TS. Vũ Thị Phương Thảo
Học viện Cảnh sát nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bài viết, tác giả đưa ra một số dự báo về tình hình tái phạm tội về hình sự ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác đề xuất một số giải pháp phòng ngừa có hiệu quả đối với tình hình tái phạm tội về hình sự, như: giải quyết các vấn đề về kinh tế – xã hội, nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình trạng tái phạm tội về hình sự; tăng cường sự chỉ đạo gắn với nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các cấp; đổi mới phương pháp tuyên truyền để tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân trong công tác phòng ngừa phạm tội nói chung và tái phạm tội về hình sự nói riêng.
Từ khóa: Tái phạm tội; hình sự; dự báo; giải pháp phòng ngừa.
1. Đặt vấn đề
Trong năm 2024, tình hình tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá 48.032 vụ phạm tội về trật tự xã hội, tăng 12,53% so với cùng kỳ năm 2023; bắt, xử lý 94.098 đối tượng; triệt phá 71 băng, nhóm tội phạm. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm tội về trật tự xã hội đạt 83,48%(cao hơn 8,48% so với chỉ tiêu Quốc hội giao); trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,15%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 97,08%1. Đặc biệt, trong số các tội phạm hình sự xảy ra trên toàn quốc, tỷ lệ tái phạm tội thường rất cao (trên 50%). Trong đó, các đối tượng tái phạm tội về hình sự thường hoạt động rất manh động, quyết liệt hơn so với lần phạm tội trước với phương thức thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc liên kết chặt chẽ với nhau thành các băng, nhóm để thực hiện tội phạm. Thực tế đã cho thấy, có những vụ do đối tượng tái phạm tội thực hiện đã để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
2. Dự báo tình hình tái phạm tội về hình sự trong thời gian tới
Trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm hoạt động phòng ngừa tái phạm tội, trước tình trạng tái phạm tội đã và đang diễn ra hết sức phức tạp đến mức báo động. Theo báo cáo tổng kết của Bộ Công an, trong giai đoạn từ năm 2014 – 2023, trên địa bàn toàn quốc đã xảy ra 516.213 vụ, với 817.169 đối tượng phạm tội về hình sự2. Đáng lo ngại là tình trạng tái phạm tội về hình sự xảy ra hết sức phức tạp, đến mức báo động với 84.944 vụ (chiếm tỷ lệ 16,5% so với tổng số các vụ phạm tội về hình sự), 141.002 đối tượng (chiếm tỷ lệ 17,3% so với tổng số các đối tượng phạm tội về hình sự)3. Thực tế đó là một bài toán khó đã và đang đặt ra cho các cơ quan chức năng, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ trước mắt cũng như lâu dài nhằm khắc phục, tiến tới xóa bỏ tình trạng trên.
Dựa trên tình hình về kinh tế – xã hội trong những năm gần đây, đặc biệt là sau thời gian dịch bệnh Covid-19 để lại những hậu quả nặng nề khiến cho tình hình thất nghiệp tăng cao, do đó cũng có tác động xấu tới tình hình tội phạm hình sự. Tính đến năm 2023, tổng số người chấp hành xong hình phạt tù về tội phạm hình sự hiện đang cư trú tại địa phương là 166.862 người, trong đó tính riêng số người chấp hành xong hình phạt tù về tội phạm hình sự hiện đang cư trú tại địa phương là 87.341 người4. Trong khi đó, những năm tới dự kiến sẽ có khoảng trên dưới vài chục nghìn phạm nhân được trả tự do do đã chấp hành xong hình phạt tù, được giảm án hoặc đặc xá. Cùng với đó là số lượng người thi hành án hình sự tại cộng đồng… Đây sẽ là bài toán đáng lo ngại đặt ra cho các cơ quan chức năng ở góc độ phòng ngừa tái phạm tội.
Xuất phát từ những góc độ tiếp cận đó, có thể đưa ra một vài dự báo tình hình tái phạm tội về hình sự trong thời gian tới như sau:
(1) Về động thái, diễn biến, cơ cấu, tính chất, hậu quả: tái phạm tội trong những năm tới sẽ có những diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ tái phạm tội, số người tái phạm tội. Xét cơ cấu của tình trạng tái phạm tội, các tội phạm có tỷ lệ tái phạm cao sẽ vẫn tiếp tục tập trung nhóm các tội xâm phạm sở hữu (nhất là các loại tội trộm cắp tài sản, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…) do sau khi tái hòa nhập cộng đồng họ gặp nhiều khó khăn, không có việc làm, không có thu nhập; đối với nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm trật tự công cộng, quản lý hành chính và các tội phạm hình sự khác sẽ có tỷ lệ tái phạm thấp hơn nhưng tính chất nghiêm trọng tăng lên. Nhiều đối tượng tái phạm tội sẽ thực hiện hành vi mang tính côn đồ, hung hãn nhằm mục đích trả thù, đâm thuê chém mướn, sử dụng vũ khí nguy hiểm sẽ xuất hiện… điều này làm cho hoạt động của các đối tượng tái phạm tội càng trở nên nguy hiểm, táo bạo, manh động, thủ đoạn tàn ác và dã man hơn.
(2) Về đối tượng tái phạm tội: thành phần đối tượng tái phạm tội sẽ vẫn tập trung chủ yếu vào các đối tượng có tiền án, không nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định, ăn chơi lêu lổng, lười lao động, không chịu tiếp thu sự giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ của gia đình và cộng đồng, thường tham gia vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, mại dâm…
Về giới tính, đối tượng tái phạm tội phần lớn là nam giới, tuy nhiên số đối tượng là nữ giới sẽ có xu hướng tăng nhẹ so với giai đoạn trước. Về độ tuổi của các đối tượng tái phạm tội vẫn chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ 18 – 30 tuổi; tuy nhiên người tái phạm tội là người chưa thành niên cũng sẽ có chiều hướng gia tăng; số đối tượng tái phạm tội ở lứa tuổi trên 30 sẽ thường tỏ ra nguy hiểm hơn, có nhiều thủ đoạn và kinh nghiệm hơn, giữ vai trò là người chủ mưu, cầm đầu. Ngoài ra, người tái phạm tội là người nước ngoài cũng sẽ gia tăng đáng kể khi Việt Nam mở rộng quan hệ ngoại giao, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đặc biệt là phát triển công nghệ thông tin.
(3) Về phương thức, thủ đoạn hoạt động tái phạm tội: hoạt động của các đối tượng tái phạm tội sẽ có những thay đổi, có nhiều “biến tướng” nhất định theo hướng ngày càng tinh vi, xảo quyệt và thủ đoạn hơn. Nhiều đối tượng tái phạm tội hoạt động vô cùng liều lĩnh, sẵn sàng dùng vũ khí để chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện hành vi phạm tội. Đặc biệt trong đó hoạt động tái phạm tội theo băng, nhóm “xã hội đen”, phạm tội có tổ chức; hoạt động đan xen, núp bóng; hoạt động trên không gian mạng sẽ có xu hướng gia tăng, hoạt động vô cùng nguy hiểm, thường gây ra những vụ trọng án.
(4) Về thời gian tái phạm tội: nhìn chung, tái phạm tội sẽ thường xảy ra nhiều nhất trong vòng 3 năm đầu, trong đó tập trung phần lớn việc tái phạm tội xảy ra ngay từ năm đầu tiên sau khi chấp hành xong hình phạt tù hoặc sau khi bị kết án về chấp hành án tại cộng đồng, Nguyên nhân là do thời gian này, sau khi tái hòa nhập cộng đồng, vì nhiều nguyên nhân, các đối tượng này không có việc làm, không có nguồn thu nhập ổn định hoặc lại bị lôi kéo bởi những đối tượng xấu. Như trường hợp của Thái Bá Sơn (28 tuổi, ngụ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã bị Công an thành phố Biên Hòa bắt giữ để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản vào ngày 14/02/2020. Theo điều tra của Công an, do túng quẫn sau khi mãn hạn tù vào tháng 12/2019, Sơn đã tìm cách cạy cửa lấy trộm điện thoại của một người dân ở phường Tam Phước (thành phố Biên Hòa) trị giá hơn 3,5 triệu đồng5.
(5) Về địa bàn hoạt động tái phạm tội: tái phạm tội vẫn tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phố lớn, nơi diễn ra các hoạt động kinh tế – xã hội, dịch vụ, du lịch phát triển với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai… Trong đó tập trung các đô thị đặc biệt, đô thị loại I, loại II, khu công nghiệp, khu chế xuất. Đây là những nơi tập trung dân cư, tình hình tệ nạn xã hội phức tạp vốn được coi là “sân sau” của tình trạng tái phạm tội. Bên cạnh đó, tái phạm tội cũng có xu hướng hoạt động lưu động, liên tuyến, liên địa bàn…
3. Giải pháp phòng ngừa tái phạm tội về hình sự
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp thường xuyên, kịp thời, thống nhất của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và trách nhiệm của toàn dân trong công tác phòng ngừa tái phạm tội. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên trách trong công tác phòng ngừa tái phạm tội. Xác định công tác phòng ngừa tái phạm tội là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, lấy “chủ động phòng ngừa” từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm tập trung các biện pháp phòng ngừa tái phạm tội.
Hai là, nâng cao trình độ năng lực, kiện toàn cho đội ngũ cán bộ các cơ quan chức năng phòng, chống tội phạm và chính quyền địa phương. Theo đó, ngoài việc nâng cao trình độ các chủ thể phòng ngừa chuyên trách, như: cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, các cấp chính quyền cũng cần nâng cao trình độ năng lực cho các chủ thể thuộc các đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên và các tổ chức xã hội là các thành viên trong mô hình, tổ chức giúp đỡ người tái hóa nhập cộng đồng. Bên cạnh nâng cao trình độ năng lực công tác chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các chủ thể phòng ngừa trong mối quan hệ phối hợp. Trong đó, cần phải tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an cấp cơ sở với cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan ban, ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội, như: Mặt trận Tổ quốc, các ban hòa giải, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… Thông qua đó phát huy tối đa sức mạnh các lực lượng trong nắm tình hình, quản lý đối tượng cũng như triển khai các biện pháp công tác phòng ngừa chung, phòng ngừa riêng đối với tình trạng tái phạm tội.
Ngoài ra, cũng cần phải có những chính sách, chế độ hỗ trợ về vật chất, trang thiết bị hỗ trợ cho hoạt động phòng ngừa tái phạm tội… vừa mang tính hỗ trợ cho hoạt động của các chủ thể được thuận lợi, vừa nâng cao hiệu quả của hoạt động phát hiện xử lý các vụ tái phạm tội về hình sự.
Ba là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tích cực tham gia phòng ngừa tái phạm tội về hình sự. Theo đó, các cơ quan ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể xã hội chủ động phối hợp, sử dụng các hình thức, biện pháp, xây dựng các mô hình giáo dục, cảm hóa những người có quá khứ phạm pháp tại cộng đồng dân cư, với những hình thức, nội dung phong phú, phù hợp, thiết thực; lồng ghép và gắn liền với việc ổn định, bảo đảm an ninh, trật tự ở trong các khu dân cư…
Việc xây dựng các mô hình cảm hóa, giáo dục những người có quá khứ phạm pháp tại gia đình và cộng đồng dân cư, cần được thực hiện thông qua hình thức gắn liền với trách nhiệm, sự tham gia trực tiếp của cán bộ trong các ban, ngành, đoàn thể xã hội, của các thành viên trong gia đình, dòng họ cũng như người có uy tín… Thông qua hoạt động của các mô hình đó, người được giao trách nhiệm kèm cặp, giúp đỡ đối tượng phải báo cáo kết quả tiến bộ của đối tượng quản lý với chính quyền. Các đối tượng trong diện cảm hóa, giáo dục tại cộng đồng phải kiểm điểm trước dân, trước chính quyền về quá trình cải tạo, tiếp thu sự giáo dục của bản thân.
Bốn là, phòng ngừa tái phạm tội phải được gắn liền với việc giải quyết các điều kiện về kinh tế, xã hội có tác động tới quá trình phát sinh nguyên nhân điều kiện của tình trạng này. Theo đó các cơ quan chức năng cần phối hợp, vận động các ngành, các tổ chức kinh tế – xã hội cùng tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa nguy cơ tái phạm. Trong đó trọng tâm là quan tâm giải quyết việc làm cho những người chấp hành xong hình phạt trở về địa phương; cho vay vốn giúp họ sản xuất – kinh doanh, gắn liền với chương trình xóa đói, giảm nghèo… giúp họ ổn định cuộc sống. Đây là vấn đề có ý nghĩa thiết thực trong giáo dục, cảm hóa người có quá khứ phạm pháp, giúp họ nhanh chóng trở về với cuộc sống lương thiện, góp phần quan trọng trong phòng ngừa tình trạng tái phạm tội.
Năm là, về công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Đẩy mạnh công tác nắm tình hình, nâng cao hiệu quả công tác quản lý con người, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý các phương tiện đặc biệt và gắn với công tác quản lý địa bàn. Điều này đặt ra yêu cầu đối với lực lượng Công an cần chủ động và phối hợp với các lực lượng có liên quan, nhất là cấp cơ sở tiến hành soát xét, phát hiện các đối tượng trong diện phòng ngừa, nắm chắc tình hình về đối tượng, đặc biệt là di biến động của những đối tượng có điều kiện, khả năng tái phạm tội, có biểu hiện nghi vấn hoạt động tái phạm tội… Thông qua đó, lực lượng chức năng sẽ chủ động giám sát, quản lý chặt chẽ, tước bỏ những điều kiện, khả năng tái phạm tội của đối tượng. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh công tác phát hiện, đấu tranh, điều tra, xử lý tái phạm tội, nhất là tình trạng tái phạm tội của các băng, nhóm hoạt động ngang nhiên, trắng trợn… Thường xuyên trao đổi, phối hợp, tăng cường công tác tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý tái phạm tội để nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ công tác điều tra, truy tố, xét xử, tạo sức răn đe đối với đối tượng này.
Chú thích:
1. Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội – Bộ Công an (3/12/2024). Báo cáo tổng kết công tác năm 2024.
2, 3, 4. Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội – Bộ Công an (9/12/2023). Báo cáo tổng kết công tác giai đoạn 2014 – 2023.
5. Vừa mãn hạn tù lại tiếp tục đi trộm cắp. https://baodongnai.com.vn, ngày 17/02/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Đại học Luật Hà Nội (2017). Giáo trình Tội phạm học. H. NXB Công an nhân dân.
2. Quốc hội (2015). Bộ luật Hình sự năm 2015.
3. Lê Tuấn Anh (2018). Luận án Tiến sỹ “Phòng ngừa tái phạm tội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Lê Tuấn Anh (2017). Nguyên nhân, điều kiện, biện pháp và một số giải pháp phòng ngừa tái phạm tội. Tạp chí Nghề luật, số 3/2017.