Gia đình nơi chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên trong kỷ nguyên mới

ThS. Trần Thị Phương
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Gia đình có vai trò quan trọng trong chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng niềm tin cho thanh niên Việt Nam. Bài viết phân tích vai trò của gia đình trong chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng niềm tin cho thanh niên; thực trạng phát huy vai trò của gia đình trong chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên; từ đó, đề xuất một số biện pháp phát huy vai trò của gia đình trong chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng niềm tin cho thanh niên trong kỷ nguyên mới.

Từ khóa: Gia đình; chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng niềm tin cộng sản chủ nghĩa; thanh niên; kỷ nguyên mới.  

1. Đặt vấn đề

Thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, luôn được Đảng quan tâm chăm lo, giáo dục để trở thành người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Để đáp ứng mục tiêu và sự tin tưởng, mong muốn đó, cần phát huy sức mạnh của các tổ chức, lực lượng, trong đó vai trò của gia đình trong chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng niềm tin cho thanh niên là rất quan trọng, là nhân tố quyết định sự trưởng thành, phát triển của thanh niên. Gia đình là vừa là nơi đáp ứng nhu cầu riêng tư, thực hiện chức năng phát triển nòi giống, vừa là trường học đầu tiên cho sự hình thành, phát triển nhân cách của thanh niên.

2. Vai trò của gia đình trong chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng niềm tin cho thanh niên Việt Nam

Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình hình thành, phát triển về phẩm chất, nhân cách của thanh niên. Bởi lứa tuổi thanh niên chịu ảnh hưởng từ rất nhiều môi trường khác nhau, trong đó có gia đình, nếu lơ là, chủ quan, ít quan tâm để ý đến thanh niên; gia đình phó mặc cho nhà trường và xã hội giáo dục sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Chính vì vậy, rất cần đến vai trò của gia đình trong chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng niềm tin cộng sản cho thanh niên từng bước khôn lớn, trưởng thành và phát triển về đức, trí, thể, mỹ để trở thành nguồn kế cận, bổ sung cho sự nghiệp đổi mới đất nước.

Đảng luôn khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hoá dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”1. Gia đình còn có vai trò quan trọng trọng định hướng nghề nghiệp, tạo dựng các mối quan hệ đúng đắn, phù hợp với truyền thống văn hoá gia đình, quê hương, biết kế thừa, tiếp nhận giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của nhân loại làm giàu thêm giá trị văn hoá gia đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đã là đại gia đình thì sự săn sóc, dạy dỗ cũng không chỉ nhằm làm cho con cháu mình khoẻ và ngoan mà phải cố gắng giúp đỡ cho tất cả các cháu đều ngoan và khoẻ”2.

Chính sự chỉ bảo ân cần, chu đáo trong các mối quan hệ xã hội mà thanh niên đã hướng suy nghĩ, hành động của mình theo đúng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nỗ lực học tập, rèn luyện về mọi mặt để trở thành những công dân có ích của xã hội, góp phần vào sự nghiệp đổi mới đất nước cùng với cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết tăng tốc, bứt phá thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nội dung của Đảng đã xác định đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng đã chứng minh vai trò to lớn của gia đình trong chăm lo, giáo dục thanh niên. Gia đình đã nuôi dưỡng, trao truyền cho thanh niên truyền thống tốt đẹp của dân tộc để họ ngày càng khôn lớn, trưởng thành, nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước. Đó là tình yêu thương, sự gắn kết với nhau giữa các thành viên trong gia đình, mong muốn sự lớn khôn, trưởng thành, có nhiều đóng góp cho đất nước. Không chỉ có vậy, gia đình còn là nơi định hướng tương lai cho các thế hệ thanh niên con đường phát triển phù hợp với điều kiện, khả năng của mỗi gia đình. Nhờ sự định hướng tốt của gia đình mà nhiều thanh niên đã lựa chọn được ngành nghề đúng với chuyên môn, sở trường, niềm yêu thích, phát huy được lợi thế, kinh nghiệm, vốn sống. Gia đình còn là tổ ấm để thanh niên chia sẻ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần lan toả phẩm chất con người Việt Nam và của mỗi thanh niên vào thực hiện chức trách, nhiệm vụ được xã hội phân công.

Trong những năm tháng chiến tranh, để giữ gìn và bảo vệ đất nước, hầu hết các gia đình đều động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, có gia đình có đến 9 người con tham gia tòng quân; các thanh niên được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, được sự chăm lo, giáo dục thường xuyên của gia đình, thanh niên Việt Nam đã nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, không sợ khó khăn, hiểm nguy, sẵn sàng xông pha vào trận tuyến, đối mặt với sự hy sinh vẫn ngẩng cao đầu, hô vang khẩu hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm. Những thế hệ thanh niên Việt Nam, như: Lý Tự Trọng, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Đức Thuận… đi vào lịch sử dân tộc, trở thành biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh, ý chí, sức mạnh con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, nhiều thanh niên cống hiến cho đất nước những tài năng ở tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; các phong trào của thanh niên như “Lập thân, lập nghiệp”, “Thanh niên tâm trong, trí sáng, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn”, “Thanh niên tình nguyện”, “Thanh niên xung kích trong xây dựng nông thôn mới”…

2. Thực tiễn vai trò của gia đình trong chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng niềm tin cộng sản chủ nghĩa cho thanh niên Việt Nam thời gian qua

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp, phát huy vai trò của gia đình trong chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng niềm tin cộng sản chủ nghĩa cho thanh niên Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Gia đình đóng vai trò tích cực, chủ động làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp, định hướng các giá trị đạo đức, văn hoá, lối sống cho thanh niên. Trong quá trình chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng niềm tin cộng sản chủ nghĩa cho thanh niên, mỗi gia đình đã có cách thức, phương pháp phù hợp, hiệu quả, tạo được sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức, hành động, giúp thanh niên nhận thức ngày càng sâu sắc về trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình và đất nước. Từng thanh niên đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên về mọi mặt; chủ động đón nhận những thành tựu tiến bộ của nhân loại để phát triển bản thân, đóng góp ngày càng nhiều tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, mở cửa, hội nhập quốc tế. Nhiều thanh niên đã thể hiện rõ khát vọng, ước muốn của bản thân trong việc chinh phục, khám phá tri thức, sẵn sàng tiến công vào khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, xóa đói, giảm nghèo.

Đảng khẳng định: “Chăm lo, vun đắp, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người Việt Nam luôn quan tâm thực hiện và hướng tới. Các giá trị chung thuỷ, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng… Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng, phát triển văn hoá và con người Việt Nam”3.

Bên cạnh kết quả đạt được vai trò của gia đình trong chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên vẫn còn một số hạn chế, như: một số gia đình chưa chú trọng đến việc chăm lo, giáo dục con cái một cách toàn diện, còn phó mặc cho nhà trường hoặc chưa nắm bắt được tư tưởng, diễn biến tâm lý của thanh niên để có những chia sẻ, xử lý kịp thời. Công tác quản lý ở một số gia đình đối với thanh niên chưa theo kịp xu hướng của xã hội, còn cổ hủ, gia trưởng, thậm trí thiếu trách nhiệm, buông lỏng, không quan tâm; có gia đình quá nuông chiều con cái, tin tưởng tuyệt đối vào con cái; một số thanh niên sống buông thả, tự do không khép mình vào tổ chức, không lắng nghe ý kiến của gia đình. Thực tế, chưa có giải pháp đồng bộ, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên in tơ nét và mạng xã hội tới gia đình4.

3. Một số biện pháp phát huy vai trò của gia đình trong chăm lo, giáo dục bồi dưỡng niềm tin cộng sản chủ nghĩa cho thanh niên Việt Nam

Một là, phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong chăm lo, giáo dục thanh niên, nhất là lúc khó khăn, thử thách.

Đại hội X (năm 2006) của Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp; tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”5. Với tinh thần này, các thành viên trong gia đình không chỉ có chức năng, nhiệm vụ lao động sản xuất, công tác và sinh hoạt đời sống hàng ngày mà phải thường xuyên quan tâm đến nhau, thăm hỏi, chia sẻ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần để gia đình mãi là tổ ấm thân yêu. Sự quan tâm của các thành viên gia đình là liều thuốc quan trọng để thanh niên luôn tự tin vào cuộc sống. Từng thành viên gia đình cần có trách nhiệm cùng nhau vun đắp, xây dựng gia đình văn hoá, đạo đức tiến bộ, thấm đẫm các giá trị nhân văn sâu sắc. Trong quá trình đó, các thành viên gia đình luôn có sự bổ sung, kế thừa và loại bỏ những hiện tượng tiêu cực, những yếu tố phản văn hoá, không trong sạch, lành mạnh, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của văn hoá gia đình Việt Nam.

Hai là, phát huy vai trò nêu gương của từng thành viên gia đình trong chăm lo, giáo dục thanh niên.

Thanh niên là những người đang trong giai đoạn hình thành, phát triển về mặt nhân cách, chịu sự chi phối, ảnh hưởng bởi các nhân tố ở bên ngoài. Sự nêu gương của từng thành viên gia đình, nhất là ông, bà, cha, mẹ sẽ là tấm gương phản chiếu, giúp thanh niên cân bằng được suy nghĩ, hành động. Việc nêu gương của từng thành viên gia đình phải bằng lời nói và hành động cụ thể, bằng sự giản dị trong lối sống để cảm hoá, thu phục, tạo động lực cho thanh niên phấn đấu vươn lên.

Cần thường xuyên giáo dục cho các thành viên gia đình, nhất là thanh niên hiểu được đạo lý, truyền thống tốt đẹp của gia đình, nhắc nhở thường xuyên; không ngừng đấu tranh loại bỏ văn hoá phẩm đồi truỵ, thiếu trong sáng, lành mạnh, những suy nghĩ cổ hũ, lạc hậu, cản trở sự phát triển của mỗi gia đình, nhất là với thanh niên. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hoá tiêu biểu, có nền nếp, ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ, chồng hoà thuận, anh, chị em đoàn kết, thương yêu nhau6.

Ba là, tích cực, chủ động xây dựng gia đình ngày càng phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của gia đình.

Mỗi thành viên trong gia đình đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng gia đình ngày càng phát triển; hỗ trợ, giúp đỡ nhau về mặt vật chất trong chăm lo, xây dựng gia đình; bảo đảm sự phát triển hài hoà, cân đối giữa phát triển kinh tế với giữ gìn các giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa thụ hưởng với tái tạo sức lao động; giải quyết tốt các mối quan hệ ở bên trong và bên ngoài xã hội, đó là môi trường thuận lợi để mỗi gia đình phát triển kinh tế, tự do làm ăn, kinh doanh, tham gia tích cực vào hoạt động xã hội của địa phương. Việc phát triển kinh tế của mỗi gia đình phải phù hợp với văn hoá của địa phương; bảo đảm môi trường sinh thái, góp phần vào việc xây dựng quê hương phát triển giàu mạnh, giữ được tình nghĩa thôn, xóm.

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động của thanh niên trong tự chăm lo, giáo dục bản thân.

Thanh niên Việt Nam cần phát huy tính tích cực, chủ động, tự chăm lo, giáo dục bản thân là nhân tố cơ bản quyết định tương lai của mỗi thanh niên; đặt ra yêu cầu cao cho bản thân trong quá trình tự bồi dưỡng, giáo dục; nỗ lực, vượt qua khó khăn, năng động, sáng tạo trong tự giáo dục, bồi dưỡng; không thụ động, máy móc. Tích cực, chủ động cùng với gia đình đấu tranh loại bỏ văn hoá không lành mạnh, tệ nạn xã hội, lối sống thực dụng, thiếu văn minh có nguy cơ xâm nhập vào từng thanh niên và gia đình.

4. Kết luận

Gia đình là tổ ấm của mỗi thanh niên, cùng với chức năng duy trì nòi giống, gia đình cần phát huy tốt vai trò trong chăm lo, giáo dục thanh niên. Gia đình càng vững mạnh về kinh tế, văn hoá thì sự chăm lo, giáo dục với thanh niên càng ổn định bền vững và phát triển. Mỗi thanh niên phải luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của gia đình, không được phép lãng quên cội nguồn gia đình, đó chính là bệ phóng để thanh niên cất cánh bay cao, bay xa.

Trong giai đoạn hiện nay, gia đình cần phát huy tốt vai trò trong quản lý các mối quan hệ xã hội của thanh niên, đồng hành cùng thanh niên, chăm lo, giáo dục thanh niên thêm tự tin, giúp thanh niên kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Chú thích:
1, 3, 4. Ban Chấp hành Trung ương (2021). Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 311 – 312.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 103 – 104.
6. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) (2014). Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.