Phát huy vai trò của tác phẩm kinh điển Mác – Lênin trong đào tạo thạc sĩ Triết học ở Trường Sĩ quan Chính trị 

Thượng tá, TS. Nguyễn Hữu Tuấn
Trường Sĩ quan Chính trị

(Quanlynhanuoc.vn) – Tác phẩm kinh điển Mác – Lênin có vai trò to lớn đối với đào tạo nói chung, đào tạo thạc sĩ Triết học ở Trường Sĩ quan Chính trị nói riêng. Bài viết đánh giá thực trạng và đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm tiếp tục phát huy vai trò tác phẩm kinh điển trong đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Triết học ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay. 

Từ khóa: Tác phẩm kinh điển Mác – Lênin; đào tạo thạc sĩ Triết học; Trường Sĩ quan Chính trị.

1. Đặt vấn đề

Theo nghĩa thông dụng, kinh điển là một sản phẩm vật chất hoặc tinh thần có giá trị ở mức đỉnh cao, là những chuẩn mực, điển hình đã được lựa chọn, sàng lọc, đánh giá và công nhận rộng rãi. Tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin là những bài nói, bài viết của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin có vai trò mẫu mực, tiêu biểu, bao chứa toàn bộ lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin đã được in ấn chính thức thành những tác phẩm dưới dạng toàn tập, tuyển tập hay những tác phẩm riêng lẻ. Hiện nay, tác phẩm kinh điển Mác – Lênin (sau đây gọi tắt là kinh điển) tập trung vào C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, gồm 50 tập; V.I.Lênin toàn tập, gồm 55 tập. Ngoài ra, còn có những bài viết, bài nói, tác phẩm được in ở các sách, báo, tạp chí… 

2. Vai trò của tác phẩm kinh điển trong đào tạo thạc sĩ Triết học ở Trường Sĩ quan Chính trị

Hệ thống tác phẩm kinh điển có vai trò vô cùng to lớn đối với việc giáo dục, truyền bá, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin. Trong đào tạo, hệ thống kinh điển giúp người học, người dạy tiếp cận, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin từ gốc, không rơi vào tình trạng “tam sao thất bản”. Với hệ thống quan điểm lý luận, thực tiễn phong phú, sinh động, đồ sộ có tính lịch sử bao chứa toàn bộ chủ nghĩa Mác – Lênin, học tập, nghiên cứu các tác phẩm kinh điển là một trong những nội dung bắt buộc đối với đào tạo đại học và sau đại học. 

Đối với đào tạo thạc sĩ Triết học ở Trường Sĩ quan Chính trị, học tập, nghiên cứu tác phẩm kinh điển không những giúp người học nhận thức sâu sắc, có tính hệ thống mà còn giúp họ thấy được bản chất khoa học, cách mạng, tính đảng, tính thực tiễn và tính lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ đó, củng cố, phát triển thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng, nhân sinh quan cộng sản cho người học. 

Học tập, nghiên cứu tác phẩm kinh điển góp phần nâng cao năng lực tư duy biện chứng của người học. Trên cơ sở hệ thống kiến thức, phẩm chất, năng lực đã được hình thành, phát triển ở các cấp học trước và từ hoạt động thực tiễn, khi nghiên cứu tác phẩm kinh điển sẽ giúp người học củng cố, phát triển hệ thống kiến thức chủ nghĩa Mác – Lênin, trong đó có phép biện chứng duy vật. Với tư cách là lý luận biện chứng duy vật, phép biện chứng duy vật được xác định là hệ thống các quan điểm khái quát tính biện chứng của thế giới và được phản ánh qua các nguyên lý, quy luật và các cặp phạm trù cơ bản. Là phương pháp biện chứng duy vật, phép biện chứng duy vật được xác định là phương pháp luận xem xét, phân tích các sự vật, hiện tượng trong mối liên hệ phổ biến, trong sự vận động, phát triển. Vì vậy, nắm chắc phép biện chứng duy vật sẽ giúp người học củng cố, phát triển, hoàn thiện phương pháp tư duy biện chứng. Từ đó, nâng cao hiệu suất tư duy của người học.

Học tập, nghiên cứu tác phẩm kinh điển góp phần nâng cao khả năng sáng tạo của người học. Với tư cách là một hệ thống mở và phương pháp tiếp cận khoa học, kinh điển đặt ra cho người học, người nghiên cứu những vấn đề mới phải giải quyết khi thực tiễn đã có sự vận động. Điều đó, đòi hỏi người học không những phải nghiên cứu nắm chắc, vận dụng linh hoạt, mà còn phải bảo vệ, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện mới. Mặt khác, khi học tập, nghiên cứu kinh điển, người học sẽ tiếp thu được phương pháp tư duy, cách thức giải quyết vấn đề khoa học, linh hoạt, sáng tạo. Từ đó, làm cho tư duy của người học mở hơn, mới hơn, nhất là trong điều kiện tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Ngoài ra, quá trình học tập, nghiên cứu kinh điển còn giúp người học nâng cao, hoàn thiện phương pháp học tập, nghiên cứu, làm việc. Điều này phản ánh tính chất của việc học tập, nghiên cứu kinh điển là quá trình khó khăn, vất vả, tiêu tốn nhiều thời gian, công sức của người học. Để đạt được hiệu quả học tập, nghiên cứu kinh điển cần phải có kiến thức, kỹ năng, phương pháp phù hợp. Quá trình đó, người học phải tự giác điều chỉnh thái độ và tự mình bổ sung kiến thức nền, tự trang bị, tự rèn luyện cho mình kỹ năng, phương pháp làm việc khoa học, nghiêm túc, kiên trì, bền bỉ, thận trọng, cụ thể. Qua đó, làm cho phương pháp học tập, nghiên cứu, làm việc của họ ngày càng hoàn thiện.

Đối với việc tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay, học tập, nghiên cứu kinh điển có vai trò rất quan trọng. Trước hết, kinh điển là nguồn đề tài phong phú, kho luận cứ, luận chứng đa dạng, xác đáng để chứng minh bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; để bác bỏ tính chất duy tâm, siêu hình, ngụy biện trong các quan điểm của các thế lực thù địch, phản động. Mặc khác, học tập, nghiên cứu kinh điển, giúp người học có thể học tập tinh thần say mê, cống hiến, hy sinh cho khoa học, cho cách mạng vô sản của các nhà kinh điển mácxít và có thể kế thừa, kinh nghiệm, phương pháp đấu tranh mẫu mực của C. Mác và Lênin. 

3. Thực trạng phát huy vai trò của tác phẩm kinh điển trong đào tạo thạc sĩ triết học ở Trường Sĩ quan Chính trị 

Những năm qua, nhận thức rõ vai trò của các tác phẩm kinh điển, cùng với việc đổi mới đồng bộ các yếu tố đào tạo, Trường Sĩ quan Chính trị đã tích cực phát huy vai trò tác phẩm kinh điển trong đào tạo thạc sĩ triết học. Đối với các môn học không chuyên, Nhà trường đã xây dựng chương trình học tập, nghiên cứu tác phẩm kinh điển ở các học phần. Đối với môn chuyên ngành, đã thực hiện chương trình đào tạo với học phần riêng là: “Tư tưởng triết học của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin trong các tác phẩm tiêu biểu”. Học phần gồm 3 tín chỉ với 150 tiết (18 tiết lý thuyết, 60 tiết tự học, 4 tiết xêminna, 62 tiết tiểu luận, 06 tiết thi vấn đáp). Kết quả thi năm học 2023 – 2024, học phần này đối với khóa 10 ở Trường Sĩ quan Chính trị đạt 100% khá, giỏi (trong đó: giỏi: 37,5%; khá: 62,5%)1.

Hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học, các chuyên đề, các hình thức sau bài giảng đã khai thác, sử dụng đa dạng, phổ biến các tác phẩm kinh điển. Các cơ quan chức năng luôn bảo đảm hệ thống tác phẩm kinh điển, thư viện điện tử… tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên, học viên tiếp cận, học tập, nghiên cứu tác phẩm kinh điển. Trong giảng dạy, đặc biệt trong xây dựng đề thi, đáp án đã chú trọng nội dung vận dụng các tác phẩm kinh điển trong kiểm tra, đánh giá người học. Đối với người học đã có sự chuyển biến tích cực trong vận dụng tác phẩm kinh điển trong học tập, nghiên cứu khoa học.  

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, việc phát huy vai trò tác phẩm kinh điển trong đào tạo thạc sĩ Triết học ở Trường Sĩ quan Chính trị vẫn còn một số hạn chế. Trước hết là việc xác định những tiêu chí về vận dụng các quan điểm, tư tưởng của các tác phẩm kinh điển trong thu hoạch, tiểu luận, thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập chưa thực sự cụ thể, chưa quy định là một tiêu chí bắt buộc mà học viên chuyên ngành phải đạt được.

Một số học viên chưa xác định việc nghiên cứu tác phẩm kinh điển là nhu cầu tự thân nên chưa có sự say mê, tâm huyết trong học tập, nghiên cứu tác phẩm kinh điển; trong viết thu hoạch, tiểu luận, viết tham luận, làm đề tài, chuyên đề, luận văn, đấu tranh tư tưởng, lý luận việc chọn vấn đề liên quan đến tác phẩm kinh điển còn ít, sử dụng câu trích còn nhầm lẫn, không sát vấn đề nghiên cứu. Từ những vấn đề này cần phải có những giải pháp phát huy vai trò tác phẩm kinh điển trong đào tạo thạc sĩ Triết học của Trường.

4. Giải pháp phát huy vai trò của tác phẩm kinh điển trong đào tạo thạc sĩ Triết học của Trường Sĩ quan Chính trị 

Hiện nay, nhằm tập trung quán triệt, thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết về giáo dục và đào tạo của các cấp, nhất là Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới, với quan điểm chỉ đạo: “Đổi mới công tác giáo dục và đào tạo trong quân đội theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa… Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và đào tạo trong nhà trường với bồi dưỡng tại đơn vị và tự học, tự rèn trong công tác”, Trường Sĩ quan Chính trị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tiếp tục phát huy vai trò của tác phẩm kinh điển trong đào tạo thạc sĩ Triết học là một giải pháp cần thiết. Theo đó, để phát huy vai trò tác phẩm kinh điển trong đào tạo thạc sĩ Triết học cần thực hiện những vấn đề chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục rà soát, đánh giá lại chuẩn đầu ra, khung chương trình, nội dung đào tạo thạc sĩ chuyên ngành triết học, đặc biệt là việc khai thác, phát huy vai trò hệ thống kinh điển phải đặt trong quan hệ tổng thể với quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Nhà trường. Từ đó, xác định rõ nội dung, chương trình, chuẩn đầu ra của các học phần và lượng hóa cụ thể hệ thống kinh điển trong từng học phần, môn học, chuyên đề. Đối với học phần: “Tư tưởng triết học của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin trong các tác phẩm tiêu biểu” cần phải tăng thời lượng tự học, tự nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, xêmina, viết thu hoạch, tiểu luận; tiếp tục làm mới các chủ đề thảo luận, trao đổi, xêmina; thay đổi cách ra đề thi, đáp án theo hướng vận dụng, phê phán đấu tranh với các quan điểm sai trái. 

Hai là, đổi mới phương pháp giảng dạy chuyên đề theo hướng ngày càng chuyên sâu, tăng cường khai thác lý luận gốc từ kinh điển và các tri thức trong hệ thống văn kiện, tăng thời gian tự học, tự nghiên cứu kinh điển cho người học. Trong giảng dạy, cần đi sâu nghiên cứu, luận giải, liên hệ, vận dụng bảo đảm tính hệ thống, tính đa dạng, tính cụ thể của hệ thống quan điểm, các luận cứ, các sự kiện lịch sử trong thời đại của các nhà kinh điển và trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể. So sánh đối chiếu giữa các giai đoạn chỉ rõ sự vận động, phát triển của các tư tưởng, quan điểm đó. Đồng thời gợi mở, định hướng để người học liên hệ, vận dụng với giai đoạn hiện nay. 

Ba là, thực hiện tốt việc xác định chuẩn đầu ra với tiêu chí cụ thể về phát huy vai trò kinh điển trong các hình thức sau bài giảng, nhất là trong thi, kiểm tra đánh giá kết quả và trong đánh giá tham luận, chuyên đề, đề tài, sáng kiến khoa học, luận văn của người học. Trong các hình thức như trao đổi, thảo luận, bài tập, xemina, thu hoạch, tiểu luận cần kết hợp chặt chẽ giữa luận giải những vấn đề thực tiễn của hiện tại với các quan điểm, các tư tưởng trong kinh điển. Trong kiểm tra, đánh giá người học cần đặt ra những câu hỏi mở với tiêu chí cụ thể với thang điểm cụ thể cho phần trả lời của người học về trích dẫn, sử dụng, luận giải kinh điển. Trong hệ thống quy chế, quy định về đánh giá tiểu luận, công trình khoa học, trong luận văn cũng cần phải xác định rõ tiêu chí về việc sử dụng, khai thác, phát huy vai trò của tác phẩm kinh điển.

Bốn là, đề cao trách nhiệm của người thầy, đội ngũ cán bộ quản lý và tính tự giác, trách nhiệm của học viên trong phát huy vai trò tác phẩm kinh điển. Để phát huy vai trò của hệ thống kinh điển người thầy cần phải tích cực, chủ động, chịu khó, thực sự trách nhiệm, làm việc miệt mài trong nghiên cứu nắm chắc nội dung, thường xuyên khai thác hợp lý những quan điểm, tư tưởng trong hệ thống kinh điển. Các khoa, các cơ quan cần phải xác định những tiêu chí cụ thể về khai thác, phát huy vai trò kinh điển, văn kiện trong bài giảng, trong các sản phẩm khoa học của giảng viên, như: giáo trình, đề tài, tham luận… Đội ngũ cán bộ quản lý cần quan tâm tổ chức lớp học, bồi dưỡng phương pháp đọc, nghiên cứu tác phẩm kinh điển cho học viên. Đối với mỗi học viên cần thực sự say mê, chịu khó, trang bị cho bản thân hệ thống phương pháp nghiên cứu kinh điển phù hợp. Tuyệt đối tránh tình trạng ngại học tập, nghiên cứu, thiếu kiên trì, thiếu phương pháp trong nghiên cứu, khai thác kinh điển. Tích cực trong trao đổi, thảo luận, xêmina với thầy, với đồng đội để mở rộng tri thức, tích lũy kinh nghiệm. Đồng thời vận dụng, phát huy tri thức trong kinh điển vào các hình thức dạy học, trong làm luận văn, các công trình khoa học, trong tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận.

Năm là, xây dựng môi trường học tập, nghiên cứu thuận lợi, thúc đẩy, khuyến khích được người học phát huy vai trò của các tác phẩm kinh điển. Thường xuyên giáo dục, quán triệt, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa, vai trò của việc học tập, nghiên cứu tác phẩm kinh điển; khuyến khích, động viên những tập thể, cá nhân tích cực, chịu khó học tập, kiên trì nghiên cứu. Duy trì tốt nền nếp, chế độ học tập, công tác, nghiên cứu tại giảng đường, đơn vị, thư viện. Thường xuyên tổ chức phối hợp với các khoa giáo viên, với cơ quan, với đơn vị bạn để duy trì, tổ chức các hoạt động phương pháp, phổ biến kinh nghiệm học tập, nghiên cứu, trong đó có học tập, nghiên cứu kinh điển. Duy trì có nền nếp, bảo đảm hoạt động hiệu quả câu lạc bộ lý luận trẻ, lực lượng 47, lực lượng 14.01… Phát huy vai trò của các tổ chức, nhất là của Đoàn Thanh niên trong đổi mới phương pháp nghiên cứu, học tập, tọa đàm, trao đổi về kinh nghiệm nghiên cứu, học tập tác phẩm kinh điển. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu các tác phẩm kinh điển và các văn kiện Đảng.

Sáu là, khai thác, phát huy vai trò hệ thống kinh điển gắn với đẩy mạnh đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, phản động bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin. Các cán bộ, giảng viên, học viên cần nghiên cứu những nội dung, những quan điểm mà các thế lực thù địch, phản động đang tập trung chống phá. Từ đó, nghiên cứu khai thác kinh điển, văn kiện Đảng để tìm ra những luận cứ, luận chứng chứng minh tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, phản bác, bác bỏ những quan điểm sai lầm, xuyên tạc, ngụy biện của các thế lực thù địch. Đặc biệt, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, học viên trong lựa chọn các vấn đề trong tác phẩm kinh điển, văn kiện để tham gia thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

5. Kết luận

Phát huy vai trò tác phẩm kinh điển trong đào tạo thạc sĩ Triết học của Trường Sĩ quan Chính trị là vấn đề tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện đạt kết quả cao, đòi hỏi các chủ thể cần phải nghiên cứu, nắm chắc tình hình thực tiễn, vận dụng linh hoạt và thực hiện đồng bộ những giải pháp cơ bản đã chỉ ra, chống tuyệt đối hóa và không được xem nhẹ bất cứ giải pháp nào. Chỉ có vậy việc phát huy vai trò của các tác phẩm kinh điển trong đào tạo thạc sĩ Triết học của Trường và góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo trong quân đội.

Chú thích:
1. Trường Sĩ quan Chính trị (2024). Biên bản ghi kết quả học phần “Tư tưởng triết học của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin trong các tác phẩm tiêu biểu”. Hà Nội, ngày 08/4/2024. 
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Đảng ủy Trường Sĩ quan Chính trị (2023). Nghị quyết số 62 -NQ/ĐU ngày 01/8/2023 lãnh đạo nhiệm vụ năm học 2023 – 2024.
3. Quân ủy Trung ương (2024). Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới.
4. Tọa đàm khoa học “Thành tựu và kinh nghiệm 10 năm đào tạo trình độ Thạc sĩ của Trường Sĩ quan Chính trị. http://daihocchinhtri.edu.vn/vi/news/Nghien-cuu-Khoa-hoc/Toa-dam-khoa-hoc-Thanh-tuu-va-kinh-nghiem-10-nam-dao-tao-trinh-do-Thac-si-cua-Truong-Si-quan-Chinh-tri-2677/
5. Nâng cao ý thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các học viện, trường sĩ quan quân đội.https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/11/14/nang-cao-y-thuc-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-cho-doi-ngu-giang-vien-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-o-cac-hoc-vien-truong-si-quan-quan-doi/