TS. Hồ Công Đức
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp và dịch vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện nhằm mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cạnh tranh thương mại và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Tuy nhiên, trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu đạt được thì nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ còn có những hạn chế nhất định. Bài viết khái quát một số vấn đề lý luận, phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh hiện nay.
Từ khoá: Công nghiệp; dịch vụ; nguồn nhân lực chất lượng cao; cạnh tranh thương mại.
1. Đặt vấn đề
Cạnh tranh thương mại đang thúc đẩy các quốc gia thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Các quốc gia phát triển luôn ưu tiên sản xuất công nghiệp và dịch vụ, còn sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Ở Việt Nam, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội, tăng cường sức cạnh tranh trên trường quốc tế và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thì sản xuất công nghiệp và dịch vụ của nước ta đang còn những hạn chế nhất định. Một trong những nguyên nhân chính là do nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và cạnh tranh với các quốc gia đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tương ứng. Đây được xem là nhân tố đóng vai trò then chốt, quyết định sự chuyển biến của nền kinh tế.
2. Vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ
Nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ là một bộ phận của nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tham gia lao động sản xuất có tính chất công nghiệp và cung cấp các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của quá trình sản xuất, trao đổi, tiêu dùng trong nước và quốc tế. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ nói riêng là quá trình làm củng cố về số lượng lẫn chất lượng của nguồn nhân lực nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội.
Một là, lực lượng sáng tạo ra các công cụ lao động ngày càng hiện đại. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao luôn đóng vai trò tiên phong đổi mới, sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Các ngành dịch vụ càng hiện đại, phát triển thì ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của nền sản xuất và góp phần thúc đẩy nền sản xuất – kinh doanh phát triển.
Hai là, góp phần tích cực tham gia vào dây chuyền sản xuất, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngày nay, trong các công ty đa quốc gia, các sản phẩm được sản xuất dây chuyền bao gồm nhiều quốc gia tham gia, do vậy, để tiếp cận và tham gia được vào dây chuyền này thì chất lượng nguồn nhân lực của mỗi quốc gia trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh và cung ứng dịch vụ cần phải tương thích với trình độ của các quốc gia tiên tiến nhất, cũng như cần phải đáp ứng được yêu cầu phát triển của thời đại công nghệ, tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng sức cạnh tranh trên thị trường lao động hiện nay.
Ba là, nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần đổi mới sáng tạo trong sản xuất – kinh doanh. Hiện nay, phát triển kinh tế – xã hội dựa công nghệ ngày càng hiện đại hơn, đó là sản xuất có tính chất công nghiệp và dịch vụ, hơn nữa, hàm lượng tri thức kết tinh vào trong sản phẩm ngày càng cao, sản phẩm làm ra không những yêu cầu về chất lượng mà còn phải đáp ứng cạnh tranh về giá cả, mẫu mã trên thị trường… Điều này yêu cầu nguồn nhân lực phải có trình độ để không những vận hành được máy móc, thiết bị hiện đại mà còn phải không ngừng sáng tạo ra các sản phẩm nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bốn là, là lực lượng lao động tham gia vận hành các công cụ lao động tiên tiến nhất để sản xuất – kinh doanh. Nguồn nhân lực chất lượng cao kết hợp với công cụ, dịch vụ sản xuất – kinh doanh hiện đại góp phần làm tăng thêm giá trị cho sản phẩm. Một trong những yêu cầu quan trọng hiện nay là phải không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao tính chất chuyên nghiệp, tính kỷ luật, tính đổi mới sáng tạo,… qua đó tăng giá trị cho sản phẩm, thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
3. Thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ
a. Kết quả đạt được
Thứ nhất, về số lượng và trình độ đào tạo.
Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ trọng sản xuất công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Theo số liệu thống kê năm 2023, dân số Việt Nam đạt khoảng 100,3 triệu người, trong đó số lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 52,4 triệu người. Lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp khoảng 13,8 triệu người, chiếm 26,9%; còn khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ khoảng 38,6 triệu người1. Như vậy, nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn so với lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, phù hợp xu hướng phát triển chung của thế giới.
Về trình độ đào tạo, theo số liệu thống kê nguồn nhân lực chất lượng cao đã qua đào tạo theo ngành nghề chuyên môn kỹ thuật chiếm khoảng 27,1%, trong đó đào tạo trình độ sơ cấp chiếm 6,2%, trình độ trung cấp chiếm 4,2%, trình độ cao đẳng 4,0%, trình độ đại học trở lên chiếm 12,7%. Nhìn chung, trình độ đào tạo của nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao, đặc biệt là trình độ đào tạo từ đại học trở lên đã tăng từ 10,6% năm 2019 lên 12,7% năm 20232. Tuy vậy, nguồn nhân lực qua đào tạo một số ngành chiếm tỷ lệ khá lớn, như: ngành khai khoáng chiếm khoảng 62,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, chất nóng, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí khoảng 81,1%; một số ngành dịch vụ cũng được đào tạo cao, như: ngành thông tin và truyền thông chiếm 88,1%; tài chính ngân hàng, bảo hiểm qua đào tạo khoảng 86,4%; khoa học công nghệ khoảng 85,6%; y tế và giáo dục đều trên 90%3.
Về năng suất lao động, tỷ lệ thuận với chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo ở các trình độ và ngày càng được nâng cao qua các năm, đặc biệt một số ngành công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao như: sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng cao, nếu như năm 2019 năng suất là 1.462,0 triệu/người thì năm 2023, tăng lên tới 2.808,2 triệu/người. Hay ngành khai khoáng tăng từ 1.167,4 triệu/người (2019) lên 1.483,9 triệu/người (năm 2023)4 và một số ngành nghề khác có năng suất khá cao, như: thông tin và truyền thông, hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm, hoạt động kinh doanh bất động sản,… Tuy nhiên, năng suất cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là phụ thuộc vào khoa học kỹ thuật, công nghệ, song nguồn nhân lực với kỹ năng, kỹ xảo, trình độ chuyên môn cao có tác động mạnh mẽ đến năng suất và chất lượng sản phẩm, cũng như cung cấp các dịch vụ mang tính chuyên nghiệp cho quá trình sản xuất – kinh doanh phát triển.
Thứ hai, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của nguồn nhân lực
Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp, dịch vụ được nâng lên hằng năm, biểu hiện qua một số thông số, như: tuổi thọ trung bình tăng lên qua các năm, nếu như năm 2019 tuổi thọ trung bình của cả nước là 73,6 tuổi thì đến năm 2023, tuổi thọ trung bình tăng lên 74,5 tuổi, xét theo giới tính thì tuổi thọ trung bình của nữ cao hơn nam (nữ 77,2 tuổi, còn nam là 72,1 tuổi)5. Nhìn chung, tuổi thọ trung bình của Việt Nam nhỉnh hơn tuổi thọ trung bình của thế giới là 73,4 tuổi. Qua đó cho thấy, sức khỏe, thể lực của nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ nói riêng đáp ứng ngày càng tốt hơn cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ ba, về thu nhập bình quân.
Thu nhập các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ cao hơn so với các ngành nghề, lĩnh vực khác. Chẳng hạn năm 2023, thu nhập của công nhân có chuyên môn kỹ thuật bậc trung, cao trung bình khoảng 9.354,6 nghìn đồng/tháng- 10.770,3 nghìn đồng/tháng. Trong khi đó, lao động có kỹ năng của các ngành nông, lâm, ngư nghiệp khoảng 5.630,8 nghìn đồng6.
Thứ tư, về tính tổ chức, kỷ luật.
Nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp, dịch vụ nhìn chung có ý thức, thái độ tốt, có tính tổ chức kỷ luật nghiêm minh, chấp hành các đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Theo số liệu thống kê năm 2023, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh bị phát hiện và xử lý 5 vụ với 9 bị can; tội sản xuất buôn bán hàng giả 49 vụ, khởi tố 108 bị can; tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là 2 vụ khởi tố 8 bị can7… Nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam đứng thứ 5 khu vực Đông Nam Á và thứ 107 so với các quốc gia trên thế giới về tính tổ chức, kỷ luật, thái độ làm việc trong quá trình lao động sáng tạo8. Điều này chứng tỏ chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nói chung đang ngày càng phát triển và được quan tâm, tạo điều kiện phát triển theo xu hướng cạnh tranh với các nước.
b. Một số hạn chế
Một là, hạn chế về số lượng và trình độ đào tạo.
Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao các ngành công nghiệp và dịch vụ để đi tắt đón đầu nền kinh tế số, kinh tế tri thức cũng như tiếp cận nhanh với sự biến đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành công nghiệp và dịch vụ cũng còn một số hạn chế nhất định, đó là số lượng và cơ cấu còn thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới (chiếm 73,1%). Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực, như: Singapore có đến 99% là lao động dịch vụ và công nghiệp9; Hàn Quốc là 94,5%, còn các nước có nền công nghiệp phát triển, như: Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản thì tỷ lệ sản xuất công nghiệp và dịch vụ luôn ở mức trên 94%10.
Về trình độ đào tạo, tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động qua đào tạo chỉ chiếm 27,1%, tức là còn khoảng 72,9% chưa qua đào tạo từ trung cấp, sơ cấp trở lên, tương ứng với khoảng 38,3 triệu lao động chưa qua đào tạo, đây là một tỷ lệ khá lớn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nhiều ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ có tỷ lệ qua đào tạo thấp, như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ mới có 21,5% qua đào tạo; ngành xây dựng 16,6%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 18,5%; hoạt động dịch vụ khác 23,8%,…11.
Về tỷ lệ đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam còn thấp, hiện nay tỷ trọng phân bổ đầu tư cho giáo dục đại học ở nước ta khoảng 0,18% GDP, trong khi đó Malaysia 1,13% GDP, Singapore 1% GDP, Thái Lan 0,64% GDP, Hàn Quốc 0,86% GDP,… 12. Như vậy, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nước ta còn có những hạn chế về đầu tư cho giáo dục, nhất là giáo dục đại học, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nhân lực nói chung, nhân lực chất lượng cao nói riêng.
Về năng suất lao động tuy có tăng lên hằng năm, song so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thì năng suất lao động của nước ta vẫn thấp, đặc biệt lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, là những ngành xương sống của nền kinh tế. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2022, năng suất lao động của Việt Nam gần nhất với Phillipines, kém xa các nước, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, chỉ bằng 1/3 so với Malaysia và đặc biệt là chỉ bằng 1/10 so với Singapore13. Đại hộiĐảng lần thứ XIII cũng đã nhận định: “Năng suất lao động vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và khoảng cách chênh lệch này vẫn tiếp tục gia tăng”14. Mặc dù năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song nguồn nhân lực chất lượng cao có ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Hai là, hạn chế về thể lực.
Thể lực là một trong những yếu tố cấu thành nên chất lượng nguồn nhân lực, trong những năm qua thể lực, tầm vóc, tuổi thọ trung bình của người dân nhìn chung được tăng lên hàng năm, vào cao hơn mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, so với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới thì tầm vóc, sức khỏe của người Việt Nam vẫn còn thua xa các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v.. chính điều này sẽ ảnh hưởng đến sự dẻo dai, sức chịu đựng, thần kinh, trí óc của người lao động khi làm việc với cường độ cao, với thiết bị máy móc công nghệ hiện đại.
Ba là, hạn chế về ý thức, thái độ.
Bên cạnh ý thức, thái độ làm việc tích cực, hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ; hướng đến cái đúng, cái đẹp, vì lợi ích chính đáng thì vẫn còn có một bộ phận người lao động với ý thức, thái độ thiếu tích cực trong quá trình sản xuất – kinh doanh, cung cấp các loại hình dịch vụ. Chẳng hạn như: hoạt động buôn lậu vàng, xăng dầu, gây ô nhiễm môi trường,… Cho thấy tỏ ý thức, thái độ của các doanh nhân, các chủ doanh nghiệp trong sản xuất công nghiệp và các loại hình dịch vụ còn hạn chế cần phải có các biện pháp mạnh hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong môi trường cạnh tranh thương mại toàn cầu…
3. Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cả về số lượng lẫn chất lượng nhằm phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đại hội XIII nhận định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ”15. Để công nghiệp và dịch vụ phát triển, trở thành “xương sống” của nền kinh tế thì trước tiên cần có nguồn nhân lực chất lượng cao tương xứng, có đội ngũ lãnh đạo đủ tài năng, có tầm nhìn chiến lược, có ý thức, trách nhiệm,… thì mới đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường hiện nay.
Ngoài ra, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một số ngành, lĩnh vực then chốt để thúc đẩy ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển theo tinh thần Đại hội XIII: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người. Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”16.
Thứ hai, chú trọng phát triển ý thức, thái độ, nhân cách, sức khỏe của nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu của nền công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là những người đứng đầu, người có vai trò quyết định đối với quá trình sản xuất – kinh doanh. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng mức phạt lên cao để đủ sức răn đe, bảo đảm sự nghiêm minh để những người đứng đầu, những người có trách nhiệm trong các hoạt động không dám và không muốn vi phạm các quy định của pháp luật.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ… Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”17. Từ đó có thể thấy, nguồn nhân lực chất lượng cao ngoài có trình độ cao, nhân cách, đạo đức còn cần có ý thức trách nhiệm với đất nước, với xã hội, có kỷ cương, kỷ luật, chấp hành tốt pháp luật; không chỉ đơn thuần là người lao động mà còn đại diện cho tinh thần, ý chí, khát vọng phát triển của Việt Nam.
Thứ ba, tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo, nhất là ở bậc đại học.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ đầu tư cho giáo dục của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và các nước phát triển còn thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển. Do vậy, với phương châm coi giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, thì nhà nước cần phải bố trí thêm nguồn lực tài chính để đầu từ cho giáo dục. Cần phải tăng cường các hình thức đào tạo như đào tạo trực tuyến, đào tạo chính quy, đào tạo liên kết; gắn đào tạo giữa nhà trường với các doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Thay đổi chương trình đào tạo phù hợp với xu hướng của quốc tế, đặt biệt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt thì việc đào tạo cũng cần gắn với chuẩn đầu ra của thị trường lao động, giúp cho người lao động sau khi ra trường có năng lực chuyên môn, năng lực sáng tạo trước các biến đổi của nền kinh tế.
Ngoài ra, tăng cường kiến thức về rèn luyện sức khỏe, giáo dục ý thức thái độ cho nguồn nhân lực… là những yêu cầu then chốt trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của nước ta hiện nay nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nền sản xuất công nghiệp và dịch vụ trong môi trường cạnh tranh quốc tế đang diễn ra gay gắt.
4. Kết luận
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ luôn là yêu cầu then chốt của nền kinh tế, đây là nền tảng, là yếu tố đặc biệt quan trọng của lực lượng sản xuất. Đứng trước bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và cạnh tranh thương mại hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao đã có nhiều chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng, bước đầu đáp ứng một phần yêu cầu của quá trình phát triển. Tuy nhiên, trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là nguồn nhân lực lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ cần tiếp tục được phát triển về số lượng, chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế và thị trường lao động.
Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11. Tổng cục Thống kê (2023). Niên giám thống kê. H. NXB Thống kê, tr. 98, 182, 185 – 186, 187, 143, 1.011, 1.073, 1.224, 1.249, 1.255, 185 – 186.
12. Tỷ lệ lao động trình độ đại học trở lên mới có 11,1%, đáng báo động.https://daotao.neu.edu.vn/vi/tin-tuc-1689/ty-le-lao-dong-trinh-do-dai-hoc-tro-len-moi-co-11-1-dang-bao-dong.
13. Giải bài toán nâng cao năng suất lao động. https://vtv.vn/kinh-te/giai-bai-toan-nang-cao-nang-suat-lao-dong-20240528210343799.htm.
14. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 70.
15, 16, 17. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.Tập I. H. Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, tr. 54, 231, 136 – 137.