Tổ chức và hoạt động chính quyền địa phương ở Việt Nam – thực trạng và yêu cầu đổi mới 

TS. Thiều Thị Thu Hương
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, cuộc cách mạng tinh gọn, sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước ở Trung ương và địa phương đang được triển khai thực hiện. Điều này đặt ra yêu cầu đánh giá tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương trong thời gian qua, từ đó xác định các yêu cầu đổi mới nhằm bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong bối cảnh mới.

Từ khóa: Chính quyền địa phương; tổ chức; thực trạng; yêu cầu đổi mớl; kỷ nguyên mới.

1. Đặt vấn đề

Chính quyền địa phương là một bộ phận hợp thành của chính quyền nhà nước, được thành lập ở các đơn vị hành chính lãnh thổ địa phương. Tùy theo thể chế chính trị, hành chính của mỗi quốc gia, Nhà nước trao cho chính quyền địa phương những quyền lực nhất định trong quản lý cộng đồng nhằm bảo đảm mối liên hệ giữa cơ quan trung ương với địa phương để thực hiện các chính sách của nhà nước ở địa phương.

Về mặt lý thuyết cũng như thực tế, không có mô hình chính quyền địa phương thống nhất cho mọi quốc gia vì việc tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền địa phương phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: kết cấu dân cư, địa lý, kinh tế, xã hội, năng lực của các cấp chính quyền, bản chất chính trị của nhà nước… Tuy nhiên, về cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương thường bao gồm 2 thiết chế, một là cơ quan đại diện (Hội đồng dân cử) và hai là cơ quan (hoặc cá nhân) thực hiện chức năng hành chính. Tùy thuộc theo loại đơn vị hành chính lãnh thổ thì chính quyền địa phương có thể là chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, chính quyền hải đảo… Theo cấp hành chính có thể là chính quyền cấp tỉnh, chính quyền cấp huyện, chính quyền cấp xã.

2. Thực trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam

2.1. Về tổ chức đơn vị hành chính

Giai đoạn trước Hiến pháp năm 2013, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc chia, tách, thành lập mới các đơn vị hành chính diễn ra ở hầu hết các địa phương, làm tăng nhiều số lượng đơn vị hành chính các cấpnăm 2013 so với năm 1989, cả nước có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh (tăng 19 đơn vị); 708 đơn vị hành chính cấp huyện (tăng 171 đơn vị) và 11.161 đơn vị hành chính cấp xã (tăng 1.140 đơn vị)1.

Từ năm 2019 đến nay, căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (chưa đạt đồng thời 50% cả hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số) trong giai đoạn 2019 – 2021 và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; tiếp đến là Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025. Kết quả sau hai đợt sắp xếp, tính đến tháng 12/2024 đã giảm được 17 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 còn 696 đơn vị) và giảm được 1.125 đơn vị hành chính cấp xã (từ 11.160 còn 10.035 đơn vị). Qua đó, đã giảm được 1.207 cán bộ, công chức cấp huyện; 17.385 cán bộ, công chức cấp xã; 10.751 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã2. Giảm chi hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

2.2. Về mô hình tổ chức của chính quyền địa phương

Ở Việt Nam, “Chính quyền địa phương” là vấn đề không mới và xuất hiện từ khi thành lập nước năm 1945. Về cơ bản, chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính (phân chia rất khác nhau giữa các giai đoạn phát triển) được quy định trong các bản Hiến pháp và pháp luật.

Ngay từ Sắc lệnh năm 1945, Hiến pháp năm 1946 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1958quy định: Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban hành chính. HĐND do dân bầu, đại diện cho Nhân dân địa phương, có quyền quyết định mọi việc ở địa phương nhưng không trái với quy định của cấp trên (phân quyền). Ủy ban hành chính đại diện cho Chính phủ có quyền chuẩn y (giám hộ hành chính đối với các quyết định của HĐND cấp dưới). 

Hiến pháp năm 1959 lần đầu tiên quy định: HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và Ủy ban hành chính là cơ quan chấp hành của HĐND địa phương, đồng thời là cơ quan hành chính của Nhà nước ở địa phương. 

Đến Hiến pháp năm 1980 và Luật HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND) năm 1983 đánh dấu tổ chức nhà nước theo mô hình “Xô Viết” (Hiến pháp Liên Xô năm 1977), phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ theo 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), quy định HĐND và UBND được thành lập ở tất cả các đơn vị hành chính, UBND do HĐND bầu ra, là cơ quan chấp hành của HĐND, là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương

Theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã cụ thể hóa việc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã có phân biệt sự khác nhau về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn, nhưng trên thực tế vẫn chưa đủ rõ, chưa đủ cụ thể và chưa hoàn toàn phù hợp với đặc điểm, tính chất của quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn đô thị.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2017, trong đó có sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân biệt rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (điểm 2.3 mục III) và để tiếp tục cụ thể hóa Điều 111 Hiến pháp năm 2013 về tổ chức cấp chính quyền địa phương, ngày 22/11/2019, Quốc hội (khóa XIV) đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó giao quyền cho Quốc hội quy định cụ thể mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng linh hoạt ở đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Theo đó, đối với từng trường hợp cụ thể, Quốc hội quy định (bằng Nghị quyết) triển khai các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) – (sau đây gọi tắt là Luật năm 2019), đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Quốc hội (khóa XIV) đã ban hành 5 nghị quyết về tổ chức mô hình chính quyền đô thị3. Căn cứ các nghị quyết đó, ngày 29/3/2021, Chính phủ đã ban hành các nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành, tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 3 thành phố từ ngày 01/7/2021 cho thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng; TP. Hồ Chí Minh; thành phố Hải Phòng; thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh4.

2.3. Về phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương

Hiến pháp năm 2013 đã quy định 6 nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương. Trong đó, xác định rõ việc phân quyền phải được quy định bằng luật, đồng thời luật phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác (chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền). Luật năm 2019 cũng quy định rõ việc phân cấp phải bằng văn bản quy phạm pháp luật và các trường hợp được ủy quyền.

Căn cứ quy định của Luật năm 2019, trong nhiệm kỳ (khóa XIV), Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh, trong đó chú trọng đến cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng nâng cao trách nhiệm và công khai, minh bạch thẩm quyền của từng cấp, từng ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. 

3. Hạn chế, bất cập

3.1. Về tổ chức và số lượng đơn vị hành chính

Từ 2019 đến nay, qua 2 lần sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng số lượng đơn vị hành chính ở nước ta vẫn còn nhiều, gây khó khăn cho việc tập trung quản lý đầu tư và quy hoạch nguồn lực quốc gia. Tính đến cuối năm 2024 cả nước có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh; 695 đơn vị hành chính cấp huyện và 10.035 đơn vị hành chính cấp xã5.

Tiêu chuẩn các đơn vị hành chính theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) về dân số và diện tích còn chưa thật sự phù hợp với thực tiễn. Ước tính có 14/63 đơn vị hành chính cấp tỉnh (chiếm 22,2%), 242/696 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 34%) và 5.066/10.035 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 48%) chưa đạt đủ cả 2 tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên6. Số đơn vị hành chính có quy mô diện tích nhỏ, dân số ít so với tiêu chuẩn còn nhiều, gây khó khăn cho việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế ở các cấp chính quyền địa phương; cho phát triển kinh tế – xã hội và cho hội nhập và hợp tác quốc tế.

3.2. Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Ngoài việc thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở quận (đối với Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh) và ở phường (đối với cả 4 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng) từ ngày 01/7/2021 theo các nghị quyết của Quốc hội và các nghị định quy định chi tiết thi hành của Chính phủ theo hướng xác định chính quyền ở quận và ở phường không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND) thì còn lại chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đều được tổ chức cấp chínhquyền địa phương (gồm có HĐND và UBND) là chưa phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. Mô hình chính quyền đô thị hiện nay vẫn còn chưa hoàn thiện và do mới triển khai thực hiện nên chưa đủ thời gian để tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Việc triển khai còn có phạm vi hẹp (4/6 thành phố trực thuộc trung ương), chưa được nghiên cứu mở rộng đối với đô thị trực thuộc cấp tỉnh.

3.3. Về phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương

Hiến pháp năm 2013 đã quy định 6 nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Theo đó, phải hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành đòi hỏi phải có thời gian nên thực tế hiện nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương vẫn phải trực tiếp giải quyết nhiều vụ việc cụ thể, chưa tập trung vào chức năng, nhiệm vụ chính là quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược; đồng thời chưa phát huy hết được vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp; tình trạng phân quyền, phân cấp vẫn chủ yếu “từ trên xuống” theo cấp chính quyền chưa tạo sự chủ động cho các cấp chính quyền địa phương; chưa đồng bộ và chưa hợp lý với vị trí, vai trò của từng cấp chính quyền và đặc thù của từng loại chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo; chưa tạo động lực thúc đẩy phân quyền, phân cấp ở các địa phương có khó khăn và chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, tính chủ động, sáng tạo của từng cấp và từng loại chính quyền địa phương, đặc biệt là các địa phương tự bảo đảm ngân sách, có vị trí và vai trò động lực trong phát triển kinh tế – xã hội vùng. 

Phân quyền, phân cấp còn mang dấu ấn của cơ chế tập trung, bao cấp thể hiện ở nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa khối lượng, tính chất nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao với năng lực thực tế về tài chính, nhân sự của địa phương; một số lĩnh vực được đẩy mạnh phân cấp trên phương diện thể chế nhưng việc thực hiện thẩm quyền được giao trên thực tế chưa tương xứng. Năng lực và điều kiện thực hiện phân quyền, phân cấp ở một số địa phương còn nhiều bất cập so với thẩm quyền được giao, đặc biệt là điều kiện về tài chính và nguồn nhân lực.

Phân quyền, phân cấp chưa gắn với cải cách thủ tục hành chính, vẫn còn cơ chế kiểm soát của cấp trên qua các hình thức như báo cáo, thỏa thuận, chấp thuận, xin ý kiến, cho phép… đối với các vấn đề đã phân cấp cho cấp dưới. Các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế – kỹ thuật ở một số ngành, lĩnh vực chậm được sửa đổi, bổ sung, gây khó khăn cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được hoàn thiện đồng bộ với yêu cầu đẩy mạnh phân quyền, phân cấp; chưa có chế tài đầy đủ, rõ ràng, đủ mạnh đối với việc thực hiện không nghiêm các quy định phân quyền, phân cấp, đặc biệt là việc tuân thủ các chiến lược và quy hoạch chung, dẫn đến thất thoát, tham nhũng nguồn lực đầu tư, kinh phí, ngân sách nhà nước và sự phát triển lệch hướng của một số ngành, lĩnh vực (cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu), mất cân đối giữa các ngành công nghiệp và năng lượng, tàn phá môi trường ở nhiều địa phương.

4. Một số yêu cầu đặt ra với chính quyền địa phương ở Việt Nam trong bối cảnh mới 

4.1. Về bối cảnh mới

a. Tình hình thế giới, khu vực

Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh phức tạp và khó dự báo. Toàn cầu hóa đang làm thay đổi đến việc xác định vai trò quản lý của nhà nước và bộ máy hành chính các cấp. Một số xu hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới và nghiên cứu áp dụng như mô hình “Nhà nước kiến tạo phát triển”, mở rộng thực hiện tự quản địa phương, xây dựng bộ máy hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiệu quả, đủ năng lực và thẩm quyền; thích ứng nhanh trước các biến động trong khu vực và thế giới. 

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ, khoa học – công nghệ và tri thức được kết nối toàn cầu tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia; đã và đang tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, đòi hỏi phảichuyển đổi từ phương thức quản lý truyền thống sang phương thức quản lý hiện đại.

b. Tình hình trong nước

Sau gần 40 năm đổi mới, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện. Chính trị ổn định, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp có nhiều đổi mới, các mô hình tự quản ở thôn, làng, ấp, bản, khu dân cư, tổ dân phố phát triển đa dạng ở nhiều địa phương, qua đó khơi dậy ý thức làm chủ, sự năng động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của người dân, khuyến khích xây dựng ý thức cộng đồng và giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền nhà nước ở địa phương ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế đã dẫn đến sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng, giải quyết việc làm và xử lý ô nhiễm môi trường,…  

Cải cách nền hành chính nhà nước với các nội dung: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số và với mục tiêu xây dựng một nền hành chính trong sạch dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, đúng hướng, phục vụ đắc lực đời sống củaNhân dân; xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong xã hội đã tác động trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và chính quyền địa phương nói riêng.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là một chủ trương xuyên suốt của Đảng, đã được hiến định và cụ thể hóa thành luật và các quy định, qua đó các địa phương đã từng bước nâng cao tính chủ động trong quản lý, sử dụng các nguồn lực ở địa phương; có cơ chế điều hành sát hơn với đặc điểm kinh tế – xã hội địa phương. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền hiện nay chưa triệt để, còn nhiều thủ tục, trách nhiệm chưa rõ ràng, chưa gắn với việc thay đổi đồng bộ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và các hoạt động của các cấp chính quyền, gây ách tắc trong công việc, làm giảm hiệu quả điều hành, quản lý. 

Quá trình chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp là ưu tiên trong chính sách phát triển của nước ta (Bộ Chính trị đã có nghị quyết và Chính phủ đã có Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030) đã và đang tác động trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến các cấp chính quyền địa phương.

4.2. Quan điểm chỉ đạo của Đảng

Để bảo đảm thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) và Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Theo đó “Giao Đảng uỷ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và các cơ quan liên quan chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng đề án, tờ trình Bộ Chính trị về sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó:

(1) Đối với cấp tỉnh, ngoài căn cứ về quy mô dân số, diện tích, cần nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển của giai đoạn mới… làm cơ sở, căn cứ khoa học trong sắp xếp. 

(2) Đối với cấp xã, cần xác định rõ các mô hình chính quyền địa phương cấp xã đối với khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng, hải đảo, quy mô dân số, diện tích, lịch sử, văn hóa, các vấn đề về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, dân tộc, tôn giáo… Xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, định biên của chính quyền địa phương cấp xã. 

(3) Làm rõ mối quan hệ công tác giữa các cấp chính quyền địa phương (giữa cấp tỉnh và cấp xã); mối quan hệ công tác theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp xã (giữa bộ, ngành Trung ương, các sở chuyên ngành và đơn vị, cá nhân phụ trách theo lĩnh vực), bảo đảm hoạt động thuận lợi, đồng bộ, liên thông, hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ các điều kiện bảo đảm để chính quyền cấp xã hoạt động hiệu quả trước, trong và sau khi sắp xếp.

4.3. Một số yêu cầu đổi mới với chính quyền địa phương ở Việt Nam 

Thứ nhất, tổ chức lại đơn vị hành chính. Điều này không chỉ góp phần làm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế mà còn tạo ra không gian, tạo nên tảng phát triển cho đất nước, cho mỗi ngành/lĩnh vực và cho mỗi địa phương.

Tổng kết việc thành lập và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2024, khẩn trương nghiên cứu, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính cho phù hợp với thực tiễn; trên cơ sở đó xây dựng đề án tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp phù hợp với tiêu chuẩn về quy mô diện tích tự nhiên và dân số (xem xét đến các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh).

Thứ hai, tổ chức chính quyền địa phương theo hướng bỏ tầng nấc trung gian, phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về tổ chức mô hình chính quyền địa phương ở nước ta từ năm 1945 đến nay và kinh nghiệm tổ chức chính quyền địa phương ở các nước trên thế giới; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam theo hướng bỏ tầng nấc trung gian (bỏ cấp huyện) và phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính đô thị, nông thôn, hải đảo và đơn vị – hành chính kinh tế đặc biệt.

Nghiên cứu kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy nhiều nước đã tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đặc biệt là Nhật Bản với việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã góp phần tạo ra sự phát triển, bứt phá đưa nước Nhật Bản, trở thành một trong những cường quốc của thế giới. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp có ưu điểm tinh gọn bộ máy; mở rộng không gian phát triển cho các địa phương; đồng thời tạo điều kiện để thực hiện phân quyền giữa trưng ương với địa phương, giữa các cấp các cấp chính quyền địa phương với nhau rõ ràng, tập trung do không tổ chức quá nhiều cấp. 

Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực và mỗi giai đoạn phát triển. Cần xác định rõ mô hình chính quyền địa phươngđể thiết kế phân quyền cho cấp cơ sở theo nguyên tắc: những nhiệm vụ cấp nào làm tốt nhất thì giao quyền cho cấp đó; những nhiệm vụ cấp dưới đã làm thì cấp trên không làm, cấp trên chỉ làm những việc mà cấp dưới không làm được hoặc những việc có liên quan đến nhiều đơn vị cấp dưới (phân quyền theo phương pháp loại trừ từ dưới lên). Theo đó, xác định: (1) Lĩnh vực tuyệt đối không phân quyền là: quốc phòng; ngoại giao; an ninh; (2) Lĩnh vực cần phân quyền triệt để (100%) như: y tế, giáo dục phổ thông của địa phương; (3) Các nhiệm vụ phân chia trách nhiệm giữa trung ương và địa phương, như: thuế, các khoản thu của trung ương – địa phương, hải quan, cảnh sát, giao thông, thủy lợi…

Thứ tư, cần có một cơ chế liên kết giữa các chính quyền địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương có thể dẫn tới suy giảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước ở cấp độ quốc gia, suy giảm hiệu quả của các nguồn lực xã hội. Do đó, cần phải có cơ chế liên kết giữa các địa phương với nhau. Đồng thời, cần phải có những nghiên cứu, đề xuất quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và chế tài đối với chính quyền địa phương trong việc liên kết, phối hợp giải quyết các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng theo hướng: 

(1) Về thiết chế quản lý vùng: không hình thành một cấp chính quyền hoặc một cấp hành chính nhưng thành lập Hội đồng vùng là cơ quan tư vấn cho các chính quyền địa phương cấp trong vùng trong việc thực hiện liên kết vùng.

(2) Về nội dung liên kết vùng: là những vấn đề quan trọng theo đặc thù của từng vùng như: quy hoạch xây dựng; y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; quản lý và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý đất đai, dân cư và nhà ở; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; bảo tồn và phát triển văn hóa, lịch sử, du lịch… và các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm giảm tải gánh nặng điều hành của chính quyền trung ương đối với các địa phương, giúp cho việc xây dựng chính sách, pháp luật của chính quyền trung ương sát với yêu cầu của các địa phương trong vùng, phát huy được hiệu quả quản lý.

Chú thích:
1. Tác giả tổng hợp từ Báo cáo ngành Nội vụ năm 2024.
2. Tác giả tổng hợp từ Báo cáo 8677/BC-BNV của Bộ Nội vụ ngày 31/12/2024 về tình hình thực hiện và kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 và Báo cáo của Chính phủ về Sơ kết công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.
3. Quốc hội (2019, 2020). Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 169/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và Nghị quyết số 1111/2020/QH14 ngày 09/12/2020 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh.
4. Chính phủ (2021). Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Nghị định số 33/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh và Nghị định số 34/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
5. Số đơn vị hành chính cấp tỉnh cần sáp nhập đã được xác định. https://vnexpress.net/so-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-can-sap-nhap-da-duoc-xac-dinh-4862044.html
6. Tác giả tổng hợp từ Báo cáo của Chính phủ về Sơ kết công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Nội vụ (2024), Báo cáo 8677/BC-BNV ngày 31/12/2024 về tình hình thực hiện và kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.
2. Hoàng Thế Liên (2014). Các quy định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp 2013. Tài liệu tập huấn chuyên sâu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
3. Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/834702/tiep-tuc-doi-moi-mo-hinh-to-chuc-va-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cua-chinh-quyen-dia-phuong-theo-tinh-than-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang.aspx