ThS. Tài Lê Khanh
Trường Đại học Trà Vinh
(Quanlynhanuoc.vn) – Quy hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long hứa hẹn sẽ là khu vực có mức phát triển khá so với cả nước. Điều này dẫn đến sự phát triển của thị trường xăng dầu tại đây. Chính vì vậy, các cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh loại nhiên liệu này. Để thực hiện bài viết, tác giả đã tiến hành khảo sát, đánh giá một số vấn đề về công tác phối hợp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu tại đồng bằng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở phân tích thực trạng, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong quản lý nhà nước đối với kinh doanh xăng dầu tại đồng bằng sông Cửu Long.
Từ khóa: Quản lý nhà nước, xăng dầu, kinh doanh xăng dầu, quản lý kinh doanh xăng dầu, đồng bằng sông Cửu Long.
1. Mở đầu
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và đời sống dân sinh. Sự biến động của thị trường xăng dầu sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội tại địa phương. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nhu cầu sử dụng xăng dầu khá cao do định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản, giao thông đường thủy và hệ thống thương mại biên giới rộng lớn. Sự phát triển của thị trường xăng dầu đòi hỏi công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh xăng dầu cần được tiến hành chặt chẽ, thường xuyên; đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm đến công tác phối hợp trong quá trình thực thi công vụ nhằm bảo đảm tối ưu hiệu quả quản lý.
2. Một số vấn đề về phối hợp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu
Theo Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm Từ điển Tiếng Việt thì Phối hợp (động từ) có nghĩa là cùng hành động hoặc hoạt động hỗ trợ lẫn nhau; phối hợp đồng nghĩa với kết hợp. Trong một số trường hợp, người ta có thể dùng từ “phối kết hợp” (như là một dạng khẩu ngữ) để nói về hoạt động này1. Cách giải thích của Từ điển Tiếng Việt nhấn mạnh đến hai việc trong phối hợp: cùng hành động và hỗ trợ. Khoa học quản lý xem phối hợp là một nội dung của quá trình quản lý: “Quá trình quản lý bao gồm chức năng dự đoán, điều tra nghiên cứu và ra quyết định, tổ chức phối hợp, kiểm tra hoạt động hành chính hay kinh doanh bảo đảm được mục tiêu đã định và đi đến thành công”2. Trong hoạt động quản lý nhà nước, công tác phối hợp cần được thực hiện ở tất cả các bước của quy trình quản lý; từ hoạch định, triển khai cho đến đến đánh giá kết quả. Phối hợp trong quản lý nhà nước là cách thức góp phần bảo đảm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, của các các cơ quan quản lý nhà nước. Mỗi cơ quan nhà nước thường không thể đơn lẻ thực hiện các nhiệm vụ được giao, mà cần có sự phối hợp với các cơ quan đơn vị khác. Chính vì vậy, phối hợp trong quản lý nhà nước là hoạt động tất yếu khách quan.
Phối hợp trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu là quá trình các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu cùng hành động hoặc hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện chức năng quản lý, cùng hướng đến mục tiêu chung là đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu được tiến hành đúng pháp luật. Mỗi cơ quan quản lý nhà nước đều có vai trò, nhiệm vụ rõ ràng trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã xác định vai trò của các cơ quan nhà nước trong quản lý kinh doanh xăng dầu: (1) Ở Trung ương có Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường; (2) Ở địa phương, vai trò của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Với một số vấn đề khác có liên quan đến ngành xăng dầu hoặc để tạo điều kiện cho ngành xăng dầu phát triển thì “các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền đối với các quy định có liên quan”.
Là hoạt động kinh doanh đặc biệt, kinh doanh xăng dầu có nhiều nội dung cần được quản lý chặt chẽ, có thể kể đến, như: quản lý các chủ thể kinh doanh xăng dầu, quá trình kinh doanh xăng dầu, vận chuyển và kho bãi, chất lượng sản phẩm, việc tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường,… Chính vì vậy, để quản lý tốt hoạt động kinh doanh loại nhiên liệu này cần sự phối hợp từ các cơ quan chức năng.
Về nội dung, hoạt động phối hợp trong quản lý nhà nước đối với kinh doanh xăng dầu có thể tập trung vào hoạt động cung cấp thông tin, trợ giúp về cơ sở vật chất hay các phương tiện kỹ thuật, các hỗ trợ về tài chính hoặc phối hợp thực hiện các nội dung công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm mà cơ quan nhà nước được phân công. Cụ thể, có thể liệt kê một số nội dung cần sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu: (1) Phối hợp xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kinh doanh xăng dầu; (2) Phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh xăng dầu; (3) Phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; (4) Phối hợp tiếp nhận, xem xét, giải quyết và trả lời phản ánh, kiến nghị từ các chủ thể kinh doanh xăng dầu; (5) Phối hợp xây dựng, quản lý và thống kê cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh doanh xăng dầu.
3. Thực trạng công tác phối hợp trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu tại đồng bằng sông Cửu Long
Phối hợp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu là hoạt động cần thiết. Điều này xuất phát từ sự quan trọng cũng như tính phức tạp của quá trình kinh doanh xăng dầu. Mỗi cơ quan nhà nước sẽ có nhiệm vụ khác nhau trong quá trình quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu tại địa phương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương sẽ thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh này. Bên cạnh đó, Sở Công Thương là cơ quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý kinh doanh xăng dầu; đồng thời cần sự tham gia của Sở Khoa học và công nghệ, Cục Thuế, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn, Cục thuế.
Để có dữ liệu phục vụ việc phân tích công tác phối hợp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Đồng bằng sông Cửu Long, tác giả đã tổng hợp dữ liệu từ một số nguồn chính thống, đồng thời khảo sát 87 công chức trực tiếp thực hiện công tác này để có các đánh giá cụ thể. Nội dung khảo sát được thiết kế với thang đo Likert để thu thập thông tin. Tác giả đề cập đến 3 hướng của công tác phối hợp:
Thứ nhất, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước địa phương với cơ quan Trung ương (cụ thể là Bộ Công Thương). Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước Trung ương với địa phương trong quản lý kinh doanh xăng dầu chủ yếu thực hiện trong công tác thanh tra, kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu tại địa phương; bên cạnh đó là hoạt động báo cáo các số liệu thống kê để có đánh giá tổng quan vấn đề. Theo định kỳ các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương sẽ báo cáo số liệu về tình hình kinh doanh xăng dầu đến Bộ Công Thương. Đây là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước Trung ương có các quyết định quản lý lý phù hợp. Cụ thể, Thông tư số 18/2025/TT-BCT ngày 13/3/2025 yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hợp đồng thuê kho, sản lượng xăng dầu nhập, xuất qua kho của thương nhân kinh doanh xăng dầu đi thuê kho trên địa bàn; đồng thời, khi phát hiện trường hợp thương nhân có dấu hiệu không sử dụng kho đi thuê theo hợp đồng đã ký, kịp thời báo cáo về Bộ Công Thương để phối hợp quản lý. Thông tư này cũng quy định về việc báo cáo định kỳ hằng quý tình hình sử dụng kho thuê đến Bộ Công Thương và Sở Công Thương. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương sẽ ban hành văn bản yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu hoặc phối hợp trong kiểm tra, giám sát. Điển hình, như: Công điện số 7322/CĐ-BCT ngày 17/11/2022 gửi Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc giám sát việc thực hiện cam kết, nghiêm túc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Tác giả cũng đã khảo sát công chức về quá trình phối hợp này, kết quả xử lý số liệu cho thấy: giá trị trung bình theo thang đo Likert của nội dung này là 3,8. Điều này cho thấy công chức cho rằng sự phối hợp này đã được thực hiện Tốt3.
Thứ hai, phối hợp giữa các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh với nhau). Với đặc điểm tự nhiên của vùng, các địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long có thể giáp nhau trên đất liền, có thể giáp nhau trên sông, biển. Điều này khiến cho công tác phối hợp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu giữa các địa phương gặp khó khăn. Thông thường, các địa phương sẽ phối hợp với nhau trong quá trình cung cấp thông tin, trong quá trình kiểm tra, thanh tra, trong quá trình phối hợp quản lý các chủ thể kinh doanh xăng dầu hoạt động trên địa bàn của các tỉnh,… Khi khảo sát, công chức đánh giá Tốt về công tác phối hợp giữa các địa phương. Kết quả xử lý số liệu khảo sát của nội dung này là 3,9 theo thang đo4.
Công tác phối hợp giữa các địa phương trong quản lý kinh doanh xăng dầu đã được các cơ quan quản lý nhà nước khá quan tâm. Điển hình như Tổng cục Quản lý thị trường ban hành Công văn số 1936/TCQLTT-CNV ngày 31/8/2023 gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Trong đó, yêu cầu “tích cực trao đổi, phối hợp, chia sẻ thông tin về hoạt động buôn lậu xăng dầu trên tuyến biên giới, vùng biển giữa các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu xăng dầu; tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng dầu trên các tuyến biên giới, vùng biển”.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác phối hợp giữa các địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long trong quản lý kinh doanh xăng dầu chưa thật sự chặt chẽ; chủ yếu là công tác phối hợp trong tuần tra trên biển hoặc trên các tuyến biên giới đất liền. Bên cạnh đó, việc phối hợp tuần tra trên biển lại được thực hiện hầu hết bởi lực lượng Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển. Điều này thể hiện qua các số liệu, như: công tác phối hợp giữa Công an tỉnh Bạc Liêu và Bộ đội biên phòng tỉnh Tiền Giang trong xử lý tình hình buôn lậu5; công tác phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau và Cảnh sát biển (Hải Đoàn 42 – Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển vùng 4)6. Như vậy, công tác phối hợp giữa các địa phương trong quản lý kinh doanh xăng dầu (đặc biệt tại các khu vực biên giới) được tiến hành chủ yếu bởi lực lượng Bộ đội biên phòng và Công an. Chủ yếu tập trung vào việc quản lý xăng dầu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; mua bán, vận chuyển dầu trái phép trên biển.
Thứ ba, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động diễn ra thường xuyên trong quản lý kinh doanh xăng dầu tại đồng bằng sông Cửu Long. Sự phối hợp này bảo đảm cho quá trình quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu tại từng địa phương được thực hiện thông suốt, góp phần vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý kinh doanh xăng dầu của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong 3 hướng phối hợp được nêu ra, thì phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên cùng một địa phương là được đánh giá tích cực nhất. Theo đó, kết quả khảo sát về nội dung này cho giá trị là 4,07. Thực tế tại các địa phương cho thấy, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu đã được thực hiện tốt, trong đó, bao gồm cả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể kinh doanh xăng dầu.
Tại tỉnh Tiền Giang, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang và Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý nhà nước lĩnh vực công thương. Theo đó, hai bên thường xuyên trao đổi, tổ chức thống nhất trong phối hợp thực hiện xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành; thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý các hành vi vi phạm hành chính; thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, báo cáo và thực hiện nhiệm vụ Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả8.
Tại tỉnh Đồng Tháp, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp và Petrolimex Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch phối hợp dựa trên nguyên tắc, hai bên phải tuân thủ đúng quy định pháp luật; đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi bên; tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mỗi bên nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thị trường trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (Nội dung này được xây dựng dựa trên Quy chế phối hợp số 02/QCPH-TCQLTT-TĐXDVN ngày 03/7/2020 giữa Tổng cục Quản lý thị trường và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam).
Chính vì sự quan tâm đến việc ban hành các Quy chế, hoạt động phối hợp đã diễn ra tích cực trong quá trình quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: Năm 2023, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng Cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Cục thuế tỉnh; Sở Khoa học và Công nghệ và Cục Quản lý thị trường tỉnh triển khai phổ biến kiến thức, quy định pháp luật liên quan kinh doanh xăng dầu và cùng 350 đại biểu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tham dự9. Cũng trong năm này, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Cần Thơ, Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Thới Lai kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ theo kế hoạch định kỳ10.
Đánh giá tổng quan về công tác phối hợp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu: đối chiếu các kết quả xử lý dữ liệu khảo sát với bảng giá trị của thang đo, có thể nhận thấy giá trị này nằm ở giữa của khoảng Tốt (theo thang đo Likert, giá trị Tốt từ 3,41 đến 4,2)11. Điều này có nghĩa rằng, công chức khá “băn khoăn” khi đánh giá Tốt về công tác phối hợp trong quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu; đặc biệt là phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương. Tác giả cho rằng, quá trình phối hợp trong quản lý kinh doanh xăng dầu tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tồn tại một số khó khăn, hạn chế.
Một là, hạn chế về thông tin. Việc chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước như: hải quan, thuế, quản lý thị trường còn nhiều rào cản. Cụ thể, việc chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các cơ quan này còn gặp khó khăn do hệ thống dữ liệu chưa đồng bộ và thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ. Hải quan kiểm soát nguồn nhập khẩu xăng dầu, cơ quan thuế giám sát các hoạt động tài chính, quản lý thị trường bảo đảm việc tuân thủ quy định về chất lượng, giá cả. Tuy nhiên, do thiếu sự liên thông trong việc trao đổi thông tin, nhiều trường hợp buôn lậu, gian lận thuế và bán xăng dầu kém chất lượng không được phát hiện kịp thời. Điều này không chỉ gây ra sự không ổn định của thị trường xăng dầu mà còn làm mất lòng tin của người tiêu dùng cũng như chủ thể kinh doanh xăng dầu.
Hai là, khó khăn xuất phát từ đội ngũ công chức. Một bộ phận công chức chưa có ý thức về công tác phối hợp trong quản lý kinh doanh xăng dầu. Từ đó, một số công chức vẫn còn thực thi công vụ theo kiểu “độc lập”, ưu tiên hoàn thành chỉ tiêu của đơn vị mình mà không quan tâm đến tác động liên ngành. Điều này bắt nguồn từ cơ chế đánh giá thi đua dựa trên thành tích cá nhân/đơn vị thay vì hiệu quả tổng thể.
Ba là, khó khăn xuất phát từ các quy định quản lý kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đôi khi chưa thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, dẫn đến việc áp dụng cách thức khác nhau trong quản lý. Minh chứng cho điều này có thể thấy ở việc: cùng một vấn đề, có địa phương sẽ ban hành Quyết định để thực thi, có địa phương ban hành Kế hoạch; điều này bao gồm cả sự khác nhau về chủ thể ban hành văn bản (Quyết định số 2701/QĐ-UBND ngày 10/11/12023 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc ban hành Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2023, Tết Nguyên đán năm 2024; Kế hoạch số 357/KH-UBND ngày 12/12/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; Kế hoạch số 375/KH-SCT ngày 21/11/2024 của Sở Công Thương tỉnh An Giang về bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025).
4. Một số giải pháp tăng cường phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu tại đồng bằng sông Cửu Long
Thứ nhất, xây dựng cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu.
Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, việc xây dựng cơ chế phối hợp rõ ràng và hiệu quả là điều cần thiết. Cơ chế này cần bao gồm các quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn và nhiệm vụ của từng cơ quan trong quá trình quản lý kinh doanh xăng dầu. Điều này giúp tránh tình trạng chồng chéo, xung đột trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; đồng thời tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả phối hợp. Cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu nên được ban hành bởi cơ quan quản lý nhà nước Trung ương, từ đó các cơ quan cấp địa phương dựa vào đó để triển khai thực hiện. Đồng thời, cơ chế cần nêu rõ đối với từng hoạt động, cơ quan nào giữ vai trò đầu mối trong quá trình phối hợp. Cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cũng cần chủ động trong xây dựng quy trình phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu tại địa phương; điều này bao gồm cả cơ chế phân công, phân cấp giữa các cấp quản lý hành chính.
Thứ hai, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu.
Đội ngũ công chức là nhân tố then chốt trong quá trình phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Để bảo đảm hiệu quả công tác phối hợp, cần chú trọng đến các nội dung sau:
(1) Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tổ chức các chương trình bồi dưỡng về quy định pháp luật, chính sách liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Các chương trình này có thể bao gồm nội dung về quản lý chất lượng sản phẩm, an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, và các quy định về thuế và tài chính. Hoạt động này giúp công chức nắm vững kiến thức chuyên môn, từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu.
(2) Bồi dưỡng kỹ năng mềm. Ngoài kiến thức chuyên môn, công chức cần được trang bị các kỹ năng mềm để có thể phục vụ cho công tác phối hợp trong quản lý nhà nước: như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng truyền đạt thông tin,… Các kỹ năng này giúp công chức làm việc hiệu quả hơn trong quá trình phối hợp liên ngành, đồng thời nâng cao khả năng xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn quản lý kinh doanh xăng dầu
(3) Nâng cao nhận thức và thái độ về sự cần thiết của công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu. Công chức cần nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu. Việc nâng cao nhận thức và thái độ tích cực sẽ giúp công chức chủ động và tích cực tham gia vào quá trình phối hợp; đồng thời, tạo ra một môi trường làm việc hợp tác và hiệu quả. Công chức quản lý cần quan tâm đến vấn đề nâng cao nhận thức và thái độ của công chức trong quá trình phối hợp. Thông qua các cuộc họp, các buổi làm việc, quản lý tại cơ quan đơn vị nên thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở công chức chuyên môn về vấn đề quản lý kinh doanh xăng dầu. Một khi công chức đã nhận thức tốt vấn đề, họ sẽ chủ động thực hiện phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác trong quá trình quản lý kinh doanh xăng dầu.
(4) Tổ chức các hội thảo, tập huấn định kỳ cho công chức thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu. Việc tổ chức các hội thảo, tập huấn định kỳ giúp cập nhật kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp các thắc mắc của công chức. Các buổi tập huấn này cũng là cơ hội để công chức từ các cơ quan khác nhau gặp gỡ, trao đổi và học hỏi lẫn nhau, từ đó tăng cường sự hiểu biết và phối hợp trong công việc.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phối hợp quản lý kinh doanh xăng dầu.
Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Việc này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình phối hợp mà còn tăng cường tính minh bạch, bảo đảm chính xác và kịp thời trong công tác quản lý. Để đạt được điều này, các cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai các nội dung sau:
(1) Cần xây dựng hệ thống quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc xây dựng và triển khai các hệ thống quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh doanh xăng dầu là cần thiết. Hệ thống này sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu dễ dàng chia sẻ thông tin, cập nhật dữ liệu và phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh một cách nhanh chóng và chính xác. Cơ sở dữ liệu quốc gia cần bao gồm thông tin về các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, các hoạt động kiểm tra, giám sát và các vi phạm đã được xử lý. Điều này giúp tạo ra một nguồn thông tin thống nhất, hỗ trợ quá trình ra quyết định và quản lý hiệu quả. Đây cũng là cơ sở thông tin cho những lần kiểm tra tiếp theo của cơ quan quản lý nhà nước.
(2) Áp dụng các công cụ theo dõi, đo lường và đánh giá quá trình phối hợp. Để bảo đảm quá trình phối hợp diễn ra hiệu quả, các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu cần áp dụng các công cụ theo dõi, đo lường và đánh giá. Các công cụ này giúp giám sát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, đánh giá hiệu quả của các hoạt động phối hợp và đưa ra những điều chỉnh kịp thời khi cần thiết. Hiện tại các phần mềm quản lý dự án có thể được sử dụng để theo dõi tiến độ công việc, phân công nhiệm vụ và đánh giá kết quả đạt được. Dữ liệu báo cáo từ các công cụ này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình thực hiện công tác phối hợp, từ đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu đưa ra các quyết định phù hợp.
(3) Nâng cao nhận thức của công chức về sự cần thiết ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phối hợp trong quản lý kinh doanh xăng dầu.
Các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu có thể tổ chức các chương trình bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ công chức về tầm quan trọng và cách sử dụng các công cụ công nghệ thông tin trong công tác quản lý và phối hợp. Các khóa đào tạo này nên bao gồm các nội dung về kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý, bảo mật thông tin, chia sẻ thông tin, giải quyết các vấn đề phát sinh. Điều này sẽ giúp công chức làm việc hiệu quả hơn; đồng thời, tăng cường khả năng phối hợp giữa các cơ quan.
Thứ tư, kiểm tra quá trình phối hợp giữa các cơ quan quản lý về kinh doanh xăng dầu.
Cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện kiểm tra về quá trình phối hợp trong quản lý kinh doanh xăng dầu. Công tác kiểm tra tập trung vào các nội dung phối hợp như: thời gian, địa điểm phối hợp; nội dung phối hợp; kết quả phối hợp. Thông qua việc kiểm tra này có thể đánh giá sự chủ động trong quá trình phối hợp, hiệu quả phối hợp; đồng thời, từ đây cũng có thể phát hiện một số vấn đề khó khăn, hạn chế của quá trình phối hợp để có các giải pháp khắc phục phù hợp. Để thực hiện công tác kiểm tra quá trình phối hợp, chủ thể thực hiện hoạt động này nên là các cơ quan trung ương hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chung. Hoạt động kiểm tra có thể thực hiện định kỳ theo quý hoặc năm.
5. Kết luận
Công tác phối hợp giữa quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long có vai trò quan trọng trong việc tạo lập và bảo đảm thị trường xăng dầu ổn định, minh bạch. Việc hoàn thiện cơ chế phối hợp sẽ giúp nâng cao khả năng chia sẻ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Cần tập trung hoàn thiện công tác phối hợp trong quản lý kinh doanh xăng dầu, từ đó sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và góp phần tạo nguồn cung xăng dầu ổn định cho đời sống dân sinh cũng như sản xuất tại khu vực.
Chú thích:
1. Trung tâm Từ điển Tiếng Việt (2010). Từ điển Tiếng Việt, NXB. Đà Nẵng, Đà Nẵng.
2. Học viện Hành chính Quốc gia (2010). Giáo trình Lý luận hành chính nhà nước, Hà Nội.
3, 4, 7. Kết quả tác giả khảo sát trong quá trình thực hiện Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý công (tháng 10/2024).
5. Chuyện chống buôn lậu xăng dầu trên biển. https://congan.baclieu.gov.vn/ch5/143-Chuyen-chong-buon-lau-xang-dau-tren-bien.html, ngày 14/02/2018.
6. Chấn chỉnh vi phạm kinh doanh xăng dầu và buôn lậu xăng dầu trên biển. https://pbgdpl.camau.gov.vn/chan-chinh-vi-pham-kinh-doanh-xang-dau-va-buon-lau-xang-dau-tren-bien.4856, ngày 04/02/2024.
8. Tiền Giang: Ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực công thương. https://tapchicongthuong.vn/tien-giang-ky-ket-quy-che-phoi-hop-trong-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-linh-vuc-cong-thuong-107760.htm, ngày 18/7/2023.
9. Đồng Tháp: Phối hợp phổ biến kiến thức, quy định pháp luật liên quan kinh doanh xăng dầu. https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/đong-thap-phoi-hop-pho-bien-kien-thuc-quy-đinh-phap-luat-lien-quan-kinh-doanh-xang-dau-70570-5.html, ngày 17/11/2023.
10. Đội QLTT số 2 – Cục QLTT thành phố Cần Thơ tiếp tục phát hiện doanh nghiệp kinh doanh xăng không đạt chất lượng https://cantho.dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/đoi-qltt-so-2-cuc-qltt-thanh-pho-can-tho-tiep-tuc-phat-hien-doanh-nghiep-kinh-doanh-xang-khong-đat-chat-luong-63995-1116.html, ngày 12/7/2023.
11. Ý nghĩa giá trị trung bình trong thang đo khoảng. https://phantichspss.com/y-nghia-gia-tri-trung-binh-trong-thang-do-khoang.html, ngày 30/7/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Bộ Công Thương (2025). Thông tư số 18/2025/TT-BCT ngày 13/3/2025 về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định tại các Thông tư quy định về kinh doanh xăng dầu.
3. Bộ Công Thương (2022). Công điện số 7322/CĐ-BCT ngày 17/11/2022 về việc giám sát việc thực hiện cam kết, nghiêm túc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
4. Chính phủ (2014). Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.
5. Chính phủ (2021). Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.
6. Chính phủ (2023). Nghị định số 83/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
7. Sở Công Thương tỉnh An Giang (2024). Kế hoạch số 375/KH-SCT ngày 21/11/2024 về bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
8. Tổng cục Quản lý thị trường (2023). Công văn số 1936/TCQLTT-CNV ngày 31/8/2023 về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
9. Tổng cục Quản lý thị trườn – Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (2020). Quy chế phối hợp số 02/QCPH-TCQLTT-TĐXDVN ngày 03/7/2020.
10. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ (2023). Quyết định số 2701/QĐ-UBND ngày 10/11/2023 về việc ban hành Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2023, Tết Nguyên đán 2024.
11. Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (2024). Kế hoạch số 357/KH-UBND ngày 12/12/2024 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.