chính quyền địa phương cần có kế hoạch ngân sách dài hạn để đầu tư vào cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy hiện đại và đội ngũ giảng viên chất lượng cao cho các trung tâm đào tạo nghề. Nghiên cứu, triển khai các chính sách giảm thuế hoặc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo và tuyển dụng lao động nông thôn sau khi hoàn thành các khóa đào tạo. Định kỳ tổ chức hội chợ việc làm, kết nối trực tiếp giữa người lao động và nhà tuyển dụng để tăng khả năng tiếp cận thông tin việc làm và mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho lao động nông thôn.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ vốn, kỹ thuật, công nghệ kết hợp với chính sách ưu đãi để thúc đẩy sản xuất nông sản sạch, nhân rộng và đẩy mạnh chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong nông thôn; thúc đẩy khởi nghiệp xanh, xây dựng các vườn ươm khởi nghiệp tập trung vào mô hình kinh tế xanh; hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp trong ứng dụng công nghệ cao và sản xuất bền vững, qua đó giúp tạo điều kiện cho lao động nông thôn phát triển kinh doanh.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ tìm kiếm việc làm.

Phát triển các nền tảng tuyển dụng trực tuyến để áp dụng, thuận tiện với lao động nông thôn. Chính quyền địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ để xây dựng nền tảng tuyển dụng trực tuyến phù hợp với lao động nông thôn, giao diện đơn giản, dễ sử dụng và có hỗ trợ tư vấn từ xa. Phát triển hệ thống tư vấn và giới thiệu việc làm trực tuyến, giúp lao động nhanh chóng nhận được thông tin tuyển dụng phù hợp và hỗ trợ trong quá trình ứng tuyển. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) trong kết nối việc làm, hỗ trợ phân tích hồ sơ của người lao động và đề xuất việc làm phù hợp, giúp tăng hiệu quả kết nối giữa người lao động và nhà tuyển dụng. Xây dựng cơ sở dữ liệu số về việc làm, tích hợp dữ liệu về cung – cầu lao động theo ngành nghề, khu vực để kết nối lao động với doanh nghiệp.

Cùng với đó, tăng cường đào tạo kỹ năng số cho lao động nông thôn, đây là yếu tố quan trọng giúp lao động có thể tiếp cận các cơ hội việc làm thông qua các nền tảng số. Việc tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng số ngắn hạn, kết hợp với các chương trình hướng nghiệp sẽ giúp lao động nông thôn dễ dàng sử dụng công nghệ trong tìm việc. Chính quyền địa phương có thể triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính giúp lao động nông thôn mua thiết bị di động, máy tính hoặc gói truy cập internet giá rẻ để tăng khả năng kết nối với thị trường lao động số.

Thứ tư, cải thiện chính sách hỗ trợ lao động nữ.

Nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo nghề dành riêng cho lao động nữ. Tổ chức các chương trình đào tạo nghề linh hoạt về thời gian, nội dung phù hợp với nhu cầu của phụ nữ, đặc biệt là trong các ngành có tiềm năng phát triển, như: thương mại điện tử, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sản xuất thực phẩm sạch. Đồng thời, hỗ trợ tài chính và tín dụng cho phụ nữ khởi nghiệp, cung cấp các khoản vay ưu đãi cho phụ nữ, phát triển mô hình kinh doanh nhỏ tại địa phương giúp tạo việc làm bền vững.

Phát triển mạng lưới hỗ trợ lao động nữ, thành lập các trung tâm hỗ trợ lao động nữ, cung cấp tư vấn nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng mềm và kết nối việc làm phù hợp. Chú trọng bảo vệ quyền lợi lao động nữ, bảo đảm các yêu cầu về bình đẳng giới trong tuyển dụng, tiền lương và chế độ thai sản, đồng thời, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho lao động nữ. Xây dựng các chính sách hỗ trợ việc làm linh hoạt, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mô hình làm việc bán thời gian, làm việc từ xa để phụ nữ có thể tham gia vào thị trường lao động mà vẫn bảo đảm trách nhiệm gia đình.

Chú thích:
1. Sóc Sơn – Hà Nội: Xây dựng nông thôn mới nâng cao như thế nào? https://www.doithoaiphattrien.vn/vi/news/phat-trien/soc-son-ha-noi-nhung-no-luc-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-cai-thien-doi-song-nguoi-dan-7788.html
2. Blanchard, O., & Diamond, P. (1994). Ranking, Unemployment Duration, and Wages. The Review of Economic Studies.
3. Becker, G. S. (1993). Human Capital: A Theoretical and Empirical Analysis, with Special Reference to Education. University of Chicago Press.
4. Lewis, W. A. (1954). Economic Development with Unlimited Supplies of Labour. The Manchester School.
5. McMillan, M., & Rodrik, D. (2011). Globalization, Structural Change and Productivity Growth. NBER Working Paper.
6. Todaro, M. P., & Smith, S. C. (2011). Economic Development (11th ed.). Pearson.
7. Brynjolfsson, E., & McAfee, A. (2014). The Second Machine Age: Work, Progress, and Prosperity in a Time of Brilliant Technologies. W. W. Norton & Company.
8. Stern, N. (2007). The Economics of Climate Change: The Stern Review. Cambridge University Press.
9. UNEP (2018). Global Environment Outlook – GEO-6. United Nations Environment Programme.
10. Nguyễn Văn Hạnh (2020). Tác động của công nghiệp hóa đến việc làm nông thôn ở Việt Nam. NXB Kinh tế quốc dân.
11. Nguyễn Thị Lan (2019). Những thách thức của lao động nông thôn trong bối cảnh kinh tế xanh. Tạp chí Kinh tế & Phát triển.
12. Fields, G. S. (2004). Dualism in the Labor Market: A Perspective on the Lewis Model after Half a Century. The Manchester School.
13. Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. https://tapchitaichinh.vn/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-nghiep-nong-thon-viet-nam.html.
14. Thực trạng, giải pháp về dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. https://hoilhpn.org.vn/images_upload/files_693.pdf
Tài liệu tham khảo:
1. Tạ Thị Ngọc Bích (2023). Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam. Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Thương Mại.
2. UBND huyện Sóc Sơn (2024). Báo cáo số 577/BC-UBND ngày 30/9/2024 về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024.
3. Công tác lao động – việc làm trên địa bàn thành phố Hà Nội: Thực trạng và giải pháp.https://sohuutritue.net.vn/cong-tac-lao-dong–viec-lam-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi-thuc-trang-va-giai-phap-d237458.html
4. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn – “chìa khóa” để phát triển bền vững. https://tapchinongthonmoi.vn/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-chia-khoa-de-phat-trien-ben-vung-26029.html.
5. Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. https://tapchitaichinh.vn/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-nghiep-nong-thon-viet-nam.html.
6. Tổng cục Thống kê. Số liệu lao động, việc làm. https://www.gso.gov.vn/lao-dong. Truy cập ngày 23/02/2025.