ThS. Văn Công Vũ
Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng
TS. Lê Bá Tâm
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp phân tích kinh nghiệm về phát triển dịch vụ logistics tại các cảng biển ở Trung Quốc trong bối cảnh chuyển đổi số. Kết quả nghiên cứu cho thấy, dịch vụ logistics tại các cảng biển ở Trung Quốc có sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong quá trình hoạt động. Việt Nam có thể tiếp cận kinh nghiệm của Trung Quốc ở 3 khía cạnh: trong xây dựng hệ thống thể chế; trong phát triển các loại hình dịch vụ; kinh nghiệm trong bảo đảm hài hòa quan hệ lợi ích trong phát triển dịch vụ logistics tại các cảng biển.
Từ khóa: Dịch vụ logistics; chuyển đổi số; cảng biển; Trung Quốc; kinh nghiệm đối với Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành logistics. Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, các dịch vụ logistics tại cảng biển không chỉ bảo đảm chuỗi cung ứng thông suốt mà còn quyết định năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia trên thị trường quốc tế.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và hệ thống cảng biển phát triển hàng đầu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý và vận hành logistics. Thông qua việc triển khai các nền tảng công nghệ, như: trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và blockchain, Trung Quốc đã nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng biển, giảm chi phí logistics và tối ưu hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ logistics tại cảng biển trong bối cảnh chuyển đổi số cũng đặt ra không ít thách thức, bao gồm: chi phí đầu tư lớn, yêu cầu đồng bộ hạ tầng công nghệ, vấn đề an ninh mạng và sự thay đổi trong mô hình quản lý. Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc trong lĩnh vực này sẽ cung cấp những bài học quan trọng cho các quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam – một nền kinh tế đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế và phát triển logistics.
2. Phát triển dịch vụ logistics tại các cảng biển ở Trung Quốc
Một là, xây dựng hệ thống thể chế phát triển dịch vụ logistics
Trong giai đoạn gần đây, Trung Quốc rất coi trọng sự phát triển của dịch vụ logistics thông minh, thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ. Trung Quốc đã liên tiếp ban hành các chính sách, biện pháp giảm chi phí logistics nói chung và logistics tại các cảng biển nói riêng. Trong đó, nhiều chính sách mang tính đột phá, tạo môi trường pháp lý ổn định và đón đầu quá trình chuyển đổi số gắn với hoạt động logistics cảng biển thông minh (xem Bảng 1).
Bảng 1. Các chính sách liên quan đến dịch vụ logistics thông minh của Trung Quốc1
Thời gian ban hành | Cơ quan ban hành | Tên chính sách | Nội dung chính |
Tháng 05/2020 | Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải | Ý kiến thực hiện về việc tiếp tục giảm chi phí logistics | Đẩy nhanh phát triển logistics thông minh. Tích cực thúc đẩy xây dựng mạng lưới điều hành giao thông quốc gia thế hệ mới và đẩy nhanh nâng cấp kỹ thuật số về quản lý hàng hóa, dịch vụ vận tải, trang thiết bị nhà ga… Thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới và thiết bị thông minh, đồng thời nâng cao mức độ tự động hóa và trí tuệ của các liên kết logistics, như: kho bãi, vận tải và phân phối. |
Tháng 11/2021 | Hội đồng Nhà nước | “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” Kế hoạch phát triển hệ thống giao thông toàn diện hiện đại | Nâng cao khả năng tích hợp năng lực của nền tảng thông tin logistics, tăng cường quản lý chuỗi cung ứng đám mây thông minh và các ứng dụng dữ liệu lớn logistics thông minh, đồng thời khớp chính xác nhu cầu cung ứng. |
Tháng 5/2022 | Văn phòng chung của hội đồng nhà nước | Kế hoạch phát triển logistics hiện đại “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” | Áp dụng sâu sắc truyền thông di động thế hệ thứ năm (5G), Beidou, Internet di động, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác để thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp cơ sở hạ tầng logistics theo các hạng mục, đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở liên quan đến Internet vạn vật và phát triển thông minh trung tâm logistics, khu logistics thông minh và kho bãi thông minh như cơ logistics, cảng thông minh và kho kỹ thuật số. Khuyến khích đổi mới công nghệ và mô hình logistics thông minh, thúc đẩy chuyển đổi kết quả đổi mới, mở rộng các kịch bản ứng dụng thương mại của logistics thông minh và thúc đẩy ứng dụng công nghệ và thiết bị logistics thông minh không người lái cũng như các công nghệ quản lý thông minh, như: tự động cảm biến, điều khiển tự động và ra quyết định thông minh. |
Tháng 12/2022 | Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia | Kế hoạch thực hiện “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” nhằm mở rộng nhu cầu trong nước | Thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số của ngành dịch vụ, tích cực thúc đẩy xây dựng thương mại kỹ thuật số và nuôi dưỡng các điểm tăng trưởng mới như thiết kế nguồn lực cộng đồng, logistics thông minh và bán lẻ thông minh. |
Tháng 2/2023 | Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hội đồng Nhà nước | Đề cương xây dựng một đất nước hùng mạnh có chất lượng | Tích cực phát triển vận tải đa phương thức, logistics thông minh và logistics chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics chuỗi lạnh, tối ưu hóa các kênh logistics quốc tế và cải thiện thuận lợi hóa thủ tục hải quan tại cảng. |
Tháng 5/2024 | Bộ Giao thông vận tải và các bên liên quan | Kế hoạch hành động cập nhật thiết bị giao thông vận tải quy mô lớn | Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thông minh của các trung tâm logistics thông minh và khu logistics. |
Hai là, phát triển các loại hình dịch vụ logistics
Các ứng dụng công nghệ cụ thể trong thị trường logistics Trung Quốc có thể kể đến hai ứng dụng tiêu biểu nhất là Hệ thống cảng tự động (Automated Sea Port) và Hệ thống Bắc Đẩu (Beidou Navigation System – BDS) hiện đang được áp dụng ở Thanh Đảo và Thượng Hải. Với tính năng tích hợp, an toàn và không cần nhân lực lớn, hệ thống cảng tự động này góp phần đẩy nhanh hiệu suất vận hành và xử lý hàng hóa. Còn hệ thống BDS đồng bộ toàn hệ thống dữ liệu di chuyển của các phương tiện nhằm tối ưu hóa di chuyển và quy hoạch quốc gia, hệ thống BDS của Trung Quốc được coi như một phiên bản cao cấp của GPS.
Bên cạnh đó, tập đoàn Cảng Hạ Môn – Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ việc phổ biến và nâng cấp hệ thống vận hành bến cảng thông minh (TOS); đẩy mạnh xây dựng và sử dụng các cơ sở điện trên bờ, xanh hóa thiết bị vận hành bến cảng và thiết bị logistics, cập nhật, nâng cấp. Đồng thời, nỗ lực hình thành kế hoạch nghiên cứu và phát triển hệ thống kiểm soát bụi đầu cuối với tỷ lệ bao phủ là cơ sở ngăn chặn và ngăn chặn bụi cho hoạt động sản xuất đạt 100%; áp dụng toàn diện hệ thống thanh toán chất gây ô nhiễm tàu ven biển để đạt được quản lý khép kín toàn quy trình đối với các chất ô nhiễm, 100% tiếp nhận và xử lý2.
Ba là, bảo đảm hài hòa quan hệ lợi ích kinh tế.
Theo sách trắng của Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT) công bố, Trung Quốc là một trong những quốc gia có những bước tiến lớn trong hoạt động chuyển đổi số. Trong năm 2021, nền kinh tế số của Trung Quốc đạt giá trị 7,1 nghìn tỷ USD, đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ. Thống kê cũng cho thấy tỷ trọng của nền kinh tế số trong GDP quốc gia, được đo bằng giá trị kết hợp các sản phẩm công nghệ và đầu vào kỹ thuật số tích hợp, đạt 39,8% trong năm 20213.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm với quan điểm phát triển chung là cải thiện mạng lưới logistics trên cả nước theo hướng hiện đại, xanh và hiệu quả hơn vào năm 2025. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về phát triển kinh tế số (2021 – 2025), Trung Quốc xác nhận sẽ nỗ lực thiết lập hệ thống logistics thông minh với các doanh nghiệp trong ngành có ảnh hưởng và lợi thế cạnh tranh quốc tế. Các ứng dụng công nghệ được khuyến khích phát triển ở giai đoạn hiện tại trong ngành logistics Trung Quốc, bao gồm: dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mục tiêu tạo nền tảng công nghệ vững chắc cho hoạt động logistics. Trong tương lai, chuyển đổi số trong ngành logistics Trung Quốc tập trung vào nhiệm vụ tạo lập trung tâm dữ liệu và giới thiệu tàu thông minh, phương tiện không người lái, xây dựng hệ thống cảng thông minh cũng như sử dụng công nghệ blockchain để kiểm soát luồng chứng từ điện tử.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn gần đây, các dự án thí điểm cải tiến và xây dựng cảng du lịch chất lượng cao và cảng xanh và thông minh của Cảng Hạ Môn Phúc Kiến, Trung Quốc đã được chọn vào loạt dự án thí điểm đặc biệt đầu tiên của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc nhằm tối ưu hóa chức năng của cảng và cải thiện năng lực vận tải của đất nước.
3. Hàm ý phát triển dịch vụ logistics tại các cảng biển ở Việt Nam
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã mở kỷ nguyên mới cho các lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế phát triển vượt bậc. Trong đó, dịch vụ logistics tại các cảng biển là một trong các lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ của bối cảnh chuyển đổi số, có nhiều thuận lợi khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được triển khai. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý cho Việt Nam về phát triển dịch vụ logistics tại các cảng biển trong bối cảnh chuyển đổi số.
Thứ nhất, cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng để tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển dịch vụ logistics trong bối cảnh chuyển đổi số. Cần thực hiện việc nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật, đặc biệt là những quy định liên quan đến đầu tư, hỗ trợ vốn khoa học, công nghệ, nhằm loại bỏ những sự mâu thuẫn, chồng chéo và những quy định không cần thiết.
Thứ hai, cần có chiến lược tổng thể về chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics, bảo đảm sự đồng bộ giữa công nghệ, hạ tầng và chính sách. Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics đòi hỏi một chiến lược tổng thể nhằm bảo đảm sự đồng bộ giữa công nghệ, hạ tầng và chính sách, giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc đầu tư vào hạ tầng số cần đi đôi với xây dựng khung pháp lý linh hoạt và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan sẽ tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả và bền vững.
Thứ ba, mạnh dạn tập trung nguồn vốn đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (một số hạ tầng quan trọng, như: mạng lưới công nghệ – thông tin phục vụ sản xuất – kinh doanh, trong đổi dữ liệu điện tử, hệ thống internet…). Từ đó, bảo đảm thúc đẩy sự phát triển bền vững cho dịch vụ logistics tại các cảng biển. Việc đầu tư vào công nghệ phải đi kèm với nâng cao năng lực quản lý và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ tư, trong quá trình phát triển dịch vụ logistics tại các cảng biển trong bối cảnh chuyển đổi số, cần giải quyết hài hòa bài toán về quan hệ lợi ích giữa các chủ thể. Bảo đảm bảo cho chính quyền trung ương và địa phương, doanh nghiệp, người lao động đều được tối ưu hóa lợi ích, tạo môi trường kinh doanh và môi trường sống an toàn, hiệu quả. Việc xây dựng hệ sinh thái logistics số đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan nhằm bảo đảm tính hiệu quả và bền vững.
4. Kết luận
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế và phát triển logistics, việc nghiên cứu và áp dụng những kinh nghiệm từ Trung Quốc giúp định hướng chính sách và chiến lược phù hợp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số hiệu quả và bền vững trong ngành logistics cảng biển.
Chú thích:
1. Trung tâm Công nghệ thông tin công nghiệp và thương mại (2024). Báo cáo tình hình thị trường logistics Trung Quốc và các lưu ý đối với Việt Nam. Hà Nội, tháng 08/2024.
2. Trung tâm Công nghệ thông tin công nghiệp và thương mại (2023). Báo cáo tình hình thị trường logistics Trung Quốc và các lưu ý đối với Việt Nam. Hà Nội, tháng 12/2023.
3. Bộ Công Thương (2023). Báo cáo logistics Việt Nam năm 2023. H. NXB Công Thương.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Cẩm nang chuyển đổi số. H. NXB Thông tin và Truyền thông.
2. Trần Hoa Phượng, Văn Công Vũ (2022). Đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ logistics cảng biển ở thành phố Đà Nẵng: Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Kinh doanh và Công nghệ, số 18/2022, tr.112 – 121.
3. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
4. Yêu cầu của bối cảnh chuyển đổi số đối với dịch vụ logistics tại các cảng biển miền Trung.https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/02/28/yeu-cau-cua-boi-canh-chuyen-doi-so-doi-voi-dich-vu-logistics-tai-cac-cang-bien-mien-trung.