Giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên Trường Đại học Thành Đông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay 

ThS. Nguyễn Thị Thúy Hưởng 
Trường Đại học Thành Đông

(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số trong giáo dục đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu và tại Việt Nam, tác động sâu rộng đến phương thức giảng dạy và yêu cầu năng lực đối với giảng viên. Trường Đại học Thành Đông với mục tiêu đào tạo theo hướng ứng dụng đang từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy và khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học. Nhà trường đã và đang thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, đồng thời, tích cực thu hút giảng viên có kinh nghiệm trong nước và quốc tế thông qua các chương trình hợp tác đào tạo. Bài viết tập trung phân tích thực trạng đội ngũ giảng viên tại Trường Đại học Thành Đông, nhận diện những cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển bền vững để thích ứng với xu thế giáo dục hiện đại.

Từ khóa: Chuyển đổi số; giáo dục đại học; đội ngũ giảng viên; năng lực công nghệ số; kỹ năng số; Trường Đại học Thành Đông.

1. Đặt vấn đề

Ngày 25/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục, hiện đại hóa công tác quản lý và xây dựng một nền giáo dục mở, thích ứng trên nền tảng số. Đề án hướng tới mục tiêu chuyển đổi mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, trong đó giảng dạy và học tập trên môi trường số trở thành một hoạt động thiết yếu, được triển khai rộng rãi ở các cấp học. Theo đề án, đến năm 2025: 50% học sinh, sinh viên và giảng viên có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) để tham gia hiệu quả vào hoạt động dạy và học trực tuyến. Hơn 50% cơ sở giáo dục đại học cung cấp chương trình đào tạo từ xa, trực tuyến có cấp bằng. Tỷ trọng lớp học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học đạt trung bình 20%. Trong số người học lấy văn bằng đại học thứ hai, ít nhất 50% theo học hình thức trực tuyến với thời lượng học trực tuyến chiếm hơn 50% (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030).

Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ vào giảng dạy mà còn đòi hỏi sự thay đổi toàn diện về phương pháp giảng dạy, kỹ năng sư phạm số và tư duy đổi mới của đội ngũ giảng viên. Trường Đại học Thành Đông cần nhanh chóng thích ứng với xu hướng này bằng cách phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, thành thạo công nghệ và đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong thời đại số.

Để đạt được mục tiêu này cần có những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực số cho giảng viên, xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, ứng dụng công nghệ giáo dục và đổi mới mô hình giảng dạy. Bài viết tập trung phân tích thực trạng đội ngũ giảng viên của Trường trong bối cảnh chuyển đổi số, xác định những thách thức, cơ hội và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nhằm bảo đảm chất lượng giảng dạy và nâng cao hiệu quả đào tạo trong kỷ nguyên số.

2. Thực trạng đội ngũ giảng viên tại Trường Đại học Thành Đông trong chuyển đổi số 

a. Tổng quan về Trường Đại học Thành Đông

Trường Đại học Thành Đông là trường đại học tư thục được thành lập theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 17/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Trường có trụ sở tại số 03 phố Vũ Công Đán, phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương. Với tầm nhìn xác định đến năm 2030, Trường xây dựng triết lý đào tạo theo định hướng ứng dụng, chất lượng cao; có uy tín trong nước và khu vực; nằm trong top 10 các trường đại học tư thục Việt Nam. Bên cạnh đó, sứ mệnh là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tổ chức nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất, phục vụ cộng đồng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước2.

Trường hiện đang đào tạo 25 mã ngành ở trình độ đại học, 6 mã ngành ở trình độ thạc sĩ và 1 mã ngành ở trình độ tiến sĩ. Ngày 26/11/2020, Trường được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngày 12/8/2024, chương trình đào tạo đại học ngành Quản lý đất đai và ngành Luật kinh tế của Trường được cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Trường Đại học Thành Đông hoạt động theo mô hình đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, hướng đến cung cấp nguồn nhân lực cho nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội.

b. Đánh giá khả năng tiếp cận công nghệ trong chuyển đổi số

Trong bối cảnh chuyển đổi số, khả năng tiếp cận công nghệ của đội ngũ giảng viên Trường Đại học Thành Đông có sự khác biệt rõ rệ theo từng nhóm tuổi. Việc phân tích đối tượng giáo viên theo nhóm tuổi giúp xác định những thách thức cụ thể nhằm tăng cường kỹ năng sử dụng công nghệ số trong giảng dạy. Hiện nay, Trường Đại học Thành Đông có 383 giảng viên cơ hữu, trong đó:

Tổng hợp số liệu thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Thành Đông năm học (2024 – 2025)

Trình độDưới 30 tuổi30-60 tuổiTrên 60 tuổiTổng
Tiến sĩ043128171
Thạc sĩ1315225190
Cử nhân129122

Từ biểu đồ 1 cho thấy, phân bố đội ngũ giảng viên theo trình độ chuyên môn. Rõ ràng, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ chiếm ưu thế, trong khi số lượng giáo sư và phó giáo sư ít hơn đáng kể. Điều này phản ánh xu hướng chung trong giáo dục đại học.

(1) Nhóm tiến sĩ và thạc sĩ: đây là lực lượng chủ đạo trong giảng dạy và khả năng tiếp cận công nghệ số của nhóm này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy.

(2) Nhóm giáo sư và phó giáo sư: số lượng ít hơn nhưng đây là nhóm có kinh nghiệm chuyên môn cao. Việc đào tạo họ về công nghệ giảng dạy số có thể giúp tối ưu hóa chất lượng giảng dạy.

Theo biểu đồ 2 cho thấy các nhóm tuổi như sau:

(1) Nhóm giảng viên dưới 30 tuổi: số lượng gồm 25 giảng viên (trong đó: 13 thạc sĩ, 12 cử nhân). Đặc điểm: tiếp cận công nghệ nhanh nhờ sinh ra và lớn lên trong thời đại số. Dễ thích nghi và sử dụng linh hoạt các công cụ hỗ trợ giảng dạy trực tuyến.

Hạn chế: số lượng giảng viên còn ít, chưa đủ để tạo ra sự thay đổi lớn trong chuyển đổi số.

(2) Nhóm giảng viên từ 30 – 60 tuổi: đây là nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 204 giảng viên (43 tiến sĩ, 152 thạc sĩ, 9 cử nhân). Nhóm này có kinh nghiệm giảng dạy tốt nhưng có sự chênh lệch về khả năng tiếp cận công nghệ: Giảng viên 30 – 40 tuổi có thể thích nghi với công nghệ dễ dàng hơn; giảng viên 50 – 60 tuổi có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ số. Đây là nhóm quan trọng nhất trong chuyển đổi số, cần được đào tạo bài bản về công nghệ giảng dạy.

(3) Nhóm giảng viên trên 60 tuổi: chiếm số lượng lớn thứ hai, với 154 giảng viên (128 tiến sĩ, 25 thạc sĩ, 1 cử nhân). Đây là lực lượng có chuyên môn cao nhưng khả năng tiếp thu công nghệ thấp hơn. Chưa quen với giảng dạy số, có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng nền tảng trực tuyến.

Đội ngũ giảng viên Trường Đại học Thành Đông có sự phân hóa về khả năng tiếp cận công nghệ số. Nhóm giảng viên trẻ dưới 30 tuổi có lợi thế tiếp cận công nghệ nhanh chóng nhưng số lượng ít, chưa đủ để tạo ra thay đổi lớn. Nhóm giảng viên từ 30 – 60 tuổi là lực lượng quan trọng nhất nhưng cần có chương trình đào tạo phù hợp để nâng cao năng lực số, đặc biệt là giảng viên trên 50 tuổi. Nhóm giảng viên trên 60 tuổi có chuyên môn cao nhưng gặp nhiều thách thức trong việc tiếp thu công nghệ, cần sự hỗ trợ đặc biệt từ nhà trường. Do đó, việc xây dựng lộ trình đào tạo công nghệ số cho giảng viên theo từng nhóm tuổi là yếu tố then chốt để bảo đảm sự thành công của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học.

3. Giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo số tại Trường Đại học Thành Đông 

Thứ nhất, xây dựng chương trình đào tạo và bồi dưỡng giảng viên về công nghệ số.

Chương trình đào tạo không chỉ tập trung vào việc nâng cao kỹ năng giảng dạy trực tuyến, quản lý tài liệu số và ứng dụng công nghệ hiện đại mà còn chú trọng phát triển kỹ năng mềm giúp giảng viên sử dụng công nghệ một cách chuyên nghiệp và có đạo đức trong giảng dạy. Các nội dung trọng tâm của chương trình bao gồm:

(1) Tổ chức khóa học về giảng dạy trực tuyến: hướng dẫn giảng viên sử dụng các công cụ hỗ trợ giảng dạy số, thiết kế bài giảng điện tử và quản lý lớp học trực tuyến hiệu quả, phù hợp với các ngành đào tạo tại Trường Đại học Thành Đông.

(2) Quản lý tài liệu số: cung cấp kỹ năng số hóa tài liệu giảng dạy, lưu trữ và khai thác tài liệu số, giúp giảng viên làm việc với dữ liệu một cách khoa học, có hệ thống và đảm bảo tính bảo mật.

(3) Phát triển kỹ năng mềm trong sử dụng công nghệ: đào tạo kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm trong môi trường số, tư duy phản biện khi ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và đạo đức nghề nghiệp trong việc khai thác tài nguyên số.

Thứ hai, đào tạo công nghệ theo từng nhóm giảng viên.

(1) Nhóm giảng viên dưới 30 tuổi: tận dụng nhóm giảng viên trẻ như lực lượng hỗ trợ công nghệ, hướng dẫn và hỗ trợ các giảng viên lớn tuổi hơn trong quá trình sử dụng công nghệ số.

(2) Nhóm giảng viên từ 30 – 60 tuổi: xây dựng các khóa đào tạo công nghệ dành riêng cho giảng viên từ 50 tuổi trở lên. Khuyến khích giảng viên 30 – 40 tuổi tích cực tham gia hỗ trợ đồng nghiệp trong việc nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ.

(3) Nhóm giảng viên trên 60 tuổi: cung cấp khóa đào tạo công nghệ trực quan, dễ hiểu, tập trung vào thực hành. Tổ chức đội hỗ trợ kỹ thuật để hướng dẫn từng bước trong quá trình chuyển đổi số. Ứng dụng trợ lý công nghệ giúp giảng viên lập kế hoạch sử dụng phần mềm giảng dạy một cách hiệu quả. Với chương trình đào tạo này, giúp giảng viên Trường Đại học Thành Đông không chỉ nâng cao năng lực giảng dạy trong môi trường số mà còn phát triển tư duy đổi mới, sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm và hiệu quả. Qua đó góp phần xây dựng một môi trường học tập hiện đại, nhân văn và phù hợp với xu hướng giáo dục trong thời đại số.

Thứ ba, xây dựng kho học liệu số và tài nguyên mở phục vụ giảng dạy tại Trường Đại học Thành Đông.

Trường cần chú trọng đến việc xây dựng kho học liệu số và phát triển tài nguyên mở để hỗ trợ giảng viên và sinh viên tiếp cận nguồn tri thức phong phú, hiện đại. Đặc biệt, việc tăng cường liên kết với các trường đại học trong nước và quốc tế mà Trường đã ký tham gia kết hợp tác là một trong những chiến lược quan trọng, giúp mở rộng phạm vi tiếp cận học liệu và nâng cao chất lượng giảng dạy. Kho học liệu số đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn hóa và số hóa nội dung giảng dạy giúp giảng viên dễ dàng thiết kế bài giảng điện tử, sử dụng tài liệu đa phương tiện và áp dụng phương pháp giảng dạy linh hoạt hơn. Đồng thời, hệ thống tài nguyên mở tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tiếp cận kiến thức một cách chủ động và hiệu quả từ nhiều nguồn khác nhau.

Việc xây dựng kho học liệu số và tăng cường liên kết với các trường đại học trong nước và quốc tế không chỉ giúp giảng viên và sinh viên Trường Đại học Thành Đông tiếp cận nguồn tri thức đa dạng, mà còn nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng cơ hội học tập và nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để hiện đại hóa công tác giảng dạy, đáp ứng xu hướng giáo dục mở và đào tạo trong thời đại số.

Thứ tư, cải thiện chính sách và môi trường làm việc cho giảng viên.

Nhà trường cần tập trung vào hai nội dung trọng tâm: chính sách đãi ngộ và đầu tư hạ tầng công nghệ phục vụ giảng dạy. Thiết lập chính sách thu hút nhân tài, tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên có năng lực chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học gắn bó lâu dài với nhà trường.

Khuyến khích giảng viên tham gia các chương trình trao đổi, hợp tác đào tạo với các trường đại học trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp cận với các phương pháp giảng dạy hiện đại. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ phục vụ giảng dạy số, bao gồm phòng học thông minh, hệ thống ghi hình bài giảng, phần mềm hỗ trợ giảng dạy và học tập trực tuyến. Bên cạnh đó, nâng cấp hạ tầng mạng bảo đảm tốc độ đường truyền ổn định, hỗ trợ giảng viên và sinh viên trong việc truy cập kho học liệu số, tham gia các lớp học trực tuyến và thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đồng thời bảo đảm an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu giảng dạy, giúp giảng viên yên tâm trong việc ứng dụng công nghệ vào quá trình giảng dạy.

Việc xây dựng chính sách đãi ngộ hợp lý kết hợp với đầu tư hạ tầng công nghệ hiện đại không chỉ giúp cải thiện môi trường làm việc cho giảng viên mà còn góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tại Trường Đại học Thành Đông đáp ứng yêu cầu đào tạo trong thời đại số.

4. Kết luận 

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc phát triển đội ngũ giảng viên không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo và khả năng thích ứng của các cơ sở giáo dục đại học. Đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, thành thạo công nghệ và linh hoạt trong phương pháp giảng dạy đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và nhu cầu của người học trong thời đại số.

Những giải pháp được đề xuất trong nghiên cứu này, bao gồm đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng số cho giảng viên, xây dựng kho học liệu số, cải thiện chính sách đãi ngộ và đầu tư hạ tầng công nghệ, đều hướng đến mục tiêu phát triển đội ngũ giảng viên Trường Đại học Thành Đông một cách chuyên nghiệp, đồng bộ và hiệu quả. Ngoài ra, Trường cần có chiến lược dài hạn, phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại, bảo đảm rằng đội ngũ giảng viên có thể đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của Nhà trường cũng như hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam.

Chú thích:
1. Phát triển nguồn nhân lực là gì? Vai trò và chính sách phát triển. https://irdm.edu.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-la-gi/
2. Lê Văn Hùng (2024). Trường Đại học Thành Đông – 15 năm xây dựng và phát triển. Kỷ yếu Trường Đại học Thành Đông 15 năm xây dựng và phát triển (2009 – 2024), tr. 7.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2009). Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 17/9/2009 về việc thành lập Trường Đại học Thành Đông.
2. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3. Tầm nhìn, sứ mệnh. https://thanhdong.edu.vn/tam-nhin-su-menh-gtcl-c14.html
4. Thông báo thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Thành Đông năm học (2024 – 2025). https://thanhdong.edu.vn/cong-khai-thong-tin-ve-doi-ngu-giang-vien-co-huu-cua-truong-dai-hoc-thanh-dong-nam-hoc-2024—2025-n1306.htm