Đổi mới phương pháp giảng dạy môn Lý luận chính trị theo mô hình Blended learning tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên 

TS. Nguyễn Thị Thủy
Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên

(Quanlynhanuoc.vn) – Mô hình Blended learning được kế thừa từ sự phát triển của mô hình học trực tuyến, được phát triển dựa trên ứng dụng nền tảng công nghệ số trong dạy học giúp người học rèn luyện ý thức tự học, tính chủ động trong quá trình học. Hiện nay, việc chuyển đổi phương thức đào tạo từ truyền thống sang phương thức đào tạo truyền thống kết hợp trực tuyến (Blended learning) là một trong những xu hướng đổi mới bắt kịp thời đại của hệ thống giáo dục Việt Nam. Bài viết đưa ra những giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học Lý luận chính trị theo mô hình Blended learning tại trường Đại học Kinh tế và Quản trị quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên.

Từ khóa: Blended learning; đổi mới phương pháp giảng dạy; lý luận chính trị; Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh – Đại học Thái Nguyên.

1. Đặt vấn đề

Bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hiện nay tác động mạnh mẽ đến việc giảng dạy các môn lý luận chính trị. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục, vấn đề đặt ra đối với các cơ sở giáo dục đại học là phải xây dựng chiến lược phát triển, tập trung đổi mới nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu, chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo. Từ đó, nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần lý luận chính trị theo định hướng của Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân: “Đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tạo bước tiến mới, có kết quả, chất lượng cao hơn, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội”1.

Ngày nay, việc ứng dụng mô hình Blended learning trong giảng dạy bậc đại học là một lựa chọn hợp lý, ngoài việc phát huy được các lợi thế của lớp trẻ khi tham gia học, mô hình còn giúp người dạy có thể linh động và đa dạng hơn các phương pháp giảng dạy để thu hút người học. Do vậy, vận dụng phương thức đào tạo Blended learning phát huy tác dụng và có ý nghĩa thực sự trong thực tiễn giảng dạy lý luận chính trị nhằm trang bị cho sinh viên tri thức khoa học, niềm tin chính trị, tình cảm trong sáng, lý tưởng cách mạng, lòng tự tôn, niềm tự hào dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, trách nhiệm với Tổ quốc và Nhân dân.

2. Tổng quan về đào tạo theo mô hình Blended learning

Mô hình Blended Learning được kế thừa từ sự phát triển của mô hình học trực tuyến. Có rất nhiều cách tiếp cận khái niệm “Blended Learning”: “Blended Learning là mô hình học tập kết hợp và bổ trợ cho nhau giữa cách học trực tuyến và cách học truyền thống; Blended Learning là một phương pháp học tập kết hợp lớp học truyền thống với lớp học sử dụng công nghệ thông tin và có thể được phân phối trên internet”2. Như vậy Blended Learning được coi là phương pháp học tập hiệu quả và được Trường Đại học Cambridge nghiên cứu đầu tiên trong việc giảng dạy ngoại ngữ. Hiện nay mô hình này được áp dụng rộng rãi trong các tổ chức đào tạo khác.

Mô hình Blended learning được phát triển dựa trên ứng dụng nền tảng công nghệ số trong dạy học giúp người học rèn luyện ý thức tự học, tính chủ động trong việc lựa chọn không gian học, thời gian học, hạn chế được phần nào nhược điểm của mô hình dạy và học theo phương thức truyền thống (người dạy và người học phải gặp gỡ trực tiếp và cố định tại một địa điểm và thời gian đã quy định sẵn). Thuật ngữ Blended Learning được khái quát là “việc sử dụng các phương pháp giảng dạy trong lớp học truyền thống cùng với việc sử dụng phương pháp học trực tuyến cho cùng một sinh viên học cùng một nội dung trong cùng một khóa học”3. Ngoài ra, còn có các chương trình kết hợp, trong đó sinh viên học một số khóa học trong lớp học trực tiếp và các khóa học khác được cung cấp hoàn toàn trực tuyến. Mô hình này chính là sự kết hợp giữa mô hình dạy học truyền thống và mô hình dạy học trực tuyến theo tỷ lệ nhất định, tỷ lệ này có thể tăng giảm tùy thuộc vào mức độ áp dụng. Hiện nay, có 3 mức độ để áp dụng mô hình dạy học Blended learning, bao gồm:

Mức độ 1: Người dạy sử dụng hình thức chính là học tập truyền thống khi giảng dạy, tuy nhiên có cung cấp thêm các tài liệu trực tuyến để người học tra cứu thông qua Internet.

Mức độ 2: Người dạy thiết kế xen kẽ các bài giảng trực tuyến bên cạnh các bài giảng theo phương thức truyền thống để giúp người học làm quen dần với hình thức học tập trực tuyến. Việc trao đổi, thảo luận, hỗ trợ người học sẽ được mở rộng thực hiện thông qua các công cụ hỗ trợ, như: Email, Forum,… bên cạnh gặp mặt trao đổi trực tiếp.

Mức độ 3: Bên cạnh việc thiết kế xen kẽ các bài giảng trực tuyến như mức độ 2, ở mức độ 3 người học sẽ được kiểm tra và đánh giá bằng hình thức trực tuyến.

Căn cứ vào 3 mức độ có thể áp dụng của mô hình Blended Learning như trên, hiện nay trên thế giới có khoảng 6 mô hình Blended Learning đang được áp dụng để giảng dạy cho bậc đại học tùy theo nhu cầu đào tạo của cơ sở giáo dục.

Từ những nội dung trên đây có thể thấy, đặc điểm chung của các mô hình dạy học này là: hình thức dạy và học kết hợp giữa học trực tuyến và học giáp mặt ở những mức độ khác nhau. Người học có thể tương tác với nhiều nguồn học liệu khác nhau dưới nhiều hình thức khác nhau (tranh ảnh, video, sơ đồ, văn bản,…) và tương tác với những đối tượng khác nhau (với bạn cùng lớp, với giáo viên, với các đối tượng bên ngoài lớp học). Dạy học kết hợp tạo ra một lớp học không tường, không giới hạn về không gian, hoàn toàn linh động cho người học, đồng thời, người học có thể học ở bất cứ đâu vào bất cứ thời gian nào tùy vào sự hứng thú, nhu cầu và điều kiện của bản thân. Đối với các mô hình dạy học kết hợp, các yêu cầu về chuẩn đầu ra được kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo cho dù quá trình học mang tính cá nhân hóa cao.  

3Hoạt động giảng dạy các môn học Lý luận chính trị trong đào tạo theo mô hình Blended learning tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh 

3.1. Tình hình hoạt động giảng dạy các môn Lý luận chính trị theo mô hình Blended Learning 

Thứ nhất, do cơ cấu độ tuổi của cán bộ giảng viên bộ môn Lý luận chính trị trẻ (đa số cán bộ giảng viên bộ môn Lý luận chính trị là cán bộ trẻ (độ tuổi trên 40 tuổi: 05/17 người, độ tuổi 30 – 40 tuổi: 12/17)4. Với cơ cấu độ tuổi như vậy nên khả năng ứng dụng công nghệ trong giảng dạy cao, tăng tính hấp dẫn cho bài học, thu hút sự quan tâm của người học, giúp người học dễ tiếp nhận kiến thức và có thể vận dụng tốt vào đời sống thực tiễn. Cán bộ sử dụng các phương pháp hiện đại trong giảng dạy và các phương tiện hiện đại trong giảng dạy khiến người học rất hứng thú với bài học, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Khi có chủ trương của Nhà trường chuyển phương thức đào tạo sang mô hình Blended elearning thông qua phần mềm LMS, các giảng viên bộ môn Lý luận chính trị đã chủ động tìm hiểu, học hỏi và xây dựng bài giảng video bảo đảm về nội dung, chất lượng nhằm đáp ứng những yêu cầu mới cho việc đổi mới công tác giảng dạy của Nhà trường. 

Thứ hai, mặc dù chủ yếu là các cán bộ trẻ nhưng toàn thể cán bộ giảng viên bộ môn luôn nhận thức rõ vai trò của việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và nghiên cứu. Hiện nay 9/17 cán bộ giảng viên bộ môn Lý luận chính trị đạt trình độ tiến sĩ, 8/17 cán bộ giảng viên đạt trình độ thạc sĩ, trong đó 2 giảng viên đang tham gia làm nghiên cứu sinh5. Lãnh đạo bộ môn đã không ngừng tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ giảng viên tham gia học tập, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, phục vụ tốt công tác giảng dạy. Đây là một thuận lợi rất lớn của bộ môn trong việc nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa về trình độ chuyên môn của Đại học Thái Nguyên nói chung và Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh  nói riêng. 

Thứ ba, cùng với nhiệm vụ giảng dạy, các giảng viên bộ môn đã không ngừng học tập, bồi dưỡng chuyên môn thông qua việc tham gia công tác nghiên cứu khoa học – một nhiệm vụ quan trọng bên cạnh công tác giảng dạy. Đồng thời, việc chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học còn được coi là nhiệm vụ không thể thiếu trong đổi mới phương pháp. Thông qua nghiên cứu khoa học giúp giảng viên làm chủ được tri thức trên cơ sở độc lập suy nghĩ, sáng tạo, biết vận dụng tri thức vào bài giảng cũng như thực tiễn cuộc sống, nhiều giảng viên của bộ môn đã công bố nhiều bài viết trên các báo, tạp chí chuyên ngành, các hội thảo quốc gia và quốc tế.

Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà trường, khoa, bộ môn, các cán bộ giảng viên được tham gia các khóa tập huấn chuyên môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhằm cập nhật thường xuyên những kiến thức chuyên môn về mặt lý luận và thực tiễn. Đồng thời, cán bộ, giảng viên bộ môn cũng thường xuyên tham gia các khóa tập huấn do Đại học Thái Nguyên, Nhà trường tổ chức nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy nói chung, phương pháp giảng dạy các môn Lý luận chính trị nói riêng và phương pháp giảng dạy theo mô hình Blended eleaning. 

Thông qua những buổi sinh hoạt học thuật, lãnh đạo bộ môn cùng với tập thể cán bộ, giảng viên thường xuyên trao đổi về nội dung, phương pháp giảng dạy. Lãnh đạo bộ môn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn nhằm thảo luận, trao đổi chuyên sâu và cập nhật các nội dung đổi mới chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức thực tế tại các địa phương nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức thực tiễn của giảng viên về lịch sử đất nước và địa phương, từ đó tìm ra những nội dung, triết lý sâu sắc, phương pháp giảng dạy tích cực nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị.

3.2. Những vấn đề đặt ra

(1) Đặc thù của môn Lý luận chính trị là khô khan, trừu tượng, khó tiếp thu; chương trình học các môn Lý luận chính trị cho sinh viên thường diễn ra vào năm thứ nhất, năm thứ hai, khi sinh viên mới chập chững bước vào ghế nhà trường, tâm lý chưa ổn định, đã quen với cách học truyền thống của cấp phổ thông, tâm lý học phải có thầy/cô kề bên, hướng dẫn, học tập theo cách thụ động, do đó nếu áp dụng mô hình Blended Learning trong giảng dạy mà người học không có khả năng tự học, tự nghiên cứu sẽ dẫn đến tâm lý sợ, chán nản, không hào hứng do không tìm được phương pháp học tập phù hợp. Điều này gây khó khăn rất lớn cho cán bộ, giảng viên bộ môn khi vừa phải cập nhật những kiến thức thực tiễn mới, phù hợp để tăng tính hấp dẫn của bài học, vừa phải động viên, khích lệ giúp các người học tìm được hứng thú đối với môn học.

(2) Mô hình Blended learning là sự chuyển tiếp dần từ mô hình học tập truyền thống sang mô hình học tập trực tuyến, đòi hỏi người dạy phải có sự thay đổi về phương pháp giảng dạy để thu hút người học khi học trực tiếp trên lớp. Đồng thời, quản lý, giám sát, kiểm tra, giải đáp thắc mắc việc học trực tuyến của sinh viên,… điều này dẫn đến khối lượng công việc của người dạy tăng lên. Cùng với đó, tạo áp lực lớn cho người dạy khi phải làm thế nào để giúp người học tích lũy được lượng kiến thức phù hợp, vừa kích thích tinh thần tự học của người học mà không nhàm chán.

(3) Mặc dù đối tượng tham gia học là thế hệ trẻ, khả năng tiếp thu công nghệ rất nhanh chóng, tuy nhiên sẽ bị giới hạn đối với lượng người học chưa được tiếp xúc với công nghệ, thiếu các công cụ để phục vụ học trực tuyến (laptop, điện thoại, hệ thống Wifi, 4G…). Bên cạnh đó, số lượng lớn sinh viên sử dụng điện thoại di động để học, sinh viên sẽ gặp những khó khăn nhất định như thoát khỏi bài giảng khi nghe điện thoại hoặc đọc tin nhắn. 

Thực tiễn cho thấy, với những môn học có sự giới hạn về số lượt của bài tập củng cố, việc thoát khỏi phần mềm học do nghe điện thoại hoặc đọc tin nhắn trong thời điểm làm bài tập sẽ khiến sinh viên mất lượt, thậm chí không hoàn thành được bài tập. Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải khi học online là chất lượng đường truyền internet kém. Đây cũng là một trong các yếu tố gây khó khăn, cản trở trong quá trình học tập theo mô hình Blended elearning.

(4) Khó đánh giá mức độ tập trung, khả năng tư duy và giải quyết vấn đề của sinh viên. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên thường đặt vấn đề, trao đổi, thảo luận nhằm đánh giá kiến thức, khả năng tư duy, giải quyết vấn đề của sinh viên. Với các môn Lý luận chính trị, việc nắm bắt được tâm tư, tình cảm của sinh viên nhằm có định hướng, giáo dục kịp thời giúp sinh viên có lập trường tư tưởng chính trị đúng đắn, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước lại khó khăn hơn. Các vấn đề về triết học và cuộc sống, vấn đề kinh tế – xã hội được đặt ra, tuy vậy mức độ tương tác của sinh viên chưa thường xuyên, chưa đồng đều. Sinh viên còn bị phân tán bởi môi trường xung quanh, như: tiếng ồn, facebook, zalo, game… khi học trực tuyến. Để học trực tuyến có hiệu quả cần có một không gian yên tĩnh và sự tập trung cao, tuy nhiên không phải sinh viên nào cũng bảo đảm yêu cầu này. Phương pháp Blended Learning thì khó có thể đánh giá mức độ, khả năng tư duy, cách thức giải quyết vấn đề của sinh viên.

(5) Để quá trình học tập theo mô hình Blended elearning trên phần mềm LMS có hiệu quả, đòi hỏi Nhà trường phải trang bị một hệ thống máy chủ và hạ tầng kết nối mạng internet phải có đủ băng thông, năng lực đáp ứng nhu cầu truy cập của người dùng, không để xảy ra hiện tượng nghẽn mạng hay quá tải. Thực tế khi mới bắt đầu chuyển đổi mô hình này, sinh viên học trên LMS phản hồi thường xuyên diễn ra tình trạng nghẽn mạng, lỗi mạng, dẫn đến không vào được hệ thống hoặc video bị treo, xem thời gian rất dài không học được hết tiết học. Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả học tập, gây nên tình trạng chán nản, lơ là các tiết học trên hệ thống LMS. Đây là vấn đề Nhà trường đã dần khắc phục và đưa ra các phương án khắc phục.

(6) Việc thiếu thông tin về bản chất của hệ thống đào tạo theo mô hình Blended elearning đôi khi làm méo mó động cơ học tập của sinh viên. Sinh viên hầu như không hiểu hoặc chỉ nắm lý thuyết về bản chất của phương pháp đào tạo, do vậy, tính tự học của sinh viên chưa cao. Giảng viên khi lên lớp nhận thấy, phần lớn sinh viên không đọc tài liệu tham khảo trước ở nhà; một số lượng lớn sinh viên không tham gia học, không học đúng tiến độ hoặc học hời hợt, học cho xong chứ không nắm được bản chất vấn đề của bài học. Điều này dẫn đến chất lượng học tập của sinh viên thấp, khả năng nắm bắt kiến thức bài học không sâu; khả năng áp dụng thực tiễn không cao, coi môn học chỉ mang tính lý thuyết suông. Đặc biệt, tình trạng thờ ơ, chán học môn này rất phổ biến, đa số sinh viên chưa có ý thức cao với môn học, cho rằng đây là môn học phụ, dẫn đến thái độ ỷ lại, thụ động, thiếu tích cực. Sinh viên hầu như không có phương pháp và hình thức học tập sáng tạo.

4. Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học thuộc bộ môn Lý luận Chính trị theo mô hình Blended learning

Thứ nhất, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của giảng viên và sinh viên về vị trí, vai trò các môn lý luận chính trị trong chương trình đào tạo.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sâu rộng, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của tất cả mọi người đối với việc học tập, nghiên cứu các môn Lý luận chính trị.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giảng viên các môn lý luận chính trị khi vận dụng mô hình Blended learning.

Đổi mới mạnh mẽ sâu, rộng phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra, đánh giá trong mô hình đào tạo mới, mô hình Blended elearning. Giảng viên cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hoá hơn nữa quá trình học tập của sinh viên, phải tạo ra được cơ chế buộc sinh viên phải tham khảo tài liệu, chủ động nắm bắt nội dung môn học nhằm hiểu sâu hơn nữa kiến thức. Bên cạnh đó, cần theo dõi sát sao các tiến độ học tập trên phần mềm LMS của sinh viên, khích lệ các sinh viên hoàn thành tốt, đôn đốc sinh viên chưa hoàn thành tiến độ nhằm hướng tới việc sinh viên chủ động, tích cực trong quá trình học tập.

Thứ ba, cần bảo đảm hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, nhất là điều kiện công nghệ thông tin, phần mềm dạy học, phát huy tối đa mô hình Blended learning. 

Một trong những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học các môn Lý luận chính trị là ở cơ sở vật chất, các phương tiện hỗ trợ cho quá trình dạy và học. Do vậy, cần đảm bảo chất lượng của phương tiện phục vụ công tác giảng dạy, như: micro, máy chiếu… ở giảng đường, bổ sung các loại giáo trình, sách báo, tài liệu tham khảo trong hệ thống thư viện là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, các loại tài liệu tham khảo phải được cập nhật thường xuyên; bảo đảm việc khai thác thông tin từ Internet; xây dựng và hoàn thiện hệ thống học liệu điện tử… Bên cạnh đó, do sử dụng mô hình giảng dạy Blended elearning đối với các môn thuộc bộ môn Lý luận chính trị, Nhà trường cần nâng cao hơn nữa chất lượng đường truyền, phần mềm LMS nhằm giúp sinh viên đạt hiệu quả cao trong quá trình học tập mô hình kết hợp này.

Thứ tư, cần khuyến khích, động viên, nhắc nhở sinh viên kịp thời khi dạy và học theo mô hình Blended learning.

Giảng viên phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn sinh viên học tập và khai thác học liệu sao cho có hiệu quả, đồng thời, quan tâm, động viên và chia sẻ kịp thời. Việc làm này góp phần làm cho sinh viên và phụ huynh tin tưởng vào việc dạy và học của nhà trường. Bản thân giảng viên cũng cần đổi mới phương pháp giảng dạy, sáng tạo và sinh động qua mỗi bài giảng. Nhà trường, giảng viên cần khuyến khích, động viên, hỗ trợ và nhắc nhở sinh viên kịp thời trong môi trường học tập trực tuyến. Sinh viên phải có các phương tiện học tập tốt (máy vi tính/laptop, đường truyền internet). Khi đánh giá chấm điểm, giảng viên cần nhìn nhận từ nhiều góc độ, từ ý kiến của sinh viên bảo đảm khách quan và công bằng.

5. Kết luận

Dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc thay đổi từ phương thức đào tạo trực tiếp sang phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến (Blended elearning) là một nhu cầu tất yếu trong giáo dục, đào tạo đại học hiện nay. Tuy nhiên, thực trạng việc áp dụng mô hình dạy học kết hợp này đối với các môn Lý luận chính trị tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh – Đại học Thái Nguyên bước đầu gặp nhiều khó khăn và thách thức. Do đó, để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập các môn học Lý luận chính trị với mô hình Blended elearning, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều vấn đề, trong đó xây dựng, kiện toàn đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đủ về số lượng, bảo đảm về trình độ, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ được coi là trọng tâm, cơ bản. Bên cạnh đó, việc phải không ngừng tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ giảng viên và sinh viên về sứ mệnh của các môn học Lý luận chính trị được coi là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Việc bảo đảmđiều kiện giảng dạy và học tập của sinh viên trực tiếp và trực tuyến được coi là công tác trực tiếp, trước mắt nhằm giúp công tác giảng dạy đạt kết quả cao.

Chú thích:
1. Ban Bí thư (2014). Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Vận dụng mô hình học tập kết hợp (Blended learning) trong giảng dạy bậc đại học tại Việt Nam hiện nay. https://tapchicongthuong.vn/van-dung-mo-hinh-hoc-tap-ket-hop–blended-learning–trong-giang-day-bac-dai-hoc-tai-viet-nam-hien-nay-85009.htm
3. Mô hình Blened Learning trong giáo dục đại học và thực tiễn áp dụng ở các trường đại học. http://vjes.vnies.edu.vn/sites/default/files/noidung-6-11_1.pdf
4, 5. Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh – Đại học Thái Nguyên (2024). Báo cáo Thông tin nội bộ cán bộ của Phòng Tổ chức cán bộ tính đến ngày 31/12/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016). Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐ ngày 22/4/2016 về việc quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng.
2. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (2017). Báo cáo: “Giáo dục đại học trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư: xu hướng và quan điểm”, tháng 6/2017.
3. Ứng dụng mô hình dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Hành chính Quốc gia. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/08/10/ung-dung-mo-hinh-day-hoc-ket-hop-truc-tiep-voi-truc-tuyen-nham-nang-cao-chat-luong-dao-tao-boi-duong-tai-hoc-vien-hanh-chinh-quoc-gia/