Trung tá Đinh Vũ Mai Nam
Trung tá Nguyễn Văn Đoàn
Hệ 5, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Giáo dục kỷ luật là một hình thức cơ bản của công tác tư tưởng, trực tiếp xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ ý thức chấp hành đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội và đơn vị. Giáo dục kỷ luật góp phần hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, niềm tin cộng sản của cán bộ, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của thế giới và đất nước, để xây dựng quân đội thực sự vững mạnh, chính quy thì việc giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các học viện, nhà trường quân đội có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Từ khóa: Giáo dục kỷ luật; học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội; học viện, trường sĩ quan quân đội.
1. Đặt vấn đề
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Muốn nâng cao chí khí chiến đấu, cố nhiên là phải học chính trị và quân sự, phải giữ thật nghiêm kỷ luật của quân đội. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”1. Trong quân đội, kỷ luật thể hiện ở ý thức, hành động của quân nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Chính vì vậy, để quân đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó thì vấn đề giữ vững kỷ luật và một trong những yếu tố quan trọng. Trước sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực, trong nước và yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh trong thời kỳ mới đặt ra vấn đề giáo dục kỷ luật cho quân nhân ở các đơn vị trong toàn quân nói chung và có học viên các học viện, nhà trường quân đội nói riêng.
2. Thực trạng giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các học viện, nhà trường quân đội
a. Những ưu điểm
Một là, các chủ thể giáo dục kỷ luật đã phát huy tốt vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hoạt động giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp ở các học viện, nhà trường đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị về nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, kỷ luật trong quân đội. Nghị quyết lãnh đạo từng giai đoạn, từng năm, từng quý, từng tháng của cấp ủy, kế hoạch hoạt động của chỉ huy các cấp đã chú trọng đến những nội dung nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội; duy trì nghiêm, thường xuyên kiểm tra, rút kinh nghiệm các hoạt động chất lượng giáo dục kỷ luật ở đơn vị mình.
Tại Trường sĩ quan không quân, Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp đã: “quán triệt và nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền; duy trì và thực hiện nghiêm túc các nền nếp, chế độ. Đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, thông tư, hướng dẫn của cấp trên về công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, luôn coi đây là một nội dung đột phá trong nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ hằng năm của các cấp ủy đảng”2.
Qua khảo sát của nhóm tác giả cho thấy, cơ quan chức năng ở các học viện, nhà trường đã phát huy khá tốt vai trò trong giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội; thường xuyên tham mưu cho cấp trên về nội dung, biện pháp, chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và phối hợp thực hiện giáo dục kỷ luật cho học viên. Tổ chức đoàn thanh niên, hội đồng quân nhân ở đơn vị quản lý học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội trong các học viện, nhà trường đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, chỉ huy các cấp và cụ thể hóa phương hướng, mục tiêu, nội dung, biện pháp giáo dục kỷ luật cho học viên ngày càng hiệu quả, phù hợp với hoạt động của đơn vị. Kết quả từ khảo sát đã, có 80,2% ý kiến được hỏi cho rằng cơ quan chức năng, Hội đồng quân nhân và tổ chức quần chúng đã phát huy tốt vai trò trong giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội3.
Đa số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp, nhất là cấp tiểu đoàn, đại đội và trung đội đã phát huy tương đối tốt vai trò trách nhiệm và có nhiều hoạt động tích cực, sáng tạo trong giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội, tích cực, chủ động nắm bắt và giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong việc chấp hành kỷ luật của học viên. Công tác quản lý bộ đội thường xuyên được cấp ủy, chỉ huy các cấp coi trọng, thực hiện quản lý chặt chẽ về số lượng và chất lượng theo phân cấp. Kết hợp chặt chẽ gữa giáo dục và rèn luyện, … kết hợp quản lý con người với quản lý tư tưởng, kỷ luật4.
Hai là, chất lượng nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục kỷ luật cho học viên ngày càng được nâng cao.
(1) Nội dung giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung chủ yếu vào các nội dung, như: điều lệnh quản lý bộ đội, quy định của đơn vị, một số nội dung pháp luật của Nhà nước (Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Quốc phòng năm 2018… Thông qua nội dung giáo dục kỷ luật góp phần giúp cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội hình thành ý thức, thói quen, hành vi tự giác chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị, chỉ thị, mệnh lệnh của người chỉ huy. Qua khảo sát, có 80,4% ý kiến được hỏi cho rằng nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội hiện nay là bảo đảm phù hợp với học viên5.
(2) Hình thức giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các học viện, nhà trường được sử dụng linh hoạt, thực hiện ngày càng đa dạng, phong phú: kết hợp chặt chẽ giữa các hình thức giáo dục chung và giáo dục riêng; thực hiện nghiêm túc “Ngày pháp luật”, ngày sinh hoạt chính trị và văn hóa, tinh thần, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, kỷ luật, truyền thanh nội bộ, … Phương pháp giáo dục kỷ luật cũng được thực hiện tương đối đa dạng, có sự kết hợp của nhiều loại phương pháp mang lại hiệu quả thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các học viện, nhà trường. Qua khảo sát có 76% ý kiến được hỏi cho rằng, hình thức, phương pháp giáo dục đa dạng, phong phú, phù hợp và có sự đổi mới6.
Ba là, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục kỷ luật.
Các học viện, nhà trường quân đội thường xuyên quan tâm, đầu tư thỏa đáng, xây dựng đồng bộ, chính quy, thống nhất, đúng quy định, bảo đảm về số lượng và chất lượng tương đối tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật cho học viên. 100% các đại đội quản lý học viên có tủ sách pháp luật; 100% các tiểu đoàn quản lý học viên có hệ thống truyền thanh, phòng Hồ Chí Minh phục vụ cho hoạt động tuyên truyền các nội dung giáo dục pháp luật, kỷ luật, gương người tốt, việc tốt góp phần nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật cho học viên7.
Bốn là, đại bộ phận học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội có sự chuyển biến tiến bộ về ý thức và hành vi chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, quy định của Nhà trường và đơn vị.
Qua quá trình học tập, rèn luyện tại các học viện, nhà trường, đại đa số học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội đã có nhận thức ngày càng đầy đủ, toàn diện các quy định pháp luật, nắm chắc kỷ luật, điều lệ, điều lệnh, chế độ quy định của quân đội,… Từ đó, hành vi, thói quen chấp hành kỷ luật của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội có sự chuyển biến rõ rệt. Điển hình, trong năm học 2023 – 2024, kết quả rèn luyện của học viên của Trường Sĩ quan Chính trị có: 99,94% đạt loại khá, tốt8, kết quả rèn luyện học viên Trường Sĩ quan Không quân có: 99,9% đạt khá, tốt9.
b. Những hạn chế, tồn tại
Thứ nhất, một số chủ thể giáo dục kỷ luật ở các học viện, nhà trường chưa phát huy tốt vai trò trong giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội. “Việc đánh giá tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật của học viên trong đơn vị của một số cấp ủy, chỉ huy còn thiếu tính khách quan, chưa đúng thực tiễn”10. Một số chỉ huy đơn vị quản lý học viên chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, buông lỏng việc quản lý, giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội. Từ đó: “chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn về công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, có thời điểm còn hạn chế; công tác phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra”11.
Thứ hai, chất lượng một số nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục kỷ luật của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các học viện, nhà trường trong những năm qua còn một số hạn chế, bất cập cần phải khắc phục.
(1) Chất lượng một số nội dung giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội chưa cao, chưa phù hợp, thiếu tính thiết thực, dàn trải, thiếu trọng điểm. Việc cụ thể hóa thành nội dung giáo dục kỷ luật phù hợp với tình hình nhiệm vụ của đơn vị và đặc điểm nhận thức của học viên ở một số đơn vị chất lượng chưa cao. Đặc biệt, “chất lượng cụ thể hóa các quy định của pháp luật Nhà nước, kỷ luật của quân đội, quy định của đơn vị thành những nội dung giáo dục dễ hiểu, dễ thực hiên, sát với thực tiễn ở một số đơn vị còn hạn chế”12.
(2) Hình thức và phương pháp giáo dục kỷ luật chưa thật linh hoạt, phù hợp với nội dung, thực tiễn đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị, chưa phù hợp với đặc điểm học viên, thiếu nội dung liên hệ thực tiễn. Việc thực hiện các hình thức giáo dục thông qua các diễn đàn, phong trào thanh niên có đơn vị còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao, chưa tạo ra sân chơi bổ ích, hiệu quả đối với giáo dục kỷ luật cho học viên. “Phương pháp giáo dục kỷ luật cho học viên ở một số đơn vị vẫn chủ yếu là thông tin một chiều và mang tính mệnh lệnh hành chính”13. Qua khảo sát, có 24% ý kiến được hỏi cho rằng hình thức, phương pháp giảng dạy còn đơn điệu, thiếu linh hoạt và chưa thực sự phù hợp14.
Thứ ba, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục kỷ luật của học viên ở một số đơn vị quản lý học viên tại các học viện, nhà trường chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng đủ với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đặc biệt, “Các bộ luật, luật, các sách tham khảo về pháp luật còn ít, chưa thường xuyên được cập nhật”15; cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giáo dục pháp luật chưa thực sự đồng bộ, bị xuống cấp sau thời gian dài sử dụng như loa truyền thanh, máy chiếu… Bên cạnh đó, nhiều thiết bị mới được trang bị hiện đại nhưng chưa đem lại hiệu quả cao, do việc vận hành khó khăn, trang bị thiếu đồng bộ.
Thứ tư, nhận thức của một bộ phận học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội về chấp hành kỷ luật còn hạn chế, dẫn tới hiện tượng chấp hành kỷ luật chưa nghiêm, tính tự giác rèn luyện chưa cao, chấp hành mệnh lệnh cấp trên không triệt để, ý thức kỷ luật trong chấp hành nhiệm vụ thấp, “còn học viên chấp hành chưa nghiêm các quy định, vi phạm quy chế thi”16, lễ tiết tác phong quân nhân không bảo đảm.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể.
Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các học viện, nhà trường quân đội, bởi nhận thức là cơ sở của hành động, định hướng hành động, có nhận thức đúng, đầy đủ mới tìm ra cách tiếp cận và phương pháp giải quyết vấn đề đúng đắn, mới có trách nhiệm cao và hành động hiệu quả. Phải có sự thống nhất cao về nhận thức mọi tổ chức, các lực lượng và được thực hiện một cách đồng bộ ở các đơn vị. Các tổ chức, các lực lượng tham gia giáo dục lỷ luật cho học viên cần chú trọng quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân đội, hướng dẫn của các cơ quan chức năng về giáo dục kỷ luật. Đồng thời, xây dựng nghị quyết, kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung công tác này ở đơn vị. Tăng cường kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương những tập thể, cá nhân có kết quả tốt và chấn chỉnh kịp thời những nội dung còn thiếu, còn yếu trong công tác giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các học viện, nhà trường quân đội.
Hai là, đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục.
Nội dung giáo dục phải được xây dựng sát với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường, phù hợp đặc điểm, trình độ của từng đối tượng; trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản mang tính hệ thống về pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, khơi dậy ý thức tự giác của học viên trong chấp hành các nội dung đó. Không chỉ đổi mới nội dung, để giáo dục kỷ luật cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội cần chú trọng tổ chức các hoạt động thực tiễn như thi tìm hiểu, sân khấu hóa các nội dung, để học viên củng cố vận dụng kiến thức đã được trang bị, đồng thời giúp học viên có nhận thức đầy đủ, khách quan về các tình huống và hậu quả của chúng. Thông qua các hoạt động thực tiễn giúp học viên củng cố nhận thức, điều chỉnh hành vi của mình, luôn tuân thủ nghiêm túc pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội và quy định của nhà trường, từ đó góp phần nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện của học viên nói riêng và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các học viên, nhà trường nói chung.
Ba là, tạo lập môi trường kỷ luật ở các học viện, nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục kỷ luật của học viên.
Việc xây dựng môi trường kỷ luật có vai trò rất quan trọng, có tác dụng định hướng, xây dựng thái độ, động cơ, hành vi đúng đắn cho học viên tham gia vào quá trình giáo dục kỷ luật cũng như trong việc chấp hành các quy định, kỷ luật của quân đội, nhà trường, đơn vị. Để tạo tập được môi trường kỷ luật, các học viện, nhà trường cần quan tâm, chăm lo xây dựng sự đoàn kết, thống nhất ở các đơn vị quản lý học viên, bảo đảm nhận thức và hành động của mỗi tổ chức, cá nhân đều đúng định hướng, mang tính đồng bộ. Đồng thời, các tổ chức đảng, người chỉ huy cần có thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm, nhiệt tình, gương mẫu trong chấp hành pháp luật, kỷ luật. Các học viện, nhà trường cũng cần quan tâm, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở các đơn vị quản lý học viên, bảo đảm học viên luôn được bảo đảm đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn về văn hóa, tinh thần cũng như dân chủ trên mọi hoạt động.
Bốn là, phát huy nhân tố chủ quan của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội trong nâng cao chất lượng giáo dục.
Mỗi học viên cần tự quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, chỉ huy các cấp về giáo dục kỷ luật; nâng cao tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu nội dung các bộ luật của Nhà nước có liên quan và các thông tư về việc chấp hành kỷ luật của quân đội, quy định của đơn vị để từ đó có nhận thức đầy đủ và hành động đúng đắn. Quá trình đào tạo tại các học viện, nhà trường, bản thân mỗi học viên cần xác định động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn, nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, gian khổ, chấp hành nghiêm kỷ luật, đồng thời phát huy tốt tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt, công tác; tích cực hỗ trợ, giúp đỡ đồng chí, đồng đội cùng chấp hành nghiêm kỷ luật.
3. Kết luận
Giáo dục kỷ luật là quá trình hoạt động có mục đích, được tổ chức chặt chẽ, khoa học của chủ thể giáo dục nhằm truyền thụ một cách có hệ thống pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội cho đối tượng giáo dục. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới, các học viện, nhà trường cần tiếp tục làm tốt công tác giáo dục kỷ luật cho đội ngũ học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội bằng việc phát huy những ưu điểm và khắc phục có hiệu quả những hạn chế nhằm hình thành ở họ những phẩm chất kỷ luật và năng lực chấp hành kỷ luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 559.
2, 10, 11. Đảng ủy Trường Sĩ quan Không quân (2020). Nghị quyết lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật đến năm 2023 và những năm tiếp theo. Khánh Hòa, tr. 1, 2, 2.
3, 5, 6, 7, 14. Tác giả khảo sát thực tế tại các trường: Học viện Hậu cần; Trường Sĩ quan Chính trị; Trường Sĩ quan Lục quân 1; Trường Sĩ quan Đặc công; Trường Sĩ quan Không quân; Học viện Quân y. Tháng 1/2025.
4. Trường Sĩ quan Đặc Công (2024). Báo cáo tóm tắt tổng kết năm học 2023 – 2024. Hà Nội, tr. 8.
8. Trường Sĩ quan Chính trị (2024). Phụ lục Báo cáo tổng kết năm học 2023 – 2024, Hà Nội, tr. 1.
9. Trường Sĩ quan Không quân (2024). Báo cáo kết quả công tác giáo dục đào tạo năm học 2023 – 2024. Hà Nội, tr. 2.
12. Đảng ủy Học viện Hậu cần (2020). Nghị quyết lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật đến năm 2023 và những năm tiếp theo. Hà Nội, tr. 3.
13, 15. Đảng ủy Trường Sĩ quan Lục quân 1 (2020). Nghị quyết lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật đến năm 2023 và những năm tiếp theo. Hà Nội, tr. 4, 4.
16. Học viện Quân y (2024). Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2024. Hà Nội, tr. 4.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Quốc phòng (2023). Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27/12/2023 quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Bộ Quốc phòng (2016). Điều lệ công tác nhà trường Quân đội nhân dân Việt Nam. H. NXB Quân đội nhân dân, 2016.
3. Bộ Quốc phòng (2019). Chỉ thị số 103/CT-BQP ngày 28/01/2019 về tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
4. Xây dựng ý thức liêm chính cho học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Học viện Hậu cần theo tư tưởng Hồ Chí Minh. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/03/18/xay-dung-y-thuc-liem-chinh-cho-hoc-vien-dao-tao-si-quan-cap-phan-doi-o-hoc-vien-hau-can-theo-tu-tuong-ho-chi-minh.