Quản lý nhà nước về thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số

Cao Anh Thịnh
Học viện Hành chính và Quản trị công

(Quanlynhanuoc.vn) – Thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành xu hướng tất yếu của sự phát triển thương mại điện tử và thương mại quốc tế. Để phát triển nền kinh tế số, Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, xây dựng môi trường hoạt động thuận lợi cho các doanh nghiệp. Bài viết trình bày thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Chuyển đổi số; quản lý nhà nước; thương mại điện tử; thương mại điện tử xuyên biên giới; thương mại quốc tế.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, thương mại điện tử ở Việt Nam không chỉ hoạt động ở phạm vi nội địa mà còn là một kênh thương mại xuyên quốc gia. Thương mại điện tử xuyên biên giới là thị trường “số” rộng lớn, tạo cơ hội cho hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi lĩnh vực, ngành hàng. Hoạt động này trở thành yếu tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng ý thức hơn về việc làm sao để bán được sản phẩm ra nước ngoài mà không quá phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch. 

Trong tình hình phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam, Nhà nước đóng vai trò chủ thể quản lý đã tạo ra những tiền đề cơ bản cho việc triển khai. Đứng trước bối cảnh chuyển đổi số sâu rộng, hoạt động quản lý nhà nước về thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức cả về phương thức hoạt động, hệ thống pháp lý cũng như sự giám sát, định hướng, đồng bộ cơ sở hạ tầng,… Những yếu tố trên rất cần được xây dựng, thay đổi và hoàn thiện để phù hợp với tình hình mới.

2. Một số lý luận cơ bản 

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại điện tử được định nghĩa như là việc sản xuất, phân phối, marketing, bán hoặc cung cấp hàng hóa và dịch vụ bằng các phương tiện điện tử. Một giao dịch thương mại điện tử có thể được diễn ra giữa các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, chính phủ và các tổ chức công hoặc tư khác1.

Theo Amazon Seller University, thương mại điện tử xuyên biên giới là mô hình kinh doanh,trong đó người bán và người mua ở các quốc gia khác nhau mua và bán hàng hóa thông qua các Marketplace thương mại điện tử.
Nó được chia thành hai loại: thương mại điện tử nhập khẩu xuyên biên giới và thương mại điện tử xuất khẩu xuyên biên giới2.

Theo Ding, F., & Campos, J.K. (2017), thương mại điện tử xuyên biên giới là hoạt động mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng từ các nhà cung cấp ở các khu vực hoặc quốc gia khác nhau về việc truyền, nhận sản phẩm thông qua hậu cần xuyên biên giới3

Từ những phân tích khái niệm nêu trên, có thể hiểu thương mại điện tử xuyên biên giới là hoạt động bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng internet, trong đó người mua và người bán ở 2 quốc gia khác nhau.

Quản lý nhà nước là hoạt động của các cơ quan nhà nước thực thi quyền lực nhà nước nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo mục tiêu đã đề ra4.

Như vậy, quản lý nhà nước về thương mại điện tử xuyên biên giới được hiểu là: “quá trình tác động có tổ chức và điều chỉnh của nhà nước lên hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ qua mạng internet giữa các quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới đã đặt ra.

Chuyển đổi số được hiểu là “quá trình tích hợp, áp dụng công nghệ số vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao sức cạnh tranh và tạo ra các giá trị mới”5.

Có rất nhiều xu hướng công nghệ mới nổi thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ cho lĩnh vực thương mại điện tử của các doanh nghiệp giao thương giữa các quốc gia trên thế giới. Những công nghệ đáng chú ý trong thương mại điện tử xuyên biên giới, như: Internet vạn vật (IoT), An ninh mạng, Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Tự động hóa quy trình bằng rô-bốt (RPA), Trí tuệ nhân tạo (AI), Học máy (Machine Learning), Chuỗi khối (Blockchain),… Khả năng ứng dụng của công nghệ vào lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới phần lớn phụ thuộc vào khả năng đầu tư vào công nghệ của doanh nghiệp. Với các xu hướng công nghệ này, các doanh nghiệp được tăng cường khả năng số hóa, chuyển đổi số toàn diện nhằm phục vụ hiệu quả cho hoạt động thương mại điện tử.

3. Nội dung quản lý nhà nước về thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam  

a. Tình hình phát triển lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử đã đạt 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, tỷ lệ dân số tham gia thương mại điện tử đạt trên 60%, với giá trị mua sắm trung bình khoảng 400 USD/người/năm. Theo đó, tỷ trọng về thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp6.

Số lượng website và ứng dụng di động thương mại điện tử bán hàng đã tăng từ 3.470 nền tảng vào năm 2014 lên 53.949 nền tảng vào năm 2024 (tăng khoảng 15,6 lần trong 10 năm). Đáng chú ý, số lượng website và ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, như: các sàn giao dịch, nền tảng trung gian đã tăng từ 39 nền tảng lên 1.048 nền tảng, với tốc độ tăng trưởng vượt bậc lên tới 26,9 lần trong cùng giai đoạn7. Mua sắm trực tuyến đã trở thành kênh bán hàng phổ biến không chỉ tại những thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Báo cáo của công ty tư vấn thương mại điện tử YouNet ECI, tổng giao dịch trên 4 sàn đa ngành lớn nhất gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki năm 2024 đạt 13,8 tỷ USD, tăng kỷ lục 40% so với 20238

Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” do Google – Temasek công bố, năm 2024, quy mô nền kinh tế internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD, tăng 16% so với năm 20239. Thương mại điện tử bán lẻ tiếp tục là trụ cột với 22 tỷ USD, tăng 18% và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế internet. 

Theo Báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại Việt Nam” của Amazon Global Selling Việt Nam: doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tính tăng trưởng hơn 20% mỗi năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng (3,3 tỷ USD) trong năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 256,1 nghìn tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 202610. Cũng theo báo cáo, nếu coi “thương mại điện tử B2C” như là một ngành hàng xuất khẩu thì đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

Thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, để thực hiện thành công chủ trương phát triển nền kinh tế số, song song với thúc đẩy các sàn thương mại điện tử trong nước, việc tận dụng các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới để bán hàng là tất yếu. Nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc bán hàng ra nước ngoài dễ dàng hơn, tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí hơn so trước đây.

b. Nội dung quản lý nhà nước về phát triển thương mại điện tử xuyên quốc gia hiện nay

(1) Xây dựng chiến lược phát triển và ban hành các văn bản pháp luật về thương mại điện tử xuyên biên giới.

Những năm qua, để cụ thể hóa các chiến lược quốc gia về phát triển thương mại điện tử, trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản luật, nhiều chính sách và quy định, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới.

Các văn bản pháp luật mang tính chất nền tảng trong phát triển thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng ở Việt Nam có thể kể đến, như: Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử. Quyết định số 645/2020/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2023. Quyết định số 431/QĐ-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử. Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Luật Giao dịch điện tửnăm 2023 (thay thế cho Luật Giao dịch điện tử năm 2005), Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023, Luật Quản lý thuế năm 2019…

Đây là những tín hiệu tích cực của việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và những hoạt động quản lý nhà nước về thương mại điện tử xuyên biên giới đáp ứng thực tiễn đa dạng, xu hướng tất yếu của hoạt động thương mại điện tử trong tương lai của Việt Nam. 

(2) Tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về thương mại điện tử xuyên biên giới.

Việc thực hiện pháp luật về thương mại điện tử xuyên biên giới liên quan đến nhiều cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cá nhân nhằm bảo đảm giao dịch quốc tế minh bạch, tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi các bên liên quan.

Các nội dung cơ bản của hoạt động tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về thương mại điện tử xuyên biên giới, gồm: thực thi các chính sách chung về thương mại điện tử xuyên biên giới; thực thi các chính sách quản lý thuế đối với thương mại điện tử xuyên biên giới; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử xuyên biên giới. Các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên tham gia trong các nội dung hoạt động của lĩnh vực này là Bộ Công Thương (quản lý hoạt động thương mại điện tử, yêu cầu các sàn thương mại điện tử nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp thông tin giao dịch để quản lý thuế, phối hợp với bộ chức năng để kiểm soát quảng cáo trực tuyến, livestream bán hàng từ nước ngoài vào Việt Nam), Tổng cục Hải quan (kiểm soát hàng hóa xuất – nhập khẩu qua hoạt động thương mại điện tử, thực hiện khai báo hải quan điện tử), Ngân hàng Nhà nước (kiểm soát thanh toán xuyên biên giới, ngăn chặn rửa tiền qua hoạt động thương mại điện tử) và một số cơ quan chức năng liên quan, như: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất – nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia…

Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình để thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua xuất khẩu trực tuyến, như: Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có quy định hỗ trợ đến 50% giá trị hợp đồng tư vấn đăng ký thành công tài khoản sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế (khoản 3c Điều 25) và hỗ trợ đến 50% chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử quốc tế (không quá 50 triệu đồng/năm, không quá 2 năm) (khoản 3d Điều 25).

Đáng chú ý, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) đang có những điều khoản thuận lợi hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và thương mại phi giấy tờ. FTAs thế hệ mới có phạm vi toàn diện, vượt ngoài khuôn khổ tự do hóa thương mại hàng hóa có các nội dung mới, như: đầu tư, mua sắm công, thương mại điện tử và khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là điều kiện rất tốt để tận dụng FTAs thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.

(3) Kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới.

Nhằm quản lý chặt chẽ và tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng trong môi trường thương mại điện tử, hiện nay, Bộ Công Thương đã triển khai dịch vụ công mức độ 4 để quản lý doanh nghiệp thương mại điện tử tại Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử quốc gia địa chỉ: online.gov.vn.Theo đó, các doanh nghiệp ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải đăng ký với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số qua cổng thông tin trực tuyến. Bên cạnh đó, hệ thống cũng tiếp nhận xử lý những phản ánh trực tuyến về vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, những ý kiến đóng góp của người dân và doanh nghiệp.

Bộ Tài chính lưu ý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua cổng thông tin điện tử của Cục Thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế sẽ thanh kiểm tra nếu phát hiện dấu hiệu gian lận, trốn thuế… 

Theo Tổng Cục Thuế (năm 2024), lũy kế 10 tháng năm 2024, số thuế các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp khoảng 94,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Ngoài ra, cổng thông tin thương mại điện tử cũng ghi nhận 412 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin. Hiện có hơn 191 nghìn tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử với tổng giá trị giao dịch là gần 72 nghìn tỷ đồng. Số lượng nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài hiện lên tới con số 116. Tính từ khi vận hành cổng thông tin điện tử đến hết 10 tháng năm 2024, số thu ngân sách nhà nước từ các nhà cung cấp nước ngoài là 19.774 tỷ đồng. Còn tính riêng 10 tháng năm 2024, số thu đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 202311.

Tuy nhiên, dù một số doanh nghiệp lớn cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới đã khai thuế cùng hơn 400 sàn thương mại điện tử đã cung cấp thông tin song nhiều sàn vẫn “lọt” qua sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký cấp phép nhưng phải đặt ra yêu cầu cần thiết quản lý thuế đối với những trường hợp này (ví dụ: các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như: Temu, Shein, 1688,… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công thương). 

(1) Vướng mắc về hành lang pháp lý: thực tế, thương mại điện tử xuyên biên giới đã và đang phát triển đa dạng và mạnh mẽ nhưng hệ thống các văn bản pháp luật, các quy định, hướng dẫn vẫn chưa thực sự cụ thể, bao quát đầy đủ, đồng bộ, nhiều vấn đề chưa được đề cập đến, dẫn đến những khó khăn, bất cập trong quản lý. Hơn nữa, việc thiếu hành lang pháp lý cho hoạt động e-logistics (các hoạt động hỗ trợ vận chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng thông qua các giao dịch mua bán điện tử) tại Việt Nam cũng là những trở ngại không nhỏ. 

(2) Hạn chế về nguồn nhân lực và công nghệ quản lý: công nghệ  phát triển phát sinh những vấn đề về nguồn lực và công nghệ để quản lý trong lĩnh vực này. Nhân lực các ngành thuế, hải quan, thương mại chưa có nhiều kinh nghiệm đồng đều với mô hình thương mại điện tử toàn cầu. Hệ thống công nghệ ứng dụng AI, Big Data để giám sát hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới chưa mạnh và đồng bộ tại các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan. Hệ thống pháp lý, những thể chế quản lý chưa linh hoạt và bắt kịp với sự phát triển của thương mại điện tử… 

(3) Khó khăn trong thay đổi và nâng cao nhận thức: nhận thức đúng và đủ của cán bộ làm công tác quản lý, của doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điên tử và người tiêu dùng về vai trò của quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới trong việc hiểu và nắm rõ luật, cơ chế vận hành đúng theo luật pháp quy định là việc cần triển khai nhanh, thường xuyên thông qua các hoạt động phổ biến, tuyên truyền nhằm nhanh chóng khắc phục khó khăn này.

(4) Khó khăn trong quản lý thuế và nguồn thu: hệ thống pháp luật Việt Nam về thương mại điện tử đang trong quá trình thay đổi và hoàn thiện, do đó khó tránh khỏi việc có lỗ hổng trong cơ chế thu thuế từ nền tảng sàn thương mại điện tử nước ngoài (Amazone, Alibaba, TikTok Shop, Shein…) do các sàn này chưa có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, gây khó khăn trong việc kiểm soát và thu thuế. Hơn nữa, chính các doanh nghiệp, cá nhân bán hàng xuyên biên giới nhưng không tự kê khai doanh thu và thuế gây khó khăn cho cơ quan thuế và thất thoát cho ngân sách nhà nước.

(5) Hạn chế trong kiểm soát nguồn gốc hàng hóa: hàng hóa giao dịch quốc tế không qua hải quan chính thống hiện nay rất nhiều, gây khó khăn trong việc kiểm tra xuất xứ và chất lượng. Một số doanh nghiệp lợi dụng hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới để tuồn hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường nội địa. Khó khăn này một phần là do hệ thống quản lý logistics và hải quan điện tử chưa theo kịp và chưa chuyên biệt cho thương mại điện tử xuyên biên giới; thủ tục khai báo hải quan chưa linh hoạt, còn yếu về công nghệ nên gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ xuất khẩu qua hoạt động thương mại điện tử.

(6) Khó khăn trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: do cơ chế và pháp lý về thương mại điện tử xuyên biên giới chưa hoàn thiện nên khi xảy ra tình trạng website, nhãn hàng lừa đảo, giả mạo doanh nghiệp, cá nhân để lừa người tiêu dùng thì khó giải quyết vì hàng hóa và người bán ở nước ngoài.

(7) Hạn chế trong quản lý an toàn thông tin, dữ liệu: khi các nền tảng sàn thương mại điện tử nước ngoài chưa đăng ký tư cách pháp nhân và đăng ký hoạt động tại Việt Nam tiến hành thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng Việt Nam, cho dù người tiêu dùng trong nước bị mất thông tin các nhân cũng như thông tin trên các phương thức thanh toán thì cũng khó để các cơ quan chức năng Việt Nam giải quyết do chưa chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam.

(8) Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử còn hạn chế, dẫn đến không chủ động trong việc ngăn ngừa, xử lý hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên và hiệu quả. Việc thanh tra, kiểm tra về thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được tiến hành bài bản mà chủ yếu dựa trên những kết quả từ thương mại điện tử nói chung hoặc do tổ chức quốc tế cung cấp thông tin. Việc không thường xuyên, chủ động thanh kiểm tra sẽ khó bảo đảm hiệu quả trong quản lý nhà nước về thương mại điện tử xuyên biên giới.

(9) Cơ chế phối hợp quốc tế trong hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới cònthiếu: sự phối hợp cũng như trao đổi kinh nghiệm luật pháp về lĩnh vực này giữa các quốc gia gần như như có để xử lý các tình huống tranh chấp giữa nước sở tại với nước có sàn thương mại điện tử; thiếu hiệp định thương mại điện tử mang tính chất toàn cầu. Thiếu hướng dẫn về thuế, hải quan, thanh toán quốc tế cho doanh nghiệp xuyên biên giới.

4. Một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới

Trước sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay, việc tăng cường quản lý nhà nước để tránh thất thu thuế, kiểm soát nguồn hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng là rất quan trọng và cấp thiết. Do vậy, tác giả đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động này tại Việt Nam trong thời gian tới.

Một là, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách quản lý: tích cực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực của hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới gắn với thực tế hoạt động. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 85/2021/NĐ-CP thêm nội dung về quản lý các sàn thương mại điện tử quốc tế. Ban hành quy định bắt buộc các sàn thương mại điện tử quốc tế phải đăng ký tư cách pháp nhân tại Việt Nam để tiến hành kê khai, nộp thuế. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Luật Thương mại điện tử để sớm ban hành nhằm quản lý toàn diện các giao dịch xuyên biên giới thay vì chỉ dựa trên các nghị định, quyết định như hiện nay. 

Hai là, nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý, cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực thương mại điện tử bằng cách tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về thuế, hải quan, tài chính ngân hàng nhằm kịp thời cập nhật các thay đổi cũng như xu hướng mới trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới; trong vấn đề giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, người tiêu dùng khi xảy ra sự cố, tranh chấp. Các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác và ký kết các hiệp định thương mại điện tử với các quốc gia để bảo vệ doanh nghiệp Việt nam trong kinh doanh xuyên biên giới.

Ba là, sửa đổi, bổ sung quy định về phân ngành kinh tế Việt Nam phù hợp với những thay đổi về các phương thức kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo đó, cần xác định tiêu chí phân biệt lĩnh vực kinh doanh, ngành, nghề kinh doanh và phân loại các sản phẩm, dịch vụ gắn với thương mại điện tử xuyên biên giới. Hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này giúp xác định rõ hàng hóa, dịch vụ, lĩnh vực kinh doanh làm căn cứ xác định nghĩa vụ thuế và dễ dàng thực hiện các hoạt động quản lý khác.

Bốn là, sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng chịu thuế bao quát hết các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Cần thống nhất mức thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài. Nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật về thủ tục kê khai, nộp thuế theo hướng tự động tính và thu. Nghiên cứu, tham khảo các cách thức đánh thuế, quy định mức thuế của các quốc gia khác cho các sản phẩm, dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới.

Năm là, cần bổ sung vào quy định pháp luật về  trách nhiệm của mạng xã hội trong việc cung cấp cho các cơ quan chức năng thông tin của các nhãn hàng là đối tác của nền tảng mạng xã hội đó để phục vụ công tác quản lý, giám sát hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới trong vấn đề thuế, hàng giả, gian lận thương mại, giao dịch tài chính…

Sáu là, tăng cường bảo mật trong quản lý dữ liệu cá nhân trong giao dịch thương mại điện tử, tránh để đối tượng lừa đảo, chiếm thông tin cá nhân, doanh nghiệp cũng như nguồn hàng để trục lợi. Sớm ban hành chế tài xử phạt các đối tượng mua, bán, chia sẻ dữ liệu khách hàng trái phép trên các nền tảng thương mại điện tử. Nhanh chóng triển khai đồng bộ công nghệ AI để phát hiện các giao dịch giả mạo, đánh cắp thông tin tài chính của khách hàng. 

Bảy là, tiếp tục ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới. Công nghệ Blockchain đang được áp dụng trong thương mại điện tử xuyên biên giới để cải thiện tính minh bạch và an ninh của các giao dịch. Blockchain cho phép ghi lại các giao dịch một cách minh bạch và không thể thay đổi, giúp giảm thiểu rủi ro gian lận và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng. Công nghệ AI, Big Data giúp giảm thiểu gian lận, lừa đảo trong giao dịch, phòng chống hành vi trốn thuế; tăng kết nối liên thông giữa hệ thống ngân hàng, hải quan và thuế để giám sát giao dịch. Áp dụng công nghệ truy suất nguồn gốc sản phẩm, theo dõi xuất xứ hàng hóa…

Tám là, mở rộng hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường gia nhập thị trường thương mại toàn cầu. Hợp tác với các tổ chức chống tội phạm quốc tế để chống tội phạm mạng liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

5. Kết luận

Tăng cường quản lý nhà nước về thương mại điện tử xuyên biên giới trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ là yêu cầu cấp thiết hiện nay của Việt Nam. Việc nhanh chóng đồng bộ hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng và xây dựng một hệ sinh thái về thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là vấn đề cốt lõi tạo sự đột phá trong lĩnh vực kinh tế thương mại nói chung và lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới.

Chú thích:
1. WTO (1998). Work programme on electronic commerce, Geneva.
2. Sự bùng nổ của thương mại điện tử xuất khẩu xuyên biên giới. https://m.media-amazon.com/images/G/28/AS/AGS/SU/CN_GS_CBEC_1.1_Intro_VN.pdf?initialSessionID=357-6716484-5323522&ld=NSGoogle_SDRP_Blog_I#page=8
3. Ding, F., & Campos, J.K. (2017). The Development of Cross Border E-Commerce, 37, 370-383, DOI:10.2991/ictim-17.2017.37
4. Quản lý nhà nước là gì? Vai trò của quản lý nhà nước là gì? https://thuvienphapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/839E19A-hd-quan-ly-nha-nuoc-la-gi-vai-tro-cua-quan-ly-nha-nuoc-la-gi.html
5. Chuyển đổi số là gì? https://dx.moj.gov.vn/cam-nang-chuyen-doi-so-6.htm
6, 7. Phát triển thương mại điện tử: cơ hội, thách thức đan xen. https://www.vcci.com.vn/news/phat-trien-thuong-mai-dien-tu-co-hoi-thach-thuc-dan-xen
8. Người Việt thích mua sắm trên sàn thương mại điện tử nào nhất? https://vneconomy.vn/techconnect//nguoi-viet-thich-mua-sam-tren-san-thuong-mai-dien-tu-nao-nhat.htm
9. Năm 2024 quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam ước tính đạt 36 tỷ USD. https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nam-2024-quy-mo-nen-kinh-te-internet-viet-nam-uoc-tinh-dat-36-ty-usd-164522.html
10. Sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới và cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. https://doanhnhanvn.vn/su-bung-no-cua-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-va-co-hoi-lon-cho-doanh-nghiep-viet-nam.html
11. Tổng Cục Thuế ứng dụng công nghệ thông tin cải cách hệ thống thuế.https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/thtk/pages_r/l/chi-tiet-tin-tin-hoc-va-thong-ke?dDocName=MOFUCM334864&dID=339637