ThS. Trần Quốc Hưng
Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Chiến dịch Hồ Chí Minh không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử giải phóng dân tộc mà còn là minh chứng cho sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc Việt Nam. Vượt ngoài khuôn khổ của một chiến dịch quân sự thuần túy, sự kiện này nhằm phản ánh trình độ phát triển cao của nghệ thuật quân sự và khả năng huy động sức mạnh toàn dân ta. Trên cơ sở phân tích lịch sử làm rõ cơ chế vận động và sức mạnh dân tộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số nội dung nhằm kế thừa và phát huy sức mạnh dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Từ khóa: Chiến dịch Hồ Chí Minh; sức mạnh dân tộc; đại đoàn kết dân tộc.
1. Đặt vấn đề
Tinh thần đoàn kết là một giá trị cốt lõi trong bản sắc văn hóa và là nền tảng sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Giá trị này được định hình và phát triển thông qua quá trình đấu tranh bền bỉ của dân tộc trước những thách thức của thiên nhiên và các cuộc xâm lược, dựa trên nền tảng của lòng yêu nước và khát vọng độc lập, tự chủ. Trong tiến trình lịch sử dân tộc, tinh thần đoàn kết đã được nâng lên tầm cao mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh – một minh chứng sinh động cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
Sức mạnh dân tộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã được nhiều công trình nghiên cứu ghi nhận, chủ yếu tập trung vào những khía cạnh, như: vai trò lãnh đạo của Đảng, sức mạnh quân sự và chiến thuật trong chiến dịch. Đồng thời, bổ sung những luận cứ khoa học mới về vai trò của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc phát huy sức mạnh đó trong giai đoạn hiện nay.
2. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc
Trong tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành và phát triển tinh thần yêu nước gắn liền với ý thức cộng đồng và đoàn kết dân tộc như một giá trị văn hóa nền tảng. Giá trị này đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa vận mệnh cá nhân với sự tồn vong và phát triển của cộng đồng dân tộc.
Tinh thần đoàn kết dân tộc không chỉ là nền tảng cho ý chí kiên cường và tinh thần hy sinh vì đất nước mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của cả cộng đồng và cá nhân. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đoàn kết vẫn luôn là giá trị cốt lõi được tôi luyện qua quá trình đấu tranh với thiên nhiên và chống ngoại xâm. Những giá trị truyền thống này đã trở thành nền tảng quan trọng trong quá trình hình thành quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, tạo nên một hệ tư tưởng có tính kế thừa sâu sắc từ lịch sử và văn hóa dân tộc.
Đại đoàn kết dân tộc là một giá trị cốt lõi trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, được hình thành trên nền tảng truyền thống lịch sử và phát triển thành một học thuyết chính trị toàn diện. Trong tư duy chiến lược của Người, đại đoàn kết được xác định là nhân tố quyết định sự tồn vong của dân tộc và thành công của cách mạng: “Sử ta dạy cho ta bài học này, lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”1 hay đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”2. Do đó, để đánh bại các thế lực đế quốc thực dân, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, nếu chỉ có tinh thần yêu nước thôi là chưa đủ, cách mạng muốn thành công và “thành công đến nơi” phải tập hợp tất cả các lực lượng, xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc bền vững.
Về vai trò của đại đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Do đó, Người căn dặn nhiệm vụ của toàn Đảng là phải giữ gìn sự đoàn kết. Trong Di chúc, Người nhắc nhở: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của Nhân dân ta. Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”3. Và tư tưởng đó phải được quán triệt trong tất cả lĩnh vực, từ đường lối, chủ trương, chính sách đến hoạt động thực tiễn.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân được hiểu như một sự tập hợp toàn diện các thành phần xã hội thành một khối thống nhất. Để xây dựng khối đại đoàn kết bền vững, cần xác định rõ lực lượng nòng cốt làm hạt nhân. Người nhấn mạnh: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây”4. Thực tiễn, tư tưởng này được thể chế hóa thông qua việc thành lập và phát triển Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – nhằm giữ vai trò nòng cốt trong việc tập hợp các giai tầng xã hội. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò then chốt của giai cấp công nhân và nông dân như nền tảng của khối đại đoàn kết.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình phát triển và chuyển đổi về hình thức tổ chức đã khẳng định vai trò quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Với chức năng cơ bản là tập hợp và đoàn kết các thành phần xã hội, bao gồm các giai cấp, tầng lớp, dân tộc và tôn giáo đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên bước ngoặt lịch sử trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Trong suốt 95 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định thực hiện chiến lược đại đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc. Từ đó, góp phần quyết định vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mang lại sự thống nhất đất nước, tạo tiền đề cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
3. Quân và dân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Đầu năm 1975, chiến trường miền Nam có những chuyển biến chiến lược quan trọng. Sau chiến thắng Phước Long – được xem như trận “trinh sát chiến lược”, quân Giải phóng đã liên tiếp giành thắng lợi qua các chiến dịch Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên và Huế – Đà Nẵng. Thành công của các chiến dịch này đã chia cắt chiến lược lực lượng của địch, buộc chúng rơi vào thế phòng ngự bị động. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã đề ra quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975.
Tại cuộc họp ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị đã đưa ra đánh giá chiến lược quan trọng: ta đã có ưu thế áp đảo về quân sự và chính trị, trong khi địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Thời cơ để phát động tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn – Gia Định đã chín muồi. Từ nhận định này, Bộ Chính trị đề ra phương châm hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, với quyết tâm kết thúc chiến tranh giải phóng trong tháng 4/1975. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 07/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cương vị Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành mệnh lệnh chiến đấu khẩn trương cho các đơn vị, nhấn mạnh yêu cầu “thần tốc” và “táo bạo” trong hành động.
Để triển khai chiến dịch, ngày 06/4/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch được thành lập với Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy. Đến ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã thông qua kế hoạch chiến dịch cuối cùng, xác định năm hướng tiến công chủ yếu và đặt tên chiến dịch là “Chiến dịch Hồ Chí Minh” theo nguyện vọng của quân và dân toàn chiến trường. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước sôi nổi không khí ra trận. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã phát huy thành công chiến lược“toàn dân, toàn diện”. Dấu ấn nổi bật của cuộc kháng chiến là đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao.
Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng. Khi các binh đoàn chủ lực từ 5 cánh tiến công vào Sài Gòn thì các lực lượng của quân dân Sài Gòn – Gia Định đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được phân công với sự hiệp đồng giữa lực lượng vũ trang thành phố với 5 cánh quân chủ lực, kết hợp với nổi dậy của quần chúng, sự tấn công của các lực lượng yêu nước với công tác binh, địch vận vào ngay các cơ quan đầu não của địch5.
Lực lượng vũ trang thành phố đóng vai trò tiên phong trong phong trào khởi nghĩa quần chúng thông qua việc triển khai các chiến lược và hoạt động có tổ chức. Đồng thời, thực thi chiến lược “ba mũi giáp công” – quân sự, chính trị và binh vận – một cách đồng bộ trên toàn địa bàn với trọng tâm là vô hiệu hóa các cơ quan đầu não và bộ máy kiểm soát của đối phương tại cấp địa phương. Chiến lược này đã tạo nên sự tan rã từ nội bộ của chính quyền đối phương, thiết lập điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tổng tiến công và khởi nghĩa. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, thông qua sự phối hợp với các đơn vị khác, lực lượng vũ trang thành phố đã đạt được những thành tựu đáng kể: vô hiệu hóa 31.000 tên địch, bắt giữ hơn 12.000 binh lính, thiết lập quyền kiểm soát và bảo vệ 14 cầu chiến lược, 21 chi khu quân sự và trụ sở hành chính, 22 đồn binh cấp tiểu đoàn, đại đội và chi khu, tịch thu 88 phương tiện quân sự, 12.275 vũ khí các loại và 216 tấn trang thiết bị quân sự6.
Trong quá trình chiến dịch, các lực lượng vũ trang địa phương, biệt động và đặc công đã thể hiện vai trò chiến lược quan trọng trong việc kiểm soát các điểm then chốt. Các đơn vị này đã nhanh chóng thiết lập quyền kiểm soát tại các cây cầu chiến lược, bao gồm: cầu Đồng Nai, Cầu Ghềnh, Rạch Cát, Rạch Chiếc, Bình Phước, Chợ Mới, Tân An, Bông, Tham Lương, Bà Hom, Phú Lâm và Nhị Thiên Đường, tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của các đơn vị chủ lực vào Thành phố. Đặc biệt xuất sắc là thành tích của các đơn vị chủ lực Thành phố và các đơn vị tinh nhuệ được Bộ Chỉ huy điều động tăng cường. Trung Đoàn Gia Định 1 (Quyết Thắng) đã thực hiện thành công chiến dịch tấn công, buộc 3.000 quân địch tại căn cứ Đồng Dù và chi khu Hậu Nghĩa phải rút lui và đầu hàng. Cùng với đó là Tiểu đoàn 4 Gia Định đã phối hợp với lực lượng đặc công thiết lập hai điểm xâm nhập ở khu vực phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất, tạo tiền đề cho các đơn vị chủ lực tiến vào. Trung Đoàn Gia Định 2 (Đất Thép) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm lĩnh chi khu Hóc Môn và tiểu khu Gia Định, trong khi Tiểu đoàn 197 đã giành quyền kiểm soát công ty Điện Lực và đồn cảnh sát gần trụ sở Hạ Viện của chính quyền Sài Gòn7.
Dưới sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, phong trào đấu tranh quần chúng đã phát triển mạnh mẽ và lan rộng khắp các địa phương, thể hiện qua nhiều hình thức đa dạng và có tổ chức. “Phong trào dân tộc tự quyết” và hoạt động của “Ủy ban vận động hòa bình” (năm 1965) đã thu hút hàng nghìn chiến sĩ tham gia, công bố tuyên ngôn yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh. Các tổ chức xã hội dân sự, như: Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc, Hội bảo vệ nhân quyền và quyền lợi phụ nữ, Hội bảo vệ tinh thần thanh niên, cùng với sự đóng góp của các tờ báo, như: Tin Văn, Hồn Trẻ, Tiếng nói trí thức đã tích cực đấu tranh chống lại sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai. Đặc biệt, các phong trào văn nghệ quần chúng, như: Sử ca, Kháng chiến ca, Hát cho đồng bào tôi nghe… đã thu hút hàng vạn thanh niên tham gia, tạo nên làn sóng cách mạng mạnh mẽ trong lòng đô thị. Một điểm nhấn đặc biệt trong phong trào đấu tranh đô thị là cuộc biểu tình “Ký giả đi ăn mày” tại Sài Gòn – một sự kiện độc đáo chưa từng có trong lịch sử các đô thị thuộc địa đã để lại dấu ấn sâu sắc trong ký ức của Nhân dân Sài Gòn – Gia Định, cả nước và quốc tế8.
Trong chiến dịch, lực lượng công nhân đóng vai trò tiên phong trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu, bao gồm các nhà máy điện, nước, bưu điện, đài phát thanh, truyền hình và các kho tàng, ngăn chặn nguy cơ phá hoại từ phía đối phương. Đoàn Thanh niên đã điều động 500 cán bộ, đoàn viên thâm nhập vào nội thành để tổ chức và phát động phong trào khởi nghĩa. Theo đó, một lực lượng lớn được đưa vào nội thành để khi có thời cơ thì các tổ chức, như: Tổng hội sinh viên Sài Gòn, Tổng Đoàn học sinh Sài Gòn, Đoàn Văn nghệ học sinh, sinh viên, Đoàn công tác xã hội… vận động hội viên và quần chúng tham gia nổi dậy giành quyền làm chủ ở các khu phố. Trong đó, Thành Đoàn trực tiếp phụ trách nổi dậy ở các khu Bàn Cờ, Vườn Chuối, Cầu Bông, Đa Kao – Tân Định, Phú Nhuận, Khánh Hội – Vĩnh Hội, Tân Phú, Bảy Hiền; Ban Trí vận đã thành công trong việc huy động các tầng lớp trí thức, công chức, giáo chức, tu sĩ, doanh nhân và văn nghệ sĩ tham gia phong trào đấu tranh chính trị, kết hợp với các phong trào của thanh niên, phụ nữ, công nhân và cộng đồng người Hoa; Ban Binh vận, đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động trong hàng ngũ quân đội và chính quyền Sài Gòn, phổ biến các chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của cánh B Thành ủy phụ trách địa bàn nông thôn (bao gồm các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức và thị xã Gia Định) đã xây dựng được hàng trăm cơ sở quần chúng và nhiều lõm chính trị tại vùng ven đô từ đầu tháng 4/19759.
Kết quả của sự phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng vũ trang, quân chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, tự vệ cơ sở và phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã tiêu diệt và làm tan rã hơn 31.000 quân địch, bắt sống 12.619 tù binh. Về cơ sở vật chất, lực lượng giải phóng đã kiểm soát được 9 cầu, 2 kho, 21 đồn, 9 căn cứ quân sự, 5 chi khu, 21 phân chi khu và trụ sở tề, 1 tiểu khu, 1 bến cảng cùng nhiều cơ sở khác. Số vũ khí và phương tiện chiến tranh thu được, bao gồm: 12.275 súng, 88 xe quân sự, 183 máy truyền tin và 216 tấn đạn và nhiều phương tiện chiến tranh khác. Đồng thời, toàn Thành phố đã ghi nhận 107 điểm nổi dậy giành chính quyền, trong đó 32 điểm diễn ra trong ngày và đêm 29/4/1975 – trước khi các cánh quân chủ lực tiến vào Sài Gòn và 34 điểm xảy ra trước thời điểm Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng10.
Sự phối hợp chiến đấu giữa quân và dân đã góp phần tạo nên một chiến thắng đặc biệt nhất trong lịch sử quân sự thế giới – kết thúc một cuộc chiến tranh khốc liệt bằng một thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng này không chỉ minh chứng cho chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, mà còn khẳng định, sức mạnh của ý chí thống nhất non sông. Đại thắng Mùa Xuân 1975 đã trở thành một trong những chiến công vĩ đại nhất của thế kỷ XX, có ý nghĩa sâu sắc trong tiến trình lịch sử thế giới và để lại những bài học quý giá về sức mạnh đoàn kết dân tộc. Những bài học này vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong việc tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
4. Phát huy sức mạnh dân tộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay
Từ những bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết hợp với yêu cầu của tình hình mới, cần triển khai một số giải pháp mang tính định hướng chiến lược nhằm củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Thứ nhất, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị theo hướng hiện đại, hiệu quả, thực chất, tạo môi trường thuận lợi cho sự đồng thuận và phát triển xã hội.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, xây dựng cơ chế nhằm phát huy trí tuệ, tài năng của Nhân dân, tăng cường kết nối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ ba, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tăng cường đại đoàn kết dân tộc; tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, ổn định xã hội, phát triển toàn diện và bền vững đất nước.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia, tạo nền tảng cho việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ năm, phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân, tăng cường công tác dân vận trong điều kiện mới, chú trọng đối thoại, lắng nghe và giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của Nhân dân. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân, trách nhiệm của Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
5. Kết luận
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc. Những bài học kinh nghiệm về xây dựng và phát huy sức mạnh vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Việc vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử, kết hợp với các giải pháp đổi mới phù hợp sẽ góp phần củng cố nền tảng đoàn kết dân tộc, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ mới.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 256.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 104.
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 611.
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 244.
5. Phan Xuân Biên, Phạm Văn Thắng (2005). Quân dân Sài Gòn – Gia Định trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975, Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – Những vấn đề khoa học và thực tiễn. NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr. 189 – 191.
6. Vai trò của lực lượng vũ trang Sài Gòn – Gia Định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân khu 7. https://baoquankhu7.vn/vai-tro-cua-llvt-sai-gon-gia-dinh-trong-chien-dich-ho-chi-minh-314370718-0017859s36310gs
7, 9, 10. Phan Xuân Biên (2015). Với ý chí thống nhất non song, Sài Gòn – Gia Định ra sức xây dựng lực lượng, tham gia tích cực vào Đại thắng Mùa xuân 1975. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đại thắng Mùa xuân 1975, tr. 190 – 192, 190 – 192, 190 – 192.
8. Nhân dân Sài Gòn – Gia Định đồng loạt xung trận tạo sức mạnh to lớn, góp phần làm nên chiến công thời đại – Đại thắng mùa Xuân 1975. https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/nhan-dan-sai-gon-%E2%80%93-gia-dinh-dong-loat-xung-tran-tao-suc-manh-to-lon-gop-phan-lam-nen-chien-cong-tho-1491864664
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2004). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 36. H. NXB Chính trị quốc gia.
2. Đại thắng mùa Xuân 1975 – biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/dai-thang-mua-xuan-1975-bieu-tuong-suc-manh-dai-doan-ket-toan-dan-toc-726587.
3. Phát huy sức mạnh đoàn kết quân dân trong đại thắng mùa Xuân 1975 trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/04/02/phat-huy-suc-manh-doan-ket-quan-dan-trong-dai-thang-mua-xuan-1975-trong-su-nghiep-bao-ve-to-quoc-hien-nay/.
4. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. https://thinhvuongvietnam.com/Content/phat-huy-suc-manh-toan-dan-toc-trong-chien-dich-ho-chi-minh-324422.