Phùng Thị Thuý
Trường Cao đẳng Sơn La
(Quanlynhanuoc.vn) – Trước làn sóng hội nhập mạnh mẽ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại Tỉnh Sơn La là vấn đề cấp thiết, quan trọng không chỉ mang ý nghĩa về mặt khoa học, nghiên cứu còn là cơ sở giúp hoạch định chính sách phát triển văn hóa du lịch tại tỉnh Sơn La. Thông qua cơ sở lý thuyết, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp gắn liền với thực tiễn góp phần xây dựng mô hình phát triển du lịch dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa bản địa, vừa giúp bảo vệ di sản quý giá của dân tộc Thái, vừa nâng cao đời sống kinh tế – xã hội của cộng đồng dân cư, hướng đến phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Sơn La trong giai đoạn mới.
Từ khóa: Bản sắc văn hóa, dân tộc Thái, du lịch sinh thái, cộng đồng, tỉnh Sơn La.
1. Đặt vấn đề
Trong tiến trình toàn cầu hóa và hiện đại hóa, văn hóa đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn khi các giá trị truyền thống có nguy cơ bị mai một, pha tạp hoặc mất đi bản chất ban đầu. Trước làn sóng hội nhập mạnh mẽ, vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trở thành một yêu cầu cấp thiết, không chỉ để bảo vệ di sản của cha ông mà còn để khẳng định vị thế, bản lĩnh và giá trị riêng có của một quốc gia, một cộng đồng trong bức tranh đa dạng văn hóa của nhân loại. Văn hóa, trong đó bản sắc là cốt lõi, không chỉ là linh hồn của dân tộc mà còn là nền tảng để phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững. Chính trong bối cảnh đó, việc khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái cộng đồng đang trở thành xu hướng tất yếu, tạo ra hướng đi mới cho các địa phương có tiềm năng văn hóa và thiên nhiên đặc sắc.
2. Cơ sở lý thuyết
2.1. Bản sắc văn hoá
Bản sắc văn hoá là khái niệm trọng tâm trong nghiên cứu ở lĩnh vực văn hoá học, gắn liền với việc nhận diện những giá trị đặc trưng, riêng biệt của một cộng đồng người trong một không gian và thời gian cụ thể. Bản sắc văn hoá không chỉ phản ánh cách con người ứng xử với môi trường tự nhiên, xã hội và tinh thần, mà còn là yếu tố cốt lõi tạo nên sự khác biệt và cá tính văn hoá giữa các dân tộc, vùng miền hoặc quốc gia.
Theo định nghĩa của UNESCO (2002), bản sắc văn hoá là sự tổng hoà các đặc trưng tinh thần, vật chất, trí tuệ và cảm xúc phân biệt một xã hội hoặc một nhóm xã hội, không chỉ bao gồm nghệ thuật và văn học mà còn phản ánh cả lối sống, cách sinh hoạt, hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng, do đó ngoài những yếu tố hữu hình như trang phục, lễ hội, kiến trúc bản sắc văn hoá còn là tư duy, niềm tin, phong cách sống được lưu giữ và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nghiên cứu của Hall (1990) cho rằng bản sắc văn hoá là một quá trình không ngừng kiến tạo, thay vì là một trạng thái tĩnh, bản sắc được hình thành trong dòng chảy liên tục của lịch sử, trong mối quan hệ với những cái khác và luôn chịu sự tác động qua lại từ bối cảnh xã hội, chính trị. Từ góc nhìn này, có thể hiểu rằng bản sắc văn hoá không bất biến, mà luôn vận động, thích nghi, tái cấu trúc để phù hợp với hoàn cảnh mới. Theo Hà Nam Khánh Giao và Huỳnh Diệp Trâm Anh (2018) bản sắc văn hoá của một dân tộc được hình thành từ hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần mang tính đặc trưng, được đúc kết qua thời gian và gắn liền với lịch sử phát triển lâu dài của cộng đồng. Những giá trị đó không chỉ phản ánh sinh động đời sống văn hoá trong quá khứ và hiện tại, mà còn thể hiện chiều sâu tư duy, lối sống, niềm tin và truyền thống đặc thù của dân tộc.
Qua tiến trình kế thừa và chuyển giao giữa các thế hệ, bản sắc văn hoá được lưu giữ như một phần không thể tách rời trong bản thể dân tộc, góp phần tạo nên sự thống nhất trong đa dạng và khẳng định căn tính văn hoá riêng biệt của cộng đồng người trong mối tương quan với các nền văn hoá khác. Theo Nguyễn Danh Nam và cộng sự (2024) phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hoá không chỉ tạo nên nét đặc trưng riêng cho hoạt động du lịch mà còn góp phần đa dạng hoá sản phẩm, thu hút du khách, khai thác hiệu quả tài nguyên văn hoá, đồng thời bảo tồn và phát huy tốt các giá trị truyền thống.
2.2. Du lịch sinh thái cộng đồng
Du lịch sinh thái cộng đồng là một hình thức du lịch bền vững dựa trên tài nguyên tự nhiên và văn hoá, trong đó cộng đồng địa phương đóng vai trò trung tâm trong việc quản lý, vận hành và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch. Theo The International Ecotourism Society (2015), du lịch sinh thái là hình thức du lịch có trách nhiệm đối với các khu vực tự nhiên, góp phần bảo tồn môi trường, duy trì phúc lợi cho người dân địa phương và tạo ra cơ hội học hỏi cho du khách.
Ở cấp độ cộng đồng, du lịch sinh thái không chỉ đơn thuần là bảo vệ thiên nhiên mà còn gắn liền với việc gìn giữ bản sắc văn hoá, phát triển kinh tế địa phương và nâng cao năng lực cho người dân bản địa. Giampiccoli và Saayman (2017) cho rằng du lịch sinh thái cộng đồng là quá trình trong đó cộng đồng không chỉ là người tham gia mà còn là chủ thể tổ chức, giám sát và đưa ra quyết định liên quan đến phát triển du lịch. Điều này đảm bảo lợi ích kinh tế được phân phối công bằng, đồng thời tăng cường khả năng kiểm soát nguồn lực văn hoá và môi trường của địa phương.
Theo Hausle và Strasdas (2009) du lịch sinh thái cộng đồng là mô hình du lịch do chính người dân địa phương tổ chức và điều hành, với lợi ích kinh tế được giữ lại và phân bổ cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế tại chỗ một cách hiệu quả. Trong khi đó, tổ chức Responsible Ecological Social Tours (1997) nhấn mạnh tính bền vững toàn diện của loại hình du lịch sinh thái cộng đồng với mục tiêu bảo vệ môi trường, tôn trọng bản sắc văn hóa và thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng vào mọi khâu tổ chức, từ quản lý đến tiếp đón du khách.
Một điểm đặc trưng nổi bật của du lịch sinh thái cộng đồng là hướng đến sự trao quyền cho cộng đồng địa phương không chỉ đơn thuần là tạo việc làm mà còn giúp họ có tiếng nói trong quá trình ra quyết định, từ đó tăng tính chủ động và nâng cao năng lực quản trị tài nguyên du lịch (Responsible Ecological Social Tours, 1997). Theo Trần Quốc Hùng (2019) du lịch sinh thái cộng đồng là quá trình tương tác giữa người dân bản địa và du khách thông qua việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ gắn với không gian văn hóa và sinh thái địa phương. Mục tiêu của loại hình này không chỉ là phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, hệ sinh thái nhân văn và nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng. Với du khách, du lịch sinh thái cộng đồng mang lại trải nghiệm chân thực, cơ hội học hỏi và giao lưu văn hóa sâu sắc.
Như vậy, có thể thấy du lịch sinh thái cộng đồng là sự giao thoa giữa ba yếu tố cốt lõi: môi trường, cộng đồng và du lịch, khi phát triển loại hình này một cách bài bản và bền vững sẽ góp phần giữ gìn di sản văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu tiến hành thu thập dữ liệu thứ cấp nhằm làm rõ cơ sở lý thuyết về du lịch sinh thái cộng đồng thông qua các sách chuyên khảo, giáo trình, luận văn, luận án, bài báo khoa học trong nước và quốc tế liên quan đến các chủ đề như bản sắc văn hoá dân tộc, du lịch sinh thái cộng đồng, phát triển bền vững, bảo tồn di sản văn hóa… được khai thác từ thư viện trường đại học, cơ sở dữ liệu khoa học và kho dữ liệu trực tuyến của các tổ chức quốc tế, như UNESCO, UNWTO… các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh Sơn La, văn bản pháp lý, nghị quyết, thông tư liên quan đến bảo tồn văn hoá và phát triển du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các báo cáo của Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La…
Ngoài ra, tác giả sử dụng phương pháp ghi nhận thực địa nhằm thu thập thông tin chân thực về đời sống văn hoá, hoạt động du lịch, mức độ tham gia của cộng đồng dân tộc Thái và những tác động qua lại giữa bảo tồn văn hoá với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại các bản làng trên địa bàn tỉnh Sơn La. Nội dung tập trung vào thu thập thông tin chân thực về đời sống văn hóa, hoạt động du lịch, mức độ tham gia của cộng đồng dân tộc Thái (không gian kiến trúc, trang phục, sinh hoạt cộng đồng, mô hình du lịch…) và những tác động qua lại giữa bảo tồn văn hoá với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại các bản làng trên địa bàn tỉnh Sơn La.
4. Bản sắc văn hoá dân tộc Thái tại tỉnh Sơn La
Dân tộc Thái là một trong những cộng đồng cư dân đông đảo và giàu bản sắc tại khu vực Tây Bắc, điển hình về sự phong phú trong đời sống văn hóa truyền thống. Với hệ thống lễ hội đa dạng, kiến trúc nhà sàn đặc trưng, điệu xòe mang tính biểu tượng, nghệ thuật ẩm thực độc đáo và đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm truyền thống, người Thái đã tạo dựng nên một không gian văn hóa mang đậm tính biểu trưng và giàu giá trị nhân văn. Những giá trị này không chỉ có ý nghĩa đối với đời sống cộng đồng, mà còn là tài nguyên quý báu để phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái, loại hình du lịch đang được khuyến khích phát triển theo định hướng bền vững và có trách nhiệm.
Tại tỉnh Sơn La, nơi có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống, sở hữu một không gian văn hóa phong phú, hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với văn hóa bản địa. Trong những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã có những bước chuyển tích cực trong khai thác tiềm năng này, thông qua việc xây dựng các điểm du lịch cộng đồng tại các bản làng người Thái, như: bản Áng (Mộc Châu), bản Hua Tát, bản Bon (Mai Sơn), bản Mòn (Quỳnh Nhai)…
Dân tộc Thái là một trong những cộng đồng cư dân có lịch sử lâu đời và dân số đông thứ hai trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Bản sắc văn hóa dân tộc Thái tại Sơn La thể hiện rõ nét qua cả hai phương diện: văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, tạo nên một hệ thống biểu đạt đa dạng, mang tính biểu tượng cao và có khả năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
(1) Bản làng, nhà ở
Các bản làng người Thái thường được hình thành dọc theo triền núi, bên bờ suối hoặc thung lũng những nơi có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Bản làng được quy hoạch tự nhiên nhưng mang tính cộng đồng cao, các ngôi nhà san sát nhưng vẫn giữ khoảng cách hài hòa, thể hiện tính gắn bó giữa các hộ gia đình và đồng thời bảo đảm sự thông thoáng, gắn kết với thiên nhiên. Nhà ở truyền thống của người Thái là nhà sàn, biểu tượng kiến trúc đặc trưng có giá trị văn hóa, lịch sử và sinh thái sâu sắc.
Nhà sàn thường được làm bằng gỗ, lợp mái lá cọ hoặc ngói, sàn nhà được nâng cao khỏi mặt đất từ 1,5 – 2 mét, được dựng theo những quy định chặt chẽ. Nhà sàn của người Thái Đen thường là 3 – 5 gian, cột chôn, hình khum mai rùa, hai đầu nóc hồi được trang trí khau cút là hai tấm ván đóng chéo nhau hình chữ X trên đòn nóc, những gia đình quý tộc xưa còn làm thêm bông sen cách điệu ở giao điểm hai tấm ván và tám hình trăng khuyết hướng vào nhau so le trên khau cút. Nơi thờ tổ tiên của người Thái đen chỉ có chủ nhà và thầy mo mới được phép vào, còn những người khác kể cả con dâu cũng không được đến. Nhà sàn của người Thái trắng có hai mái phẳng, có góc giao tuyến rõ rệt, có các lan can bằng gỗ ở phía trước hoặc bao quanh nhà. Một điều rất dễ phân biệt nhà sàn của người Thái Trắng là ngoài mái phẳng còn ở hai đầu hồi không có khau cút. Khác với người Thái Đen, nơi thờ tổ tiên của người Thái Trắng ai cũng có thể ra vào. Trong nhà sàn của người Thái, cầu thang dành riêng cho nam giới gọi là tang quản ở đầu nhà, thường có 7 bậc ứng với 7 vía. Còn cầu thang ở cuối nhà, bên trái dành cho phụ nữ, gọi là tang chan.
(2) Trang phục
Trang phục nữ Thái chia làm 2 loại phân biệt khá rõ là Thái Trắng (Táy khao) và Thái Đen (Táy đăm). Trang phục nữ giới Thái nổi bật với áo cóm, loại áo bó sát thân trên, cổ tròn, cài khuy bạc hình bướm hoặc hoa từ trên xuống dưới, kết hợp cùng váy dài đen được dệt thủ công kèm với thắt lưng lụa hoặc vải màu, đầu đội thêm khăn piêu thêu hoa văn cầu kỳ. Chiếc khăn piêu không chỉ là vật trang trí mà còn mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa sâu sắc, là biểu tượng của người phụ nữ Thái biết yêu thương, đảm đang và khéo léo. Nam giới thường mặc áo chàm, quần ống đứng, đơn giản nhưng thuận tiện cho lao động và sinh hoạt hàng ngày. Trang phục của cả nam và nữ đều được làm thủ công từ vải bông dệt tay, nhuộm chàm tự nhiên hoặc thêu hoa văn truyền thống bằng tay thể hiện sự gắn bó với thiên nhiên và óc sáng tạo nghệ thuật tinh tế.
(3) Ẩm thực
Các món ăn của dân tộc Thái không quá cầu kì nhưng mang đậm bản sắc tộc người, luôn để lại ấn tượng khó quên cho du khách. Người Thái có thói quen sử dụng nguyên liệu tự nhiên sẵn có trong rừng, suối, nương rẫy như cá suối, măng rừng, rau dại, các loại lá thuốc, gạo nếp… để chế biến những món ăn mang đậm hương vị núi rừng, gắn với tri thức bản địa quý giá, như: măng chua, nộm hoa ban, rêu nướng, canh bon, thịt gác bếp, cơm lam… Điểm đặc sắc trong ẩm thực Thái là cách dùng gia vị truyền thống như mắc khén, hạt dổi những loại gia vị đặc trưng của vùng Tây Bắc, tạo nên hương thơm nồng ấm và vị cay nhẹ, sự cân bằng và hài hòa trong bữa ăn được thể hiện qua việc kết hợp vị chua, cay, mặn, ngọt và giữa các món khô, nước, nóng, lạnh.
(4) Văn nghệ
Người Thái có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng. Về dân ca, có làn điệu Khắp. Về dân vũ của người Thái thì nổi tiếng nhất là múa xòe đã trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc Thái và được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2021. Xòe không chỉ là điệu múa mà còn là một nghi thức gắn kết cộng đồng – nơi mọi người cùng nắm tay, cùng xoay vòng, thể hiện tinh thần đoàn kết, vui tươi, hòa đồng. Các điệu xòe cổ tiêu biểu, như: xòe vòng, xòe tiến lùi, xòe nâng khăn, xòe nhún… thường xuất hiện trong các lễ hội, cưới hỏi hoặc sự kiện chào đón khách quý.
Theo truyền thống của dân tộc Thái vào những ngày lễ, tết, ngày vui của dòng họ, gia đình, nhất là nhà đón khách quý… vòng xòe thường được tổ chức như một nghi lễ dân gian để đón mừng, bên ánh lửa bập bùng, tay trong tay tình cảm, thể hiện nét đẹp truyền thống nhân văn sâu sắc. Vòng xòe có thể có số lượng lớn người tham gia, có những vòng đại xòe với số lượng đông tới hàng trăm người và vô cùng sôi động. Về nhạc có các loại sáo (pí), nhị (xi xo), đàn môi (hưn mư), đặc biệt là khèn bè (khen pe). Ngoài ra, còn có nhạc khua loỏng (quánh loòng), dùng những chiếc chày giã gạo xếp thành đôi diễn tấu thành những giai điệu khác nhau.
Qua thực tiễn bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Thái cho thấy, việc kết nối giữa bảo tồn văn hóa truyền thống và phát triển du lịch tại nhiều nơi trong cộng đồng dân tộc Thái vẫn còn thiếu chiều sâu, manh mún, mang tính tự phát, chưa tạo ra được bản sắc riêng biệt để nâng cao sức hút điểm đến với địa phương. Bên cạnh đó, một số nét văn hóa truyền thống đang dần bị thương mại hóa hoặc biến đổi theo chiều hướng mất gốc, làm mai một bản sắc dân tộc Thái dưới tác động của kinh tế thị trường và nhu cầu phát triển ngắn hạn. Do đó, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại Tỉnh Sơn La là vấn đề vô cùng cấp thiết, là cơ sở xác định các nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng mô hình phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa bản địa, vừa giúp bảo vệ di sản quý giá của dân tộc Thái, nâng cao đời sống kinh tế – xã hội của cộng đồng dân cư, hướng đến phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Sơn La trong giai đoạn mới.
5. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch sinh thái động đồng tại tỉnh Sơn La
Một là, tăng cường vai trò quản lý nhà nước và hoàn thiện cơ chế chính sách. Để du lịch sinh thái cộng đồng phát triển hiệu quả, bền vững và gắn chặt với việc bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc Thái, cần nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa – du lịch. Chính quyền các cấp cần ban hành và thực thi đồng bộ các chính sách, quy định pháp luật phù hợp, đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền và kiểm tra việc thực hiện tại cơ sở.
Các cơ quan chuyên trách về văn hóa – du lịch có trách nhiệm phối hợp liên ngành để tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp những giải pháp cụ thể trong quản lý, quy hoạch và khai thác hiệu quả các tuyến, điểm du lịch; kiểm soát hoạt động kinh doanh lưu trú, lữ hành, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật, thể thao một cách bài bản, có định hướng và đúng pháp luật. Song song đó, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, đặc biệt là ứng dụng nền tảng số, mạng xã hội và truyền thông trực tuyến, nhằm lan tỏa thông điệp giá trị cốt lõi của du lịch cộng đồng và sản phẩm văn hóa dân tộc Thái đến du khách trong và ngoài nước.
Hai là, bảo đảm phân chia lợi ích hợp lý giữa cộng đồng và các bên liên quan. Một trong những điều kiện tiên quyết để du lịch sinh thái cộng đồng phát triển bền vững là bảo đảm hài hòa lợi ích giữa cộng đồng dân cư địa phương và các nhà đầu tư (doanh nghiệp, cá nhân). Chính quyền cần đóng vai trò trung gian điều tiết, xây dựng cơ chế phân phối lợi ích công bằng, minh bạch, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư có trách nhiệm với cộng đồng. Mối quan hệ hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp nên được xây dựng trên nguyên tắc đồng thuận, cùng có lợi. Doanh nghiệp có thể tham gia đào tạo nghề du lịch cho người dân theo nhu cầu thực tế, đồng thời hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch do người dân làm chủ, thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của cộng đồng địa phương.
Ba là, khuyến khích sự tham gia rộng rãi của người dân vào hoạt động du lịch. Cộng đồng chính là chủ thể quan trọng trong phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Do đó, cần tạo điều kiện và khuyến khích các hộ gia đình, đặc biệt là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, tham gia vào chuỗi giá trị du lịch thông qua việc cung cấp dịch vụ lưu trú, ẩm thực, hướng dẫn trải nghiệm, trình diễn văn hóa… Việc gia tăng tỷ lệ hộ tham gia sẽ giúp đa dạng hóa dịch vụ, tăng năng lực phục vụ và tạo sự yên tâm cho du khách, nhất là với các đoàn đông người. Đồng thời, cần tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng làm du lịch cho người dân, bao gồm giao tiếp, phục vụ, bảo vệ môi trường, quảng bá sản phẩm và quản lý dịch vụ cơ bản.
Bốn là, thu hút đầu tư và phát huy vai trò của doanh nghiệp. Địa phương cần có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như nhà nghỉ, nhà hàng, quán cà phê, phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường (xe điện, xe đạp điện…). Các chính sách hỗ trợ nên bao gồm: giảm thuế đất, ưu đãi thuế doanh nghiệp trong thời gian đầu hoạt động, hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi và đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, cần xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân theo hướng cùng phát triển – trong đó doanh nghiệp giữ vai trò định hướng, hỗ trợ kỹ thuật và tiếp thị, còn người dân là người trực tiếp cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch giàu tính bản địa.
Năm là, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hoá bản địa. Việc xây dựng sản phẩm du lịch phải dựa trên thế mạnh về văn hóa và sinh thái của cộng đồng dân tộc Thái. Cần phát triển các loại hình du lịch sáng tạo như: du lịch đi bộ khám phá, du lịch trải nghiệm lễ hội, du lịch học nghề thủ công, du lịch ẩm thực, du lịch thể thao mạo hiểm kết hợp khám phá thiên nhiên,… Đồng thời, đẩy mạnh khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống (như dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác trang sức…) kết hợp với xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm thủ công, quà lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Thái cho du khách. Đây không chỉ là hoạt động kinh tế, mà còn góp phần bảo tồn tri thức dân gian và tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Sáu là, gắn bảo tồn văn hoá với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng cần được định hướng theo nguyên tắc bền vững trong đó việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phải song hành với bảo vệ môi trường tự nhiên và hệ sinh thái địa phương. Chính quyền cần hướng dẫn cộng đồng duy trì, tái tạo và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, xây dựng quy chế vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, xử lý rác thải, nước thải và ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy định cụ thể về quản lý giá dịch vụ, tổ chức các hoạt động văn hoá du lịch đúng chuẩn mực, góp phần duy trì hình ảnh điểm đến thân thiện, văn minh và trách nhiệm với môi trường.
6. Kết luận
Để bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời phát triển du lịch sinh thái cộng đồng thành điểm đến hấp dẫn, có bản sắc riêng trong xã hội đương đại, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều chủ thể. Bản sắc văn hóa không chỉ là tài sản tinh thần quý báu của cộng đồng dân tộc Thái tại tỉnh Sơn La mà còn là nguồn lực thiết yếu góp phần tạo dựng sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Do đó, quá trình bảo tồn và phát triển cần được đặt trong một tầm nhìn toàn diện, với sự tham gia định hướng, hỗ trợ và đầu tư từ nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các bên liên quan khác. Mỗi chủ thể trong hệ sinh thái du lịch – văn hóa đều có vai trò thiết yếu trong việc gìn giữ di sản, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xây dựng môi trường du lịch bền vững. Chính sự đồng hành và hợp tác này sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng trong một hệ sinh thái nhân văn ổn định, trách nhiệm và bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1. Giampiccoli, A. & Saayman, M (2017). Community-based tourism, responsible tourism, and infrastructure development: The case of the amaMpondo community. African Journal of Hospitality, Tourism and Leisure, 6 (3), 1-13.
2. Hà Nam Khánh Giao và Huỳnh Diệp Trâm Anh (2018). Bản sắc văn hóa vùng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam thời kỳ hội nhập. Hội thảo Thực trạng và tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam thời kỳ đổi mới.
3. Hall, S. (1990). Cultural identity and diaspora. In J. Rutherford (Ed.). Identity: Community, culture, difference (pp. 222 – 237). London: Lawrence & Wishart.
4. Hausle, N. & Strasdas, W (2009). Community-based ecotourism: A development option in rural areas. Eberswalde University for Sustainable Development.
5. Nguyễn Danh Nam, Đỗ Thị Tuệ Minh và Nguyễn Minh Ngọc (2024). Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bản sắc văn hoá dân tộc vùng Tây Bắc tại tỉnh Sơn La. Tạp chí Khoa học & Công nghệ Trường Đại học Hoà Bình, 13, 14-25.
6. Responsible Ecological Social Tours (1997). Definition of community-based ecotourism. Retrieved from https://www.responsibletravel.org
7. The International Ecotourism Society. (2015). What is ecotourism? Retrieved from https://ecotourism.org/what-is-ecotourism/
8. Trần Quốc Hùng (2019). Du lịch sinh thái cộng đồng: Cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển tại Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Du lịch(30), 35 – 42.
9. UNESCO (2002). Universal Declaration on Cultural Diversity. Paris: United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization.