Hoàn thiện pháp luật về quản trị địa phương ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững

TS. Trương Thị Thu Hiền
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng

(Quanlynhanuoc.vn) – Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, quản trị địa phương đang đứng trước những cơ hội và thách thức để nâng cao hiệu quả quản lý, cải cách hành chính, cải thiện chất lượng dịch vụ công. Đồng thời, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SDGs) cũng đặt ra yêu cầu bảo đảm sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển xã hội. Việc hoàn thiện khung pháp lý trong quản trị địa phương không chỉ là yêu cầu cấp thiết để tối ưu hóa quá trình chuyển đổi số mà còn là điều kiện tiên quyết để đạt được SDGs. Bài viết nêu những bất cập và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về quản trị địa phương ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Từ khóa: Quản trị địa phương; chuyển đổi số; phát triển bền vững; SDGs; pháp luật.

1. Đặt vấn đề

Chính sách, pháp luật là nền tảng để xây dựng và duy trì hệ thống quản trị địa phương. Trong bối cảnh chuyển đổi số, khi công nghệ số làm thay đổi cách các cơ quan chính quyền hoạt động, khuôn khổ pháp lý truyền thống cần được điều chỉnh để phù hợp với sự chuyển đổi. Quản trị địa phương theo cách truyền thống chủ yếu dựa vào các phương thức hành chính thủ công, cơ chế báo cáo và các phương tiện giao tiếp truyền thống. Trong khi đó, chuyển đổi số đang thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng trong các hoạt động này, đòi hỏi các quốc gia phải nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản trị địa phương cho phù hợp hơn với bối cảnh mới. Bên cạnh đó, quản trị địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, từ quản lý tài nguyên thiên nhiên đến giảm nghèo và bình đẳng xã hội. 

Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản trị địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững là nhu cầu cấp thiết để tăng cường năng lực quản trị, tạo điều kiện cho các địa phương ứng dụng công nghệ trong quản lý, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quản lý hiệu quả tài nguyên, thúc đẩy sự bình đẳng và bảo vệ môi trường cũng như nâng cao tính cạnh tranh quốc gia thông qua việc tích hợp công nghệ và phát triển bền vững. Hay nói cách khác, trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững, việc nghiên cứu và hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản trị địa phương là yêu cầu cần thiết để bảo đảm các mô hình quản lý hiện đại và công nghệ mới sẽ được ứng dụng hiệu quả tại các cơ quan chính quyền địa phương.

2. Những bất cập của pháp luật hiện hành về quản trị địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững

Thực tế thời gian qua, Việt Nam đã đạt một số kết quả tích cực, như: phát triển hạ tầng số, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và triển khai nền tảng chính phủ điện tử kết nối từ trung ương tới địa phương​1. Những tiền đề này cho thấy, tiềm năng to lớn của chuyển đổi số trong việc nâng cao hiệu quả và tính bền vững của quản lý nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý cho quản trị địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững hiện vẫn chưa hoàn thiện, gây khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Cụ thể:

Thứ nhất, về an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu. Các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng đề cao việc bảo đảm an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình số hóa quản lý hành chính. Trong khi pháp luật Việt Nam đã có những quy định liên quan nhưng việc tích hợp các tiêu chuẩn an ninh mạng tiên tiến, phù hợp với bối cảnh phát triển nhanh của công nghệ số và sự gia tăng các mối đe dọa mạng trong quản trị địa phương vẫn còn hạn chế. Chuyển đổi số tạo ra một khối lượng dữ liệu khổng lồ từ các hoạt động của địa phương trong khi đó lại chưa có một khung pháp lý thống nhất, rõ ràng để xử lý dữ liệu công một cách hiệu quả và bảo đảm an toàn cho thông tin cá nhân của người dân. Điều này dẫn đến khoảng trống pháp lý khi không có sự quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong việc thu thập, xử lý và bảo vệ dữ liệu.

Thứ hai, dữ liệu mở và tính minh bạch. Yêu cầu về minh bạch, chia sẻ dữ liệu mở nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng và tạo điều kiện cho sự đổi mới sáng tạo từ phía doanh nghiệp và người dân đã được quốc tế khuyến khích. Tuy nhiên, hiện nay khung pháp lý quản trị địa phương chưa thực sự định hướng chi tiết về việc mở dữ liệu và áp dụng các chuẩn mực toàn cầu trong công khai thông tin dẫn đến khoảng cách giữa mục tiêu minh bạch và thực tế triển khai. 

Thứ ba, về hội nhập tiêu chuẩn phát triển bền vững. Các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững không chỉ tập trung vào môi trường mà còn bao gồm các yếu tố về kinh tế – xã hội (ESG – Environment, Social, Governance). Việc tích hợp các chỉ số xanh, tiêu chuẩn môi trường, an sinh xã hội vào quy hoạch và quản trị địa phương chưa được pháp luật quy định một cách cụ thể làm hạn chế khả năng đo lường và đánh giá hiệu quả phát triển bền vững.

Thứ tư, sự tham gia của cộng đồng và chính quyền điện tử. Mặc dù đã có những bước tiến trong việc ứng dụng công nghệ số nhằm tăng cường sự tham gia của người dân vào quản trị địa phương, nhưng tiêu chuẩn quốc tế còn yêu cầu sự đồng bộ giữa chính quyền điện tử và các công cụ giao tiếp, tương tác trực tuyến tiên tiến. Điều này bao gồm cả việc xây dựng cơ chế phản hồi nhanh và minh bạch từ phía cơ quan quản lý, giúp cải thiện chất lượng dịch vụ công và tăng cường sự tin tưởng của cộng đồng.

Thứ năm, trách nhiệm của các bên liên quan. Pháp luật hiện hành còn chưa rõ ràng về trách nhiệm của từng chủ thể (bao gồm cả chính quyền địa phương và các đối tác công nghệ) trong quá trình triển khai và vận hành các nền tảng số. Việc triển khai các nền tảng số trong quản trị địa phương đòi hỏi một sự chuyển giao quyền hạn rõ ràng cũng như quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương, điều này nhằm bảo đảm cho các cơ quan quản lý có thể thực hiện nhiệm vụ của mình một cách minh bạch, hiệu quả, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp vào quá trình quản trị số.

3. Một số giải pháp 

Để bắt kịp xu thế toàn cầu về quản trị địa phương trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững, một số quy định hiện hành có liên quan cần được xem xét sửa đổi, bổ sung. Cụ thể: 

Một là, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) theo hướng: (1) Đẩy mạnh hơn nữa sự phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương, khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương và tinh gọn bộ máy, phù hợp chủ trương “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”2 trong quản trị địa phương hiện đại; (2) Lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững thông qua các quy định yêu cầu tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào kế hoạch phát triển địa phương. Bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và tiến bộ xã hội, khắc phục tình trạng chính sách manh mún, thiếu đồng bộ. Quy định mỗi địa phương phải có chiến lược dài hạn về phát triển bền vững (bao gồm ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên) phù hợp với thể chế quốc gia và thông lệ quốc tế; (3) Bổ sung nhiệm vụ về chuyển đổi số bằng các quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và quản trị dựa trên dữ liệu, từ đó, nâng cao năng lực quản trị và phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả trong kỷ nguyên số.

Hai là, sửa đổi, bổ sung Luật Công nghệ thông tin năm 2006 theo hướng: (1) Thúc đẩy chính phủ số và dữ liệu mở thông qua việc bổ sung quy định về xây dựng, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu mở giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau; (2) Cập nhật phạm vi và khái niệm mới chưa được quy định ở Luật này, như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu số, kinh tế số, xã hội số, công dân số… và các hình thái công nghệ mới; (3) Hình thành cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu, thương mại hóa dữ liệu công; (4) Bảo vệ dữ liệu và an toàn thông tin, tích hợp các yêu cầu về bảo mật dữ liệu người dùng và an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số, bảo đảm an toàn, tin cậy trong môi trường giao dịch số cho người dân và doanh nghiệp; (5) Bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp, thống nhất với pháp luật liên quan quy định tại Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 và Luật Viễn thông năm 2023.

Ba làhoàn thiện các quy định hiện hành về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng theo hướng: (1) Sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018 để bảo đảm tính đồng bộ, không chồng chéo giữa hai Luật này; bổ sung các quy định về bảo vệ an toàn cho hạ tầng thông tin quan trọng, thiết bị IoT, dữ liệu lớn…; các quy định phù hợp với các bước phát triển mới của mạng xã hội và biến tướng tội phạm mạng tạo điều kiện cho các nền tảng số phát triển lành mạnh; (2) Bổ sung trong các luật nguyên tắc và cơ chế để các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương chia sẻ dữ liệu cho nhau một cách an toàn; (3) Thúc đẩy chia sẻ dữ liệu an toàn thông qua việc kết hợp chặt chẽ giữa chuyển đổi số (mở dữ liệu, liên thông hệ thống thông tin) với bảo đảm an ninh, an toàn mạng ở các cấp địa phương; (4) Sớm ban hành mới Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân để quy định chặt chẽ về quyền riêng tư và quản lý dữ liệu cá nhân trong môi trường số, tăng tính an toàn cho người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ chính quyền số.

Bốn làhoàn thiện các quy định đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững trong quản trị địa phương trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Bên cạnh các quy định đã có về đánh giá tác động môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn…, cần bổ sung các quy định theo hướng: (1) Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý môi trường thông qua việc bổ sung các quy định khuyến khích ứng dụng công nghệ số trong quan trắc và quản lý môi trường, yêu cầu công khai dữ liệu môi trường trên nền tảng số để người dân giám sát, qua đó thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân giám sát” trong bảo vệ môi trường tại cơ sở; (2) Nhấn mạnh ứng phó biến đổi khí hậu thông qua các quy định cụ thể hơn về kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu ở địa phương, lồng ghép chặt chẽ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội với mục tiêu giảm phát thải, tăng trưởng xanh trong quy hoạch cấp tỉnh; (3) Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững bằng các quy định cụ thể hơn việc thực hiện kinh tế tuần hoàn (tái chế, tái sử dụng) ở địa phương, trách nhiệm của doanh nghiệp và chính quyền trong thu gom, xử lý rác thải bền vững. Đồng thời, bổ sung cơ chế khuyến khích đầu tư xanh, như: ưu đãi cho dự án năng lượng tái tạo, giao thông công cộng sạch để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững dài hạn; (4) Tăng cường vai trò địa phương trong bảo vệ môi trường bằng các quy định phân cấp nhiều hơn cho địa phương trong quản lý môi trường.

Năm là, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công năm 2024 đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển bền vững trong quản lý vốn nhà nước tại địa phương theo hướng: (1) Ưu tiên dự án chuyển đổi số và phát triển bền vững bằng cách bổ sung các nguyên tắc ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án hạ tầng số và dự án phát triển bền vững. Chẳng hạn, các dự án xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, chính quyền số hoặc dự án năng lượng tái tạo, giao thông xanh nên được xếp hạng ưu tiên cao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm nguồn lực nhà nước đi đúng định hướng chuyển đổi số và mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia; (2) Đánh giá tác động bền vững trong quyết định đầu tư bằng các quy định tăng cường yêu cầu đánh giá các tác động kinh tế – xã hội, môi trường của dự án ngay từ giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư; quy định việc lồng ghép kết quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động xã hội vào quá trình phê duyệt dự án, tránh đầu tư gây hệ lụy dài hạn cho môi trường và cộng đồng; (3) Cải cách thủ tục, phân cấp mạnh trong quyết định đầu tư bằng các quy định tinh giản quy trình phê duyệt dự án đầu tư công và mở rộng thẩm quyền quyết định dự án cho địa phương, loại bỏ tình trạng xin – cho và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn; (4) Ứng dụng công nghệ trong quản lý đầu tư công bằng cách bổ sung quy định về hệ thống thông tin quản lý dự án đầu tư công thống nhất trên toàn quốc. Tất cả dự án nên được cập nhật tiến độ, vốn, kết quả lên hệ thống số để minh bạch thông tin và cho phép giám sát trực tuyến. Việc đấu thầu qua mạng theo Luật Đấu thầu năm 2023 cũng cần được liên kết với quy trình đầu tư công để nâng cao hiệu quả, chống tiêu cực.

Sáu làsửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 theo hướng: (1) Bổ sung cơ chế ngân sách cho chuyển đổi số bằng cách phân định rõ chi ngân sách cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thuộc chi đầu tư phát triển hay chi thường xuyên (hoặc cả hai) để thuận lợi trong bố trí vốn; đồng thời, bổ sung nguyên tắc ưu tiên bố trí ngân sách thực hiện các đề án chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh tại địa phương; (2) Tăng quyền tự chủ tài chính cho địa phương bằng các quy định mở rộng quyền hạn cho địa phương trong sử dụng ngân sách để huy động nguồn lực địa phương vào các dự án phát triển bền vững quy mô lớn thay vì bị ràng buộc cứng theo cấp ngân sách; (3) Minh bạch và số hóa quản lý ngân sách thông qua các quy định bổ sung về công khai ngân sách trên nền tảng số để người dân dễ tiếp cận, giám sát; khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong lập dự toán, phân bổ và quyết toán ngân sách nhằm tăng hiệu quả quản lý tài chính công. Các địa phương cần xây dựng hệ thống thông tin tài chính tích hợp để kịp thời báo cáo, chia sẻ dữ liệu với trung ương, phục vụ điều hành thống nhất; (4) Lồng ghép yếu tố bền vững trong phân bổ ngân sách theo hướng ngân sách “xanh”, tức là tích hợp mục tiêu bảo vệ môi trường và công bằng xã hội vào chu trình ngân sách, chẳng hạn, quy định việc lập dự toán địa phương phải xét đến các mục tiêu giảm phát thải, thích ứng khí hậu, phát triển nguồn nhân lực… Đồng thời, khuyến khích các địa phương dành một tỷ lệ ngân sách nhất định cho các chương trình mục tiêu về phát triển bền vững, như: xóa đói giảm nghèo, trồng rừng, năng lượng sạch.

4. Kết luận

Việc hoàn thiện pháp luật về quản trị địa phương ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững là yêu cầu thiết yếu nhằm tạo ra nền tảng pháp lý vững chắc cho việc áp dụng công nghệ số vào quản lý hành chính; đồng thời, bảo đảm sự phát triển bền vững ở địa phương. Để đáp ứng các yêu cầu này, phải có sự điều chỉnh, cập nhật liên tục các quy định pháp lý, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mạnh mẽ để hỗ trợ việc triển khai các chính sách và chương trình phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc tăng cường sự tham gia của người dân cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ công và hiệu quả quản trị trong bối cảnh này. Từ đó, hệ thống quản trị địa phương sẽ trở nên minh bạch, hiệu quả và bền vững hơn, góp phần xây dựng một Việt Nam phát triển.

Chú thích:
1. Chính sách, pháp luật về quản trị địa phương gắn với chuyển đổi số ở Việt Nam. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/827320/chinh-sach%2C-phap-luat-ve-quan-tri-dia-phuong-gan-voi-chuyen-doi-so-o-viet-nam
2. “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”: Kỳ vọng đột phá.https://vov.vn/chinh-tri/dia-phuong-quyet-dia-phuong-lam-dia-phuong-chiu-trach-nhiem-ky-vong-dot-pha-post1124881.vov
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013.
2. Quốc hội (2018). Luật An ninh mạng năm 2018.
3. Quốc hội (2015). Luật An toàn thông tin mạng năm 2015.
4. Quốc hội (2020). Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.
5. Quốc hội (2006). Luật Công nghệ thông tin năm 2006.
6. Quốc hội (2024). Luật Đầu tư công năm 2024.
7. Quốc hội (2023). Luật Giao dịch điện tử năm 2023.
8. Quốc hội (2015). Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
9. Quốc hội (2015, 2019). Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
10. Quốc hội (2023). Luật Viễn thông năm 2023.