Phát huy vai trò của Quân đội trong tham gia xây dựng nông thôn mới

ThS. Thái Văn Lai
Lê Trường Giang Lộc
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Quân đội Nhân dân Việt Nam được hình thành từ Nhân dân, chiến đấu vì Nhân dân và phục vụ Nhân dân. Thông qua các hoạt động thiết thực, quân đội đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đặc biệt tại các địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, thể hiện sâu sắc phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ”. Bài viết khái quát những kết quả đạt được, đồng thời đề xuất những giải pháp để lực lượng quân đội nâng cao hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Từ khóa: Quân đội; nông thôn mới; phong trào; xây dựng; phát huy vai trò.

1. Đặt vấn đề

Xây dựng nông thôn mới không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có Quân đội. Với tinh thần “Quân với dân một ý chí”, Quân đội đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong việc giúp đỡ người dân nông thôn phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng cơ sở hạ tầng; xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội; giữ gìn an ninh trật tự. Nhờ những đóng góp tích cực này, Quân đội đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đồng thời củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân.

2. Các kết quả đạt được từ phong trào xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân đã phát huy vai trò, trách nhiệm bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương1.

Thứ nhất, công tác dân vận. Toàn quân thực hiện hiệu quả công tác dân vận, tham gia tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân; vận động Nhân dân nâng cao cảnh giác, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Trong đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận giai đoạn 1 năm 2023, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa bàn, xây dựng nông thôn mới ở 758 xã2.

Đặc biệt, phong trào thi đua “dân vận khéo” của Quân đội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị toàn quân triển khai nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động thông qua các hoạt động, như: hành quân dã ngoại làm công tác dân vận; ký kết chương trình phối hợp hoạt động; kết nghĩa với các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể; kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới với các nước láng giềng; thành lập các tổ, đội công tác liên ngành, cử cán bộ tăng cường cơ sở; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín; tổ chức các buổi tiếp xúc với nhân dân phổ biến các chính sách mới, phương thức sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao3.

Thứ hai, xây dựng cơ sở hạ tầng. Tham gia xây dựng, sửa chữa các công trình giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, hệ thống thủy lợi, góp phần cải thiện đời sống người dân. Hỗ trợ xây dựng các công trình nước sạch, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường nông thôn. Ví dụ: các cơ quan, đơn vị đã tham gia lao động, sản xuất, xây dựng nông thôn mới với 855.600 ngày công; làm mới và tu sửa hơn 400km đường giao thông nông thôn, nạo vét hơn 800km kênh mương nội đồng; tu sửa 742 nghĩa trang liệt sĩ4. Trong năm 2024, tuổi trẻ quân đội đã huy động gần 700.000 lượt ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới, vệ sinh môi trường, khắc phục thiên tai và củng cố quốc phòng. Các đơn vị đã làm mới 25.262 pano, 7.766 bảng ảnh, tu sửa 7.133 vườn hoa, câu lạc bộ chiến sĩ; làm mới 8,8 km, tu sửa 207 km đường giao thông, xây 24 cầu dân sinh, vệ sinh 277 km kênh mương, 92 ha ao hồ, 289 km bờ biển5

Thứ ba, phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Quân đội tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo. Tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, giúp người dân nâng cao thu nhập. Năm 2023, các cơ quan, đơn vị trong Quân đội đã tặng 350 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà cho người nghèo, sửa chữa 550 căn nhà cho gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hơn 214.000 lượt người; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương thăm, tặng quà hơn 35.000 đối tượng chính sách; xây tặng 7 công trình văn hóa, thể dục – thể thao trong vùng đồng bào tôn giáo… Tổng kinh phí các hoạt động hơn 60 tỷ đồng6. Quân đội còn tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho vùng sâu, vùng xa; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 19.700 người, tổ chức cắt tóc miễn phí cho 2.709 người, với tổng giá trị hỗ trợ gần 10 tỷ đồng7.

Đặc biệt, Quân đội triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; tích cực tham gia hỗ trợ nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống nhân dân8; phối hợp chặt chẽ với địa phương trực tiếp khảo sát tại từng xã, thôn, bản, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp thiết về thiếu điện, nước, lương thực, tư liệu sản xuất; tu sửa, làm mới đường giao thông nông thôn, cầu dân sinh; xây mới và tu sửa phòng học, nhà văn hóa cộng đồng…

Cơ quan quân sự địa phương, bộ đội biên phòng, các binh đoàn, đoàn kinh tế – quốc phòng nắm vững phương châm 3 bám (bám dân, bám bản, bám đối tượng); 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc); 6 xóa (xóa đói cái ăn, xóa đói cái mặc, xóa đói chữ, xóa đói thông tin, xóa đói thuốc chữa bệnh, xóa thiếu nước sạch), huy động hàng ngàn lượt phương tiện, ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, nhà văn hóa, nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà đại đoàn kết, giúp đỡ các xã miền núi, xã dân tộc thiểu số khó khăn; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng du canh, du cư; xây dựng cụm thôn, bản định canh, định cư bền vững; nâng cấp, xây dựng mới các bệnh xá quân dân y; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học9.

Thứ ba, góp phần giữ gìn an ninh trật tự. Lực lượng bộ đội biên phòng tham gia bảo vệ an ninh trật tự trên các tuyến biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Tích cực cùng Nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã phát huy văn hóa, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cống hiến, hy sinh, khắc phục mọi khó khăn gian khổ để đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân; đồng thời, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh với các mô hình: “Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn về an ninh, trật tự”, “Tiếng kẻng vùng biên”, “Xóm chài bình yên”, “Cụm tàu thuyền an toàn”,… tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng thế trận quốc phòng và an ninh vững chắc10.

 Những kết quả đạt được trong phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” đã góp phần quan trọng để diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, làm sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới của Quân đội

Để phát huy hơn nữa vai trò của Quân đội trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới cần làm tốt một số giải pháp sau:

Một là, các đơn vị quân đội làm kinh tế cần được cung cấp kiến thức về các mô hình sản xuất bền vững, ứng dụng công nghệ và khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp người dân nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất và cải thiện đời sống. Tổ chức các buổi tư vấn, hội thảo chuyên sâu về kỹ thuật canh tác, quản lý trang trại và mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả là rất cần thiết. Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất tiên tiến cần được xây dựng và duy trì để người dân có thể trực tiếp tham quan, học hỏi, từ đó áp dụng vào thực tiễn. Đồng thời, việc đào tạo kỹ năng quản lý kinh tế nông thôn, tổ chức sản xuất hiệu quả và phát triển hợp tác xã là một yếu tố quan trọng để giúp người dân không chỉ nâng cao thu nhập mà còn xây dựng cộng đồng nông thôn vững mạnh, tự chủ và thịnh vượng.

Hai là, để bảo đảm hiệu quả trong việc triển khai các dự án phát triển xây dựng nông thôn, quân đội cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng. Sự hợp tác này không chỉ tạo ra sự gắn kết trong công tác triển khai, mà còn huy động được nhiều nguồn lực, góp phần nâng cao chất lượng các chương trình phát triển nông thôn mới. Cụ thể, Quân đội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường sống, thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả. Ngoài ra, sự kết hợp này còn giúp duy trì an ninh trật tự, tạo ra sự ổn định, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho việc cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập của người dân. Quan trọng hơn, việc kết hợp giữa các lực lượng sẽ làm tăng tính bền vững của các dự án, giúp nông thôn không chỉ phát triển về mặt kinh tế mà còn giữ gìn được giá trị văn hóa và phát triển toàn diện cuộc sống của Nhân dân.

Ba là, Quân đội cùng với các lực lượng khác trên địa bàn đóng quân cần phát huy vai trò bảo vệ an ninh, trật tự tại các vùng nông thôn, đặc biệt là các khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Việc duy trì an ninh không chỉ giúp bảo vệ tài sản của người dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất – kinh doanh và thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn. Đồng thời, sự giúp đỡ của lực lượng quân đội còn giúp tăng cường lòng tin của cộng đồng vào chính quyền, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. Thực hiện tốt công tác an ninh sẽ là tiền đề vững chắc để thúc đẩy phát triển bền vững và tạo dựng một nông thôn mới, giàu mạnh và văn minh.

Bốn là, các đơn vị quân đội chung tay với chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng và phát triển các công trình hạ tầng cơ bản, bao gồm: trường học, trạm y tế, nhà văn hóa và các dịch vụ công cộng khác. Những công trình này không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết về cơ sở vật chất cho Nhân dân mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế toàn diện ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, quân đội sẽ tiếp tục hỗ trợ việc phát triển các mô hình sản xuất nông thôn bền vững, giúp người dân cải thiện năng suất, gia tăng thu nhập và từng bước nâng cao trình độ dân trí. Việc phát triển đồng bộ các dịch vụ công cộng và hạ tầng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, mang lại sự đổi mới và phát triển bền vững cho khu vực nông thôn.

Năm là, để công tác dân vận đạt hiệu quả cao, các đơn vị quân đội cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong từng nhiệm vụ, giai đoạn, bảo đảm thống nhất, phù hợp, không chồng chéo, mang lại hiệu quả thiết thực.

4. Kết luận

Quân đội nhân dân Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt tham gia tích cực trong hỗ trợ xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh và nâng cao đời sống của Nhân dân tại nhiều địa phương trên cả nước. Các chương trình dân vận, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật đã giúp nhiều địa phương thoát nghèo bền vững. Đồng thời, quân đội còn giữ vai trò nòng cốt trong bảo đảm quốc phòng – an ninh, củng cố lòng tin giữa Nhân dân với chính quyền. Những kết quả đạt được khẳng định vai trò to lớn của quân đội ta trong sự nghiệp phát triển đất nước, đồng thời tiếp tục phát huy trong giai đoạn tới.

Chú thích:
1, 2, 4, 6. Bộ đội về làng giúp dân xây dựng nông thôn mới. https://baophapluat.vn/bo-doi-ve-lang-giup-dan-xay-dung-nong-thon-moi-post490014.html, ngày 24/11/2023.
3, 8, 9. Tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” của Quân đội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. https://baodantoc.vn/tuyen-duong-dien-hinh-dan-van-kheo-cua-quan-doi-o-vung-dong-bao-dtts-va-mien-nui-1740538482241.htm, ngày 26/02/2025.
5, 7. Bộ Quốc phòng (2024). Báo cáo số 1175/BC-TN ngày 09/10/2024 về báo cáo kết quả công tác Thanh niên Quân đội năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác Thanh niên Quân đội năm 2025.
10. Không thể xuyên tạc vai trò của Quân đội tham gia bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. http://tapchiqptd.vn, ngày 24/01/2024.
Tài liệu tham khảo: 
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2008). Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
2. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia (2020). Báo cáo số 02/BC-BCĐCTMTQG ngày 27/4/2020 tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.
3. Bộ Quốc phòng: Vai trò của Quân đội chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới. https://moha.gov.vn/nong-thon-moi/tin-tuc/Pages/listbnv.aspx?CateID=31&ItemID=1992, ngày 28/12/2020.
4. Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới. https://infonet.vietnamnet.vn/quan-doi-chung-suc-xay-dung-nong-thon-moi-59472.html, ngày 07/3/2020.