Một số giải pháp chuyển đổi số trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Kỹ thuật quân sự

TS. Nguyễn Đình Nguyên
ThS. Vũ Đức Bộ
Học viện Kỹ thuật quân sự

(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số đã trở thành xu thế và ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có công tác giáo dục và đào tạo, giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn. Từ việc luận giải về quan niệm chuyển đổi số trong giảng dạy, bài viết đề xuất một số giải pháp chuyển đổi số trong giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Kỹ thuật quân sự hiện nay. 

Từ khóa: Chuyển đổi số; khoa học xã hội và nhân văn; giải pháp; Học viện Kỹ thuật quân sự.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, trước sự phát triển của khoa học – công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo có vai trò hết sức quan trọng. Trước hết, tạo môi trường dạy và học linh hoạt, thích ứng với những biến đổi của thực tiễn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy, học đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp giảng viên và học viên phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động trong các hoạt động. 

Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giúp cho việc truy cập tài liệu giảng dạy, học tập không giới hạn và tăng tính tương tác, thực hành, ứng dụng. Nếu như với phương pháp dạy học truyền thống, học viên tiếp thu kiến thức chủ yếu từ giảng viên và từ sách vở, thì hiện nay, chuyển đổi số sẽ tạo ra kho học liệu mở cho học viên. Người học có thể tìm hiểu, tiếp cận để khai thác các nguồn tài nguyên học tập phong phú, đa dạng một cách dễ dàng, nhanh chóng qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và internet. Mặt khác, giúp cho việc nâng cao chất lượng dạy và học, hỗ trợ đổi mới dạy và học theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu cho người học. Hiện nay, nhiều mô hình giáo dục thông minh đang được phát triển trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin đã hỗ trợ tích cực việc cá nhân hóa học tập. 

2. Chuyển đổi số trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Kỹ thuật quân sự  

Chuyển đổi số trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Kỹ thuật quân sự nhằm quán triệt và hiện thực hóa quan điểm Đại hội XIII của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuyển đổi số; đồng thời, thực hiện Nghị quyết Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Kỹ thuật quân sự nhiệm kỳ 2020 – 2025; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo, kịp thời cập nhật những thông tin mới về giáo dục và đào tạo, những chủ trương, nghị quyết mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định, quy chế của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình hình thực tế của đất nước, quân đội, yêu cầu nhiệm vụ cấp trên giao. 

Nội dung chuyển đổi số trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Kỹ thuật quân sự là quá trình thay đổi căn bản, toàn diện các yếu tố, quy trình dạy học từ truyền thống sang hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng kỹ thuật và công nghệ số. Đó là quá trình số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhất là hệ thống giáo trình, tài liệu, sách tham khảo, chuyên khảo, bài giảng, ngân hàng đề thi, đáp án trong các kho quản lý dữ liệu. Ứng dụng hệ thống các phần mềm giảng dạy, nghiên cứu khoa học trực tuyến, nghiên cứu tài liệu của cả học viên, giảng viên đồng bộ, hiện đại vừa có thể hoạt động trực tiếp và trực tuyến, nhất là hệ thống phòng học, phòng điều hành huấn luyện, thư viện điện tử.

Chuyển đổi số trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Kỹ thuật quân sự thể hiện trên một số nội dung:

Một là, việc áp dụng công nghệ trong chuyển đổi số vào hoạt động dạy học, giúp giảng viên có khả năng kết nối đa chiều, bởi hầu hết nội dung bài giảng, học liệu… đều đã được tự động hóa. Giảng viên sẽ làm chủ được kiến thức của mình, từ đó có thể tương tác với người học một cách hiệu quả, ghi chép điểm danh quá trình học tập, lập và cập nhật bảng điểm của người học để bảo đảm thông tin dữ liệu được cụ thể, minh bạch. Thông qua dữ liệu, giảng viên có thể phân tích hành vi học tập của người học để có phương pháp giáo dục cho phù hợp với đối tượng học. Đồng thời, giảng viên có thể áp dụng các thông tin mà họ có được để tiến hành điều chỉnh các kế hoạch giảng dạy, nội dung chương trình. Với chuyển đổi số, giảng viên có thể chuẩn bị các khóa học và chương trình của họ bằng cách sử dụng những nội dung đặc sắc nhất, hay nhất từ kho học liệu có sẵn trên hệ thống được tạo bởi các đồng nghiệp, các chuyên gia hoặc các nhà làm giáo dục. 

Hai là, học viên có thể tiếp cận tri thức mọi nơi, mọi lúc, có thể chủ động trong việc học tập và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền giáo dục vì con người. Chuyển đổi số trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở các nhà trường quân đội giúp cho người học có những trải nghiệm đa giác quan, dễ hiểu, dễ nhớ và gây tò mò, hứng thú cho người học; đồng thời, tăng tính tương tác, thực hành và ứng dụng kiến thức ngay trong lớp học. Công nghệ số thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp con người tiếp cận thông tin đa chiều, thu hẹp mọi không gian, tiết kiệm tối ưu về thời gian, từ đó, phát triển nhanh về kiến thức, nhận thức và tư duy. 

3. Một số giải pháp 

Thứ nhấtnâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, giáo viên về vị trí, vai trò của chuyển đổi số trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Kỹ thuật quân sự hiện nay. Đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu mà các chủ thể cần quan tâm tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Đội ngũ giáo viên chính là lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, do vậy, cần tập trung đột phá và phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo. 

Các khoa chuyên môn cần cụ thể hóa thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về bồi dưỡng, xây dựng chuyển đổi số trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn. Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 – 2020 và phương hướng đến năm 2030; quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 3488-NQ/QUTW ngày 29/01/2025 của Quân ủy Trung ương về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong quân đội. Thực hiện tốt khâu đột phá đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học ở Học viện Kỹ thuật quân sự hiện nay.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn cần coi trọng việc “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học”1. Từ đó, từng giảng viên quán triệt và tích cực chủ động nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ mọi mặt,đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong điều kiện mới.

Thứ haithông qua hoạt động thực tiễn bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân và tổ chức. Nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nhiệm vụ hết sức quan trọng để mỗi cán bộ, giáo viên có thể chủ động, tích cực trong nghiên cứu, học tập, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, quản lý giáo dục. Tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên, giáo viên có kỹ năng khai thác, sử dụng công nghệ thông tin vào từng nhiệm vụ theo chức năng của mình. Các lớp tập huấn có thể tổ chức với nhiều hình thức, quy mô khác nhau. Nội dung tập huấn nên tập trung vào việc nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm để mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đều đạt chuẩn sử dụng công nghệ thông tin cơ bản trở lên. Ngoài ra, có thể tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp xây dựng phần mềm dạy học, phần mềm mô phỏng; sử dụng các phần mềm dùng chung; giới thiệu các phần mềm mới…

Thứ ba, chủ động, tích cực đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục thời kỳ “số hóa”, máy tính, internet chế độ cao. Đầu tư phần mềm phục vụ e-learning, website, thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến, phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa… 

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước. Trước sự tác động của cuộc cách mạnh khoa học – công nghệ và xu thế toàn cầu hóa, vấn đề bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân… có nhiều nét mới. Trong điều kiện đó, giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân đội cần tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác khoa học với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài quân đội để nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học. Có như vậy, mới phát huy được thế mạnh khoa học của từng tổ chức và cá nhân, tạo điều kiện để trao đổi, học hỏi lẫn nhau, nâng cao trình độ, năng lực và phương pháp nghiên cứu khoa học, trở thành hạt nhân, tạo điều kiện để xây dựng Nhà trường thông minh hiện nay. 

Đẩy mạnh phối hợp, giao lưu, hợp tác với các đơn vị cơ sở, các nhà trường, cơ sở nghiên cứu, sản xuất trong và ngoài quân đội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chuyển đổi số trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn; gắn kết chặt chẽ giữa Nhà trường với đơn vị, lý luận với thực tiễn trong quá trình giáo dục và đào tạo. 

Các cơ quan chức năng của Học viện cần có quy chế, quy định chặt chẽ việc sử dụng internet, bảo đảm đúng mục đích, phù hợp, hiệu quả, bảo mật và an toàn thông tin trong môi trường quân sự; chủ động nhận diện, ngăn ngừa, khắc phục những thông tin xấu độc, hành động thù địch, phá hoại (gián điệp, hacker, virus) phát tán trên không gian mạng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quân ủy Trung ương: “Bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”2. Tích cực khai thác và kế thừa những trang bị đã có, bảo đảm tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả. Ưu tiên hướng đến xây dựng, triển khai mô hình Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

4. Kết luận

Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo nói chung, trong giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở Học viện Kỹ thuật quân sự nói riêng là vấn đề hết sức quan trọng. Thực hiện tốt nội dung này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo của Học viện trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học – công nghệ và xu thế chuyển đổi số hiện nay. Để thực hiện có hiệu quả cần có sự bảo đảm bởi nhiều yếu tố, như: thể chế, nhân lực, công nghệ… Trong đó, quan trọng nhất vẫn là việc nâng cao trình độ, nhận thức của cán bộ, giáo viên về thực hiện chuyển đổi số trong giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn hiện nay. 

Chú thích: 
1, 2. Quân ủy Trung ương (2025). Nghị quyết số 3488-NQ/QUTW ngày 29/01 2025 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Quân đội.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ­ương (2024). Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
2. Bộ Quốc phòng (2018). Quyết định số 889/QĐ-BQP ngày 22/3/2018 về việc phê duyệt kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường Quân đội trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giai đoạn 2018 – 2020 và những năm tiếp theo, 
3. Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu (2018). Hướng dẫn số 748/HD-NT ngày 10/5/2019 về nội dung đầu tư trang thiết bị đào tạo theo mô hình nhà trường thông minh tại các học viện, trường sĩ quan năm 2019.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia.
5. Đảng bộ Học viện Kỹ thuật quân sự (2020). Văn kiện Đại hội Đảng bộ Học viện Kỹ thuật quân sự 1 lần thứ X (nhiệm kỳ 2020 – 2025).
6. Trần Ngọc Thanh (2020). Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục Quân đội trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tạp chí Khoa học Chính trị quân sự, số 4 (53).