PGS.TS. Nguyễn Văn Quang
Đại tá, TS. Hoàng Đức Thịnh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng Mùa Xuân 1975 “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”1. Đại thắng mùa Xuân 1975 để lại nhiều bài học có giá trị lịch sử và thời đại.
Từ khóa: Đại thắng Mùa Xuân 1975, ngọn cờ độc lập, chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp đổi mới, lịch sử dân tộc.
1. Bài học lịch sử và thời đại từ Đại thắng Mùa Xuân 1975
Một trong những bài học lịch sử được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12/1975) đúc rút: “đó là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự… giương cao cùng một lúc hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”2. Nhận thức rõ những giá trị của bài học này, nhất là tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đại thắng mùa Xuân 1975 vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một nhiệm vụ chính trị to lớn, có ý nghĩa sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ở thời kỳ đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu và ngọn cờ chính trị, tư tưởng nhất quán và xuyên suốt của cách mạng Việt Nam được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh giương cao trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (năm 1930) đã nêu rõ: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”3. Đại hội I của Đảng (3/1935) tiếp tục khẳng định đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh chính trị tại Đại hội II của Đảng (02/1951) xác định: “Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội”4. Đại hội III của Đảng (9/1960) đã đề ra đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng trên hai miền của đất nước: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam…
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rõ mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với tiến lên chủ nghĩa xã hội; độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước hết, là cơ sở tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là khát vọng mang tính phổ biến với toàn nhân loại. Với dân tộc Việt Nam, đó còn là một giá trị thiêng liêng, được bảo vệ và giữ gìn bởi máu xương, sức lực của biết bao thế hệ người Việt Nam. Nền độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn với tự do, dân chủ, ấm no hạnh phúc của Nhân dân lao động. Nhưng với Người, không bao giờ coi đó là mục tiêu cuối cùng của cách mạng Việt Nam; giành độc lập để đi tới xã hội cộng sản; độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Độc lập dân tộc là mục tiêu cốt yếu, trực tiếp của cách mạng dân tộc dân chủ, là mục tiêu trước hết của quá trình cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đồng thời, là điều kiện hàng đầu, quyết định để cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chuyển sang giai đoạn kế tiếp – cách mạng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, cách mạng dân tộc dân chủ càng triệt để thì những điều kiện tiến lên chủ nghĩa xã hội càng được tạo ra đầy đủ. Độc lập dân tộc tạo tiền đề, điều kiện để Nhân dân lao động tự quyết định con đường đi tới chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Chính vì vậy, Người luôn chủ trương nhất quán trong tư tưởng và hành động của cách mạng Việt Nam, đó là: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”5…
Nhờ nắm vững và giương cao ngọn cờ tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên cả nước cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã tạo nên sức mạnh và ưu thế tuyệt đối cho công cuộc đấu tranh giải phóng nước nhà ở miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội bằng nhiều dấu mốc lịch sử, mà dấu mốc quan trọng nhất là Đại thắng mùa Xuân 1975.
Thắng lợi trọn vẹn của Đại thắng mùa Xuân 1975 cách đây 50 năm đã đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, như Đại hội IV của Đảng (12/1976) đã nhận định: “Đó là kỷ nguyên một nước Việt Nam độc lập, thống nhất hoàn toàn và vĩnh viễn, một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang tiến tới giàu mạnh, văn minh, một nhân tố quan trọng của sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội ở Đông Nam châu Á và trên thế giới”6. Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng luôn xác định hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; “Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho các mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp”7; đổi mới nhằm làm cho Nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, quốc gia – dân tộc hùng cường, có vị thế xứng đáng trên thế giới; tăng cường tiềm lực chính trị – tinh thần, vật chất – kỹ thuật, sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Đây là những mục tiêu, lý tưởng của đất nước ta, Nhân dân và quân đội ta đã ra sức dựng xây, chiến đấu và bảo vệ trong suốt nửa thế kỷ qua với nhiều biến động sâu sắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975. Nhờ sự cống hiến, chiến đấu và hy sinh quên mình của cả dân tộc, vượt qua muôn trùng khó khăn, thách thức, cả những trở lực đến từ bên ngoài lẫn bên trọng, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại làm cho: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”8.
2. Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong sự nghiệp đổi mới
Đất nước ta đang vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, tiếp tục thực hiện mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”9, mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng giương cao trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam sẽ “khởi đầu bằng sự kiện trọng đại – Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên trước tạo tiền đề cho kỷ nguyên sau, kỷ nguyên sau kế thừa, phát triển thành tựu của kỷ nguyên trước, làm cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ngày càng hòa quyện, phát triển không ngừng. Ý Đảng hòa quyện lòng dân, khát vọng đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới”10.
Ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đại thắng mùa Xuân 1975 của dân tộc ta tiếp tục tung bay trong 50 năm của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nước ta từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986.
Việt Nam hiện đứng trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 194 nước, vùng lãnh thổ trên khắp năm châu; xây dựng các mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới. Đời sống của 105 triệu dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng được nâng cao.
Từ việc vận dụng tinh thần và khí thế của Đại thắng mùa Xuân 1975 của dân tộc ta trong kỷ nguyên mới, nhất là từ nay đến năm 2030 và đến năm 2045 sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đây là giai đoạn quan trọng nhất xác lập và định hình trật tự thế giới mới; cũng là thời kỳ, cơ hội chiến lược, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. Sau 40 năm giữ vững nguyên tắc đổi mới: kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; kinh tế và đất nước đã đổi mới, phát triển mạnh mẽ.
Hiện nay, cả nước đang tích cực triển khai thực hiện Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Vừa chạy vừa xếp hàng” – một tư duy lãnh đạo, điều hành khoa học, sáng tạo, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Song cũng đối diện với nhiều tư duy, nhận thức chưa theo kịp, nhất là tư tưởng, nhận thức “bảo thủ”, “trì trệ” mới, sự “bằng lòng”, níu kéo cơ chế, thể chế cũ còn tồn tại trong chính hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên… đang cản trở sự phát triển, vươn mình của đất nước.
Cùng với đó, chủ nghĩa đế quốc, các thế lực dân tộc cực đoan, các thế lực thù địch đang câu kết chặt chẽ với nhau, ra sức lợi dụng tình hình để chống phá nền độc lập dân tộc, khát vọng ấm no và hòa bình của các quốc gia – dân tộc trên thế giới, nhất là tập trung mũi nhọn chống phá mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam. Nền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nước ta đang bị đe dọa, uy hiếp bởi những toan tính của các thế lực phản động và thù địch; những lý tưởng, giá trị và thành tựu mà Đại thắng mùa Xuân 1975 đem lại cho nhân dân và dân tộc Việt Nam đang phải đối diện với những nguy cơ, thách thức mới ngày càng bộc lộ rõ hơn trước tình hình thế giới, khu vực và đất nước.
Tự hào, phát huy và tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đại thắng mùa Xuân 1975 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện ra sức đồng lòng, cùng chung ý chí, nêu cao quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ lịch sử của dân tộc và của cách mạng Việt Nam.
Một là, không ngừng nâng cao hiểu biết về giá trị dân tộc và thời đại của Đại thắng mùa Xuân 1976 đã được lịch sử cách mạng Việt Nam khắc ghi 50 năm trước đây, đó là: “Đối với nhân dân ta, thắng lợi oanh liệt đó mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Nó kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, bảo vệ và phát triển những thành quả của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, xóa bỏ mọi chướng ngại trên con đường thực hiện thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân ta đã đập tan cuộc phản công lớn nhất của tên đế quốc đầu sỏ chĩa vào các lực lượng cách mạng kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai,… đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng trăm triệu người trên trái đất đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”11.
Hai là, tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân đã lựa chọn.Trước sự biến động khó lường của tình hình thế giới hiện nay, một lần nữa cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ, chân lý thời đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết cho dân tộc Việt Nam: “chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới”12; “Chủ nghĩa xã hội là no ấm và tự do cho toàn thể nhân dân”13. Đồng thời, nắm vững và thấm nhuần hơn bài học kinh nghiệm mà Cương lĩnh của Đại hội XI mà Đảng đã đúc kết, đó là: “Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”14.
Ba là, kiên định và sáng tạo trong giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đại hội XIII của Đảng đã cụ thể hóa tinh thần Cương lĩnh bằng tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 làm cho nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ra sức làm cho tính thống nhất biện chứng giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong kỷ nguyên mới được thể hiện ngày càng sâu sắc và tập trung hơn ở các mục tiêu nêu trên, nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, có vị thế cao trên trường quốc tế, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Bốn là, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hiện đại, đầy đủ, hội nhập quốc tế nhằm phát triển sức sản xuất, phân bổ có hiệu quả nguồn lực, tạo ra của cải ngày càng dồi dào, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Bảo đảm cho nền kinh tế thị trường không hoàn toàn vận động cùng chiều với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội; gắn với phát triển kinh tế thị trường phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước đi và từng chính sách phát triển, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái góp phần quan trọng và trực tiếp vào hiện thực hóa mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta đã xác định ở giai đoạn này của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ra sức thực hành đúng tinh thần, đổi mới là tìm tòi những hình thức, phương pháp phù hợp để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; đồng thời, tăng cường tiềm lực chính trị – tinh thần, vật chất – kỹ thuật, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ môi trường hòa bình, giữ vững ổn định chính trị – xã hội là điều kiện tối quan trọng bảo đảm cho đổi mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Góp phần làm cho tính thống nhất giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thể hiện ngày càng sâu sắc hơn ở sự quyện chặt giữa kiên trì mục tiêu cuối cùng với tìm mọi biện pháp đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữa bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc với bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữa phát triển kinh tế thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa hội nhập quốc tế và tăng cường năng lực tự chủ chiến lược của quốc gia – dân tộc.
Sáu là, kiên trì, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời, thể hiện rõ Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần bảo vệ hòa bình, vun đắp tình hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, thúc đẩy tiến bộ xã hội trên thế giới và khu vực. Không ngừng phát huy những mặt thuận lợi, tích cực của hội nhập quốc tế, thời cơ chiến lược của quốc gia tạo ra và quốc tế đem lại; đồng thời ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất những mặt tiêu cực, nhất là các trào lưu tư tưởng chính trị, văn hóa, lối sống tư sản, âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng hòng phá hoại và làm chệch hướng ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang phất cao và hiện thực hóa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Bảy là, nâng cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, lan tỏa các giá trị của Đại thắng mùa Xuân 1975 bằng những hành động cách mạng thiết thực, sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đại hội XIV là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, trọng đại của đất nước từ nay cho đến năm 2026; đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc với trách nhiệm chính trị rất cao không chỉ của toàn Đảng, còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, của toàn dân và toàn quân ta.
3. Kết luận
Phát huy tinh thần của Đại thắng mùa Xuân 1975, trên mọi cương vị công tác, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước, các lực lượng vũ trang, đồng bào các dân tộc, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, kinh tế – xã hội… hãy đoàn kết một lòng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lập nhiều thành tích thiết thực chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Tổ chức thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo khí thế thi đua sôi nổi và rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2025 và kế hoạch 5 năm (2021 – 2025), các đề án, chương trình được Chính phủ giao theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội.
Đại thắng mùa Xuân 1975 mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là nguồn sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn động viên và cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đưa nước ta vươn mình lớn mạnh, vững vàng lập nên những thành tựu to lớn hơn nữa trong kỷ nguyên mới.
Chú thích:
1, 2, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2004). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 37. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 471, 484 – 485, 471
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2004). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 2.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2004). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 174.
5, 13. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 563, 431.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2004). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 73. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 643.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2004). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 49. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 540.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 104.
9, 12. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 131, 588.
10. Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới. https://baochinhphu.vn/khat-vong-vuon-minh-trong-ky-nguyen-moi-102241231135349188. htm.
14. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 65.