ThS. NCS. Lê Thị Phương Thảo
Phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công tại TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số giữ vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh An Giang. Bài viết nêu thực trạng nguồn nhân lực, đồng thời, phân tích những ưu điểm và hạn chế hiện có. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp thiết thực, phù hợp với đặc thù của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững trong thời gian tới.
Từ khóa: Chất lượng nguồn nhân lực, người dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế – xã hội.
1. Đặt vấn đề
Nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi quyết định sự phát triển bền vững của một địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Tại tỉnh An Giang, đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện qua trình độ học vấn thấp, kỹ năng lao động chưa cao, việc tiếp cận thị trường lao động và các chính sách hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, như chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo việc làm… Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai các chính sách này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong chất lượng lao động của người dân tộc thiểu số tại An Giang. Những bất cập này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân tộc thiểu số mà còn cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của An Giang. Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cấp bách nhằm giảm thiểu khoảng cách phát triển, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của người dân tộc thiểu số.
2. Thực trạng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số trong thời gian qua ở tỉnh An Giang
Dân số An Giang có khoảng 2,15 triệu người, có 29 dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 5,29% dân số toàn tỉnh, với 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Chăm, Hoa, Khmer (dân tộc Kinh chiếm trên 94% dân số toàn tỉnh; đồng bào dân tộc thiểu số Khmer chiếm 4,2%, Chăm chiếm trên 0,67%; người Hoa chiếm trên 0,38%)1.
Dân tộc Khmer sống tập trung ở 2 huyện miền núi: Tri Tôn và Tịnh Biên, số còn lại sống rải rác ở các huyện: Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn. Hầu hết đồng bào dân tộc Khmer theo Phật giáo Nam tông (có 66 chùa), có mối quan hệ rộng rãi với đồng bào dân tộc Khmer các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và người Khmer ở Campuchia. Nguồn thu nhập chủ yếu của đồng bào Khmer từ trồng trọt, chăn nuôi gia súc.
Dân tộc Chăm sống tập trung khá đông ở huyện An Phú và thị xã Tân Châu, số còn lại sống rải rác ở các huyện: Châu Phú và Châu Thành. Hầu hết đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo (Islam), có Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh. Nguồn thu nhập chính bằng nghề chài lưới, buôn bán nhỏ và dệt thủ công truyền thống.
Dân tộc Hoa sống xen kẽ với người Kinh trong thành phố, thị xã, thị trấn. Tập trung nhiều tại thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc và thị xã Tân Châu. Có 3 hội tương tế người Hoa, đa số người Hoa giỏi buôn bán, có kinh nghiệm gia truyền về sản xuất thủ công, y học cổ truyền, bên cạnh chữ tín và tinh thần cộng đồng của người Hoa là những nét văn hóa giúp cho kinh tế người Hoa ngày càng phát triển.
Với sự đa dạng về dân tộc dẫn đến sự đa dạng về văn hóa, phong tục, tập quán… sẽ là lợi thế để tỉnh An Giang phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa nhưng cũng là khó khăn khi có đa dân tộc, đa văn hóa.
Qua kết quả thu thập từ tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh An Giang năm 2019 có thể thấy, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật ở 3 huyện có cộng đồng người dân tộc thiểu số nhiều nhất là Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu vẫn có tỷ lệ cao (91,08%)2. Lượng cung lao động rất dồi dào nhưng lao động có tay nghề cao lại quá thiếu, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số với phần đông là chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Điều này có thể làm giảm sự sản xuất và cạnh tranh trong phát triển kinh tế của vùng có người dân tộc thiểu số và những vùng, những địa phương khác, từ đó dẫn đến thu nhập thấp và tiếp tục gia tăng khoảng cách giữa dân tộc thiểu số và dân tộc đa số, gây ra sự bất bình đẳng và không ổn định trong xã hội. Ngoài ra, người dân tộc thiểu số với trình độ chuyên môn thấp thường khó khăn trong việc tiếp cận và hiểu biết về các chương trình và chính sách phát triển. Điều này có thể làm chậm trễ quá trình hưởng lợi từ các chương trình giáo dục, y tế và kinh tế được thiết kế để hỗ trợ họ.
Số lượng người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động nhưng không tham gia các hoạt động kinh tế còn cao. Mặc dù An Giang được đánh giá là đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” khi mà cứ một người phụ thuộc thì có hai người trong độ tuổi lao động. Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ trọng dân số từ 15 – 64 tuổi chiếm 67,40% (giảm 2,39% so với năm 2009), tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên chiếm lần lượt là 24,07% và 8,53%3. Mặc dù thời kỳ cơ cấu dân số vàng tạo ra nhiều thuận lợi, thế mạnh song cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cần phải giải quyết.
Lực lượng lao động (người từ đủ 15 tuổi trở lên đang có việc làm và những người thất nghiệp) của tỉnh An Giang tính đến năm 2009 khá dồi dào. Số lượng người có tham gia hoạt động kinh tế và đang làm việc chiếm tỷ trọng cao, đặc biệt là người dân tộc Kinh (97,19% đang làm việc). Điều này lại ngược lại với người lao động dân tộc thiểu số (Khmer, Hoa, Chăm) khi có tới gần 1/3 dân số từ 15 tuổi trở lên không tham gia hoạt động kinh tế4.
Đến năm 2019, tỷ lệ người không tham gia vào các hoạt động kinh tế ở huyện An Phú là 33,81%; thị xã Tân Châu là 34,1%; huyện Tịnh Biên là 29,47% (3 huyện có người dân tộc thiểu số tập trung đông nhất tỉnh An Giang)5. Số liệu này cho thấy, mặc dù tỉnh An Giang đã có nhiều chương trình, chính sách để khuyến khích người dân trong độ tuổi lao động tham gia vào các hoạt động kinh tế nhưng trên thực tế, những chính sách này vẫn chưa phát huy hết được hiệu quả. Xuất phát từ nhiều lý do khác nhau dẫn đến tình trạng này, như: thiếu cơ hội nghề nghiệp, trình độ chuyên môn thấp, tâm lý e dè ngại giao tiếp, chăm sóc gia đình, tâm lý ỷ lại, tập quán canh tác lạc hậu… đã ảnh hưởng đến nguồn cung lao động. Người dân không tham gia hoạt động kinh tế dẫn đến thu nhập thấp, gia tăng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, gia tăng tình trạng gây bất ổn xã hội.
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số ở tỉnh An Giang
Một là, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Giáo dục và đào tạo là yếu tố cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trước hết, cần có chính sách hỗ trợ giáo dục từ bậc tiểu học đến đại học cho học sinh dân tộc thiểu số, bao gồm học bổng, miễn giảm học phí, cung cấp tài liệu học tập và hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Đồng thời, việc mở rộng hệ thống trường nội trú, bán trú cũng rất cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa theo học. Bên cạnh đó, việc giảng dạy song ngữ (tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ) cũng cần được chú trọng, giúp học sinh dân tộc thiểu số vừa tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, vừa có thể hòa nhập tốt hơn với xã hội. Ngoài ra, chương trình giáo dục cần được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu lao động ở tỉnh An Giang. Việc kết hợp giữa giáo dục phổ thông với đào tạo nghề ngay từ bậc trung học sẽ giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, trang bị kỹ năng lao động sớm để có thể tìm được việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp.
Hai là, phát triển đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường.
Cần mở rộng các chương trình đào tạo nghề, tập trung vào những ngành phù hợp với điều kiện địa phương như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch cộng đồng, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản… nhằm giúp người dân dễ dàng áp dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng các mô hình đào tạo nghề theo hướng “cầm tay chỉ việc”, giúp người dân tộc thiểu số được thực hành ngay trong quá trình học. Ngoài ra, việc tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý tài chính cá nhân, khởi nghiệp cũng rất cần thiết để người dân tộc thiểu số có thể tự tin tham gia vào thị trường lao động. Bên cạnh việc đào tạo tại chỗ, chính sách hỗ trợ việc làm sau đào tạo cũng cần được đẩy mạnh. Chính quyền tỉnh An Giang có thể khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động dân tộc thiểu số bằng cách cung cấp ưu đãi thuế hoặc hỗ trợ tài chính. Đồng thời, việc phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cũng là giải pháp giúp người dân tộc thiểu số có công việc ổn định, tạo ra nguồn thu nhập bền vững.
Ba là, tạo việc làm ổn định và cơ hội khởi nghiệp.
Chính quyền tỉnh An Giang cần triển khai chính sách vay vốn ưu đãi cho hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu khởi nghiệp, giúp người dân có cơ hội tự kinh doanh, phát triển các ngành nghề truyền thống hoặc các mô hình sản xuất mới theo hướng bền vững. Đặc biệt, việc khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng có thể trở thành hướng đi hiệu quả để tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số. Chính quyền cần hỗ trợ đào tạo kỹ năng làm du lịch, quảng bá sản phẩm văn hóa địa phương và kết nối với các công ty lữ hành để thu hút du khách. Khi có công ăn việc làm ổn định và cơ hội khởi nghiệp thuận lợi, người dân sẽ chủ động vươn lên, góp phần phát triển kinh tế gia đình và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh An Giang.
Bốn là, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số.
Cần có các giải pháp để phát huy vai trò của họ trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục, nghề nghiệp và phát triển kinh tế. Các giải pháp như chính quyền địa phương cần phối hợp với các già làng, trưởng bản để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo nghề, giúp người dân hiểu rằng học tập là con đường quan trọng để thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, người có uy tín cũng cần được huy động để tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, giúp người dân tiếp cận các chương trình ưu đãi về giáo dục, đào tạo nghề, vay vốn và phát triển kinh tế một cách hiệu quả. Ngoài ra, cần tổ chức các diễn đàn, hội thảo để tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi mô hình phát triển kinh tế thành công và nâng cao nhận thức về quyền lợi cũng như trách nhiệm trong quá trình hội nhập. Đồng thời, các chương trình tôn vinh, khen thưởng những cá nhân có đóng góp tích cực trong cộng đồng cũng là một cách để khuyến khích và lan tỏa tinh thần học hỏi, phát triển.
4. Kết luận
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội bền vững của tỉnh An Giang. Thực tế cho thấy, mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận việc làm và nâng cao mức sống. Vì vậy, cần có những giải pháp toàn diện và đồng bộ để cải thiện thực trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và bản thân người dân tộc thiểu số. Việc đầu tư vào giáo dục, đào tạo và hỗ trợ sinh kế sẽ giúp người dân không chỉ cải thiện đời sống mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh An Giang. Khi nguồn nhân lực dân tộc thiểu số được phát huy đúng mức, họ sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng tỉnh An Giang ngày càng phát triển.
Chú thích:
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang (2020). Báo cáo tổng kết chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.
2, 3, 4, 5. Cục Thống kê An Giang (2019). Kết quả cuộc Tổng điều tra dân số – nhà ở tỉnh An Giang năm 2019, Biểu số 39, Biểu 4.3.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Dân tộc tỉnh An Giang (2017). Báo cáo về tình hình công tác dân tộc năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2018.
2. Ban Dân tộc tỉnh An Giang (2018). Báo cáo về tình hình công tác dân tộc năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019.
3. Ban Dân tộc tỉnh An Giang (2019). Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc.
4. Ban Dân tộc tỉnh An Giang (2021). Báo cáo về tình hình thực hiện công tác dân tộc năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021.
5. Ban Dân tộc tỉnh An Giang (2022). Báo cáo về kết quả công tác dân tộc năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
6. Ban Dân tộc tỉnh An Giang (2024). Báo cáo về kết quả thực hiện công tác dân tộc năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
7. Chính phủ (2016). Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030.
8. Chính phủ (2011). Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 về công tác dân tộc.
9. Tổng cục Thống kê (2020). Tổng hợp kết quả điều tra thực trạng kinh tế – xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019.