PGS.TS. Tạ Thị Thanh Tâm
Phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công tại TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước là xu thế chung, tạo nền tảng xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số. Trong thời gian qua, hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia đã bắt đầu mang lại những kết quả tích cực trong công tác chỉ đạo và điều hành, tuy nhiên, hệ thống này vẫn đang còn một số tồn tại. Bài viết chỉ ra những hạn chế trong xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu của các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay, từ đó, đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Từ khóa: Thông tin; dữ liệu; chỉ đạo; cơ quan hành chính nhà nước; điều hành.
1. Đặt vấn đề
Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành trong nhiều lĩnh vực. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Xây dựng Chiến lược chuyển đổi số quốc gia…; đẩy mạnh phát triển khoa học phân tích, quản lý và xử lý dữ liệu lớn nhằm tạo ra các sản phẩm, tri thức mới. Tạo mọi điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, thuận lợi, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số…”1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khẳng định “Xây dựng cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền, tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu thập, quản lý dữ liệu và giao dịch trên nền tảng internet ở các cơ quan nhà nước”2.
Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển dữ liệu phục vụ Chính phủ số “các cơ sở dữ liệu quốc gia trong danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử hoàn thành việc số hóa, cập nhật và đưa vào sử dụng hiệu quả trên phạm vi toàn quốc. Các cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương (ngoại trừ các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ đặc thù) có nhu cầu kết nối, khai thác, tích hợp, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc nhu cầu kết nối, chia sẻ thông tin với nhau”3.
Do vậy, để hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nước đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội cần phải xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu đồng bộ, thống nhất, bảo đảm mức độ an ninh, an toàn hệ thống.
2. Khái lược về hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước
Điều 3 Luật Giao dịch điện tử năm 2023 quy định: “Dữ liệu là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự khác”. Trong đó, dữ liệu điện tử là dữ liệu được tạo ra, xử lý, lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Cơ sở dữ liệu là tập hợp các dữ liệu điện tử được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, chia sẻ, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử4.
Theo Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016: “Thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra”5.
Hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của cơ quan là tập hợp tất cả các dữ liệu (phần cứng, phần mềm) đã được xử lý, mã hóa, sắp xếp nhằm giúp cho các nhà quản lý đưa ra các quyết định tốt hơn trong một môi trường cụ thể6.
Trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, thông tin, dữ liệu gồm có: (1) Thông tin, dữ liệu sơ cấp: là những thông tin có được do thu thập, khảo sát, điều tra, quan sát thực tế ở dạng thô, chưa được xử lý; (2) Thông tin, dữ liệu thứ cấp: là những thông tin đã qua xử lý, phân tích, tổng hợp; (3) Thông tin, dữ liệu quản lý: được thể hiện dưới dạng các quyết định quản lý, chính sách, kế hoạch…7.
Thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành phải gắn liền với các quyết định quản lý được ban hành và mục tiêu quản lý. Ngoài ra, để phục vụ hiệu quả cho việc ban hành các quyết định quản lý, nhìn chung, thông tin, dữ liệu phải được cập nhật thường xuyên, bảo đảm tính xác thực, khả năng sẵn có và có thể dễ dàng tiếp cận. Các cá nhân, tổ chức tạo ra hoặc thu thập thông tin có liên quan phải có trách nhiệm chia sẻ và làm cho thông tin có thể truy cập được đối với các tập thể, cá nhân khác, bảo đảm tính liên thông, tích hợp, thuận tiện cho việc sử dụng.
Hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan, tổ chức nói chung, cơ quan hành chính nhà nước nói riêng được xem như tài sản của cơ quan, giúp lãnh đạo, quản lý ban hành cácquyết định phù hợp, đánh giá chính xác thực trạng các hoạt động của cơ quan.
3. Thực trạng việc xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước
Với mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, Việt Nam đã và đang xây dựng 7 cơ sở dữ liệu quốc gia, bao gồm:
(1) Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: đã lưu thông tin của khoảng 99 triệu nhân khẩu, đạt trên 99% dân số Việt Nam; kết nối với 15 bộ, ngành; 63/63 địa phương; 4 doanh nghiệp;
(2) Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: đã kết nối được với 13 bộ, ngành và 63/63 địa phương với khoảng 41 triệu giao dịch; lưu trữ dữ liệu của hơn 1,6 triệu doanh nghiệp và hơn 200.000 đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; lưu trữ thông tin đăng ký của khoảng 2,4 triệu hộ kinh doanh;
(3) Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm: đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 9 bộ, ngành và quản lý khoảng 32 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm, hơn 93,7 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó khoảng 84,7 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 96% tổng số người tham gia. Đồng thời, hơn 132 triệu lượt bản ghi thông tin hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
(4) Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc: đã hoàn thành triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố với hơn 50.000 người dùng;
(5) Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia: đã xây dựng và đưa vào quản lý, vận hành và khai thác sử dụng được 4 khối dữ liệu đất đai do trung ương quản lý, bao gồm: cơ sở dữ liệu về thống kê, kiểm kê đất đai; điều tra, đánh giá đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất;
(6) Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính: đã xây dựng và hoàn thiện 13 cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính;
(7) Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức: đã đồng bộ dữ liệu với 96 đơn vị, bao gồm các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương8.
Chính phủ đã xây dựng 21 chuyên mục thông tin, dữ liệu về chỉ tiêu thống kê quốc gia. Xây dựng và cung cấp các ấn phẩm infographic về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; sự thay đổi trong quản lý, điều hành; thông tin thống kê của các bộ, ngành, địa phương… Thực hiện kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu trực tuyến với 80 đơn vị, bao gồm các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp…
Các bộ, ngành đã tiến hành xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, như: Bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Bộ Tài chính triển khai hệ thống thông tin về ngân sách; Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài…
Các địa phương đã tiến hành xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành gắn liền với đặc thù của địa phương, như: TP. Hồ Chí Minh xây dựng hệ thống chỉ số theo dõi các mục tiêu kinh tế – xã hội; Thái Nguyên triển khai bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành về tài chính; hầu hết các cơ quan hành chính ở các địa phương đều đã triển khai các nền tảng thông tin, dữ liệu trên cổng thông tin điện tử hoặc các ứng dụng phần mềm trên điện thoại.
Để hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau là cần thiết. Chính phủ đã xây dựng Khung bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành gồm ba cấp: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bộ, ngành; địa phương cho phép kết nối, chia sẻ và quản lý thông tin, dữ liệu dùng chung, bao gồm: quản lý nguồn thông tin, dữ liệu; quản lý lưu trữ thông tin, dữ liệu; quản lý vòng đời thông tin, dữ liệu; quản lý truy cập thông tin, dữ liệu; phân tích dữ liệu; an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu.
Nhìn chung, việc xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước tại Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, song công tác này vẫn còn một số hạn chế.
Thứ nhất, hệ thống thể chế, chính sách còn thiếu, chưa đồng bộ. Hiện nay, Luật Dữ liệu năm 2024 đã được ban hành, quy định cụ thể về dữ liệu số; xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu số; trung tâm dữ liệu quốc gia; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu số; quản lý nhà nước về dữ liệu số; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu số. Tuy nhiên, hành lang pháp lý quy định về việc điều chỉnh các hoạt động thu thập thông tin từ truyền thống sang môi trường điện tử cùng với những thay đổi, phát triển của công nghệ mới chưa đầy đủ, đặc biệt là thiếu các định mức đơn giá trong xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu.
Điều 21 Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền riêng tư của cá nhân là bất khả xâm phạm, trong đó có quyền bảo vệ bí mật cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, chưa có văn bản luật nào quy định cụ thể về vấn đề này.
Thứ hai, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển công nghệ còn hạn chế. Đầu tư khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là một nội dung đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan hành chính nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện nay, với sự hạn chế về nguồn lực tài chính nên mức đầu tư vào khoa học – công nghệ tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng hơn 0,6% GDP, thấp hơn 4 lần so với mức trung bình thế giới, dẫn đến hạ tầng công nghệ thông tin tại Việt Nam còn phân tán, các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa hiệu quả9.
Thứ ba, sự phối hợp giữa các bên liên quan trong xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu chưa chặt chẽ. Để xây dựng được hệ thống thông tin, dữ liệu đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong việc thu thập, cung cấp, chia sẻ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đơn vị chưa thực hiện cơ chế này, vẫn còn tình trạng phân tán trong việc lưu trữ dữ liệu, chưa tích hợp thành một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất. Chất lượng các thông tin trao đổi trong hoạt động chỉ đạo, điều hành không hiệu quả do có sự khác biệt, không thống nhất về lượng thông tin trong các bản ghi. Điều này gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng báo cáo và công tác phổ biến, chia sẻ thông tin thống kê10.
Thứ tư, thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Theo Báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam (TopDev), đến năm 2025, ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam dự kiến cần đến 700.000 nhân sự. Tuy nhiên, con số thực tế đáp ứng được chỉ đạt khoảng 530.000 người, điều này cho thấy, ngành công nghệ thông tin đang thiếu hụt một lượng lớn lao động lành nghề. Nguyên nhân của sự thiếu hụt này chủ yếu do trình độ của lập trình viên và yêu cầu cơ quan, tổ chức đặt ra vẫn chưa thực sự cân bằng với nhau. Trong số hơn 57.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm chỉ có khoảng 30% lực lượng nhân sự đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn yêu cầu thực tế mà cơ quan, tổ chức đặt ra, 70% còn lại cần được bố trí đào tạo thêm tại cơ quan, tổ chức trong 3 – 6 tháng để đạt hiệu quả công việc tương ứng11.
Thứ năm, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đầy đủ. Mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đồng đều; xây dựng quá nhiều phần mềm, thông tin nhưng chưa kết nối, chia sẻ lẫn nhau; việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu còn nhiều bất cập do thiếu sự chuẩn hóa, theo dõi, kiểm soát, quản lý chất lượng về thông tin, dữ liệu. Nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo giữa các bộ, ngành, địa phương12.
Thứ sáu, mức độ bảo đảm an toàn thông tin còn thấp. Theo thống kê của Cục An toàn Thông tin, trong 3 tháng đầu năm 2024, qua phân tích hơn 150 triệu cảnh báo về các nguy cơ bảo mật trên không gian mạng Việt Nam được ghi nhận từ hệ thống kỹ thuật, Cục An toàn Thông tin đã xác định có hơn 300.000 nguy cơ tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin quản lý trên toàn quốc. Hệ thống của Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia – NCSC đã ghi nhận hơn 13.000 sự kiện an toàn thông tin liên quan đến tấn công mã hóa tống tiền (Ransomware) trên các hệ thống thông tin13.
Hầu hết các cơ quan đã triển khai một số biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, tuy nhiên, sự đầu tư, triển khai chưa tương xứng với quy mô hệ thống của đơn vị. Trong xu thế chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, dữ liệu trên hệ thống gia tăng mạnh, nguy cơ tấn công mạng, đặc biệt là tấn công mã hóa dữ liệu sẽ gia tăng mức độ. Bên cạnh đó, một số đơn vị thực hiện thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin bên ngoài mang nhiều tiềm ẩn rủi ro về an ninh, an toàn thông tin do bị phụ thuộc vào cách thức vận hành của các doanh nghiệp. Đồng thời, việc không thường xuyên kiểm tra, bảo trì, nâng cấp hệ thống thông tin, dữ liệu tạo ra nhiều lỗ hổng trong bảo mật.
4. Một số giải pháp
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu. Nhằm xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước một cách hiệu quả, cần hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách liên quan đến thu thập, phân tích xử lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, trách nhiệm, an toàn thông tin… Để tránh tình trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân xảy ra khá phổ biến trên môi trường mạng mà chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật, cần xây dựng hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và các văn bản hướng dẫn, trong đó cần có các chế tài chặt chẽ, nghiêm khắc, đủ mạnh, đủ sức răn đe để xử phạt hành chính và hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được nhiều quốc gia trên thế giới ban hành.
Hai là, huy động được nguồn lực xã hội cho xây dựng và phát triển dữ liệu quốc gia. Dữ liệu quốc gia sẽ là tiền đề để thúc đẩy phát triển và đẩy mạnh khai thác các cơ sở dữ liệu cho phát triển kinh tế – xã hội. Với tầm quan trọng đó, việc xây dựng và phát triển dữ liệu quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước mà còn là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội. Nhà nước cần có cơ chế để thu hút, tạo điều kiện, khuyến khích, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đầu tư, phát triển trong lĩnh vực dữ liệu; xây dựng, làm giàu dữ liệu, xử lý, lưu trữ dữ liệu.
Bên cạnh đó, cần sớm hình thành và phát triển mô hình dịch vụ sàn dữ liệu được tổ chức, cung cấp bởi các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp nhà nước được cấp phép thành lập và đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ nhằm cung ứng dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số.
Ngoài ra, có thể tăng cường, phát triển hợp tác quốc tế về dữ liệu thông qua trao đổi dữ liệu xuyên quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, tham gia xây dựng các tiêu chuẩn, quy tắc quốc tế về dữ liệu…
Ba là, phát triển nguồn nhân lực làm công tác về dữ liệu. Trước hết, tập trung nâng cao năng lực, trình độ của người làm công tác về dữ liệu thông qua đào tạo, bồi dưỡng. Nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học có chuyên ngành công nghệ thông tin. Đồng thời, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả chính sách sử dụng, phát triển nhân lực công nghệ thông tin thông qua cơ chế ưu đãi, chế độ đặc thù nhằm thu hút các chuyên gia công nghệ giỏi; áp dụng mức lương, phụ cấp hợp lý đối với đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin. Thu hút nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao từ nước ngoài để xây dựng và phát triển dữ liệu địa phương, dữ liệu quốc gia thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí và tạo thuận lợi về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, visa, giấy phép lao động.
Bốn là, tăng cường bảo mật hệ thống thông tin, dữ liệu. Định kỳ thực hiện sao lưu dữ liệu ngoại tuyến “offline”, bảo đảm dữ liệu sao lưu offline phải được tách biệt hoàn toàn, không kết nối mạng, cô lập để phòng chống các cuộc tấn công bằng mã độc. Triển khai các phương án dự phòng, sẵn sàng hồi phục nhanh hệ thống thông tin, dữ liệu khi gặp sự cố. Thực hiện giám sát an toàn thông tin để ngăn ngừa và phát hiện kịp thời các nguy cơ bị tấn công ở 3 giai đoạn, gồm: xâm nhập vào hệ thống; nằm gián điệp trong hệ thống và khởi tạo quá trình phá hoại hệ thống. Triển khai ứng dụng các phần mềm chống mã độc AV, EDR. Tăng cường giám sát, quản lý các tài khoản quan trọng, tài khoản quản trị, tài khoản truy cập vào hệ thống thông tin. Áp dụng đồng bộ xác thực 2 lớp đối với tất cả các tài khoản.
5. Kết luận
Xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu có ý nghĩa quan trọng không chỉ phục vụ chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính nhà nước mà còn là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống thông tin, dữ liệu của Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nên còn tồn tại một số vấn đề liên quan đến thể chế, nguồn lực tài chính chính, hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực công nghệ thông tin vận hành hệ thống và tính bảo mật. Nếu các giải pháp được thực hiện một cách đồng bộ sẽ góp phần hoàn thiện việc xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính nhà nước.
Chú thích:
1. Bộ Chính trị (2018). Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
3. Thủ tướng Chính phủ (2024). Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 về phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030.
4. Quốc hội (2023). Luật Giao dịch điện tử năm 2023.
5. Quốc hội (2016). Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
6, 7. Học viện Hành chính Quốc gia (2023). Tài liệu bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương. H. NXB. Bách khoa Hà Nội.
8. Xu hướng chuyển đổi số nền kinh tế nước ta hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/06/xu-huong-chuyen-doi-so-nen-kinh-te-nuoc-ta-hien-nay/
9. Vướng mắc nào trong đầu tư nguồn lực cho khoa học – công nghệ? https://vtv.vn/xa-hoi/vuong-mac-nao-trong-dau-tu-nguon-luc-cho-khoa-hoc-cong-nghe-
10. Phối hợp, chia sẻ dữ liệu hành chính trong hoạt động thống kê nhà nước.https://consosukien.vn/phoi-hop-chia-se-du-lieu-hanh-chinh-trong-hoat-dong-thong-ke-nha-nuoc.htm
11. Vì sao Việt Nam vẫn thiếu hụt hàng trăm ngàn nhân lực công nghệ thông tin?https://thanhnien.vn/vi-sao-viet-nam-van-thieu-hut-hang-tram-ngan-nhan-luc-cong-nghe-thong-tin-185230914155828013.htm
12. Thông tin, dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. https://consosukien.vn/thong-tin-du-lieu-phuc-vu-cong-tac-chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-cac-bo-nganh-.htm
13. Đảm bảo về an toàn thông tin cần được các đơn vị tiến hành thường xuyên, liên tục. https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/dam-bao-ve-an-toan-thong-tin-can-duoc-cac-don-vi-tien-hanh-thuong-xuyen-lien-tuc-771944
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2023). Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
2. Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013.
3. Quốc hội (2024). Luật Dữ liệu năm 2024.