Nâng cao hiệu quả tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số của bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng

Trung tá Nguyễn Hữu Minh
Hệ 5, Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng
Trung tá Mai Văn Hậu
Học viện Lục quân, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vững mạnh là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng vững mạnh sẽ góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường đoàn kết quân – dân, xây dựng thế trận lòng dân, củng cố quốc phòng – an ninh vững chắc, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và hoạt động của các tổ chức quần chúng đối với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị, trong đó có Quân đội nhân dân Việt Nam mà bộ đội địa phương là lực lượng quan trọng.

Từ khóa: Cơ sở chính trị – xã hội; vùng dân tộc thiểu số; bộ đội địa phương; tỉnh Lâm Đồng.

1. Đặt vấn đề

Lâm Đồng là tỉnh miền núi vùng cao Nam Tây Nguyên, có 47 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 22% dân số toàn tỉnh, riêng các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên chiếm gần 17%1. Đồng bào dân tộc thiểu số tại đây có đời sống tinh thần phong phú, đa dạng mang những nét văn hóa riêng biệt. Tuy các dân tộc có ngôn ngữ, phong tục tập quán tín ngưỡng và sắc thái văn hoá khác nhau nhưng có mối quan hệ gắn bó đoàn kết, tương trợ, sống bình đẳng, hòa thuận.

Trong tình hình mới, trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng tỉnh Lâm Đồng vững mạnh về mọi mặt. Đặc biệt, trước sự chống phá của các thế lực thù địch bằng âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” đối với đất nước ta nói chung và đối với tỉnh Lâm Đồng nói riêng thì xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số càng có ý nghĩa quan trọng. Cùng với chính quyền cơ sở, bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng cần phát huy hơn nữa vai trò tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng tỉnh Lâm Đồng ngày càng giàu mạnh.

2. Thực trạng xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số của bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng

Bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hầu hết, họ là con em của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, có quan hệ, gắn bó chặt chẽ với đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân địa phương, là lực lượng có vai trò to lớn trong xây dựng cơ sở chính trị – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số của tỉnh. Những năm qua, bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội góp phần giữ vững và tăng cường cơ sở chính trị – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Bộ đội địa phương tỉnh đã xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số bằng những hoạt động cụ thể:

Một là, vận dụng hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về dân tộc và giải quyết vấn đề dân tộc, như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004, của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Chương trình 134)…

Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua tại địa phương đạt nhiều kết quả. Các phong trào, như: “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” gắn với phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang Quân khu chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Lực lượng vũ trang Quân khu chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”… ngày càng có chất lượng cao, đạt hiệu quả thiết thực. 

Cùng với đó, bộ đội địa phương tỉnh đã phối hợp cùng địa phương trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động các tầng lớp nhân dân trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phát huy lợi thế của địa phương phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu. Trong năm 2023, tỉnh đã có 14/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra (trong đó, có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch). Kinh tế tiếp tục phát triển, tăng trưởng GRDP đạt 5,63% (đứng 45/63 tỉnh, thành phố; bình quân chung cả nước là 5,05%)2

Ba là, triển khai hiệu quả nhiều mô hình để xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu sốĐơn cử, các mô hình: “Hũ gạo tình Quân – Dân” của Trung đoàn 994; “Về với Buôn làng – 3 cùng với Nhân dân” của Ban chỉ huy quân sự huyện Đạ Tẻh; “Lực lượng vũ trang huyện chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Ban Chỉ huy quân sự huyện Bảo Lâm; “Hỗ trợ vốn giúp đỡ gia đình cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng phát triển kinh tế” của Ban Chỉ huy quân sự huyện Lâm Hà…    

Bên cạnh đó, tiến hành xây tặng nhiều khu vui chơi, công trình văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: 5 công trình (sân bóng đá mini tại Chùa Di Đà, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm; 1 sân bóng đá mini tại Giáo xứ Thượng Thanh, xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc; công trình văn hóa, thể dục thể thao cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh; Nhà vui chơi phát triển vận động Trường Mầm non Long Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương; công trình văn hóa, thể dục thể thao tại xã Liêng SRônh, huyện Đam Rông) tổng trị giá trên 15 tỷ đồng3

Các hoạt động thiết thưc của bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng đã vun đắp tinh thần đại đoàn kết đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng đồng hành chăm lo cho xây dựng đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn, nêu cao tinh thần chủ động, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo. Bộ đội địa phương tỉnh  góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát triển bền vững kinh tế của địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bộ đội địa phương tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: một số đơn vị bộ đội địa phương còn xem nhẹ việc tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số; nội dung, hình thức, biện pháp tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội còn giản đơn, chậm đổi mới, thiếu sáng tạo; các hoạt động tham gia phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng hiệu quả chưa tương xứng…

3. Một số giải pháp 

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương tỉnh. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng. Nội dung giáo dục, bồi dưỡng phải toàn diện, song cần tập trung vào những nội dung sau: (1) Những kiến thức cơ bản về lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. (2) Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng cơ sở chính trị – xã hội. (3) Phẩm chất đạo đức cách mạng, kiến thức, năng lực, phương pháp vận động quần chúng và kỷ luật quan hệ quân – dân. (4) Nắm vững mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương thức thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. (5) Hiểu rõ đặc điểm, tình hình địa bàn và âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng nước ta. (6) Những thuận lợi, khó khăn khi tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp bộ đội địa phương tỉnh bảo đảm cho các đơn vị bộ đội địa phương tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số có phương hướng chính trị đúng đắn, tạo sự thống nhất, đồng bộ. Trong đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo tập trung vào các nội dung như: (1) Tổ chức quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của trên về nhiệm vụ tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. (2) Thực hiện tốt nội dung tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số. (3) Xây dựng, củng cố lực lượng chuyên trách làm công tác vận động quần chúng.

Thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vừa bảo đảm phù hợp với khả năng, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển mọi mặt của địa phương. Nội dung tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số của bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng phải đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tập trung xây dựng ý thức chính trị xã hội chủ nghĩa cho Nhân dân, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và xây dựng các quan hệ chính trị – xã hội lành mạnh ở vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ phương thức tham gia, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các phương thức tuyên truyền, giáo dục vận động Nhân dân, tham mưu, phối hợp, tăng cường cán bộ xuống cơ sở và kết nghĩa giữa bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng với Nhân dân và địa phương nơi đóng quân. 

Thứ tư, kết hợp tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội với thực hiện có chất lượng, hiệu quả hoạt động tham gia phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Việc này đòi hỏi các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng phải tích cực, chủ động tham gia cùng với địa phương phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh góp phần giữ vững ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. 

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện, thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và chính sách đối với bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng trong tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, cần tập trung vào một số nội dung, biện pháp như: tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa bộ đội địa phương tỉnh với cơ quan, đơn vị tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số; bổ sung, hoàn thiện và thực hiện chính sách nhằm tạo thuận lợi cho bộ đội địa phương tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số trong tình hình mới.

4. Kết luận

Xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số hiện nay là vấn đề có ý nghĩa to lớn đối với tỉnh Lâm Đồng, là điều kiện quan trọng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, là điều kiện cơ bản để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, đồng thời, còn là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội trên địa bàn. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng, trong đó có trách nhiệm của bộ đội địa phương. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, cần phát huy hơn nữa vai trò của bộ đội địa phương tỉnh tham gia xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn, phải quán triệt, nắm vững những yêu cầu cơ bản đặt ra trong tình hình mới.

Chú thích:
1. Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng (2024). Báo cáo tình hình thực hiện công tác dân tộc năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025”.
2. Ðẩy mạnh các phong trào thi đua trong tỉnh. https://baolamdong.vn/xa-hoi/202405/day-manh-cac-phong-trao-thi-dua-trong-tinh-af42c9f/
3. Tác giả tổng hợp số liệu do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng cung cấp, năm 2024.
Tài liệu tham khảo: 
1. Chính phủ (2022). Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Đảng ủy Quân sự tỉnh Lâm Đồng (2020). Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân sự tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020- 2025).
3. Quốc hội (2018). Luật Quốc phòng năm 2018.
4. Phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ trì thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam.https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/12/12/phat-huy-trach-nhiem-neu-guong-cua-can-bo-chu-tri-thuoc-bo-chi-huy-quan-su-tinh-quang-nam.
5. Xây dựng “Thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc của các bộ chỉ huy quân sự tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/10/26/xay-dung-the-tran-long-dan-bao-ve-to-quoc-cua-cac-bo-chi-huy-quan-su-tinh-tren-dia-ban-tay-nguyen-hien-nay.