(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 15/4/2025, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp với các đối tác tổ chức Lễ công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh Việt Nam (PAPI) năm 2024 với nhiều kết quả đáng quan tâm. PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh dự và phát biểu khai mạc tại buổi lễ.

Thay mặt cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS. Dương Trung Ý chúc mừng Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), đội ngũ các chuyên gia của nhiều đơn vị liên quan cùng sự phối hợp của các nhà hoạt động thực tiễn, các tỉnh, thành trong cả nước đã hoàn thành các hoạt động điều tra, phân tích số liệu và xây dựng báo cáo cho năm 2024.
Trong những năm qua, Chỉ số PAPI đã đóng vai trò quan trọng, là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc đo lường hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công ở cấp địa phương, đồng thời, cung cấp dẫn chứng cho công tác hoạch định và giám sát thực thi chính sách của các cấp chính quyền ở Việt Nam. Kết quả điều tra của PAPI là nguồn dữ liệu, thông tin rất bổ ích để chính quyền rà soát hiệu quả hoạt động của bộ máy, chất lượng các dịch vụ công, từ đó xây dựng chính sách và kế hoạch hành động nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của mình.
PAPI đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, hướng tới đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu chính đáng của người dân, nâng cao sự hài lòng của người dân, phục vụ phát triển bền vững đất nước, đây có thể coi là thành quả nổi bật của PAPI. Là đối tác chiến lược của UNDP, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh rất vui mừng đã đóng góp một phần vào thành công đó thông qua nhiều dự án hợp tác giữa hai bên suốt những năm qua.

Năm 2024, đánh dấu một giai đoạn phục hồi và tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế Việt Nam sau những biến động toàn cầu do đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị thế giới. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành chủ động, linh họat của Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của toàn dân, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Năm 2025 đã đi qua được ¼ chặng đường với nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới nhưng Việt Nam vẫn đang quyết tâm thực hiện tầm nhìn phát triển của mình trong Kỷ nguyên mới. Đảng và Nhà nước Việt Nam đang thực hiện một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị “tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả” theo tinh thần định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm. Cuộc cải cách bộ máy lần này là cuộc cách mạng mang dấu ấn lịch sử nhằm khắc phục điểm nghẽn của điểm nghẽn, đó là thế chế phát triển đã được Đảng chỉ ra, đó là bỏ cấp huyện, loại bỏ các khâu trung gian, chồng lấn, hướng tới một chính quyền gần người dân hơn, phục vụ tốt hơn. Với mục tiêu đưa Việt Nam phát triển bứt phá, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, cuộc cải cách lần này sẽ làm thay đổi căn bản cấu trúc và phương thức hoạt động của các cấp chính quyền. Thời gian tới, PAPI với vai trò là một tấm gương phản chiếu hoạt động của chính quyền sẽ cần được nghiên cứu, thay đổi, bổ sung nội dung tiêu chí và cách thức điều tra cho phù hợp với bối cảnh mới.

Tích cực triển khai các hoạt động hợp tác trong 16 năm qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đối tác chiến lược của UNDP khẳng định, luôn ủng hộ và sẵn sàng đồng hành, phối hợp chặt chẽ với UNDP, các cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu, đổi mới PAPI trong thời gian tới; tiếp tục cùng UNDP triển khai một số nghiên cứu chuyên sâu, cung cấp các khuyến nghị và tư vấn chính sách phù hợp, khả thi cho các địa phương cũng như truyền tải kết quả PAPI hằng năm đến với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, đóng góp tích cực cho sự phát triển, đưa đất nước Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới.
Tổng hợp ý kiến đóng góp của 18.894 người dân tại 61 tỉnh, thành phố, báo cáo PAPI năm 2024 đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công, tìm ra những điểm sáng để các địa phương học hỏi; đồng thời, chỉ ra những lĩnh vực cần cải thiện. Với hơn 120 tiêu chí đo lường, Chỉ số PAPI cung cấp dữ liệu và dẫn chứng phản ánh ý kiến của người dân về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấptrong 8 lĩnh vực nội dung: (1) Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; (2) Công khai, minh bạch trong việcra quyết định ở địa phương; (3) Trách nhiệm giải trình với người dân, (4) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; (5) Thủ tục hành chính công; (6) Cung ứng dịch vụ công; (7) Quản trị môi trường; (8) Quản trị điện tử.

Báo cáo Chỉ số PAPI 2024 được công bố cho thấy, chính quyền các cấp trong năm 2024 đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ ở một số lĩnh vực trong công tác quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công cho người dân. Dựa trên những “con số biết nói”, các cấp, các ngành tiếp tục điều chỉnh hoặc xây dựng kế hoạch hành động nhằm củng cố chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của người dân.
Quản Anh