Phát huy tính tích cực chính trị – xã hội của thanh niên quân đội trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam 

ThS. Đỗ Thiện Diệu
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Ô nhiễm môi trường đang là thách thức toàn cầu. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ tương lai loài ngoài cần có sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của mọi thành viên trong xã hộiĐối với Việt Nam, xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi phát huy cao độ tính tích cực chính trị – xã hội của tất cả các tổ chức, lực lượng, trong đó có thanh niên quân đội. Bài viết trên cơ sở đánh giá thực trạng việc bảo vệ môi trường và đề xuất giải pháp nhằm phát huy tính tích cực chính trị – xã hội của thanh niên quân đội trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Từ khóa: Thanh niên quân đội; phát huy tính tích cực chính trị – xã hội; bảo vệ môi trường.

1. Đặt vấn đề

Bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây là vấn đề sống còn của nhân loại, là nhân tố quan trọng trực tiếp nâng cao chất lượng sống, bảo đảm sức khỏe Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, thúc đẩy hội nhập quốc tế của đất nước. Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định, bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một nội dung quan trọng của bền vững, lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu song song với nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội. 

2. Thanh niên quân đội với nhiệm vụ bảo vệ môi trường

Hiện nay, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống, xã hội, gây ra những thiệt hại lớn đối với phát triển đất nước và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế đã tác động không nhỏ tới vấn đề bảo vệ môi trường. Vì thế, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó Quân đội là lực lượng đi đầu trong bảo vệ môi trường, nhất là tham gia giải quyết sự cố môi trường. 

Hoạt động quân sự thường xuyên gắn liền với môi trường, do đó tham gia bảo vệ môi trường là yêu cầu khách quan gắn liền với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quân đội. Công tác này là nhiệm vụ của mọi quân nhân, trong đó, thanh niên quân đội được xác định là lực lượng đông đảo, giữ vai trò xung kích tham gia bảo vệ môi trường. Đó vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm thường xuyên của thanh niên ở tất cả các đơn vị trong toàn quân. 

Tính tích cực chính trị – xã hội của thanh niên quân đội trong bảo vệ môi trường thể hiện ở thái độ và hành động sẵn sàng đối diện, không quản ngại gian khổ, không sợ hy sinh để ứng phó với sự cố, thảm họa môi trường bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Phát huy tính tích cực chính trị – xã hội của thanh niên quân đội trong bảo vệ môi trường là nâng cao tư tưởng, tinh thần của họ với tư cách là thành viên của xã hội tham gia có trách nhiệm, hăng hái để ứng phó với những thách thức, nguy cơ đe dọa từ sự cố, thảm họa môi trường. Do đó, để thực hiện tốt việc tham gia bảo vệ môi trường đòi hỏi thanh niên quân đội phải phát huy tính tích cực chính trị – xã hội của mình. 

Những năm qua, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã quan tâm bồi dưỡng và phát huy tính tích cực chính trị – xã hội của thanh niên quân đội trong quá trình bảo vệ môi trường. Nghị quyết Đại hội I của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Quân đội xác định: “Đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ Quân đội, nhất là trong học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu”1. Do đó, thanh niên quân đội đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt và có nhiều đóng góp quan trọng trong tham gia bảo vệ môi trường. 

Thanh niên quân đội đã: (1) Phát huy ưu thế trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường. (2) Tiên phong trong phát hiện, khai thác, sử dụng hợp lý các thành phần của môi trường phục vụ cho các hoạt động quân sự. (3) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cho ra đời các sản phẩm chất lượng để bảo vệ môi trường. (4) Xung kích, tình nguyện trực tiếp tham gia, phối hợp với các lực lượng thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường với nhiều giải pháp, mô hình sáng tạo, hiệu quả ngày càng cao. (5) Làm tốt công tác tham mưu đề xuất cấp ủy, chỉ huy các cấp trong các hoạt động bảo vệ môi trường. (6) Chủ động trong đấu tranh chống lại các quan điểm, hành động phá hoại môi trường…

Giai đoạn 2016 – 2020, toàn quân đã lập và thẩm định 146 báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư quốc phòng bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, đúng tiến độ. Thanh niên quân đội đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều mô hình, giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong kiểm soát, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường tại các đơn vị bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, kho tàng, bệnh viện, cải thiện môi trường tại trung tâm huấn luyện, trường bắn. Tích cực tham thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá, quan trắc môi trường trên biển, quan trắc hóa chất độc – phóng xạ, mưa axit, nghiên cứu bảo vệ tài nguyên, môi trường, gắn với đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Xử lý bom, mìn, vật nổ tồn sau chiến tranh ở các tỉnh ô nhiễm nặng, như: Quảng Bình, Bình Định, Hà Giang…; xử lý chất độc hóa học/dioxin khu vực sân bay Đà Nẵng, khởi động xử lý ở khu vực sân bay Biên Hòa, sân bay Asho (Thừa Thiên – Huế); tham gia ứng phó kịp thời, có hiệu quả sự cố môi trường ở một số địa phương, trồng mới được 1.378.896 cây xanh2.

Cùng với đó, Quân đội luôn đi đầu trong phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, lũ, bảo vệ môi trường. Năm 2024, cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Bắc, Quân đội đã điều động 143.700 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ mà nòng cốt là thanh niên quân đội với hơn 5.320 phương tiện quyết liệt tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ3.

Tuy vậy, nhận thức của một bộ phận thanh niên quân đội về công tác bảo vệ môi trường có lúc, có nơi chưa đầy đủ; hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường chưa cao; tính xung kích, sáng tạo của thanh niên ở một số đơn vị trong bảo vệ môi trường có thời điểm, có đơn vị chưa được phát huy đầy đủ… Điều đó, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ môi trường của thanh niên quân đội. 

3. Đề xuất giải pháp 

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ thể, lực lượng phát huy tính tích cực chính trị – xã hội của thanh niên quân đội.

Ứng phó với các sự cố, thảm họa môi trường rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi rất cao về trình độ, khả năng nhận thức của các chủ thể, lực lượng tham gia. Việc giáo dục nhận thức cho các chủ thể, lực lượng cần tập trung vào vị trí, vai trò của môi trường; làm rõ bảo vệ môi trường là nghĩa vụ, trách nhiệm không phải của một, vài tổ chức, cá nhân mà phải có sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. 

Bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ chiến đấu thời bình của quân đội; vai trò của thanh niên quân đội là rất quan trọng vì thanh niên quân đội là những chiến sĩ cách mạng kiên trung, trẻ khỏe, năng nổ, sáng tạo, thấm đượm văn hóa “Bộ đội cụ Hồ”.  Trên cơ sở làm chuyển biến căn bản, sâu sắc, toàn diện về nhận thức, từ đó làm chuyển biến về hành động của thanh niên quân đội trong bảo vệ môi trường. Mỗi chủ thể, lực lượng có vai trò, trách nhiệm cụ thể trong bảo vệ môi trường, trong đó, cấp ủy lãnh đạo, người chỉ huy chỉ đạo, tổ chức đoàn và đoàn viên, thanh niên xung kích thực hiện. 

Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp phát huy tính tích cực chính trị – xã hội của thanh niên quân đội.

Việc xác định nội dung, hình thức, biện pháp phát huy tính tích cực chính trị – xã hội của thanh niên quân đội trong bảo vệ môi trường phải gắn với địa bàn nơi đơn vị đóng quân, căn cứ vào đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, đặc thù của từng đối tượng thanh niên quân đội. Thực hiện nội dung, phương thức phát huy tính tích cực chính trị – xã hội của thanh niên quân đội không chỉ thông qua giao ban, hội ý, sinh hoạt đơn vị, sinh hoạt đoàn, hoạt động diễn tập và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, thảm họa mà còn thông qua hoạt động hội thi, hội thao; hưởng ứng ngày môi trường thế giới; tổ chức các cuộc thi, trao đổi, tọa đàm, mạn đàm tìm hiểu về môi trường; phối hợp với địa phương, đơn vị kết nghĩa, đặc biệt là tổ chức đoàn địa phương thực hiện các phong trào làm cho thế giới ngày càng sạch hơn, mùa hè xanh,… 

Mặt khác, cần chú trọng làm tốt việc xác định và lựa chọn nội dung bảo vệ môi trường phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Đổi mới phương pháp thông tin, tuyên truyền cũng như tăng cường số lượng các bài viết trên hệ thống Website nội bộ, thời lượng phát thanh, truyền hình về môi trường; lan tỏa gương sáng trong bảo vệ môi trường của đơn vị để khơi dậy tính tích cực chính trị – xã hội của thanh niên quân đội.

Thứ ba, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh, năng lực, kỹ năng bảo vệ môi trường cho thanh niên quân đội.

Tăng cường bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống, kỹ năng xử lý các vấn đề về môi trường cho thanh niên quân đội. Thường xuyên đưa thanh niên vào thực tiễn hoạt động bảo vệ môi trường của các đơn vị. Chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa, hành vi ứng xử thân thiện với môi trường sinh thái, xây dựng các chuẩn mực, hình thành ý thức, lối nghĩ, cách làm, hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên, môi trường. Thanh niên quân đội có bản lĩnh thép, có năng lực, kỹ năng bảo vệ môi trường tốt sẽ là cơ sở để đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm được giao.

Thứ tư, xây dựng môi trường chính trị – xã hội trong sạch, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên quân đội thực hiện tốt nhiệm vụ.

Xây dựng môi trường thuận lợi và bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách không chỉ tích cực hóa vai trò của thanh niên quân đội mà còn bảo đảm cho kết quả bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao. Đó là môi trường văn hóa lành mạnh, thực sự dân chủ, có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, hệ thống thông tin đa chiều, đầy đủ, chính xác, nhanh và kịp thời. 

Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát huy tính tích cực chính trị – xã hội của thanh niên quân đội trong tham gia bảo vệ môi trường. Tăng cường xây dựng các tổ chức vững mạnh về mọi mặt; thực hiện tốt quy chế dân chủ. Cùng với đó, làm tốt công tác khen thưởng các tập thể, cá nhân có những thành tích tốt; đồng thời, phê phán các biểu hiện xem nhẹ, lơ là, tắc trách, thiếu tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ môi trường; đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề môi trường để chống phá cách mạng Việt Nam.

4. Kết luận 

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ sống còn, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, trong đó thanh niên quân đội đóng vai trò nòng cốt. Với tinh thần xung kích, sáng tạo và trách nhiệm cao, thanh niên quân đội đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến nâng cao chất lượng và hiệu quả quá trình phát huy tính tích cực chính trị – xã hội của thanh niên quân đội trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay.

Chú thích:
1. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (2022). Văn kiện Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ X (2022 – 2027). H. NXB Quân đội nhân dân, tr. 24.
2. Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong Quân đội hiện nay. http://tapchiqptd.vn/vi/nghien-cuu-trao-doi/dinh-huong-nhiem-vu-giai-phap-thuc-hien-cong-tac-bao-ve-moi-truong-trong-quan-doi-hien-nay/17228.html.
3. Quân đội đi đầu trong phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ, https://baophapluat.vn/quan-doi-di-dau-trong-phong-chong-khac-phuc-hau-qua-bao-lu-post525889.html, ngày 19/9/2024
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 117.
2. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (2023). Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Quân đội với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khó hậu và khắc phục sự cố môi trường.
3. Quốc hội (2014, 2020). Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, 2020.
4. Yêu cầu nâng cao ý thức pháp luật của thanh niên quân đội trong bối cảnh hội nhập quốc phòng hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/12/05/yeu-cau-nang-cao-y-thuc-phap-luat-cua-thanh-nien-quan-doi-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-phong-hien-nay.
5. Phát huy vai trò của thanh niên Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/11/12/phat-huy-vai-tro-cua-thanh-nien-quan-doi-trong-thuc-hien-nhiem-vu-phong-thu-dan-su-hien-nay.