Quản lý sức chứa điểm đến du lịch để phát triển bền vững

TS. Lê Thu Hương
TS. Phạm Văn Đại
Học viện Hành chính và Quản trị công

(Quanlynhanuoc.vn) – Không gian du lịch và đóng vai trò vô cùng thiết yếu trong việc tạo cơ sở ban đầu giúp xây dựng các tiêu chí, chỉ số kỹ thuật cần thiết liên quan mỗi khi tiến hành quy hoạch, thiết kế các dự án du lịch. Hơn thế nữa, việc xác định rõ khả năng sức chứa cũng giúp các nhà quản lý điểm du lịch và các nhà điều hành cơ sở cung cấp dịch vụ quản trị hiệu quả và duy trì sự cân bằng giữa nguồn cung và cầu về dịch vụ, hàng hóa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Bài viết tập trung vào các vấn đề lý luận về quản lý sức chứa điểm đến du lịch như tổng quan về sức chứa du lịch, công thức tính sức chứa điểm đến du lịch và các biện pháp quản lý sức chứa điểm đến du lịch hướng tới phát triển bền vững.

Từ khóa: Du lịch, quản lý sức chứa, điểm đến du lịch, phát triển bền vững.

1. Tổng quan về sức chứa du lịch

Khái niệm về sức chứa du lịch xuất hiện từ những năm 60 thế kỷ XX và được áp dụng nhằm giải quyết các vấn đề về kinh tế – xã hội, đặc biệt là tác động của du khách đến nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như đối với cộng đồng dân cư địa phương. Quan điểm phát triển du lịch bền vững được đề cập nhiều hơn từ những năm 90, theo đó, sức chứa du lịch được đánh giá là một công cụ hiệu quả để quản lý hoạt động du lịch theo hướng phát triển bền vững. Nghiên cứu đánh giá sức chứa du lịch được thực hiện nhằm xác định mức độ chịu tải của một địa điểm du lịch, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp quản lý nhằm tối ưu hóa nguồn lực du lịch.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới định nghĩa về sức chứa du lịch như sau: “Số lượng người tối đa có thể đến tham quan một điểm du lịch cùng một lúc mà không gây ra sự phá hủy về mặt môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như không làm suy giảm sự hài lòng của du khách”. Một định nghĩa khác về sức chứa du lịch: “Số lượng người tối đa sử dụng điểm đến du lịch mà không gây ra tác động tiêu cực đến tài nguyên môi trường trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu của du khách”. Khái niệm về sức chứa du lịch được hiểu và áp dụng theo nhiều góc độ khác nhau. Mỗi góc độ đề cập đến một khía cạnh cụ thể của sức chứa, cũng như đánh giá giới hạn và khả năng chịu tải của một điểm đến du lịch.

(1) Sức chứa vật lý: là góc độ xem xét về khả năng cơ sở hạ tầng của một điểm đến du lịch. Sức chứa vật lý thường liên quan đến khả năng cung cấp các nguồn lực cần thiết như điện, nước, xử lý chất thải, giao thông và thông tin liên lạc. Điểm đến du lịch cần bảo đảm có đủ khả năng cung cấp các yếu tố cần thiết nêu trên để đáp ứng nhu cầu của du khách.

(2) Sức chứa kinh tế – xã hội: đề cập đến giới hạn về số lượng du khách mà một điểm đến du lịch có thể chịu tải, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa – xã hội của cộng đồng địa phương cũng như không gây tổn hại đến các hoạt động kinh tế của chính địa phương. Điều này đồng nghĩa với việc không phá vỡ đời sống bình thường của cư dân địa phương, không tạo ra xung đột với các ngành kinh tế khác cũng như không làm giảm đi thu nhập của người dân địa phương.

(3) Sức chứa môi trường: là khía cạnh đánh giá khả năng tiếp nhận số lượng du khách tối đa mà một địa điểm du lịch có thể bảo đảm môi trường không bị ảnh hưởng. Điểm đến du lịch cần bảo vệ và duy trì sự cân bằng về mặt môi trường, tránh gây tổn hại đến các nguồn tài nguyên tự nhiên trong quá trình đón tiếp khách. Để tính toán sức chứa môi trường, thường sử dụng các ngưỡng giới hạn về an toàn của môi trường thông qua các chỉ số về mặt sinh thái, đa dạng sinh học và ô nhiễm.

Nghiên cứu đánh giá sức chứa du lịch là một lĩnh vực quan trọng trong quản lý và phát triển du lịch bền vững. Khung nghiên cứu trong đánh giá sức chứa du lịch cung cấp nền tảng cho việc thu thập, phân tích dữ liệu và đưa ra các khuyến nghị để quản lý phát triển du lịch một cách bền vững. Mục tiêu chính của khung nghiên cứu là bảo đảm cho sự phát triển du lịch không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, văn hóa và cộng đồng địa phương, đồng thời tối đa hóa những lợi ích về mặt kinh tế và xã hội do ngành Du lịch mang lại.

Một khung nghiên cứu đánh giá sức chứa du lịch thường bao gồm các yếu tố chính sau:

Một là, thu thập dữ liệu. Đây là quá trình thu thập thông tin về các yếu tố liên quan đến sức chứa du lịch, bao gồm dân số ở địa phương, cơ sở hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực du lịch và các hoạt động du lịch hiện tại. Các phương pháp thu thập dữ liệu có thể bao gồm các cuộc khảo sát, phỏng vấn và nghiên cứu tài liệu.

Hai là, xác định chỉ số sức chứa du lịch. Dựa trên dữ liệu thu thập được, các chỉ số sức chứa du lịch được xây dựng để đo lường khả năng tiếp nhận du khách của một điểm đến du lịch trong một khoảng thời gian xác định cụ thể. Chỉ số sức chứa có thể bao gồm sức chứa về cơ sở hạ tầng, về môi trường, về văn hóa – xã hội.

Ba là, đánh giá sức chứa du lịch hiện tại và tương lai. Sử dụng các chỉ số sức chứa, đánh giá sức chứa hiện tại và dự đoán sức chứa tương lai của điểm đến du lịch. Điều này có thể đòi hỏi sử dụng các mô hình và phương pháp dự báo để ước tính sức chứa tương lai dựa trên xu hướng phát triển cũng như nguồn dự báo về cung cầu của ngành Du lịch.

Bốn là, xác định biện pháp quản lý. Dựa trên kết quả đánh giá sức chứa, các biện pháp quản lý được đề xuất để điều tiết sự phát triển du lịch. Điều này có thể bao gồm việc giới hạn số lượng khách du lịch, cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường quản lý môi trường và xây dựng các chính sách hỗ trợ để phát triển du lịch bền vững.

Năm là, theo dõi và đánh giá. Thông qua việc thu thập dữ liệu và đánh giá kết quả, khung nghiên cứu về đánh giá sức chứa du lịch đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện quá trình quản lý nhằm hướng đến việc phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững.

2. Điểm đến du lịch và sức chứa điểm đến du lịch

Theo khoản 7 Điều 3 Luật Du lịch năm 2017: “Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch”. Định nghĩa này đã chỉ ra các điểm đến du lịch là các không gian cụ thể khách quan ở các địa phương, không gian này phải có các tài nguyên du lịch, bao gồm hai loại tài nguyên, là: tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa. Các tài nguyên này có thể được khai thác, phát triển các dịch vụ để phục vụ khách du lịch. Người kinh doanh du lịch phải tiến hành đầu tư, khai thác các tài nguyên thông qua những dịch vụ phù hợp để phục vụ khách du lịch. Để điểm đến du lịch phát triển bền vững, tránh tình trạng khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên du lịch, một yêu cầu đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý điểm đến du lịch là phải quản lý sức chứa điểm đến, sức chịu tải du lịch của điểm đến một cách chặt chẽ, khoa học.

Mỗi điểm đến du lịch đều có một “sức chứa” giới hạn, được quy định bởi không gian, giới hạn về tài nguyên. Những giới hạn này chỉ cho chúng ta phát triển đến mức độ cho phép để vừa bảo đảm quyền lợi của khách du lịch vừa bảo đảm môi trường không bị quá tải. Việc tiếp nhận quá nhiều khách du lịch hay nhiều hoạt động du lịch trong một khu du lịch tại một thời điểm nhất định vượt quá khả năng cho phép sẽ làm phát sinh những khó khăn cho công tác quản lý, khả năng cung cấp dịch vụ và làm ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là tới cảm nhận của bản thân du khách.

Sức chứa của khu du lịch quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của khu du lịch và tính toán “sức chứa” trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình lập quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý phát triển khu du lịch. Sức chứa của một điểm đến được xác định bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm các yếu tố nội tại và các yếu tố bên ngoài, trong đó đặc biệt quan trọng là quy mô không gian của điểm đến/ khu du lịch, tính chất của hoạt động du lịch, mức độ nhạy cảm của môi trường tự nhiên và xã hội, khả năng tổ chức và quản lý hoạt động du lịch…

Phân tích biểu đồ trên cho thấy, khi lượng khách bắt đầu tăng từ điểm A trong khoảng AB, lượng doanh thu của điểm đến hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch cũng bắt đầu tăng theo tỷ lệ thuận cho tới khi đạt điểm cực đại tại điểm B. Như vậy, điểm B là giới hạn sức chứa và tại điểm này doanh thu đạt cao nhất. Theo nguyên lý trên, sự tăng giảm của lượng khách sẽ tỷ lệ nghịch với mức độ tăng giảm của doanh thu khi lượng khách bắt đầu vượt điểm B là giới hạn sức chứa. Khi lượng khách tăng tới điểm C, vượt điểm giới hạn sức chứa điểm B, doanh thu của điểm du lịch hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ cũng bắt đầu giảm xuống và cứ như vậy, nếu lượng khách tăng tới điểm D, nghĩa là doanh số sẽ bằng không.

Sự tác động của sức chứa đối với sự phát triển của một điểm đến du lịch có ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch liên quan khác ở quy mô và phạm vi hoạt động nhỏ hơn, như: nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch văn hóa, lịch sử, hay khu vui chơi giải trí. Trên thực tế, bất cứ một điểm đến du lịch nào đều có giới hạn nhất định về không gian địa lý, hành chính. Bên trong không gian đó chứa đựng nguồn tài nguyên nhất định cả tự nhiên và nhân tạo, đó là những sản phẩm cốt lõi tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến du lịch. Đồng thời, trong điểm du lịch này cũng tồn tại nhiều yếu tố sản phẩm quan trọng khác, bổ trợ cho hoạt động du lịch, như: nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở, các nhà hàng, lưu trú, các dịch vụ liên quan.

Một xu hướng thực tế tương đối phổ biến là, các nhà quản lý điểm đến thường chỉ tập trung quan tâm và kỳ vọng nhiều tới việc làm thế nào để thu hút được càng nhiều khách tới du lịch càng tốt mà chưa thực sự tập trung vào chất lượng của du khách, đồng thời còn xem nhẹ hoặc thậm chí hầu như không quan tâm tới yếu tố sức chứa của điểm đến du lịch. Điều này đồng nghĩa với việc họ chưa xác định được khả năng thực tế của điểm đến cả về khía cạnh không gian, thời gian, tính hợp lý trong việc quy hoạch các khu dịch vụ chức năng, bố trí nguồn nhân lực phù hợp và năng lực cung cấp dịch vụ, hàng hóa cũng như tập quán tiêu dùng của khách du lịch để có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu của một lượng khách du lịch nhất định tới thăm quan vào một thời điểm nhất định.

Với cách tiếp cận như trên khiến các nhà quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát và điều tiết lượng khách tới cũng như chất lượng sản phẩm, dịch vụ của điểm đến du lịch, nhất là vào những mùa cao điểm du lịch. Khi lượng khách tới tham quan vượt quá sức chứa của điểm đến du lịch, một khối lượng lớn về hàng hóa, dịch vụ sẽ được tiêu thụ, trong khi lượng tài nguyên và nguồn nhân lực hạn chế sẽ dẫn tới sự quá tải về mọi mặt và không thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng, doanh thu suy giảm. Đặc biệt, tình trạng quá tải sẽ triệt tiêu động lực của khách du lịch tới tham quan và hình ảnh thương hiệu điểm đến sẽ ngày một mờ nhạt đi.

Thực tế vẫn tồn tại hiện trạng trên, nhưng cũng có không ít các quốc gia đã rất thành công trong việc áp dụng nguyên lý quản lý sức chứa vào phát triển du lịch, trong đó Singapore là một ví dụ điển hình. Mặc dù với diện tích nhỏ bé với gần 716,1 km2, với tổng số hơn 5 triệu người sống trên quốc đảo này, trong đó có hơn 3 triệu dân mang quốc tịch Singapore, tài nguyên du lịch tự nhiên không nhiều, chủ yếu là nhân tạo, song Singapore luôn là nước đón được lượng khách quốc tế đến du lịch nhiều nhất trong khu vực.

Để đạt được thành công trên, Singapore đã thực thi nhiều biện pháp và giải pháp đồng bộ trong quản lý và phát triển du lịch, trong đó vấn đề quản lý sức chứa du lịch là một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu. Ý thức được vấn đề hạn chế diện tích về không gian lãnh thổ nhằm tăng sức chứa, Singapore đã lấn biển mở rộng diện tích đất đai để xây dựng thêm các công trình, dự án phục vụ mục đích du lịch, như: điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ liên quan; đồng thời mở rộng sân bay, bến đỗ, cầu cảng để bảo đảm đủ công suất phục vụ được số lượng khách du lịch quốc tế ngày càng tăng.

Với nguồn nhân lực hạn chế, Singapore đã thực hiện chính sách cho phép các cơ sở dịch vụ được tuyển dụng lao động nước ngoài đủ tiêu chuẩn tay nghề cao vào làm việc để khắc phục thiếu hụt trên. Là quốc gia không có thế mạnh về tài nguyên cũng như ngành sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, Singapore đã thực hiện chính sách nhập khẩu phù hợp từ các quốc gia khác trên thế giới để đáp ứng cả nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như cho khách du lịch.

Về mặt thị trường, Singapore tiến hành kết nối tour nhịp nhàng với các nước láng giềng nhằm giãn mật độ tập trung số lượng lớn khách du lịch quốc tế, đặc biệt vào mùa du lịch cao điểm; tiến hành chiến lược từng bước thay vì thu hút khách du lịch đại trà bằng tập trung sâu vào khai thác khách du lịch cao cấp. Tiêu dùng thông minh cũng được phổ biến và khuyến khích rộng rãi không những trong dân cư mà cả khách du lịch. Với việc thực thi biện pháp này đã giúp tiết kiệm được nhiều nguồn lực, tránh lãng phí nguồn tài nguyên khan hiếm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đáng kể cho việc duy trì tính bền vững của sức chứa điểm đến.  

Như vậy, sức chứa điểm đến là một đại lượng mang tính tương đối nhằm giúp người quản lý, nhà quản trị khống chế, điều tiết hoạt động của điểm đến để không xảy ra tình trạng “quá tải” trong kinh doanh chứ không phải là đại lượng chỉ hiệu quả kinh doanh. Sức chứa điểm đến là ngưỡng mà nếu vượt qua đó, môi trường du lịch tại điểm đến sẽ bị tác động xấu; nếu không được kiểm soát và kịp thời điều chỉnh sẽ phá hủy sự phát triển bền vững của điểm đến du lịch.

3. Công thức tính sức chứa của điểm đến du lịch

Sức chứa du lịch được tính toán dựa trên công thức của Cifuentes và Ceballos-Lascurain có hiệu chỉnh:

(1) Sức chứa vật lý (Physical carrying capacity – PCC)

Sức chứa vật lý được định nghĩa là số lượng du khách tối đa có thể ở lại một khu vực cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Công thức tính như sau:

PCC = A × D × Rf

Trong đó:

A: Diện tích sẵn có của khu vực tham quan (m2)

D: mật độ khách tham quan (khách/m2) Rf: hệ số luân chuyển

Rf được tính theo công thức sau:

Rf = chu kỳ mở cửa / thời gian trung bình của một chuyến tham quan

(2) Sức chứa thực tế (Real carrying capacity – RCC)

Sức chứa thực tế được định nghĩa là số lượng khách được phép tối đa dựa trên điều kiện thực tế và khả năng quản lý của địa điểm tham quan mà không làm ảnh hưởng đến nhu cầu trải nghiệm của du khách. Công thức tính như sau:

RCC = PCC × (Cf1 × Cf2 × Cf3 × … Cfn) (2)

Trong đó:

PCC: Sức chứa vật lý

Cf: Hệ số điều chỉnh

Cf được tính theo công thức sau:

M1: Cường độ giới hạn của biến số

Mt: Tổng cường độ của biến số

Những biến số này được lựa chọn dựa trên các hoạt động du lịch cũng như điều kiện cụ thể của điểm đến tham quan như điều kiện tự nhiên, môi trường, xã hội, hoạt động du lịch, nguồn nhân lực, sự đóng góp của du lịch đối với việc phát triển kinh tế của địa phương. Trong nghiên cứu này, các biến số như tiếng ồn, chất lượng cơ sở hạ tầng, bão hay áp thấp nhiệt đới là những biến số có thể hạn chế một số hoạt động tham quan du lịch bảo tàng của du khách.

4. Cách thức quản lý sức chứa để phát triển bền vững điểm đến du lịch

Ðể sức chứa phù hợp với chiến lược phát triển du lịch bền vững, việc kiểm soát lượng khách du lịch tại một điểm đến sẽ được thực hiện thông qua nhiều biện pháp khác nhau, có những điểm đến cần áp dụng các biện pháp hết sức chặt chẽ kiểm soát số lượng khách tối đa tại một thời điểm bất kỳ, lượng khách tối đa trong một ngày, một năm. Trong nhiều trường hợp khác, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát “sức chứa” một cách gián tiếp thông qua việc xây dựng các công trình hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như hạn chế quy mô các tuyến giao thông, công suất các bãi đỗ xe, quy mô các công trình xây dựng (mật độ sử dụng đất, hệ số sử dụng đất), số lượng khách sạn và phòng khách sạn và các công trình dịch vụ khác lại phù hợp hơn”.

Nhiều quốc gia, thành phố, các địa điểm du lịch ấn tượng của khu vực và thế giới đã “sực tỉnh” trước con số du khách vượt quá khả năng cung và đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để khống chế lượng khách du lịch trong tầm kiểm soát và phù hợp với tốc độ hồi phục của môi trường cảnh quan. Thái Lan đã đóng cửa (có thời hạn) nhiều khu bãi biển du lịch nổi tiếng để môi trường có thời gian phục hồi. Bhutan đã chọn phát triển du lịch sinh thái, vừa hạn chế tối đa tác động tới môi trường tự nhiên, vừa bảo vệ được các giá trị văn hóa bản địa. Một số nước khác đưa ra những quy định chặt chẽ với từng khu vực về số lượng du khách, mùa nào được vào (mùa cây cối, muông thú sinh sản sẽ không được vào)… Các nhà chuyên môn sẽ tính toán những giới hạn đó để xây dựng nên quy hoạch du lịch.

Ngoài ra, khi đã xác định được sức chứa điểm đến, các nhà quản lý điểm đến du lịch cũng còn cần phải: quy hoạch, đầu tư điểm đến khoa học, phù hợp; có tính đến sự biến chuyển khách quan theo thời gian để tạo ra “biên độ mềm” trong quy hoạch. Điều tiết hoạt động điểm đến kịp thời, chặt chẽ, liên hoàn, đồng bộ, thích ứng linh hoạt với diễn biến thị trường. Giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa “giá trịgiá cả”. Sử dụng “công cụ giá” linh hoạt, lấy lợi ích để điều tiết thị trường, tăng hoặc giảm công suất hoạt động điểm đến phù hợp.

Liên kết, phối hợp hành động giữa các cá nhân, bộ phận trong nội bộ điểm đến, cơ quan quản lý điểm đến và sự liên kết giữa điểm đến đối với các doanh nghiệp là đối tác kinh doanh của điểm đến trên phương châm: “Phối hợp hành động chặt chẽ – Cân đối hài hòa lợi ích – Chia sẻ khó khăn, rủi ro (nếu có)”. Kinh doanh có kế hoạch khoa học, linh hoạt trong vận hành hoạt động, điều tiết kế hoạch kịp thời nhưng không tùy tiện điều chỉnh kế hoạch.

Thông tin, tuyên truyền kịp thời tình hình đến các thị trường gửi khách, các đối tác cung cấp khách để khách hàng tự điều tiết nhu cầu. Kiểm soát, điều phối từ xa (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) số lượng các dòng khách tới điểm đến tùy theo thời gian, mùa vụ. Tiết chế và có biện pháp phù hợp để quản lý “lòng tham” của chính nhà quản trị, của các cơ quan quản lý điểm đến. Thực hiện điều khó nhất là tự mình quản lý chính mình.

Kiểm soát sức chứa, sức chịu tải du lịch để bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch; giúp môi trường du lịch có thể phục hồi, tái tạo sự cân bằng thông qua các công việc cụ thể, như: kiểm soát lượng vé bán ra đối với các điểm tham quan du lịch; phát hành vé theo khung giờ, với nhiều khung giờ tham quan và mức giá khác nhau để điều tiết lượng khách tham quan du lịch; kiểm soát vé ở hai đầu, thời gian vào và ra để kiểm soát được việc bán vé theo khung giờ tham quan du lịch. Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người quản lý các cấp; người kinh doanh ở các bộ phận cung cấp dịch vụ: cư dân bản địa tham gia kinh doanh dịch vụ; toàn bộ các đối tượng du khách khi đến với điểm đến…

5. Kết luận

Quản lý sức chứa là một trong những nội dung quan trọng cần được nghiên cứu và triển khai đồng bộ với những yếu tố liên quan trong quá trình quy hoạch phát triển du lịch. Đặc biệt, vấn đề này càng có ý nghĩa hơn đối với những quốc gia điểm đến có ngành du lịch ở giai đoạn đầu hay đang trên đà phát triển du lịch. Quản trị tốt vấn đề sức chứa sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các nhà quản lý điểm đến và các cơ sở dịch vụ du lịch từ khâu định hình được hướng phát triển một cách phù hợp ngay từ ban đầu, cho tới việc lập và triển khai hiệu quả quy hoạch, xây dựng, vận hành, quảng bá xúc tiến… từ đó phát huy được tối đa những lợi ích kinh tế xã hội do hoạt động du lịch mang lại, đồng thời tránh và giảm thiểu các tác động tiêu cực trong sản xuất – kinh doanh, là cơ sở quan trọng để góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển chất lượng, bền vững, có trách nhiệm.

Tài liệu tham khảo:
1. R. E. Manning, D. W. Lime, M. Hof (1996). Social carrying capacity of natural areas: theory and application in the US national parks, Natural Areas Journal, 16 (2), 118-127.
2. R. Queiroz, M. A. Ventura, J. A. Guerreiro, R. Cunha (2014). Carrying capacity of hiking trails in Natura 2000 sites: a case study from North Atlantic Islands (Azores, Portugal) Revista de Gestão Costeira Integrada, 14 (2), 233-242.
3. World Tourism Organization (2005). Tourism’s potential as a sustainable development strategy. Madrid.
4. Hens (1998). Tourism and environment. Free University of Brussels, Belgium.
5. N. V.Hoàng (2012). Đánh giá sức tải trong hoạt động du lịch – sự cần thiết cho quy hoạch và quản lý phát triển du lịch biển. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 38, 76-83.
6. N. Tran, T. L. Nguyen, D. T. Nguyen, M. Dang, X. T. Dinh (2007). Tourism carrying capacity assessment for Phong Nha – Ke Bang and Dong Hoi, Quang Binh province. VNU Journal of Science: Earth and Environmental Sciences, 23, 80 – 87.
7. R. W. Butler (1980). The concept of a tourist area cycle of evolution: implications for management of resources. Canadian Geographer/Le Géographe Canadien, 24(1), 5 – 12.
8. C. Lim (1998). Carrying capacity assessment of Pulau Payar marine park, Malaysia. Madras, India.
9. M. Coccossis, A. Mexa (2004). The challenge of tourism carrying capacity assessment: theory and practice. Routledge, London.
10. M. H. Carsten, T. W. Alan, M. M. M. Flores (2002). Sustainable coastal tourism handbook for the Philippines. Cebu City, Philippines.
11. D. Weaver (2006). Sustainable tourism: theory and practice. Elsevier Butterworth – Heinemann, London.
12. D. Dredge, T. Jamal (2013). Mobilities on the Gold Coast, Australia: implications for destination governance and sustainable tourism. Journal of Sustainable Tourism, 21(4), 557 – 579.
13. T. S. Vinh (2019). Tính toán sức chịu tải môi trường du lịch của vườn quốc gia Cúc Phương. Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu, 12, 49 – 54.
14. D. T. Thủy, N. T. H. Thành, T. Q. Hải (2022). Đánh giá sức chứa du lịch các bãi biển ở thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 19 (11), 1854 – 1864.
15. C. M. Hall, A. A. Lew (2009). Understanding and managing tourism impacts: an integrated approach, Routledge, London.
16. A. G. Woodside, C. Dubelaar (2002). A general theory of tourism consumption systems: a conceptual framework and an empirical exploration. Journal of Travel Research, 41 (2), 120 – 132.
17. A. Baixinho, C. Santos, G. Couto, I. S. D. Albergaria, L. S. D. Silva, P. D. Medeiros, R. M. N. Simas (2021). Islandscapes and sustainable creative tourism: a conceptual framework and guidelines for best practices. Land, 10 (12), 1302.
18. J. N. Albrecht (2010). Towards a framework for tourism strategy implementation. International Journal of Tourism Policy, 3(3), 181 – 200.
19. A. M. Cifuentes (1992). Determinacion de capacidad de carge turistica en areas protegidas CATIE. Turrialba.
20. C. Lascurain, Hector (1996). Tourism, ecotourism, and protected areas: the state of nature-based tourism around the world and guidelines for its development. Island Press. Washington DC.