Phát huy vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thực hiện chính sách dân tộc hiện nay

ThS. Phạm Viết Đạt
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Chính sách dân tộc là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, có vai trò quyết định đối với sự ổn định, đoàn kết và phát triển bền vững của quốc gia. Quân đội nhân dân Việt Nam với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, có nhiệm vụ trọng yếu trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Nhiệm vụ này không chỉ nhằm bảo vệ chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ mà còn củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bài viết phân tích vai trò của quân đội trong thực hiện chính sách dân tộc, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả vai trò của quân đội trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Từ khóa: Chính sách dân tộc, công tác dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam.

1. Đặt vấn đề:

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em cùng chung sống, đoàn kết. Quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước là “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển”1. Trong suốt chiều dài lịch sử, Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc mà còn đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc. Quân đội ta từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc thiểu số, là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào. Trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch tăng cường chống phá, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, việc phát huy vai trò của Quân đội nhân dân trong thực hiện chính sách dân tộc càng trở nên cấp thiết, trở thành nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, có ý nghĩa chiến lược đối với sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

2. Vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thực hiện chính sách dân tộc

Quân đội nhân dân Việt Nam, dưới sự sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là đội quân chiến đấu mà còn là đội quân lao động sản xuất và đội quân công tác. Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ gắn bó, khăng khít, “máu thịt” với Nhân dân. Trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đối với đồng bào các dân tộc được thể hiện rõ nét trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong đó, quán triệt và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thuộc chức năng, nhiệm vụ, thể hiện bản chất, truyền thống tốt đẹp và vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam với đồng bào các dân tộc.

Thứ nhất, Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng tiên phong, quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục về chính sách dân tộc.

Quân đội nhân dân Việt Nam có ưu thế đặc biệt trong công tác tuyên truyền, giáo dục do có hệ thống tổ chức chặt chẽ, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ được đào tạo bài bản và kỷ luật cao. Quân đội có thể triển khai công tác tuyên truyền một cách sâu rộng, đồng bộ và hiệu quả đến mọi vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Nội dung tuyên truyền không chỉ giới hạn trong việc phổ biến các văn bản pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc mà còn tập trung vào việc nâng cao nhận thức về bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống đoàn kết, tinh thần tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm công dân. Quân đội sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền, từ các buổi nói chuyện, hội nghị, diễn đàn, đến các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các hoạt động công tác dân vận. Thông qua các hoạt động này, góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng vững chắc cho khối đại đoàn kết dân tộc, chống lại các âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ và phá hoại sự nghiệp cách mạng.

Thứ hai, Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong xây dựng cơ sở chính trị và hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số.

Xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính sách dân tộc. Quân đội nhân dân Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là ở các xã, phường, thị trấn vùng dân tộc thiểu số. Quân đội tổ chức cán bộ, chiến sĩ tăng cường xuống cơ sở, tham gia củng cố, kiện toàn tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tích cực tham gia phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên là người dân tộc thiểu số, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh. Góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý của hệ thống chính trị ở cơ sở, phát huy vai trò của Nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và tạo môi trường chính trị ổn định để phát triển kinh tế – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. Sự tham gia của quân đội vào xây dựng cơ sở chính trị không chỉ tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị mà còn củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng xung kích, quan trọng trong tham gia phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế ở vùng dân tộc thiểu số.

Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là lực lượng bảo vệ Tổ quốc mà còn là lực lượng lao động sản xuất, xây dựng và phát triển đất nước. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế ở vùng dân tộc thiểu số, Quân đội nhân dân Việt Nam có vai trò xung kích, đi đầu. Quân đội tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, như đường giao thông, cầu cống, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi, nhà văn hóa, điện lưới quốc gia và nước sạch sinh hoạt. Quân đội cũng tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ ở vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các hoạt động quân dân y kết hợp, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa đã trở thành một nét đẹp truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, thể hiện tình cảm quân dân sâu sắc và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền và tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy tiềm năng, thế mạnh, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự tham gia của quân đội vào phát triển kinh tế – xã hội không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và quân đội.

Thứ tư, Quân đội nhân dân Việt Nam có vai trò then chốt trong củng cố quốc phòng – an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng – an ninh. Đây là địa bàn phòng thủ trọng yếu, là tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc. Quân đội đóng quân trên địa bàn, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc và phối hợp với các lực lượng chức năng khác để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội. Quân đội cũng là lực lượng chủ lực trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và ứng phó với các tình huống khẩn cấp ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân. Sự hiện diện và hoạt động của quân đội ở vùng dân tộc thiểu số không chỉ đảm bảo an ninh quốc phòng mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, củng cố niềm tin và tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa quân và dân.

3. Thực trạng thực hiện chính sách dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam

Quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đặc biệt là Chỉ thị số 572-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương, ngày 05/10/2012 về Quân đội thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới; Chỉ thị số 84/CT-BQP ngày 15/6/2015 về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trong Quân đội đến năm 2020, các đơn vị đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tới toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ toàn quân; cử cán bộ tham gia thành viên các Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào về công tác dân tộc luôn được coi trọng. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng về dân tộc và chính sách dân tộc được triển khai thường xuyên, sâu rộng góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ. Đã phối hợp tổ chức 677.805 diễn đàn, nói chuyện chuyên đề, phổ biến giáo dục pháp luật với sự tham gia của 171.077.000 lượt người; vận động 57.195 hộ/208.030 nhân khẩu không di cư tự do, vận động 87.041 học sinh trở lại trường học. Thực hiện “3 bám: bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào”. Ngăn chặn 1.278 vụ/12.248 lượt người tham gia sinh hoạt đạo trái pháp luật, trong đó, có 87 vụ/528 người nước ngoài; vận động thu nộp vũ khí tự tạo các loại 5.787 khẩu; vận động trên 2.500 người không vượt biên trái phép; giải quyết thành công hàng trăm vụ việc phức tạp liên quan đến vấn đề dân tộc2.

Quân đội đã tích cực tham gia xây dựng và củng cố vững chắc hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương và phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng. Tham gia củng cố hơn 4.800 chi bộ, 5.300 tổ chức chính quyền, 23.000 tổ chức chính trị – xã hội, bồi dưỡng hơn 10.000 lượt cán bộ cơ sở. Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho hơn 300 nghìn lượt già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng 1.988 cơ sở dân quân tự vệ/105.220 người, tỷ lệ đảng viên là 25,37%, đoàn viên là 61,12%. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cử 311 người (62 người là dân tộc thiểu số), trong đó có 253 người giữ các chức danh lãnh đạo trong cấp ủy, chính quyền; phân công hơn 9.400 đảng viên các đồn biên phòng phụ trách hơn 40.000 hộ gia đình khu vực biên giới (hộ dân tộc thiểu số chiếm 48%); giới thiệu 2.388 đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản sát biên giới; tham mưu thành lập hơn 500 tổ hòa giải3.

Các công trình, dự án do quân đội thực hiện đã góp phần cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Đã ổn định tại chỗ, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho gần 87.000 hộ dân trong vùng dự án. Hoàn thành mục tiêu đón nhận, sắp xếp dân cư trong các khu kinh tế – quốc phòng (có 7.150 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, quy hoạch nơi ở cho 15.847 hộ dân di cư từ nơi khác đến); xây dựng mới 276 điểm dân cư. Làm mới, sửa chữa 6.427 km đường giao thông nông thôn, 3.216 cầu dân sinh, 572 công trình nước sạch, 168 công trình điện, 2.156 công trình thủy lợi; 3.591 phòng học, nhà văn hóa; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật 687 lớp/22.563 người. Gắn kết 4.015 hộ người kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số; tặng 24.000 con bò giống. Mô hình “Giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển hộ kinh tế gia đình” đã giúp 3.461 hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế bền vững, ổn định cuộc sống. Mở 518 lớp học cho 96.371 con em đồng bào dân tộc thiểu số4.

Các đơn vị toàn quân đã tham gia 7.239.650 ngày công cùng Nhân dân phát triển kinh tế; hỗ trợ 77.688.000.000 đồng theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững và Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 – 20205.

Sự tham gia và hoạt động của quân đội đã góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và tạo môi trường an ninh, an toàn để phát triển đất nước. Các hoạt động công tác dân vận, kết nghĩa và quân dân y kết hợp đã góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa quân và dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và quân đội. Đã xây dựng gần 6.000 nhà tình nghĩa; phụng dưỡng thường xuyên 2.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tặng gần 7.000 sổ tiết kiệm; tìm kiếm, quy tập hơn 11.000 hài cốt liệt sĩ; xét duyệt, quyết định hơn 1.720.000 người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế hưởng chế độ6. Trong phòng, chống dịch Covid-19, Quân đội triển khai gần 200 điểm cách ly tập trung; thành lập 1.911 tổ, chốt kiểm soát, phòng chống dịch với 12.919 cán bộ, chiến sĩ tham gia7.

Bên cạnh những kết quả nổi bật, một số đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề phức tạp liên quan đến công tác dân tộc có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa kịp thời. Hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội có đơn vị, doanh nghiệp chưa cao, chưa chú trọng giải quyết những vấn đề cấp bách, mang tính bền vững ở các vùng chiến lược. Việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có đơn vị chưa kịp thời.

4. Một số giải pháp

Một là, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về chính sách dân tộc trong quân đội. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xác định rõ “thực hiện công tác dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa chiến lược lâu dài”8 của toàn quân.

Đổi mới tư duy về phương pháp tiếp cận và cách thức thực hiện công tác dân tộc: Chuyển từ tư duy “thực hiện theo chỉ thị, mệnh lệnh” sang tư duy “chủ động, sáng tạo, linh hoạt” và từ tư duy “chú trọng hình thức, bề nổi” sang tư duy “chú trọng chất lượng, chiều sâu”. Chủ động phối hợp với các tổ chức, các lực lượng tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mục tiêu phát triển đất nước và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm, tư tưởng, nhận thức sai trái về công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chỉ huy các cấp đối với công tác dân tộc. Các cấp ủy đảng cần trực tiếp tham gia chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch hành động cụ thể, đồng thời phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cấp, ngành, đơn vị. Phát huy tối đa vai trò của cơ quan chính trị và cán bộ chính trị, xây dựng họ thành lực lượng nòng cốt trong việc tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc.

Bên cạnh đó, việc đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp thực hiện công tác dân tộc là rất cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả trong tình hình mới. Công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá cần được tiến hành thường xuyên để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, cũng như rút kinh nghiệm và nhân rộng những điển hình tiên tiến. Sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy là yếu tố then chốt để công tác dân tộc đạt được hiệu quả cao nhất. Đồng thời, cần phát huy vai trò tham mưu của cơ quan chính trị các cấp và hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân trong việc thực hiện chính sách dân tộc tại cơ quan, đơn vị.

Ba là, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc. Xây dựng chương trình đào tạo bài bản, bao gồm cả lý thuyết và thực hành, nhằm trang bị kiến thức chuyên sâu về dân tộc học, văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật và kỹ năng vận động quần chúng. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, không chỉ giới hạn trong nước mà còn mở rộng hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho cán bộ tiếp cận những kiến thức và kinh nghiệm tiên tiến.

Trong công tác tuyển chọn và đãi ngộ, ưu tiên hàng đầu là phát huy vai trò của người dân tộc thiểu số. Việc tuyển chọn cán bộ từ chính cộng đồng dân tộc thiểu số không chỉ tạo nguồn nhân lực tại chỗ mà còn bảo đảm tính gần gũi và hiểu biết sâu sắc về văn hóa, phong tục của địa phương. Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng nguồn cán bộ dân tộc thiểu số trong lực lượng vũ trang, bảo đảm sự cân bằng và tính kế thừa giữa các đơn vị, vùng miền. Bên cạnh đó, việc xây dựng các chính sách đãi ngộ thỏa đáng là vô cùng quan trọng. Cần có những chế độ đãi ngộ đặc biệt cho cán bộ công tác tại các vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sinh hoạt và làm việc còn nhiều khó khăn. Điều này không chỉ khuyến khích cán bộ yên tâm công tác mà còn góp phần nâng cao chất lượng công tác dân tộc tại những địa bàn trọng yếu. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”9.

Bốn là, tăng cường phối hợp liên ngành và huy động sức mạnh tổng hợp từ toàn xã hội. Thiết lập và duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương ở mọi cấp, cũng như với các lực lượng đang hoạt động trên địa bàn. Sự phối hợp này không chỉ giúp củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và khu vực biên giới mà còn bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn chiến lược. Bên cạnh đó, việc xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh là yếu tố không thể thiếu. Điều này bao gồm việc kiện toàn Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên đủ về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Đẩy mạnh huy động sự tham gia của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và cá nhân vào công tác dân tộc. Việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho họ đóng góp nguồn lực và kinh nghiệm không chỉ giúp giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, mà còn tạo ra sự đồng thuận và ủng hộ từ cộng đồng. Việc phát huy vai trò của cộng đồng và người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, trong quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách dân tộc là vô cùng quan trọng. Điều này đảm bảo rằng các chính sách được đưa ra thực sự phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, đồng thời tạo ra sự minh bạch và trách nhiệm trong quá trình thực thi.

Năm là, đảm bảo nguồn lực và cơ chế, chính sách phù hợp cho công tác dân tộc trong quân đội. Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác dân tộc, ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế ở vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dự án do quân đội thực hiện. Hoàn thiện cơ chế chính sách về công tác dân tộc trong quân đội, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế chính sách liên quan đến công tác dân tộc, bảo đảm cơ chế chính sách đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tế.

Bảo đảm chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân tộc. Có chế độ phụ cấp, khen thưởng và các chế độ đãi ngộ khác phù hợp với đặc điểm và tính chất công tác dân tộc, động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, gắn bó với địa bàn vùng dân tộc thiểu số. Quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố cơ quan dân vận và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận theo Quy chế số 718-QC/QUTW ngày 05/11/2021 của Quân ủy Trung ương về công tác dân vận. Làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” của Quân đội trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

5. Kết luận

Quân đội Nhân dân Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Để tối ưu hóa vai trò này, cần tiếp tục đổi mới tư duy, tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác dân tộc. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành và việc đảm bảo đảm nguồn lực đầy đủ, kịp thời là yếu tố quyết định. Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, giữ vững vị thế là lực lượng nòng cốt, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hiện thực hóa thắng lợi chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm sâu sắc và nỗ lực không ngừng để đạt được hiệu quả cao nhất.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003). Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác dân tộc.
2, 3, 4, 7. Quân ủy Trung ương (2022). Báo cáo số 1494-BC/QUTW ngày 03/11/2022 về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 572-CT/QUTW ngày 05/10/2012 của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương về thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới.
5, 6. Quân ủy Trung ương (2020). Báo cáo Chính trị của Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015 – 2020 tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI.
8. Quân ủy Trung ương (2012). Chỉ thị số 572-CT/QUTW ngày 05/10/2012 về Quân đội thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 170.
Tài liệu tham khảo:
1. Dương Văn Lượng (2020). Tài liệu Hỏi – đáp về chính sách dân tộc và công tác dân tộc. Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, Hà Nội.
2. Quân ủy Trung ương (2021). Quy chế số 718-QC/QUTW ngày 05/11/2021 của Quân ủy Trung ương về công tác dân vận của Quân đội nhân dân Việt Nam.