Trung tá, ThS. Vũ Trường Duy
Trung tá, ThS. Nguyễn Văn Hoạt
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trong hoạt động quân sự, việc ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nhà trường thông minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hiện đại hóa công tác quản lý và tối ưu hóa nguồn lực. Bài viết phân tích một số vấn đề cơ bản về chuyển đổi số, xây dựng nhà trường thông minh và đề xuất giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nhà trường thông minh trong quân đội hiện nay.
Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0; chuyển đổi số; nhà trường thông minh; học viện, trường sĩ quan quân đội.
1. Đặt vấn đề
Chuyển đổi số trong lĩnh vực quân sự là quá trình ứng dụng các công nghệ số để thay đổi cách thức hoạt động, quản lý và ra quyết định nhằm nâng cao hiệu quả và sức mạnh của quân đội. Trong lĩnh vực giáo dục quân sự, chuyển đổi số tập trung vào việc xây dựng nhà trường thông minh, tạo ra môi trường học tập và làm việc hiện đại, linh hoạt, hiệu quả. Việc ứng dụng chuyển đổi số ở các học viện, trường sĩ quan quân đội không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn góp phần hiện đại hóa công tác quản lý và đào tạo.
2. Chuyển đổi số trong xây dựng nhà trường thông minh ở các học viện, trường sĩ quan quân đội
a. Chuyển đổi số và những định hướng lớn của Đảng, Nhà nước và của Quân đội.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học – công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được Đảng xác định: “là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”1. Đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng.
Với đặc thù của hoạt động quân sự, chuyển đổi số trong quân đội được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai đồng bộ, chặt chẽ từng bước theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chuyển đổi số trong quân đội hiện nay được triển khai trong hoạt động lãnh đạo, chỉ huy điều hành ở các cấp, trong sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện diễn tập, giáo dục, đào tạo. Quân ủy Trung ương xác định: “Phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đồi số trong Quân đội là một trong các đột phá quan trọng hàng đầu, là mũi nhọn tiên phong góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”2.
Một trong những chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số được Quân ủy Trung ương xác định là phát triển các mô hình đơn vị thông minh với lộ trình phù hợp trên cơ sở chuẩn hóa quy trình hoạt động, ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Trước mắt, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sẽ tập trung xây dụng các nhà trường thông minh, bệnh viên thông minh và lựa chọn một số mô hình đơn vị điển hình để xây dựng mô hình điều hành thông minh.
b. Xây dựng nhà trường thông minh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục – đào tạo trong tình hình mới.
Xây dựng nhà trường quân đội thông minh, hiện đại, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục – đào tạo là chủ trương lớn đang được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nhằm số hóa, thông minh hóa một cách toàn diện về phương pháp dạy và học, về quản trị nhà trường. Hiện tại, việc đầu tư trang bị kỹ thuật, xây dựng nhà trường thông minh tiếp cận công nghệ 4.0 tại nhà trường quân đội tập trung vào một số thành phần, như: trung tâm chỉ huy điều hành; hạ tầng công nghệ – thông tin; hệ thống ứng dụng công nghệ – thông tin thông minh; trung tâm học liệu; hệ thống các phòng học thông minh; hệ thống thao trường, cơ sở thực hành; chương trình đào tạo; hệ thống kiểm tra, đánh giá chất lượng; hệ thống hợp tác trong nước và quốc tế; cơ chế vận hành hệ thống…
Việc xây dựng nhà trường thông minh mang lại nhiều lợi ích:
(1) Chất lượng giáo dục – đào tạo được nâng cao trên nền tảng ứng dụng công nghệ – thông tin trong việc quản lý điều hành, tổ chức các hoạt động dạy và học, đồng thời, xây dựng môi trường học tương tác trên không gian mạng của nhà trường.
(2) Quản lý nhà trường tinh gọn và hiệu quả thông qua hệ chỉ huy, điều hành và quản lý văn bản nội bộ có liên kết với các đơn vị trong toàn quân, việc triển khai văn bản của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, lưu trữ thông tin tổ chức, cá nhân khoa học, hiệu quả, nhanh chóng, giảm các khâu trung gian, thủ tục hành chính khác, đáp ứng tốt cho quy trình quản lý, chỉ huy, điều hành hoạt động giáo dục – đào tạo của đảng ủy, ban giám hiệu nhà trường và các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị.
(3) Môi trường học tập hiệu quả với hệ thống giám sát hỗ trợ và các ứng dụng công nghệ – thông tin, như: thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo; cung cấp các công cụ hỗ trợ hiệu quả cho việc dạy và học.
(4) Hệ thống dữ liệu, công văn, tài liệu, giáo trình được số hóa, sắp xếp một cách khoa học, quản lý thông minh.
(5) Lớp học thông minh, phòng học trực tuyến; phần mềm dạy học, ôn tập, đánh giá, thi trực tuyến; các phần mềm tự học cho giáo viên và học sinh; trung tâm học liệu thông minh, thư viện điện tử; đề thi, kiểm tra đánh giá chất lượng được số hóa bảo đảm an toàn và bảo mật cao…
Từ đó, việc xây dựng nhà trường thông minh trong quân đội góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đưa công tác giáo dục – đào tạo trong quân đội tiến theo con đường hội nhập và phát triển cùng với hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện phương châm: “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.
c. Chuyển đổi số để xây dựng hệ thống nhà trường quân đội thông minh.
Chuyển đổi số là xu thế lớn không thể đảo ngược của cuộc sống hiện đại trên tất cả các lĩnh vực, xây dựng nhà trường thông minh là quá trình hiện đại hóa hoạt động giáo dục – đào tạo của quân đội ta. Có thể nhận thấy rằng, chuyển đổi số và xây dựng nhà trường thông minh có mối quan hệ khăng khít với nhau. Quá trình chuyển đổi số là tiền đề cốt lõi để đạt tới mục tiêu xây dựng nhà trường thông minh, hiện đại, xây dựng nhà trường thông minh là ưu tiên hàng đầu của chuyển đổi số trong hệ thống các học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay. Cùng với các đơn vị trong toàn quân, chuyển đổi số trong nhà trường quân đội tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm: phát triển hạ tầng số và nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số.
(1) Đối với nhiệm vụ phát triển hạ tầng số. Các nhà trường quân đội đang tập trung triển khai xây dựng đồng bộ 9 thành phần cơ bản hệ thống công nghệ – thông tin (gồm: 1. Lớp người dùng; 2. Kênh giao tiếp; 3. Lớp ứng dụng và cơ sở dữ liệu; 4. Lớp công nghệ, nền tảng; 5. Lớp hạ tầng, kỹ thuật; 6. Lớp hạ tầng mạng; 7. Lớp bảo mật, an toàn thông tin, an ninh mạng; 8. Các quy định, chính sách; 9. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu) và 16 hệ thống công nghệ – thông tin dùng chung (gồm: 1. Thư điện tử quân sự; 2. Phần mềm và cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung; 3. Hệ thống nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung; 4. Hệ thông tin báo cáo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng; 5. Hệ thống nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu LGSP-Net; 6. Hệ thống nền tảng kho quản lý lưu trữ dữ liệu; 7. Phần mềm quản lý dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính; 8. Không gian làm việc số trên môi trường điện tử; 9. Hệ thống ứng dụng số dùng chung phục vụ quản lý, theo dõi nhiệm vụ; 10. Phần mềm Cổng xác thực điện tử dùng chung; 11. Hệ thống phần mềm nền tảng dạy và học trực tuyến; 12. Hệ thống truyền hình ứng dụng trên mạng QS1, QS2; 13. Cổng số hóa trên mạng máy tính quân sự; 14. Phần mềm hệ thông tin chỉ đạo điều hành; 15. Hệ thống quản lý, cấp phát tên miền DNS toàn quân trên mạng máy tính quân sự; 16. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành).
(2) Cùng với xây dựng hạ tầng số, các nhà trường quân đội tập trung xây dựng nguồn nhân lực số và xác định là khâu tập trung đột phá. Hiện nay, việc xây dựng nguồn nhân lực số của các học viện, nhà trường quân đội cơ bản tập trung nguồn nhân lực có sẵn, trong đó kết hợp giữa nâng cao chất lượng lực lượng cán bộ, giảng viên, nhân viên, kỹ thuật viên nòng cốt với trang bị tri thức về chuyển đổi số cho cán bộ, học viên về chuyển đổi số: “100% nhà trường quân đội xây dựng, triển khai nội dung đào tạo về chuyển đổi số cho học viên”3.
Sự kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng hạ tầng số và nhân lực số vừa phục vụ cho chuyển đổi số vừa là cơ sở xây dựng nhà trường thông minh. Quá trình thực hiện chuyển đổi số gắn với xây dựng mô hình nhà trường thông minh, hiện đại là chủ trương lớn, có nhiều khó khăn, thách thức và không có điểm dừng cuối cùng, đòi hỏi Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhất là cấp ủy, chỉ huy các cấp ở các học viện, nhà trường quân đội tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp mang tính khả thi cao để triển khai hiệu quả.
3. Đề xuất một số giải pháp
Một là, nâng cao nhận thức, quyết tâm chính trị và đổi mới mạnh mẽ tư duy của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp.
Chuyển đổi số gắn với xây dựng nhà trường thông minh là vấn đề mới nhưng hết sức cấp thiết và quan trọng trong xây dựng hệ thống nhà trường quân đội hiện nay. Bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các đảng ủy, ban giám hiệu của học viện, trường sĩ quan quân đội phải nhận thức sâu sắc sự cần thiết và ý nghĩa mang tính chất “sống còn” của chuyển đổi số và xây dựng nhà trường thông minh, xem đây là xu thế lớn, không thể đảo ngược trong tiến trình hiện đại hóa quân đội.
Trên cơ sở chủ trương, biện pháp đã được tổ chức đảng xác định, cán bộ chủ trì các cấp cần xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, chủ động triển khai thực hiện kế hoạch ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng nhà trường thông minh. Phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu triển khai thực hiện các chương trình trong chuyển đổi số và xây dựng nhà trường thông minh.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để làm tốt và có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm cho mọi tổ chức và cá nhân trong thực hiện chuyển đổi số, tạo phong trào hành động mạnh mẽ, quyết liệt để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nhà trường thông minh. Đột phá trong tư duy về chuyển đổi số trong đội ngũ cán bộ chủ trì, nhất là việc mạnh dạn ứng dụng kết quả chuyển đổi số vào công tác chỉ huy, điều hành, giáo dục – đào tạo, diễn tập… Triển khai sâu rộng phong trào “học tập số”, phổ cập, đưa nội dung chuyển đổi số vào trong chương trình đào tạo của nhà trường.
Hai là, hoàn thiện thể chế, động viên, khuyến khích phát huy các nguồn lực.
Các học viện, nhà trường thường xuyên rà soát, đề xuất với Bộ Quốc phòng những nội dung chưa hợp lý, đồng bộ với pháp luật nhà nước và chương trình tổng thể quốc gia về chuyển đổi số; các vấn đề còn vướng mắc trong triển khai chuyển đổi số để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực trong đơn vị tham gia vào quá trình ứng dụng chuyển đổi số để xây dựng nhà trường thông minh. Quá trình hoàn thiện thể chế trong chuyển đổi số gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính của các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị trong toàn nhà trường, bảo đảm các tổ chức hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả.
Gắn kết chuyển đổi số, xây dựng nhà trường thông minh với xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc tuyển chọn, cho đi đào tạo, bồi dưỡng hạt nhân để triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình. Có chính sách động viên, khuyến khích mọi tập thể, cá nhân trong đổi mới, sáng tạo đóng góp cho hoạt động ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng nhà trường thông minh. Nghiên cứu ban hành các quy chế, quy định, chính sách mang tính đặc thù cho tổ chức, cá nhân nòng cốt và các lực lượng tham gia hoạt động chuyển đổi số, xây dựng nhà trường thông minh.
Ba là, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng.
Cùng với các hạng mục đầu tư theo đề án, chương trình của Bộ Quốc phòng, các học viện, nhà trường cần chủ động trong cân đối, trích nguồn vốn của đơn vị để mua sắm trang thiết bị kỹ thuật hiện đại theo đặc thù nhiệm vụ và chương trình giáo dục – đào tạo. Trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung ưu tiên nguồn lực phát triển đồng bộ hạ tầng số, bảo đảm hạ tầng số phải được đầu tư trước một bước, tạo nền tảng cho chuyển đổi số. Tập trung đầu tư phát triển các hệ thống truyền dẫn với dung lượng lớn, xây dựng và mở rộng mạng cáp quang băng thông rộng đến tất cà các cơ quan, đơn vị. Tổ chức ứng dụng các công nghệ mới về di động (5G, 6G và các thế hệ tiếp theo) đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong mọi tình huống của hoạt động quân sự, quốc phòng và giáo dục – đào tạo.
Xây dựng hệ thống dữ liệu của các học viện, nhà trường bảo đảm liên thông, tích hợp, chia sẻ trong quản lý quân nhân, quản lý vũ khí trang bị, quản lý vật tư tài sản… Có cơ chế, chính sách bảo đảm dữ liệu thành nguồn tài nguyên số của nhà trường. Xây dựng các dữ liệu lớn, phát triển mạnh mẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên dữ liệu lớn trong hoạt động giáo dục – đào tạo, trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống bài giảng điện tử, xây dựng mô hình học tập trực quan, thiết bị mô phỏng thực tế ảo, giảng đường thông minh…
Bốn là, gắn kết chặt chẽ việc chuyển đổi số, xây dựng nhà trường quân đội thông minh với công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Quá trình chuyển đổi số, xây dựng nhà trường thông minh hiện nay đang gặp không ít khó khăn từ những nguy cơ tấn công mạng và lộ lọt thông tin. Các hệ thống thông tin trọng yếu của Quân đội nói chung, các học viện, nhà trường quân đội nói riêng đang trở thành mục tiêu chính của nhiều cuộc tấn công có chủ đích, đòi hỏi phải chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng để bảo vệ thông tin và các hoạt động quân sự. Do đó, các nhà trường quân đội cần triển khai đầy đủ các giải pháp an toàn thông tin, an ninh mạng, phần mềm phòng chống mã độc của Bộ Quốc phòng, các giải pháp cập nhật bản vá lỗ hổng bảo mật.
Quản lý, duy trì chặt chẽ hệ thống giám sát an toàn thông tin, an ninh mạng, lực lượng ứng cứu sự cố, kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống phát sinh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn thông tin, an ninh mạng theo đúng quy định. Duy trì nghiêm nền nếp kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với các biện pháp bảo mật, hệ thống thông tin trong học viện, nhà trường, hệ thống trang thiết bị thông tin ở các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị thuộc phạm vi quản lý để kịp thời phát hiện sớm các lỗ hổng và điểm yếu trong công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị trong nội bộ nhà trường, giữa các học viện, nhà trường với nhau, cũng như giữa các học viện, nhà trường với các đơn vị khác và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng trong việc chia sẻ thông tin, tình hình an toàn thông tin, an ninh mạng để nâng cao năng lực phòng ngừa và tạo ra mạng lưới ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có sự cố xảy ra.
4. Kết luận
Ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nhà trường thông minh là một xu hướng tất yếu và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các học viện, trường sĩ quan quân đội, là nền tảng xây dựng hệ thống nhà trường quân đội hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ cách mạng khoa học – công nghệ phát triển hiện nay. Để đạt được thành công, cần có sự quyết tâm chính trị, nỗ lực mạnh mẽ của tất cả các tổ chức, lực lượng tại các học viện, nhà trường trong triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp.
Chú thích:
1. Bộ Chính trị (2024). Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
2. Quân ủy Trung ương (2025). Nghị quyết số 3488-NQ/QUTW ngày 29/01/2025 về đột phá phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Quân đội.
3. Bộ Quốc phòng (2024). Kế hoạch số 552/KH-BQP ngày 12/02/2024 về chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng năm 2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Cẩm nang chuyển đổi số. H. NXB Thông tin và truyền thông.
2. Chính phủ (2025). Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/1/2025 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
3. Ứng dụng chuyển đổi số vào phương pháp dạy học tại Học viện Hành chính Quốc gia. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/10/15/ung-dung-chuyen-doi-so-vao-phuong-phap-day-hoc-tai-hoc-vien-hanh-chinh-quoc-gia.
4. Xây dựng và hoàn thiện nền quản trị gắn với chuyển đổi số quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/12/01/xay-dung-va-hoan-thien-nen-quan-tri-gan-voi-chuyen-doi-so-quoc-gia-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dat-nuoc.