Trương Tuấn Linh
Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Phenikaa
(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tiếp tục sử dụng phương thức thanh toán điện tử của người tiêu dùng khu vực miền núi, nghiên cứu thực tế tại tỉnh Cao Bằng. Kết quả cho thấy, ba yếu tố có ảnh hưởng tích cực và có ý nghĩa thống kê gồm: mức độ gắn bó với cửa hàng có áp dụng thanh toán điện tử, niềm tin vào tính phổ biến của phương thức thanh toán và mức độ nhận biết thực tế việc cửa hàng chấp nhận thanh toán điện tử. Phân tích định tính củng cố vai trò của sự tiện lợi, sự tin tưởng và khả năng tiếp cận thông tin rõ ràng. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường truyền thông, phổ cập công nghệ và hỗ trợ cửa hàng bán lẻ trong quá trình chuyển đổi số, qua đó thúc đẩy hành vi tài chính bền vững tại khu vực miền núi.
Từ khóa: Thanh toán điện tử; ý định tiếp tục sử dụng; nhận thức điểm bán; khu vực miền núi.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, thanh toán điện tử đã trở thành một phần thiết yếu trong hệ sinh thái tiêu dùng hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tài chính toàn diện. Tại Việt Nam, các chính sách hỗ trợ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai mạnh mẽ, với nhiều chương trình khuyến khích người dân tiếp cận và sử dụng các nền tảng thanh toán số như ví điện tử, ngân hàng số và quét mã QR. Tuy nhiên, quá trình phổ cập này vẫn chưa thực sự đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi còn tồn tại khoảng cách lớn về hạ tầng, kỹ năng số và thói quen tiêu dùng truyền thống (Linh, 2025).
Một trong những điểm nghẽn chính tại khu vực nông thôn và miền núi là thiếu sự chấp nhận rộng rãi của thanh toán điện tử tại các điểm bán lẻ nhỏ lẻ, vốn là nơi diễn ra phần lớn hoạt động tiêu dùng hằng ngày của người dân (Huyen & Linh, 2024). Mặc dù hạ tầng công nghệ và hệ sinh thái thanh toán đã phát triển đáng kể, việc thiếu sự đồng bộ trong áp dụng thanh toán điện tử từ phía cửa hàng bán lẻ có thể tạo ra hiệu ứng “đứt gãy chuỗi hành vi”, khiến người tiêu dùng dù có khả năng và sẵn sàng sử dụng vẫn bị hạn chế bởi điều kiện thực tế tại nơi tiêu dùng (Al-Sabaawi et al., 2023).
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, hành vi sử dụng và ý định tiếp tục sử dụng thanh toán điện tử chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi yếu tố niềm tin (trust), trải nghiệm thực tế tại điểm bán và mức độ nhận thức về khả năng chấp nhận thanh toán điện tử trong cộng đồng (Thao & Ngoc, 2022). Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu mới chỉ tập trung vào khía cạnh người dùng cuối (end-user) mà chưa đánh giá đầy đủ vai trò trung gian và ảnh hưởng thực tế của cửa hàng bán lẻ – mắt xích cuối trong chuỗi kích hoạt hành vi tài chính số tại vùng khó khăn.
Xuất phát từ những khoảng trống nêu trên, nghiên cứu này hướng đến việc làm rõ tác động của nhận thức về sự chấp nhận thanh toán điện tử tại cửa hàng bán lẻ đến ý định tiếp tục sử dụng của người tiêu dùng, thông qua phân tích định lượng kết hợp định tính tại tỉnh Cao Bằng, nơi còn nhiều rào cản trong phổ cập công nghệ tài chính. Kết quả nghiên cứu không chỉ đóng góp về mặt học thuật mà còn mang ý nghĩa thực tiễn trong việc thiết kế các chương trình can thiệp phù hợp với đặc thù hành vi tiêu dùng tại khu vực còn “khoảng cách số”, từ đó góp phần thúc đẩy tiến trình tài chính toàn diện và phát triển bền vững.
2. Mô hình và dữ liệu nghiên cứu
2.1. Mô hình nghiên cứu
Mô hình nghiên cứu được xây dựng trên cơ sở các lý thuyết hành vi đã được kiểm chứng trong bối cảnh tài chính số, đặc biệt là thuyết hành vi có kế hoạch (Theory of Planned Behavior – TPB, Ajzen, 1991) và các mô hình mở rộng dựa trên niềm tin, nhận thức rủi ro và ảnh hưởng xã hội (Gefen et al., 2003; Luo et al., 2010). Theo TPB, hành vi sử dụng công nghệ được hình thành từ ba yếu tố chính: thái độ đối với hành vi, chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi. Trong đó, niềm tin vào sự an toàn, tính sẵn sàng của hệ thống và tính phổ biến của dịch vụ là các thành phần quan trọng giúp củng cố ý định hành vi.
Trong nghiên cứu này, biến Trust, phản ánh mức độ tin tưởng và cảm nhận an toàn của người dân đối với hình thức thanh toán điện tử tại cửa hàng, yếu tố được coi là trung tâm trong các mô hình hành vi tài chính số hiện đại. Biến Know, thể hiện nhận thức rõ ràng về việc các cửa hàng trong khu vực có chấp nhận thanh toán điện tử, đóng vai trò như một chỉ báo cho ảnh hưởng xã hội và mức độ minh bạch thông tin, vốn là điều kiện cần để thúc đẩy hành vi tiếp nhận công nghệ mới ở các nhóm dân cư thận trọng. Trong khi đó, biến Loyalty, đo lường sự gắn bó với cửa hàng bán lẻ áp dụng thanh toán điện tử, được xem là yếu tố củng cố thái độ tích cực và tính ổn định trong hành vi lặp lại (repeat behavior intention).
Ngoài ba biến chính nêu trên, nghiên cứu cũng đưa vào các biến kiểm soát quan trọng, như: Age, Education và Income nhằm phản ánh ảnh hưởng nền của các đặc điểm nhân khẩu học đến hành vi công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh miền núi phía Bắc, nơi mức độ tiếp cận công nghệ còn phân hóa theo tuổi tác, trình độ và điều kiện kinh tế hộ gia đình.
Để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tiếp tục sử dụng phương thức thanh toán điện tử, nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy logistic thứ tự (Ordered Logistic Regression). Đây là phương pháp phù hợp khi biến phụ thuộc là biến thứ bậc, được đo lường theo thang điểm Likert từ 1 (hoàn toàn không sử dụng) đến 5 (hoàn toàn chắc chắn tiếp tục sử dụng). Mô hình có dạng tổng quát như sau:

Trong đó:
Y là biến phụ thuộc: Ý định tiếp tục sử dụng phương thức thanh toán điện tử (BI);
X1, X2,…, Xn là các biến độc lập, bao gồm Trust, Know, Loyalty, Age, Education và Income;
là Các điểm ngưỡng (cut-points) giữa các mức của biến phụ thuộc;
là các hệ số hồi quy ước lượng cho từng biến.
Việc ước lượng được thực hiện bằng phương pháp maximum likelihood thông qua phần mềm Stata. Mô hình cho phép ước tính xác suất người dân lựa chọn các mức độ cao hơn trong thang đo hành vi, từ đó định lượng tác động của từng yếu tố đến xu hướng tiếp tục sử dụng thanh toán điện tử tại địa phương. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để định hướng các chính sách can thiệp hiệu quả, góp phần thúc đẩy tài chính số toàn diện và thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực nông thôn miền núi với đô thị.
2.2. Mô tả dữ liệu nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu được thu thập từ khảo sát thực địa tại tỉnh Cao Bằng, một tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình phức tạp và nằm dọc theo tuyến biên giới với Trung Quốc. Khảo sát được triển khai trong tháng 01 năm 2024 tại hai huyện Quảng Hoà và Trùng Khánh, đây là những địa phương vùng sâu với tỷ lệ dân cư nông nghiệp cao, hạ tầng số còn hạn chế, nhưng đang có những chuyển biến rõ rệt trong tiếp cận dịch vụ tài chính số. Mỗi huyện lựa chọn một 2 đến 3 xã đại diện để tiến hành điều tra nhằm đảm bảo tính đa dạng địa lý và phản ánh được điều kiện kinh tế – xã hội đặc thù của khu vực. Phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên nhiều giai đoạn được áp dụng để đảm bảo tính đại diện và độ tin cậy của dữ liệu, với tổng cộng 446 người dân được phỏng vấn trực tiếp.
Bảng hỏi khảo sát được thiết kế với nhiều nhóm nội dung, bao gồm: thông tin nhân khẩu học, trình độ học vấn, mức thu nhập cá nhân, mức độ nhận biết về việc các cửa hàng bán lẻ chấp nhận thanh toán điện tử, cảm nhận về sự tin tưởng và sẵn sàng sử dụng thanh toán điện tử tại cửa hàng cũng như ý định tiếp tục sử dụng hình thức thanh toán này trong thời gian tới. Tất cả các biến khảo sát được mã hóa, làm sạch và xử lý thống kê bằng phần mềm Stata.
Biến phụ thuộc chính trong nghiên cứu là ý định tiếp tục sử dụng phương thức thanh toán điện tử trong thời gian tới (BI), được đo lường theo thang Likert từ 1 đến 5, với giá trị trung bình đạt 3,59. Kết quả này phản ánh xu hướng tương đối tích cực trong hành vi dự định của người dân, mặc dù vẫn còn một bộ phận chưa hoàn toàn chắc chắn trong việc duy trì sử dụng. Biến nhận thức về sự chấp nhận của cửa hàng (Know) có giá trị trung bình là 0,69 cho thấy, phần lớn người được hỏi đã biết rõ việc các cửa hàng trong khu vực chấp nhận hình thức thanh toán này. Mức độ tin tưởng và sẵn lòng sử dụng nếu cửa hàng chấp nhận rộng rãi (Trust) đạt trung bình 3,44, trong khi biến Loyalty – thể hiện ý định tiếp tục mua hàng tại cửa hàng áp dụng thanh toán điện tử – có giá trị trung bình là 3,61. Các kết quả này cho thấy, nhận thức và tâm lý của người dân về thanh toán điện tử tại cửa hàng nhìn chung là tích cực, nhưng vẫn tồn tại khoảng cách nhất định giữa nhận thức và hành vi dự định.
Bảng 1: Thống kê mô tả các biến được sử dụng trong mô hình
Tên biến | Mô tả biến | Trung bình | Giá trị nhỏ nhất | Giá trị lớn nhất |
BI | Ý định tiếp tục sử dụng phương thức thanh toán điện tử trong thời gian tiếp theo (1: Hoàn toàn không tiếp tục sử dụng; 2: Không chắc chắn; 3: Khá chắc chắn; 4: Chắc chắn; 5: Hoàn toàn chắc chắn) | 3,59 | 1 | 5 |
Know | Biết rõ về việc các cửa hàng bán lẻ chấp nhận thanh toán điện tử (0: Chưa biết hoặc không rõ ràng; 1: Biết rất rõ) | 0,69 | 0 | 1 |
Trust | Mức độ tin tưởng và sẵn lòng sử dụng nếu cửa hàng chấp nhận rộng rãi (1: Hoàn toàn không; 2: Không chắc chắn; 3: Khá chắc chắn; 4: Chắc chắn; 5: Hoàn toàn chắc chắn) | 3,44 | 1 | 5 |
Loyalty | Ý định tiếp tục mua hàng tại cửa hàng chấp nhận thanh toán điện tử (1: Hoàn toàn không; 2: Không chắc chắn; 3: Khá chắc chắn; 4: Chắc chắn; 5: Hoàn toàn chắc chắn) | 3,61 | 1 | 5 |
Age | Độ tuổi của người được phỏng vấn (Năm) | 38,51 | 16 | 71 |
Education | Trình độ học vấn của người được phỏng vấn (0: chưa từng đi học, 1-12: đã học lớp 1 đến 12; 13: đã học trung cấp; 14: đã học cao đẳng, đại học; 15: trình độ khác) | 11,13 | 0 | 15 |
Income | Thu nhập bình quân hàng tháng của người được phỏng vấn (triệu đồng) | 2,95 | 1 | 5 |
Về đặc điểm nhân khẩu học, độ tuổi trung bình của người trả lời là 38,51, đại diện cho nhóm dân cư trong độ tuổi lao động, nhóm có vai trò quan trọng trong chi tiêu hộ gia đình và hành vi tài chính. Trình độ học vấn trung bình là 11, 13, tương đương với bậc phổ thông trung học, phản ánh nền tảng giáo dục khá tốt của người dân vùng khảo sát. Thu nhập bình quân hằng tháng đạt 2,95 triệu đồng, phù hợp với điều kiện sống đặc trưng tại khu vực miền núi biên giới, nơi thu nhập còn thấp nhưng đang có tiềm năng phát triển nhờ các chính sách chuyển đổi số và hỗ trợ tài chính toàn diện.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Trước khi tiến hành phân tích hồi quy, nghiên cứu thực hiện kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến độc lập thông qua hệ số phóng đại phương sai (VIF). Kết quả cho thấy, tất cả các biến đều có VIF nhỏ hơn 2, với giá trị trung bình là 1,42. Biến có VIF cao nhất là Loyalty (1,79), trong khi thấp nhất là Age (1,09) cho thấy, không có dấu hiệu đáng kể về đa cộng tuyến giữa các biến giải thích trong mô hình. Điều này đảm bảo tính ổn định và độ tin cậy của các hệ số ước lượng trong mô hình hồi quy logistic thứ tự.
Kết quả phân tích mô hình hồi quy logistic thứ tự cho thấy mô hình có ý nghĩa thống kê tổng thể với giá trị LR chi² = 153.37 (p < 0,001) và mức độ phù hợp tương đối với dữ liệu (Pseudo R² = 0,124).
Trong số các biến độc lập được đưa vào mô hình, biến Loyalty thể hiện ý định tiếp tục mua hàng tại cửa hàng áp dụng thanh toán điện tử có hệ số cao nhất (0,860) và đạt mức ý nghĩa 1% cho thấy, đây là yếu tố dự báo mạnh mẽ nhất cho ý định tiếp tục sử dụng thanh toán điện tử. Điều này gợi ý rằng, sự trung thành với cửa hàng có áp dụng thanh toán điện tử có thể tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy hành vi tiêu dùng số, đặc biệt ở những khu vực mà mối quan hệ mua bán còn mang tính cá nhân và gắn bó cộng đồng. Phát hiện này phù hợp với nghiên cứu của Zhang et al. (2023), khi cho rằng giá trị tiêu dùng và sự hấp dẫn thay thế có tác động lớn đến lòng trung thành với phương thức thanh toán.
Biến Trust, mức độ tin tưởng và sẵn lòng sử dụng nếu cửa hàng chấp nhận rộng rãi, có hệ số dương (0,457) và đạt ý nghĩa thống kê ở mức 5%, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào sự phổ cập của thanh toán điện tử tại điểm bán lẻ là một yếu tố có ảnh hưởng rõ rệt đến hành vi sử dụng trong tương lai. Điều này hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu trước, như Thao & Ngoc (2022) và Cao et al. (2018), trong đó niềm tin được xác định là yếu tố trung gian quan trọng thúc đẩy ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ tài chính số.
Biến Know, đại diện cho nhận thức về việc các cửa hàng bán lẻ chấp nhận thanh toán điện tử, có tác động tích cực (hệ số 0,501) và có ý nghĩa ở mức 10%. Điều này cho thấy, việc người dân biết rõ các cửa hàng trong khu vực có áp dụng thanh toán điện tử sẽ góp phần thúc đẩy hành vi tiếp tục sử dụng, mặc dù tác động chưa mạnh bằng yếu tố cảm xúc như sự tin tưởng hoặc tính gắn bó với cửa hàng. Phát hiện này tương đồng với kết luận của Al-Sabaawi et al. (2023), nhấn mạnh vai trò của truyền thông và khả năng tiếp cận thông tin trong các thị trường mới nổi.
Trong nhóm biến kiểm soát, biến Education có hệ số dương và ý nghĩa thống kê ở mức 10% cho thấy, trình độ học vấn cao hơn có thể giúp người dân dễ tiếp cận hơn với các dịch vụ tài chính số. Điều này phù hợp với nhiều nghiên cứu như Vinitha & Vasantha (2017) cho rằng, trình độ học vấn giúp người dùng vượt qua rào cản công nghệ ban đầu. Biến Income cũng có ảnh hưởng tích cực và ý nghĩa ở mức 1%, phản ánh rõ nét mối liên hệ giữa mức thu nhập và khả năng duy trì hành vi sử dụng thanh toán điện tử. Ngược lại, biến Age có hệ số âm và không có ý nghĩa thống kê cho thấy, độ tuổi không phải là yếu tố quyết định trong mô hình này – phù hợp với bối cảnh khảo sát tại khu vực miền núi, nơi nhiều nhóm tuổi khác nhau đã có mức độ tiếp cận công nghệ tương đối đồng đều.
Bảng 2: Kết quả phân tích mô hình hồi quy
Tên biến | Hệ số | Sai số chuẩn | Kiểm định z |
Know | 0.501* | 0.206 | 2.43 |
Trust | 0.457** | 0.161 | 2.83 |
Loyalty | 0.860*** | 0.172 | 5.01 |
Age | -0.017 | 0.011 | -1.59 |
Education | 0.057* | 0.024 | 2.41 |
Income | 0.231 | 0.072 | 3.21 |
Ngoài ra, phần lớn người dân tham gia khảo sát đã chia sẻ cảm nhận tích cực về thanh toán điện tử: “thuận tiện, tiết kiệm thời gian, không cần mang theo tiền mặt” và “muốn được mở rộng”. Những phản hồi như “rất thuận tiện”, “sẽ tiết kiệm thời gian hơn” được lặp lại nhiều lần, phản ánh sự chấp nhận cao nếu hạ tầng và thông tin rõ ràng. Một số người dân nhấn mạnh: “nếu cửa hàng chấp nhận thì tôi sẵn sàng dùng”, phù hợp với vai trò nổi bật của biến Trust trong mô hình. Mặt khác, cũng có một bộ phận người dân đề cập đến hạn chế hạ tầng: “đôi khi mạng yếu”, “một số cửa hàng chưa có tài khoản”, “chưa từng nhận ưu đãi” – những yếu tố này phần nào lý giải cho việc một số biến như Age hoặc Income chưa có tác động mạnh như kỳ vọng, đồng thời cho thấy niềm tin và nhận biết thực tế đang đóng vai trò trung tâm trong hành vi của người tiêu dùng miền núi.
Như vậy, kết quả định lượng và định tính đều củng cố luận điểm rằng, trong bối cảnh vùng sâu vùng xa, nơi hạ tầng còn hạn chế và mức độ triển khai chưa đồng đều, việc nâng cao niềm tin, phổ cập thông tin rõ ràng về chấp nhận thanh toán điện tử tại cửa hàng sẽ là chìa khóa quan trọng thúc đẩy hành vi tiếp tục sử dụng của người dân.
4. Kết luận và kiến nghị
Nghiên cứu đã phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tiếp tục sử dụng phương thức thanh toán điện tử của người tiêu dùng tại tỉnh Cao Bằng, thông qua mô hình hồi quy logistic thứ tự và phân tích định tính từ các phản hồi mở thu thập trong khảo sát cộng đồng. Kết quả cho thấy, ba yếu tố có ảnh hưởng tích cực và có ý nghĩa thống kê gồm: mức độ gắn bó với cửa hàng áp dụng thanh toán điện tử (Loyalty), mức độ tin tưởng vào khả năng sử dụng rộng rãi (Trust) và nhận biết thực tế rằng cửa hàng có chấp nhận thanh toán điện tử (Know). Trong khi đó, các yếu tố nhân khẩu học như tuổi và trình độ học vấn có tác động yếu hơn và chưa nhất quán về mặt ý nghĩa thống kê.
Phân tích định tính củng cố các phát hiện trên khi phần lớn người dân cho rằng, việc cửa hàng chấp nhận thanh toán điện tử sẽ tạo ra sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời tăng sự yên tâm khi mua sắm. Tuy nhiên, cũng có nhiều phản hồi thực trạng thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kết nối mạng không ổn định và thiếu thông tin rõ ràng về khả năng thanh toán điện tử tại các điểm bán lẻ. Một số người chưa từng sử dụng thanh toán điện tử nhưng thể hiện ý định tích cực nếu được hướng dẫn và phổ cập, cho thấy tiềm năng phát triển trong tương lai nếu có sự hỗ trợ phù hợp.
Những phát hiện nêu trên khẳng định, hành vi tiếp tục sử dụng thanh toán điện tử không chỉ phụ thuộc vào yếu tố công nghệ mà còn gắn liền với trải nghiệm thực tế, sự tin tưởng vào cửa hàng và sự hiện diện rõ ràng của thanh toán điện tử trong môi trường sống của người tiêu dùng.
Từ các kết quả đã phân tích, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị chính sách như sau:
Thứ nhất, cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin về các điểm bán lẻ đã chấp nhận thanh toán điện tử tại địa phương thông qua bản đồ số, hệ thống mã QR dán tại cửa hàng hoặc danh sách trực quan tại UBND xã/thôn. Việc người dân “nhìn thấy” và “biết rõ” nơi có thể thanh toán điện tử sẽ giúp rút ngắn khoảng cách từ nhận thức đến hành vi.
Thứ hai, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử nên phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức các chương trình tập huấn ngắn, hướng dẫn sử dụng ứng dụng thanh toán cho người dân, đặc biệt là nhóm trung niên và cao tuổi. Những buổi tập huấn này nên được lồng ghép vào các hoạt động cộng đồng, như: họp thôn, hội chợ xã hoặc các dịp chi trả phúc lợi.
Thứ ba, cần khuyến khích các cửa hàng bán lẻ nhỏ, chợ dân sinh và điểm bán lẻ lưu động tham gia chấp nhận thanh toán điện tử thông qua các chính sách hỗ trợ, như: miễn phí thiết bị, chiết khấu giao dịch thấp hoặc hỗ trợ quảng cáo. Chính những nơi tiêu dùng phổ biến này mới có sức lan tỏa thực sự trong hành vi chi tiêu hộ gia đình.
Thứ tư, các đơn vị cung cấp thanh toán điện tử nên thiết kế tính năng đơn giản, dễ thao tác, phù hợp với điều kiện hạ tầng tại vùng sâu vùng xa (như: chuyển khoản không cần mạng mạnh, giao diện không yêu cầu xác thực phức tạp). Song song đó là tích hợp các tiện ích cộng đồng như thanh toán học phí, tiền điện, viện phí… để hình thành thói quen sử dụng thanh toán điện tử trong đời sống thường nhật.
Trong bối cảnh thúc đẩy tài chính toàn diện, Nhà nước cần cân nhắc lồng ghép thanh toán điện tử vào các chương trình mục tiêu quốc gia, như chi trả bảo trợ xã hội, trợ giá hàng thiết yếu hoặc các chương trình giảm nghèo. Những tác động từ phía cung cấp dịch vụ cần được bổ trợ bằng “lực kéo” từ chính sách công để mở rộng và duy trì hành vi sử dụng bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1. Ajzen, I. (1991). The theory of planned behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179 – 211. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/0749-5978(91)90020-T.
2. Al-Sabaawi, M. Y. M., Alshaher, A. A., & Alsalem, M. A. (2023). User trends of electronic payment systems adoption in developing countries: an empirical analysis. Journal of Science and Technology Policy Management, 14 (2), 246 – 270. https://doi.org/10.1108/JSTPM-11-2020-0162.
3. Cao, X., Yu, L., Liu, Z., Gong, M., & Adeel, L. (2018). Understanding mobile payment users’ continuance intention: a trust transfer perspective. Internet Research, 28 (2), 456–476. https://doi.org/10.1108/IntR-11-2016-0359.
4. Gefen, D., Karahanna, E., & Straub, D. (2003). Trust and TAM in Online Shopping: An Integrated Model. MIS Quarterly, 27, 51 – 90. https://doi.org/10.2307/30036519.
5. Huyen, N. T. T., & Linh, T. T. (2024). Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng phương thức thanh toán điện tử của người dân ở khu vực miền núi phía Bắc. Tạp chí Tài chính, 12 (838).
6. Linh, T. T. (2025). Adoption of Digital Payment Methods in Vietnam: Key Determinants and Distribution Analysis. The Journal of Distribution Science, 23 (2), 39 – 49. https://doi.org/https://doi.org/10.15722/jds.23.02.202502.39 UL – https://jds/v.23/2/39/47384.
7. Luo, X., Li, H., Zhang, J., & Shim, J. P. (2010). Examining multi-dimensional trust and multi-faceted risk in initial acceptance of emerging technologies: An empirical study of mobile banking services. Decision Support Systems, 49 (2), 222–234. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.dss.2010.02.008.
8. Thao, H. T. P., & Ngoc, N. K. (2022). Vietnamese customers’ intention to continue using e-wallets and the important role of trust. Journal of Asian Business and Economic Studies, 3, 79 – 97.
9. Vinitha, K., & Vasantha, S. (2017). Influence of demographic variables on usage of e-payment system. International Journal of Mechanical Engineering and Technology, 8(11), 265 – 276.
10. Zhang, Q., Ariffin, S. K., Richardson, C., & Wang, Y. (2023). Influencing factors of customer loyalty in mobile payment: A consumption value perspective and the role of alternative attractiveness. Journal of Retailing and Consumer Services, 73, 103302. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.jretconser.2023.103302.