Một số yếu tố tác động đến hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer tại tỉnh Trà Vinh

ThS. Nguyễn Thị Diễm My
Học viện Chính trị khu vực IV

(Quanlynhanuoc.vn) – Chính sách dân tộc là một hệ thống các chủ trương, giải pháp nhằm thực hiện quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội giữa các dân tộc, trong đó có sự quan tâm đến các dân tộc thiểu số có trình độ phát triển kinh tế – xã hội thấp. Đồng bào Khmer là đồng bào thiểu số có số lượng đông đảo và sinh sống lâu đời trên vùng đất Tây Nam Bộ, nhất là tỉnh Trà Vinh. Trong thời gian qua, trên cơ sở những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Trà Vinh đã từng bước thể chế hóa các chính sách vào thực tế đời sống đồng bào Khmer ở địa phương. Bài viết trên cơ sở khái quát những yếu tố tác động đến việc thực thi chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer ở Trà Vinh, từ đó nêu ra một số vấn đề cần lưu ý để nâng cao hiệu quả chính sách dân tộc đối với người Khmer ở Trà Vinh trong thời gian tới.

Từ khóa: Chính sách dân tộc, yếu tố tác động, đồng bào Khmer, Trà Vinh.

1. Đặt vấn đề

Trà Vinh là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, được bao bọc bởi hai con sông lớn (sông Tiền và sông Hậu), có đường bờ biển dài 65 km với hai cửa sông Cung Hầu và Định An – thuận lợi cho sự phát triển của giao thông đường thủy. Phía Bắc giáp Vĩnh Long, phía Nam giáp biển Đông, phía Đông giáp Bến Tre, phía Tây giáp Sóc Trăng. Tỉnh Trà Vinh có diện tích tự nhiên là 2.391 km2, dân số hơn 1 triệu người (trong đó dân tộc Kinh chiếm 67,76%; dân tộc Khmer chiếm 31,53%, dân tộc Hoa chiếm 0,66% và dân tộc khác chiếm 0,05%). Là tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống đông đảo và lâu đời trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian qua, tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm đến việc thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer, vừa bảo đảm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, vừa góp phần bảo vệ vững chắc quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Việc thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer chịu sự tác động của nhiều nhân tố, cả khách quan và chủ quan.

2. Vai trò và tầm quan trọng của chính sách dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “chính sách dân tộc của chúng ta nhằm thực hiện sự bình đẳng, giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”1. Trong sự nghiệp cách mạng nước ta, vấn đề dân tộc, đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về dân tộc, xuyên suốt mọi thời kỳ cách mạng là “bình đẳng, đoàn kết”. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và không ngừng được hoàn thiện, bổ sung trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc, Đại hội VI và Đại hội VII bổ sung: “Bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ”2; Đại hội VIII: “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ”3; Đại hội IX: “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”4; Đại hội X: “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp nhau cùng tiến bộ”5; Đại hội XI: “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”6; Đại hội XII: “Bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển”7. Đến Đại hội XIII, Đảng tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở nguyên tắc “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”8.

Về tầm quan trọng của công tác dân tộc, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX), khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời, cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”, “công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, khẳng định: “Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ; cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”9. Đại hội Đảng lần thứ XII nêu rõ: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung”10.

Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”11; đồng thời, nhấn mạnh “huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa – xã hội ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cuờng của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”12.

3. Thực tiễn thực thi chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer ở Trà Vinh – một số nhân tố tác động.

Thứ nhất, chính sách dân tộc của Đảng đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đảng luôn quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển đất nước. Trong thời gian qua, Trung ương đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, như: Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư (khóa XII) về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội (khóa XIV) về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030; Nghị Quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1409/QĐ-TTg ngày 15/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025… Trong đó, liên quan trực tiếp đến đồng bào Khmer là Chỉ thị 68-CT/TW ngày 18/4/1991 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer”,  Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.

Có thể nói, các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã ban hành dựa trên sự nghiên cứu, đánh giá khá toàn diện dựa trên đặc điểm của đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng miền, bảo đảm tính khả thi cao. Đồng thời, việc ban hành chính sách đã gắn với các giải pháp thực hiện, huy động mọi nguồn lực, phát huy sự tham gia của người dân và các nguồn lực ngoài ngân sách. Chính điều này đã góp phần tích cực đến hiệu quả chính sách dân tộc ở nước ta trong thời gian qua.

Thứ hai, vai trò của Đảng bộ tỉnh Trà Vinh trong thể chế hóa các chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer.

Xác định công tác dân tộc, chính sách dân tộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Khmer có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc ở Trà Vinh. Trên cơ sở những quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện trong vùng dân tộc thiểu số của tỉnh, như: Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/10/2003 về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 09/9/2011 về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch số 81-KH/TU ngày 23/4/2018 về thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 08/10/2021 về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 59-KH/TU ngày 27/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức nâng cao, hiệu quả công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Đề án số 05-ĐA/TU ngày 17/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tạo nguồn quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh…

Thứ ba, đặc điểm kinh tế xã hội của tỉnh Trà Vinh.

Do điều kiện tự nhiên là khu vực đồng bằng ven biển, chủ yếu là kinh tế nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, làng nghề thủ công truyền thống, một bộ phận làm kinh doanh, dịch vụ buôn bán nhỏ, công nhân lao động ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trà Vinh hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế -xã hội: đất đai màu mỡ (đất nông nghiệp chiếm 62% diện tích tự nhiên), đa dạng vùng sinh thái (nước ngọt, nước lợ, ngập mặn), có tiềm năng lớn về nông sản, thủy hải sản giá trị cao; đầy đủ cơ sở để trở thành một trung tâm năng lượng với tài nguyên rất lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); có Trung tâm điện lực Duyên Hải (4.900 MW). Có điều kiện tốt cho phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử dựa trên điều kiện tự nhiên đặc sắc, văn hóa đa dân tộc (Kinh, Khmer, Hoa), nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử, lễ hội. Tăng trưởng GRDP giai đoạn 2019 – 2024 đạt 5,28%; GRDP bình quân trên đầu người dự kiến năm 2024 đạt 93,78 triệu đồng/người (tăng hơn 34,92 triệu đồng so với năm 2019). Về cơ cấu kinh tế năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 27,31%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,6%; khu vực dịch vụ chiếm 29,03%. Mục tiêu phát triển đến năm 2030 “Trà Vinh là tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với cả nước; có kinh tế biển phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế và trong thời gian qua, kinh tế của tỉnh cũng đã có những bước phát triển nổi bật nhưng nhìn chung mức độ tăng trưởng tuy cao nhưng chưa thật sự bền vững. Kinh tế nông nghiệp của địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của tình hình thời tiết với những diễn biến thất thường, nắng nóng, độ mặn tăng cao; triều cường gây sạt lở nhiều tuyến đê bao, bờ bao gây thiệt hại hoa màu, nhà cửa của người dân; môi trường nuôi thủy sản ở một số nơi bị ô nhiễm… giá cả một số mặt hàng nông sản (cá tra, cá lóc, cam sành, thủy sản) thiếu ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Mặt khác, tiềm năng kinh tế chưa được khai thác tốt; quy mô nền kinh tế còn nhỏ; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; hạ tầng giao thông huyết mạch còn hạn chế, thiếu liên kết. Biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở… diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Kinh tế tăng trưởng thiếu bền vững, quy mô kinh tế còn nhỏ, khoảng cách với các tỉnh nhóm đầu còn khá lớn.

Những thay đổi về điều kiện kinh tế có tác động lớn đến việc thực hiện chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer ở Trà Vinh. Bởi trong điều kiện kinh tế tăng trưởng chưa cao, các nguồn lực đầu tư của Nhà nước đối với đồng bào thiểu số phần nào sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ tư, các yếu tố đặc trưng về kinh tế – xã hội, phong tục tập quán của đồng bào Khmer Trà Vinh.

Người Khmer ở Trà Vinh cư trú chủ yếu ở vùng nông thôn, hoạt động sinh kế sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Hiện nay, có khoảng 90% số dân Khmer chuyên sống bằng nông nghiệp, chủ yếu sản xuất lúa gạo và các loại hoa màu. Sản xuất nông nghiệp chiếm vị trí rất quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh tế của đồng bào Khmer, có ảnh hưởng lớn đến tất cả các mặt của đời sống. Nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực thực phẩm chủ yếu cho đời sống, cho chăn nuôi và trao đổi hàng hóa. Trải qua thời gian lâu dài định cư và khai phá vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, người Khmer đã tạo cho mình một truyền thống sản xuất nông nghiệp, đó là kỹ thuật gieo trồng lúa nước và các cây lương thực, hoa màu. Bên cạnh đó, qua quá trình chung sống với người Việt, người Khmer đã tiếp thu một số kinh nghiệm gieo trồng, làm phong phú thêm vốn truyền thống sản xuất nông nghiệp.

Ngoài sản xuất nông nghiệp lúa nước, người Khmer còn trồng thêm các loại hoa màu. Nhiều địa phương trong tỉnh có diện tích trồng màu đáng kể: dưa hấu ở Cầu Ngang, mía ở Lương Hòa, Nguyệt Hóa (Châu Thành). Như vậy, có thể thấy, sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành nghề chính của đại đa số người Khmer ở Trà Vinh, song hiện nay kinh tế của đồng bào cũng có những bước chuyển biến mới. Trên thực tế, những tác động của thị trường đã tạo điều kiện cho các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thủ công nghiệp của người Khmer trở nên phong phú và đa dạng hơn, từ đó, đặt ra yêu cầu mở rộng sản xuất, đầu tư vốn, ứng dụng khoa học – công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất. Hiện nay, các hoạt động sản xuất không đơn thuần đáp ứng các yêu cầu tự cấp tự túc như trước đây mà  đã hướng đến nhu cầu của thị trường. Tính cạnh tranh của thị trường hàng hóa sẽ góp phần quan trọng trong thay đổi cách thức sản xuất của người nông dân người Khmer.

Mặt khác, dưới tác động của kinh tế thị trường cũng như những khó khăn phát sinh trong cuộc sống nông thôn đã làm cho người Khmer chấp nhận đi ra khỏi phạm vi không gian văn hóa truyền thống của cộng đồng nhằm tìm kiếm những phương thức sinh kế mới tại các vùng đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Cùng với đó, sự xuất hiện của các cơ sở sản xuất công nghiệp tại địa phương ngày càng nhiều cũng đã cũng góp phần làm thay đổi các hoạt động kinh tế của người Khmer.

Về tôn giáo, cũng giống như người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung, người Khmer ở Trà Vinh chủ yếu là theo Phật giáo Tiểu thừa. Họ quan niệm dù ở nhà hay tu ở chùa thì người Khmer vẫn là con Phật, đối với họ tu không phải để thành Phật mà là tu để làm người có nhân cách, phẩm chất… Đồng thời, đi tu theo nếp nghĩ truyền thống là một cách tích phước cho cha mẹ, gia đình và bản thân. Hầu hết con trai Khmer nào khi trưởng thành đều vào chùa đi tu một vài năm, dù đây không phải là quy định bắt buộc. Họ ý thức trong cuộc đời ít ra cũng một lần đi tu, đó là nghĩa vụ và vinh dự. Ngôi chùa đối với đồng bào Khmer có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Chùa không chỉ là nơi diễn ra các lễ nghi tôn giáo mà còn là sự gắn bó tình cảm ngay từ buổi đầu khai hoang. Ngoài ra đây còn là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa của đồng bào, là môi trường giáo dục trẻ em Khmer từ thời niên thiếu. Chính vì những chức năng này mà quan hệ giữa ngôi chùa với đồng bào Khmer rất gắn bó nhau. Người Khmer sẵn sàng góp công, góp của để xây dựng ngôi chùa của phum, sóc mình, mặc dù trên thực tế đời sống của họ còn rất nhiều khó khăn.

4. Những vấn đề đặt ra và giải pháp

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến đời sống của các dân tộc thiểu số nói chung, trong đó có đồng bào Khmer, với mục tiêu tạo điều kiện, cơ hội phát triển bình đẳng với dân tộc đa số sinh sống trong vùng. Hay nói cách khác, chính sách đối với đồng bào các dân tộc mang tính chất khá toàn diện nhưng hiệu quả trên thực tế một số nơi chưa cao. Trên cơ sở quán triệt các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đồng bào Khmer Trà Vinh đã được thụ hưởng nhiều chính sách góp phần nâng cao rõ rệt đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào. Tuy nhiên, hiện nay đời sống kinh tế – xã hội vùng đồng bào Khmer chuyển biến chậm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao so với tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, hộ nghèo dân tộc Khmer là 3.239 hộ, chiếm 59,9% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Do vậy, việc nâng cao hiệu quả thực thi chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer cần được chú trọng hơn nữa: chú trọng công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách đến đồng bào Khmer; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc theo đúng tinh thần “gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”…

Thứ hai, việc xây dựng chính sách dân tộc phải dựa trên cơ sở đặc điểm của cộng đồng các dân tộc nước ta và phải phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay.

Chính sách dân tộc thực chất là hệ thống chính sách đặc thù về mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội mang tính đa ngành. Điều này có thể hiểu một chính sách không thể áp dụng như nhau với tất cả đồng bào, mọi vùng miền. Chính sách dân tộc vừa là một bộ phận của hệ thống chính sách phát triển quốc gia về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, môi trường, quốc phòng – an ninh và hội nhập quốc tế. Bộ phận này phải được đặt trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và quan điểm, đường lối phát triển trong từng thời kỳ cụ thể do Đảng, Nhà nước đề ra. Mặt khác, chính sách dân tộc là cụ thể hóa chính sách phát triển đất nước về mọi mặt thành các chính sách đặc thù để thực hiện có hiệu quả đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nếu không ban hành và tổ chức thực hiện được các chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tiễn và đối tượng cụ thể thì hiệu quả sẽ không cao, mang tính chất chung chung.

Thứ ba, phải hết sức chú ý đến các đặc điểm kinh tế – xã hội, nhất là đặc điểm phong tục tập quán, tôn giáo của đồng bào.

Trong việc thực thi chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer ở Trà Vinh phải hết sức chú ý đến các đặc điểm kinh tế – xã hội, nhất là đặc điểm phong tục tập quán, tôn giáo của đồng bào. Ảnh hưởng Phật giáo Nam tông có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế cũng như tinh thần của đồng bào Khmer, do vậy việc thực thi chính sách dân tộc phải tính đến đặc trưng này, thông qua vai trò của ngôi chùa, các chức sắc, chức việc tôn giáo để truyền tải nội dung các chủ trương chính sách đến đông đảo đồng bào. Toàn tỉnh hiện có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer với khoảng 3.371 chư tăng. Đồng bào Khmer rất tin vào các vị chức sắc, họ xem đó là “thủ lĩnh tinh thần”, do vậy các vị chức sắc như một chiếc cầu nối giữa chủ trương, đường lối của Đảng với người dân và ngược lại. Thông qua các vị chức sắc, các cơ quan chức năng có thể biết được tâm tư, nguyện vọng của họ và có giải pháp kịp thời, phù hợp. Các vị chức sắc không chỉ là người có uy tín, là tấm gương điển hình trong thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn là nhịp cầu nối gắn kết giữa người dân với các phong trào ở địa phương vùng dân tộc. Chú trọng việc phát huy vai trò của các vị chức sắc, người có uy tín, góp phần gắn chặt sự đoàn kết dân tộc với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà trước nhất là góp phần bảo vệ bình yên trên từng ấp, khóm.

Thứ tư, chính sách dân tộc phải tạo động lực để khắc phục tâm lý tự ti, trông chờ ỷ lại, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên.

Phương thức thực hiện phải kích thích phát huy tiềm năng thế mạnh tại chỗ, khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của bản thân đồng bào Khmer. Hiện nay, đa phần các hộ gia đình nghèo trong vùng có nghề nghiệp không ổn định, đông con, thiếu vốn và thiếu tư liệu sản xuất… Do vậy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc Khmer phải tính đến việc hỗ trợ sử dụng phù hợp (phục vụ chăn nuôi, chuyển đổi ngành nghề sản xuất phù hợp). Đồng thời, phải có cơ chế giám sát sử dụng nguồn vốn, hạn thu hồi vốn hỗ trợ để tạo động lực lao động sản xuất cho đồng bào Khmer.

5. Kết luận

Trà Vinh là một trong các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, việc thực hiện tốt chính sách dân tộc không chỉ nâng cao chất lượng đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Khmer mà còn góp phần tích cực cho việc bảo đảm an ninh trong vùng. Việc nghiên cứu các yếu tố tác động đến hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc đối với người Khmer ở Trà Vinh là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer trong thời gian tới.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 372.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 51. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 20, 108.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2015). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 55. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 404.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 60. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 149.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 65. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 139.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 70.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 164.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 170.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 121.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 164.
11, 12. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 50; 170.
Tài liệu tham khảo:
1. Tỉnh ủy Trà Vinh (2024). Báo cáo số 716-BC/TU ngày 13/12/2024 về sơ kết thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh (2024). Báo cáo số 849/BC-TK ngày 31/12/2024 về tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2024.
3. Thủ tướng Chính phủ (2023). Quyết định số 1142/QĐ-TTg ngày 02/10/2023 về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh (2024). Báo cáo số 379/BC-UBND ngày 13/12/2024 về tình hình thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và kế hoạch năm 2025.
5. Tỉnh ủy Trà Vinh (2023). Báo cáo số 469-BC/TU ngày 11/8/2023 về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.
6. Tỉnh ủy Trà Vinh (2024). Báo cáo số 716-BC/TU ngày 13/12/2024 về sơ kết thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.