Cơ hội và thách thức đối với lao động nữ trong kỷ nguyên số

ThS. Nguyễn Vũ Châu Giang
Trường Đại học Hải Phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, nhân loại đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0, trở thành xu thế tất yếu. Đó là một cuộc cách mạng toàn diện, thay đổi cách thức con người sống, làm việc và tương tác với nhau. Sự phát triển của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và internet vạn vật đã tạo ra những cơ hội chưa từng có cho các quốc gia, cá nhân và tổ chức. Việt Nam xác định chuyển đổi số là một trong những mục tiêu chiến lược quốc gia hiện nay để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Trong bối cảnh đó, lực lượng lao động xã hội nói chung, lao động nữ nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội và không ít những thách thức. Cần có những giải pháp căn cơ, tích cực để lao động nữ phát huy cao nhất vai trò của mình đóng góp vào sự phát triển của dân tộc.

Từ khóa: Chuyển đổi số, lao động nữ, cơ hội, thách thức, kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình.

1.  Vai trò của lao động nữ trong bối cảnh chuyển đổi số

Phụ nữ Việt Nam luôn là lực lượng có đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển đất nước. Tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động đạt 78,2%, so với nam giới là 86%. Tính hết năm 2023, số lượng lao động nữ đạt 24,5 triệu người, chiếm 46,7% số lao động của cả nước1.

(1) Trong lĩnh vực chính trị. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu các nước châu Á và trên thế giới về tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội. “Nếu năm 2017, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1% (cao hơn mức trung bình 23,4% của toàn cầu và 18,6% của châu Á); tỷ lệ nữ làm Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội tăng lên (tháng 12/2016 là 23,1%, cao hơn 12 điểm phần trăm so với tháng 12/2011); số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ 13/30 (chiếm 43%) và năm 2018 là 14/30, chiếm 47%; năm 2020, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV là 26,72% – đứng thứ 18 trên thế giới; khóa XV: có 30,26%. Phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo quan trọng trong các bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ đạt 46,67% vào năm 2023”2

Đến tháng 3/2023, cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) có 19 người (chiếm 9,5%); 3 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 3 bộ trưởng, 10 thứ trưởng và tương đương, 34 nữ phó chủ nhiệm và ủy viên thường trực ủy ban, cơ quan của Quốc hội. Ban Chấp hành đảng bộ cấp tỉnh (nhiệm kỳ 2020 – 2025) có 16% là nữ; cấp huyện có 17% là nữ; 61/63 tỉnh, thành phố có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ với tỷ lệ ở cấp tỉnh thấp nhất là 11,3%, cao nhất là 35%; cấp huyện là 15,3% (cao hơn 3,4% so với nhiệm kỳ trước). Tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử tăng so với nhiệm kỳ trước với 151 đại biểu nữ tham gia Quốc hội (khóa XV), đạt 30,2% (cao hơn 3,5% so với nhiệm kỳ trước và vượt chỉ tiêu 30%). Tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố và cấp huyện đạt 29% (tăng so với nhiệm kỳ trước). và cấp xã là 28,98%; tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt tại ủy ban nhân dân cấp tỉnh là 37,7% ; cấp xã là 24,94%3… 

Đây là lực lượng tham gia vào quá trình từ hoạch định tới thực thi chính sách, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước và của mỗi địa phương.

(2) Trong lĩnh vực kinh tế. Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia lực lượng lao động chiếm 46,7% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên; có mặt ở nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ và đang mở rộng sang các lĩnh vực mới, như công nghệ thông tin và tài chính. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (2023), tỷ lệ tham gia của lao động nữ quý I/2023 là 62,9%4.

Chỉ số nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE) được công bố vào năm 2020, Việt Nam xếp thứ 23 trên tổng số 58 quốc gia được chọn để đánh giá về tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp. Tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí quản lý, lãnh đạo tại doanh nghiệp là 28% (năm 2023)5… Điều này đã khẳng định vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh doanh; xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh doanh toàn cầu. 

Các mô hình kinh doanh do phụ nữ lãnh đạo đã tạo việc làm cho hàng triệu người, đóng góp đáng kể vào GDP và quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Bên cạnh đó, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc…

(3) Trong lĩnh vực giáo dục, y tế và khoa học – công nghệ. Phụ nữ ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, dịch vụ công cộng, nghiên cứu khoa học. Trong y tế, phụ nữ chiếm hơn 70% lực lượng bác sĩ, y tá và nhân viên y tế khác; trong giáo dục, phụ nữ chiếm hơn 76% lực lượng giáo viên6; Nhiều nhà khoa học nữ đạt được thành tựu lớn với các công trình khoa học giá trị.

(4) Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Phụ nữ có vai trò quan trọng đặc biệt trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tích cực phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là gắn với di sản văn hóa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến văn hóa, di sản hàng đầu châu Á và thế giới.

(5) Trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh. Phụ nữ tiếp tục phát huy truyền  thống yêu nước, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng “thế trận lòng dân”, nền quốc phòng toàn dân vững chắc.

Đối với phụ nữ, chuyển đổi số có vị trí rất quan trọng trong cuộc sống. Khi ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, thành tựu của chuyển đổi số sẽ góp phần  giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống, có thể tiếp cận tới công nghệ mới, giảm bớt áp lực công việc và việc làm, có khả năng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực cũng như cơ hội phát triển nghề nghiệp. Phụ nữ tích cực tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho nữ cán bộ, bảo đảm nguồn cán bộ nữ chất lượng cao tham gia vào hệ thống chính trị; giúp phụ nữ phát huy vai trò trong các lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp, khoa học và quản lý. 

2. Những cơ hội và thách thức đặt ra cho lao động nữ trong chuyển đổi số

2.1. Cơ hội đối với lao động nữ

Thứ nhất, nhiều ngành nghề mới, tạo ra nhiều việc làm. Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cơ hội lớn về trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, công nghệ hiện đại để thúc đẩy tài năng, năng suất, việc làm và thu nhập cao. Nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện, tạo ra nhiều việc làm và cơ hội cho lao động nữ. Do đó, lao động nữ cần nỗ lực bắt kịp công nghệ mới, thay đổi cách thức làm việc, tập trung trí tuệ, để sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới.

Thứ hai, Phụ nữ có thể tham gia vào nhiều công việc khác nhau. Việc kết nối, chia sẻ thông tin giúp hình thành các tổ, nhóm để phụ nữ tham gia vào các công việc chung của xã hội, của đất nước, phát triển bản thân, thực sự giúp tiếng nói của phụ nữ có ảnh hưởng đến tiến trình phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thậm chí, có những lĩnh vực, ngành nghề trước đây thường chỉ dành cho nam giới, nhưng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phụ nữ có thể tham gia vào nhiều ngành nghề đặc thù đó, thậm chí đóng vai trò là nhà lãnh đạo, quản lý.

Thời đại chuyển đổi số, phụ nữ không chỉ có thể tận dụng các cơ hội nghề nghiệp trong ngành công nghệ thông tin và kỹ thuật số mà còn có thể hưởng lợi từ việc khởi nghiệp và điều hành các doanh nghiệp của riêng mình. Các công nghệ như thương mại điện tử, truyền thông xã hội và nền tảng học trực tuyến đang tạo ra những cơ hội mới cho phụ nữ để khởi nghiệp và phát triển kinh doanh. Lao động  nữ đã thích ứng nhanh, nắm bắt kịp thời sự phát triển của khoa học công nghệ để phục vụ tốt cho lao động sản xuất và chăm lo đời sống vật chất tinh thần ngày càng tốt đẹp hơn.

Thứ ba, lao động nữ khẳng định vai trò chủ thể, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số. Chiếm hơn 50% dân số, trên 46% lực lượng lao động,  lao động nữ đóng vai trò chủ thể của chuyển đổi số, là lực lượng quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Có rất nhiều nữ lãnh đạo, nhà khoa học, chuyên gia công nghệ số, chủ doanh nghiệp đang tích cực đóng góp công sức, sáng kiến, tham gia chuyển đổi số; đặc biệt, lực lượng lao động nữ trên tất cả các lĩnh vực và các vùng miền cũng đang nỗ lực học tập để thích ứng, trở thành chủ thể nắm bắt công nghệ, thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Thứ tư, lao động nữ có điều kiện, cơ chế thuận lợi, ngày càng tự tin tham gia sâu rộng vào quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.

Đảng, Nhà nước ta đã coi chuyển đổi số là một trong ba trụ cột phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, do đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, đã và  đang ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật phục vụ mục tiêu chuyển đổi số, trong đó có các ghi nhận về bảo đảm bình đẳng về việc làm cho lao động nữ.

Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 đã đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025, khoảng 60% vào năm 2030, đồng thời, giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030.

Sự gia tăng của các chương trình đào tạo, dự án và hỗ trợ đặc biệt cho phụ nữ cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao kỹ năng và xây dựng sự nghiệp trong các lĩnh vực mới. Đồng thời, các nền tảng học trực tuyến và các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ đã giúp nhiều phụ nữ dễ dàng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng số, từ đó cải thiện vị thế cạnh tranh trên thị trường lao động.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, nâng cao năng lực thích ứng với kỷ nguyên số; tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số, kỹ năng quản trị, lãnh đạo, đặc biệt cho phụ nữ trẻ, nữ doanh nhân, nữ cán bộ lãnh đạo tiềm năng; hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để giúp phụ nữ tiếp cận và sử dụng công nghệ số trong công việc và đời sống. Phụ nữ được hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế thông qua việc triển khai thực hiện Đề án  “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” giúp hàng nghìn phụ nữ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Lao động nữ có nhiều cơ hội trong kỷ nguyên số để khẳng định bản thân, đóng góp cho sự phát triển đất nước, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.

 2.2. Thách thức đối với lao động nữ

Một là, đối mặt với  mất việc hoặc không xin được việc làm. Trong nền kinh tế số, công nghệ hiện đại, lao động nữ có thể đối mặt với mất việc hoặc không xin được việc làm nếu không có đủ trình độ kỹ thuật. Khi áp dụng tự động hóa và robot hóa, sự suy giảm nhu cầu về lao động trực tiếp sẽ khiến hàng loạt phụ nữ có nguy cơ mất việc… Nếu trước đây, ngành công nghiệp sản xuất, như: may mặc, điện tử, lắp ráp hay ngành bán lẻ và dịch vụ khách hàng; các công việc như thu ngân, tư vấn, bán hàng,… thường có tỷ lệ phụ nữ lao động cao thì khi có giải pháp tự động hoặc trực tuyến, sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến công việc của lao động nữ làm việc trong các ngành này, thậm chí lao động nữ phổ thông bị loại luôn, chỉ duy trì cán bộ quản lý.

Với các ngành nghề, như: công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục, công việc hành chính và quản trị, công nghệ số cũng có yêu cầu về kỹ năng, kỹ thuật cao khiến cho lao động nữ khó tham gia vào các vị trí cao hơn, đó cũng là thách thức buộc phụ nữ nỗ lực hơn rất nhiều để không bị bị tụt hậu và bị loại bỏ, hoặc bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, 86% lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm do tự động hóa. Cụ thể, 70% lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực như dịch vụ, dệt may, da giày; 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp7.

Hai là, trình độ của lao động nữ chưa thật sự đáp ứng kịp yêu cầu chuyển đổi số. Một trong những rào cản lớn nhất đối với lao động nữ là sự thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng số, đặc biệt ở những khu vực nông thôn. Nhiều phụ nữ không được tiếp cận với các nguồn tài nguyên giáo dục và công nghệ hiện đại. Điều này dẫn đến sự chênh lệch về trình độ và khả năng tham gia vào thị trường lao động kỹ thuật số giữa các nhóm phụ nữ khác nhau. Ở Việt Nam hiện nay, lực lượng lao động nữ tuy đông về số lượng nhưng tỷ lệ qua đào tạo thấp nên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nền kinh tế số đang gia tăng. Lao động nữ nếu không qua đào tạo và thích ứng với công nghệ, chuyển đổi số khó có thể tham gia thị trường lao động và sẽ đối diện với nguy cơ mất việc làm.

Theo “Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020” của Tổng cục Thống kê, số lao động nữ không có trình độ chuyên môn chiếm tới 49,4%, tập trung vào lao động nữ ở nông thôn, trong độ tuổi trung niên, phụ nữ dân tộc thiểu số; tỷ lệ lao động nữ làm thuê các công việc trong hộ gia đình chiếm đến 94,7% tổng lao động làm thuê8.

Thiếu kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số đang là một rào cản lớn đối với phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ phụ nữ tốt nghiệp trình độ đại học trong các ngành STEM và IT tại Việt Nam, so với số liệu toàn cầu, có sự khác biệt đáng kể. Ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ tốt nghiệp trong ngành STEM là 36,50%, cao hơn so với tỷ lệ toàn cầu là 33,74%. Điều này cho thấy Việt Nam có sự tham gia cao hơn của phụ nữ trong lĩnh vực STEM so với mức trung bình toàn cầu. Ngược lại, tỷ lệ phụ nữ tốt nghiệp trong ngành IT tại Việt Nam là 26,431%, thấp hơn so với tỷ lệ toàn cầu là 32,34%9. Sự chênh lệch này chỉ ra rằng, mặc dù phụ nữ ở Việt Nam có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn trong ngành STEM nhưng so với thế giới, tỷ lệ này trong ngành IT vẫn thấp hơn mức trung bình toàn cầu, cho thấy sự cần thiết phải tăng cường các chương trình hỗ trợ và khuyến khích phụ nữ tham gia vào lĩnh vực công nghệ thông tin để thu hẹp khoảng cách.

Ba là, rào cản văn hóa và xã hội, định kiến giới vẫn tiếp tục là yếu tố cản trở sự tiến bộ của phụ nữ trong thời đại chuyển đổi số. Thực tế vẫn còn nhiều định kiến giới về phụ nữ và công nghệ, đã tạo ra sự chênh lệch trong việc học hỏi, làm việc và tham gia vào các cơ hội kinh tế dựa trên công nghệ. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 2023), tỷ lệ nữ giới tham gia ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 25%, thấp hơn rất nhiều so với nam giới. Nguyên nhân chủ yếu do các yếu tố văn hóa, xã hội và định kiến giới khiến phụ nữ ít được khuyến khích hoặc không được xem là phù hợp với các ngành nghề công nghệ.

Ở Việt Nam vẫn còn tồn tại cho rằng công nghệ là lĩnh vực dành cho nam giới. Việc lập trình, phát triển phần mềm, kỹ thuật máy tính thường được coi là “công việc của đàn ông”, khiến nhiều phụ nữ không mấy mặn mà hoặc thiếu tự tin khi theo đuổi những ngành này. Điều này không chỉ tạo ra sự phân biệt đối xử theo giới mà còn khiến cho nhiều tài năng nữ không được phát huy đúng mức. Ngoài ra, phụ nữ thường được xem là “không đủ khả năng tham gia vào các công việc đòi hỏi tính logic, kỹ thuật cao và sáng tạo”, khiến họ không tự tin và hình thành nên những rào cản vô hình khi tham gia ngành công nghệ.

Khoảng cách giới trong công nghệ còn thể hiện rõ ở việc tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý. Trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam, phụ nữ ít có cơ hội tiếp cận các vị trí lãnh đạo, quản lý hay các công việc kỹ thuật cao cấp. Số lượng phụ nữ lãnh đạo trong các công ty công nghệ vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, mặc dù họ có thể có kỹ năng và trình độ tương đương hoặc thậm chí vượt trội so với nam giới.

Bên cạnh đó là rào cản về chuẩn mực xã hội và kỳ vọng về vai trò của phụ nữ trong gia đình đã và đang ảnh hưởng đến việc phụ nữ tiếp cận tới chuyển đổi số trong khi chính chuyển đổi số đã và đang thay đổi mô hình, tác phong làm việc.

Bốn là, chưa có những quy định, chính sách đột phá để thực sự phát huy vai trò của lao động nữ  trong thời kỳ chuyển đổi số. Chẳng hạn, việc hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ trong việc phát triển sản phẩm khởi nghiệp; hoặc cũng chưa có cơ chế hỗ trợ phụ nữ đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử…

Năm là, vấn đề an toàn, an ninh mạng và quyền riêng tư có thể bị xâm phạm trong thời kỳ chuyển đổi số. Phụ nữ đối mặt với nhiều rào cản trong lĩnh vực an ninh mạng, nơi mà những yếu tố kỹ thuật và tâm lý xã hội ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ của họ.Thực tế, không gian mạng đã trở thành người bạn thân thiết, trở thành “trợ lý” đắc lực cho phụ nữ, giúp phụ nữ tìm kiếm thông tin phục vụ cho công việc, chuyên môn, nghiên cứu, học tập, nội trợ, chăm sóc sức khoẻ gia đình và thư giãn. Tuy nhiên, phụ nữ cũng gặp nhiều rủi ro mất an toàn khi sử dụng mạng xã hội: lừa đảo qua mạng xã hội, bị đánh cắp thông tin cá nhân, rủi ro tiếp cận các nội dung không phù hợp, gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý, tinh thần và nhận thức; bị quấy rối tình dục, rủi ro bị buôn bán.

3. Một số giải pháp

Để nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ nói chung, lao động nữ nói riêng  trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhấttiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông làm thay đổi nhận thức của xã hội về chuyển đổi số và và trò của lao động nữ trong chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao trong mọi tầng lớp xã hội về chuyển đổi số – một trong những yếu tố quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Thứ hai, nâng cao năng lực cho lao động nữ là một trong những biện pháp có tính chất cấp bách nhất hiện nay. Cần đa dạng hóa, linh hoạt trong đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực nữ, tùy theo nhu cầu, điều kiện, năng lực có hình thức đào tạo phù hợp. Đào tạo, đào tạo lại là tiền đề để nữ giới tham gia vào các lĩnh vực có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tin học, nhất là chuyên môn liên quan trực tiếp đến chuyển đổi số.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong bối cảnh chuyển đổi số, về bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử nói chung, trong lĩnh vực lao động nói riêng. Bảo vệ quyền lợi, chính sách ưu tiên cho phụ nữ trong các lĩnh vực liên quan đến công tác đào tạo, phát triển, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực nữ. Đây là hành lang pháp lý có ý nghĩa quan trọng, vượt qua rào cản định kiến về giới, là cơ sở để các tổ chức, cá nhân xây dựng các kế hoạch, chương trình có lợi, mở ra cơ hội cho phụ nữ được tham gia thị trường lao động bình đẳng, theo các lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành.

Tiếp tục cải cách thể chế để xác lập quyền hạn và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ. Các quyền pháp lý về xã hội và kinh tế sẽ tạo ra một môi trư­ờng thuận lợi, cho phép phụ nữ tham gia hiệu quả vào đời sống xã hội, bảo đảm chất lư­ợng cơ bản của cuộc sống. Có như vậy, phụ nữ mới có điều kiện, cơ hội bình đẳng khi tham gia thị trường lao động.

Bốn là, phụ nữ phải thực sự chủ động trong việc học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và hội nhập. Trước hết, cần chủ động nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số, nhận thức về cơ hội, thách thức, yêu cầu và những nguy cơ đối với lao động nữ. Từ đó, đi trước đón đầu tìm hiểu các thông tin cần thiết, để biết một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa.

Mỗi cá nhân lao động nữ cần nỗ lực, tự vượt qua chính mình, tự học tập, tự trang bị kiến thức, để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, nhất là yêu cầu những kỹ năng về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Tự ý thức được sự thay đổi, cảm nhận được áp lực, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần này, để có ứng phó phù hợp với bản thân; nỗ lực tự trau dồi, trang bị cho mình khả năng học hỏi, sẵn sàng tiếp thu những kỹ năng mới vì khả năng được tuyển dụng ít phụ thuộc vào những gì người lao động đã biết mà phụ thuộc nhiều vào khả năng học tập, ứng dụng và thích nghi. Lao động nữ phải thay đổi tư duy và chấp nhận học suốt đời, chấp nhận thay đổi môi trường, địa điểm làm việc. Đây vừa là quyền lợi, vừa là yêu cầu để bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập của lao động nữ.

Chú thích:
1. Thông cáo báo chí về tình hình dân số, lao động việc làm quý IV và năm 2023. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/12/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-dan-so-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2023.
2. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV chiếm 30,26%. https://hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/ty-le-nu-%C4%91ai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-la-30-26–38936-1.html.
3. Việc nâng cao tỷ lên nữ Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031 vẫn là một thcáh thức không nhỏ.  https://www.hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/viec-nang-cao-ty-le-nu-1ai-bieu-quoc-hoi-khoa-xvi-va-h1nd-cac-cap-nhiem-ky-2026-2031-van-la-mot-thach-thuc-khong-nho-59175-5.html, ngày 22/9/2023.
4. Tổng cục Thống kê (2023). Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2023.
5. Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới. https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/996002/dong-gop-cua-phu-nu-viet-nam-qua-gan-40-nam-tien-hanh-cong-cuoc-doi-moi.aspx, ngày 12/11/2024.
6. Vai trò và sứ mệnh của phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới. https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/vai-tro-va-su-menh-cua-phu-nu-viet-nam-trong-ky-nguyen-moi, ngày 8/3/2025.
7. Báo động tình trạng sa thải lao động nữ trên 35 tuổi. https://hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/bao-%C4%91ong-tinh-trang-sa-thai-lao-%C4%91ong-nu-tren-35-tuoi-26076-1.html, nmgày 01/11/2017.
8. Tọa đàm đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số. https://kinhtedothi.vn/toa-dam-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-phi-chinh-thuc-trong-nen-kinh-te-so.html, ngày 30/7/2024.
9. World Bank (2021). Women and e-commerce in Southeast Asia. https://www.ifc.org/en/insights-reports/2021/women-and-ecommerce-sea
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
2. Bộ Chính trị (2024). Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
3. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
4. Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
5. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
6. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022, phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
7. Chính phủ (2021). Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030.