TS. Đặng Minh Tiến
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Việt Nam sẽ chính thức bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, được Đảng khẳng định bắt đầu từ Đại hội XIV. Mục tiêu được Đảng đề ra trong kỷ nguyên mới là xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện được mục tiêu cao cả đó, việc phát huy tối đa các nguồn lực trong xã hội, trong đó phát huy nhân tố con người, lấy con người là nguồn lực trung tâm, là động lực phát triển được xem là vấn đề then chốt trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Từ khoá: Nhân tố con người; kỷ nguyên vươn mình; con người là trung tâm; động lực phát triển.
1. Đặt vấn đề
Một quốc gia muốn phát triển cần phải phát huy tổng hợp nhiều nguồn lực từ thể chế chính trị, hệ thống pháp luật, cơ chế kinh tế đến con người, vốn, tài nguyên thiên nhiên, khoa học-công nghệ,… Con người với góc độ là nhân tố con người, không chỉ đóng vai trò là nguồn lực, đồng thời là chủ thể giữ vai trò hoạt động ở vị trí trung tâm, tác động và quyết định sự phát triển của các yếu tố khác và cả hệ thống các nguồn lực của xã hội. Do đó, trong tất cả các nguồn lực của xã hội, phát triển toàn diện con người là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất của mỗi quốc gia, là động lực để phát huy sức mạnh các nguồn lực khác.
Phát huy nhân tố con người là tổng hợp những cách thức, biện pháp về kinh tế, chính trị, pháp quyền, đạo đức, văn hoá… nhằm tạo ra những cơ sở tiền đề vật chất và tinh thần thuận lợi cho việc hình thành, phát triển và hiện thực hoá việc phát huy vai trò tích cực, chủ động và sáng tạo của nhân tố con người nhằm hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Phát huy nhân tố con người là một quá trình nhiều mặt, như: nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng nguồn lực con người, tạo ra động lực để khơi dậy, kích thích năng lực trí tuệ, bản lĩnh… Do đó, quan điểm này được Đảng tiếp tục khẳng định khi nhấn mạnh vấn đề phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước: “Phát huy nhân tố con người chính là tạo cơ hội, điều kiện để sử dụng, bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cần thiết để con người thể hiện tối đa năng lực của mình trong lao động và hoạt động sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội”1.
2. Con người là trung tâm, động lực của sự phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Trong xã hội, có nhiều chủ thể tham gia phát triển xã hội nhưng con người là chủ thể chính, trụcột, không thể thay thế, do vậy, cần tập trung phát triển con người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là một chỉnh thể thống nhất giữa mặt sinh học và mặt xã hội, chủ thể của các mối quan hệ xã hội – lịch sử, là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần của xã hội. Trong con người có sẵn các nguồn lực, bao gồm: nguồn lực của cải, tài chính; nguồn lực sức lao động; nguồn lực trí tuệ2. Con người tồn tại trong xã hội nói chung, trong từng lĩnh vực cụ thể nói riêng với nhiều tư cách, nhưng tư cách chủ thể trung tâm, chủ thể quyền là cốt lõi, ngoài tư cách khách thể, đối tượng của sự phát triển. Hơn thế nữa, con người không phải là chủ thể bị động mà chủ thể tự do, khai phóng, đổi mới sáng tạo phát triển đất nước, bởi vì con người có năng lực tiềm năng phát triển chính mình, phát triển Nhà nước, phát triển xã hội.
Điều 3 Hiến pháp Việt Nam 2013 xác định: “Nhà nước bảo đảm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiệnmục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do,hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”3. Phát triển xã hội, phát triển đất nước phải xuất phát từ phát triển con người, phát triển toàn diện con người, quyền con người. Do vậy, cần phải có nhận thức đúng, đầy đủ về chủ thể con người Việt Nam. Nhu cầu nhận thức đó đòi hỏi phải có cách tiếp cận rộngđến chủ thể con người trong phát triển đất nước.
Con người là giá trị cốt lõi trung tâm, động lực xuyên suốt toàn bộ quá trình phát triển đất nước.Bởi vì mọi sự phát triển đều phải lấy con người làm giá trị cốt lõi trung tâm, con người là động lực của sự phát triển. Con người xuyên suốt toàn bộ quá trình phát triển đất nước, là điểm xuất phát, ở trong tiến trình phát triển đất nước và cũng là mục tiêu cuối cùng, cao cả nhất của phát triển đất nước. Lấy con người là trung tâm, động lực của sự phát triển là lấy hệ giá trị con người làm trung tâm, động lực,trong đó các giá trị tự do, sáng tạo, phẩm giá là các giá trị cốt lõi.
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định rõ: “Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”4. Quan điểm lấy con người là trung tâm, động lực là quan điểm đổi mới, coi trọng con người thay cho quan điểm lấy xã hội, Nhà nước là trung tâm, động lực. Bởi vì, động lực của sự phát triển nằm chính ngay trong con người, cả xã hội và Nhà nước đều được hình thành và phát triển dựa trên nền tảng tồn tại của con người, con người vừa là mục tiêu vừa là chủ thể vừa là động lực phát triển đất nước. Không có con người thì không thể có xã hội và Nhà nước. Con người phát triển là cơ sở, nền tảng cho xã hội và Nhà nước phát triển và ngược lại. Xây dựng hệ giá trị con người làm nền tảng cho phát triển con người, phát triển xã hội, bao quát hệ giá trị vật chất và hệ giá trị tinh thần của con người Việt Nam. Trong hệ giá trị con người thì giá trị tự do, sáng tạo, phẩm giá là giá trị cốt lõi, định vị “vịthế” con người trên phương diện mục tiêu, chủ thể, nguồn lực và động lực trong phát triển đất nước.
Phát triển hài hòa con người Việt Nam. Phát triển hài hòa con người Việt Nam thể hiện ở việc phát triển hài hòa phương diện vật chất và phương diện tinh thần của con người. Đời sống con người bao gồm phương diện vật chất và phương diện tinh thần. Hai phương diện này gắn liền chặt chẽ, tương tác và bổ sung cho nhau, tạo thành con người tổng hoà, chỉnh thể, không thể bị chia cắt. Trong quá trình phát triển cần phải bảo đảm sự hài hòa hoá trong bản thân mỗi con người, hài hòa hoá với chính mình, với người khác, với xã hội, với tự nhiên.
Trong quá trình phát triển, phải hài hòa hoá phát triển đời sống vật chất với đời sống tinh thầncủa con người, không được coi nhẹ đời sống vật chất, lợi ích vật chất, nhưng cũng không được vật chấthoá, lợi ích hoá đời sống con người, quá đề cao giá trị, lợi ích vật chất, coi trọng chủ nghĩa thực dụng,làm nghèo nàn hoá, bần cùng hoá đời sống tinh thần của con người; khắc phục sự không hài hòa về đời sống vật chất và tinh thần của con người. Phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hoá tinh thần của con người, tăng cường chỗ dựa về tinh thần, tăng cường sự đồng thuận về tinh thần, củng cố, phát triển niềm tin xã hội.
Xây dựng nền văn minh hiện đại Việt Nam là nền văn minh kết hợp hài hòa văn minh vật chất vớivăn minh tinh thần, văn minh truyền thống về vật chất và tinh thần với văn minh đương đại về vật chất và tinh thần. Văn minh hiện đại đó được hình thành trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế, đổi mới, phát triển đất nước, đổi mới, phát triển con người Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
3. Phát huy nhân tố con người trong giai đoạn hiện nay
Trong gần 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng việc phát huy nhân tố con người nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân đóng góp công sức, tiền của góp phần vào công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước. Vấn đề phát huy nhân tố con người được coi là một nội dung cơ bản trong chiến lược phát triển bền vững của nước ta.
Đại hội XIII của Đảng xác định: “bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục… Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”5. Trong phát triển con người, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và xác định phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, chú trọng công cuộc đổi mới toàn diện, căn bản trong phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong thời đại mới, để thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số thì yếu tố con đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sự đổi mới sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có kỹ năng để sử dụng nó. Cho dù dây chuyền máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến đến đâu, xét đến cùng cũng do con người phát minh, cải tiến và sáng tạo ra nhằm bảo đảm phục vụ đời sống và đạt được năng suất lao động cao nhất, hiệu quả nhất mà ít hao tốn sức lực lao động của con người. Con người là yếu tố quan trọng nhất và cần phải đầu tư một cách có chọn lọc những người có khả năng thích nghi với những kỹ năng, ham học hỏi và linh hoạt. Việc thúc đẩy, tăng cường tăng trưởng kinh tế kết hợp với việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đồng thời tiếp tục không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là những mục tiêu phát triển bền vững trong các chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay.
Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là một trong những nhiệm vụ và giải pháp được đặt ra tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện cần từng bước hình thành các giá trị chuẩn mực góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; thích ứng với những tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng; góp phần nâng cao sức mạnh nội sinh, khắc phục những hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn, suy thoái đạo đức xã hội hiện nay.
Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng được quan tâm và đẩy mạnh. Các văn bản quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể: Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 145-QĐ/TW ngày 10/5/2024 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp… là những định hướng để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đó thường xuyên cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững.
4. Một số giải pháp nhằm phát huy nhân tố con người trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới giáo dục – đào tạo căn bản và toàn diện.
Kỷ nguyên mới đang đặt ra những nhiệm vụ to lớn phải tiến hành đồng thời, thắng lợi quá trình đột phá với mục tiêp kép: một mặt phải đột phá trong công cuộc chuyển công nghệ đối số, những lĩnh vực công nghệ cao đòi hỏi phát huy tối đa nguồn lực lao động chất lượng cao mà nước ta đang có những lợi thế; mặt khác, phải đổi mới quản trị quốc gia hiện đại trên nền tảng chính phủ số, xã hội số, công dân số nhằm đem lại sự phát triển đột phá về kinh tế – xã hội. Do đó, cần đổi mới giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao với mục tiêu ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
Thực hiện giải pháp này vừa giúp nâng cao mức sống của nhân dân, vừa đặt ra yêu cầu, thách thức đòi hỏi người lao động phải vươn lên, nếu không muốn bị đào thải, lạc hậu với sự phát triển khoa học- công nghệ. Vì vậy, thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện thông qua việc có kế hoạch, xây dựng, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người một cách khoa học và có hiệu quả.
Ba là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ một số điểm nghẽn về thể chế.
Yêu cầu cơ bản để thể chế kinh tế thị trường phát huy tối đa mặt tích cực là các yếu tố của kinh tế thị trường hình thành đầy đủ, được minh bạch hóa, phát triển đồng bộ các loại thị trường, được quản lý giám sát tốt; đồng thời tháo gỡ một số điểm nghẽn gây cản trở đối với phát triển kinh tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tránh phân biệt đối xử. Hoàn thiện thể chế kinh tế giúp phát huy, khai thác hiệu quả các nguồn lực, phát huy tối đa những khả năng, tố chất và lợi thế cạnh tranh của các chủ thể kinh tế trong đó yếu tố con người có cơ hội phát huy hết khả năng, cống hiến tối đa cho phát triển kinh tế.
Bốn là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu của cơ chế quản lý xã hội chủ nghĩa là nhằm phát triển có kế hoạch nền sản xuất xã hội, định hướng phát triển phù hợp với xu thế của thời đại, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vào phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, nguồn lực con người bên cạnh thúc đẩy phát triển đất nước thì thông qua cơ chế quản lý xã hội chủ nghĩa, nguồn lực con người cũng được phát triển, thụ hưởng các thành tựu của quá trình phát triển.
Năm là, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Thông qua cơ chế dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện gián tiếp, Nhân dân đã thật sự phát huy quyền làm chủ của mình, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, thúc đẩy sự phát triển. Phát huy nhân tố con người nhằm khơi dậy sức mạnh của nhân dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, góp phần củng cố và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
5. Kết luận
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là tư duy mang tính chất bước ngoặc, đột phá, tạo ra nguồn lực, động lực đột phá cho sự phát triển của dân tộc trong kỷ nguyên mới. Trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, tư duy phát huy nhân tố con người tiếp tục được phát triển mạnh mẽ, là trung tâm, động lực của sự phát triển. Mục tiêu cao cả cuối cùng của phát triển đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủnghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đều xuất phát từ con người, tất cả vì con người, cho con người, bởi con người.
Chú thích
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2018). Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị môn Triết học Mác – Lênin. H. NXB Lý luận chính trị, tr. 281 – 282.
2. Phát huy nhân tố con người theo Tư tưởng Hồ Chí Minh. https://hochiminh.vn/tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/nghien-cuu-tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/phat-huy-nhan-to-con-nguoi-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-3700.
3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I.H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 47, 231.
Tài liệu tham khảo
1. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-nam-684307.html
2. Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-ky-nguyen-phat-trien-giau-manh-duoi-su-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-cong-san-xay-dung-thanh-cong-nuoc-vie
3. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử. https://special.nhandan.vn/ky-nguyen-vuon-minh-va-yeu-cau-lich-su/index.html.
4. Các lý thuyết lãnh đạo và sự vận dụng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc hiện nay.https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/01/16/cac-ly-thuyet-lanh-dao-va-su-van-dung-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-hien-nay/.
5. Xây dựng và hoàn thiện nền quản trị gắn với chuyển đổi số quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/12/01/xay-dung-va-hoan-thien-nen-quan-tri-gan-voi-chuyen-doi-so-quoc-gia-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dat-nuoc/.