Trần Thị Tuyền
NCS của Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(Quanlynhanuoc.vn) – Mỗi cộng đồng, quốc gia muốn khơi dậy khát vọng cống hiến cho sinh viên, phải đặt giáo dục làm nền tảng quan trọng. Vì vậy, cần phải đầu tư không chỉ về cơ sở vật chất mà còn về nội dung giáo dục, bảo đảm các giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm xã hội và lý tưởng cách mạng được truyền tải một cách hiệu quả. Đặc biệt là khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần trách nhiệm qua các hoạt động văn hóa, lịch sử và các phong trào xã hội. Do đó, nâng cao giáo dục lý tưởng cách mạng, khơi dậy khát vọng cống hiến cho sinh viên các trường đại học nói chung và khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng có hệ thống nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, truyền cảm hứng, khuyến khích sinh viên tham gia góp phần vào xây dựng và phát triển đất nước.
Từ khóa: Lý tưởng cách mạng; giáo dục lý tưởng cách mạng; khát vọng; cống hiến; sinh viên; đồng bằng sông Hồng.
1. Đặt vấn đề
Những năm gần đây, khi đại dịch Covid-19 tấn công vào nước ta với diễn biến phức tạp, chúng ta lại thấy “hình ảnh” các bạn trẻ xung kích tham gia tích cực cùng các lực lượng phòng, chống dịch. Năm 2024, cơn bão số 3 (cơn bão Yagi) đã đổ bộ vào miền Bắc nước ta, chúng ta lại một lần nữa nhìn thấy những “hình ảnh” ấy không chỉ là sự hiện diện của tinh thần đoàn kết mà còn là minh chứng cho sức mạnh và lòng dũng cảm của con người Việt Nam trong những thời khắc khó khăn nhất. Đó là, những bạn trẻ đã xung phong vào tâm dịch, bất chấp nguy hiểm để hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng. Hay những chiến sĩ phòng, chống thiên tai, không quản ngại ngày đêm với quyết tâm cứu giúp từng người dân, từng mái nhà trước sự tàn phá của cơn bão. Những hành động và điều này đã và đang trở thành biểu tượng cho tinh thần tương thân tương ái, cho ý chí vượt qua nghịch cảnh và là nguồn động lực lớn lao để cả dân tộc tiến lên. Tất cả những hình ảnh đó, đã khắc sâu thêm niềm tự hào và tình yêu đối với quê hương đất nước trong trái tim mỗi người Việt. Họ đã thể hiện tư duy mới, tinh thần sáng tạo không ngừng và luôn bộc lộ khát vọng, hoài bão trong công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Để định hướng và hiện thực hóa khát vọng này trong quá trình giảng dạy, học tập tại nhà trường, sinh viên cần được thẩm thấu, lan tỏa những giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam thông qua các bài giảng trên lớp; đồng thời, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, sống có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng và xã hội.
2. Quan điểm của Đảng về giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên
Lý tưởng được hiểu là giá trị, nguyên tắc, một định hướng và suy nghĩ tích cực cho mục tiêu của mình; đồng thời, giữ cho mục tiêu đó luôn quan trọng nhất, cao nhất. Theo đó, lý tưởng cách mạng được hiểu là những giá trị, những nguyên tắc, định hướng và suy nghĩ tích cực cho mục tiêu của sự nghiệp cách mạng dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, là xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, tự chủ, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Sinh viên là tầng lớp trí thức trẻ có trình độ, là những người có ước mơ, hoài bão lớn, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, những người có lòng nhiệt huyết và cũng rất nhạy cảm trong cuộc sống. Do vậy, giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên, khơi dậy khát vọng cống hiến vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc là rất quan trọng và cần thiết. Thực tế, lý tưởng cách mạng không thể tự trở thành tiềm thức của con người mà là kết quả của quá trình giáo dục và tự giáo dục, là sự đấu tranh gay go, phức tạp trên mặt trận tư tưởng. Lý tưởng cách mạng không hình thành một lần là xong mà phải trải qua quá trình học tập, lao động, thử thách với các nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp.
Đối với sinh viên, giáo dục lý tưởng cách mạng là nội dung cốt lõi, cơ bản, lâu dài, tạo động lực mạnh mẽ cho sinh viên phấn đấu vươn lên cống hiến cho dân tộc và khẳng định mình trong xã hội. Thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên là khơi dậy khát vọng học tập, nghiên cứu; ý thức, trách nhiệm, sự nỗ lực, chuyên cần, sáng tạo trong học tập, nắm vững tri thức được học trong nhà trường; là toàn bộ những mong ước, hoài bão, khát khao và nguyện vọng được cống hiến cho mục tiêu cách mạng của dân tộc.
Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm chăm lo giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, khơi dậy khát vọng cống hiến của họ. Đồng thời, giáo dục cho thế hệ trẻ về lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, là những nhân tố có tầm quan trọng hàng đầu trong nhân cách sinh viên.
Ngày 05/11/2012 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030; Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”1 cho thấy, tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên hiện nay.
3. Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, khơi dậy khát vọng cống hiến cho sinh viên các trường đại học vùng đồng bằng sông Hồng
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên. Toàn vùng có diện tích 23.336 km2, chiếm 6,42% diện tích của Việt Nam; dân số 22,92 triệu người, chiếm 23,49% dân số cả nước; mật độ dân số 1.087 người/km2, cao nhất so với các vùng khác và gấp 3,66 lần so với mật độ trung bình chung của Việt Nam2. Tỷ lệ sinh viên của vùng đồng bằng sông Hồng là 352 sinh viên/vạn dân3. Đặc biệt, trong vùng có 113 cơ sở giáo dục đại học, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Số lượng các trường tăng khá nhiều có sự tương quan khá chặt chẽ với sự phát triển kinh tế – xã hội giữa các vùng. Các trường phân bổ tập trung chủ yếu vào các vùng kinh tế phát triển, như: đồng bằng sông Hồng: 44,3%, Đông Nam Bộ: 18,4%, Tây Nguyên: 1,6%; Trung du miền núi phía Bắc: 5,7%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: 18,4%; đồng bằng sông Cửu Long: 7%4. Vì vậy, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên cần được triển khai một cách đồng bộ, sâu rộng và phù hợp với đặc điểm của từng khu vùng, từ đó, góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
Thứ nhất, công tác giảng dạy và học tập lý luận chính trị tại các trường đại học đã được khái quát, tạo ra một quan niệm hoàn chỉnh về sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Các môn học lý luận chính trị đã góp phần xác lập những khát khao, nguyện vọng về lý tưởng cách mạng, thái độ sống, lối sống đạo đức cho sinh viên phù hợp với định hướng giá trị xã hội Việt Nam. Thông qua học tập các môn lý luận chính trị, sinh viên tiếp thu tri thức khoa học, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng; có lý tưởng, tư duy khoa học, đạo đức cách mạng, năng lực sáng tạo trong hoạt động thực tiễn; nắm được những kiến thức căn bản, cốt lõi, quan trọng để xây dựng cơ sở khoa học cho nhận thức và niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng, vào sự lựa chọn và con đường độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Xét về chiều sâu bản chất các môn lý luận chính trị là vun trồng lý tưởng, đạo đức cách mạng, góp phần hình thành phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên. Ngoài ra, các bài giảng có liên hệ với những vấn đề nóng của xã hội như chống “diễn biến hòa bình” trong tư tưởng – chính trị, đạo đức, lối sống; nâng cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, truyền thống yêu nước, tự cường dân tộc…
Thứ hai, giáo dục lý tưởng cách mạng không chỉ trang bị cho sinh viên nhận thức sâu sắc về vai trò và trách nhiệm của bản thân đối với đất nước mà còn thúc đẩy sự hình thành của một thế hệ trẻ giàu nhiệt huyết, sáng tạo và sẵn sàng cống hiến. Đồng thời, giúp sinh viên có bản lĩnh chính trị vững vàng để đối mặt với những thử thách và khó khăn trong cuộc sống. Thông qua việc tiếp cận các giá trị cao đẹp của cách mạng, sinh viên có thêm động lực để phát triển bản thân, từ đó nâng cao ý thức cộng đồng, sống có trách nhiệm với xã hội.
Thông qua những buổi học tập về lịch sử cách mạng, những câu chuyện về các anh hùng dân tộc và những giá trị đạo đức cao đẹp, sinh viên không chỉ hiểu rõ hơn về truyền thống vẻ vang của dân tộc mà còn khơi dậy trong họ tinh thần yêu nước và quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Thứ ba, giáo dục lý tưởng cách mạng khơi dậy khát vọng cống hiến cho sinh viên thông qua công tác Đoàn, Hội, như: “Thanh niên tình nguyện” giúp đỡ nông dân thu hoạch mùa vụ, cải tạo hệ thống kênh mương hoặc hỗ trợ công tác giáo dục tại những khu vực khó khăn; Chương trình “Tuổi trẻ hướng về tri ân các anh hùng liệt sĩ”, cụ thể, sinh viên đã chủ động tham gia bảo trì các di tích lịch sử, làm sạch nghĩa trang liệt sĩ và tổ chức các buổi sinh hoạt về truyền thống cách mạng tại tỉnh Hà Nam, những hoạt động này không chỉ giáo dục về giá trị lịch sử mà còn thúc đẩy ý thức trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc; Chương trình “Mùa hè xanh” đã có rất nhiều sinh viên mang kiến thức, kỹ năng của mình đến giúp đỡ bà con tu sửa đường giao thông, như: sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội hỗ trợ bà con tại xã Vũ Xá huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang tu sửa đường giao thông nông thôn, sinh viên Trường Đại học Hà Nội phát quang 8 km đường giao thông nông thôn xã Mỹ An huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang, sinh viên Trường Đại học Nông – Lâm Thái Nguyên tu sửa nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Tiến huyện Yên Thế tỉnh Bắc Giang và tặng 6 suất quà cho gia đình chính sách5. Một số nhóm sinh viên đã tổ chức các buổi tuyên truyền về vệ sinh môi trường cùng người dân xây dựng các công trình cộng đồng, như: nhà văn hóa, sân chơi cho trẻ em và các phong trào bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, bảo đảm trật tự đô thị… Đây chính là minh chứng rõ nhất về sự sẵn sàng cống hiến cho xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn một số sinh viên chưa ý thức rõ ràng về vai trò tầm quan trọng của giáo dục lý tưởng cách mạng, thiếu tinh thần tự giác, chưa làm gương trong việc rèn luyện bản thân; đôi khi còn mang tư tưởng thực dụng, dễ nản lòng trước khó khăn và rơi vào lối sống cá nhân chủ nghĩa cá nhân. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến khát vọng cống hiến của sinh viên trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế này, cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên trong các trường đại học hiện nay.
4. Một số giải pháp
Một là, cần đào tạo sinh viên toàn diện về đạo đức và tài năng.
Đức và tài là hai mặt cơ bản của nhân cách. Sinh viên chỉ có thể góp phần vào sự nghiệp cách mạng khi họ là những con người toàn diện cả đức và tài: “Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại bị rỗng két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà lại có hại cho xã hội. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì nhưng cũng không lợi gì cho loài người”6. Thiếu một trong hai yếu tố trên, họ không thể phát huy được tiềm năng cống hiến cho sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hai là, tạo động lực để sinh viên thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tiếp tục thực hiện Đề án số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp của học sinh sinh viên. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tiếp tục quan tâm, tạo môi trường thuận lợi nhất để hỗ trợ sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Xây dựng tư duy tích cực và ý thức trách nhiệm xã hội thông qua việc lồng ghép tinh thần đổi mới sáng tạo vào chương trình giảng dạy, tổ chức các buổi giao lưu với những nhân vật truyền cảm hứng; đồng thời, đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông về tinh thần cống hiến cho sinh viên.
Tiếp tục thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo bằng cách thành lập các vườn ươm khởi nghiệp trong trường đại học, hỗ trợ sinh viên tiếp cận nguồn vốn và công nghệ hiện đại cũng như kết nối với doanh nghiệp để hiện thực hóa ý tưởng.
Tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại, áp dụng phương pháp học tập thực tiễn, khuyến khích sinh viên tham gia các dự án nghiên cứu ứng dụng. Bên cạnh đó, việc xây dựng một cộng đồng sinh viên năng động và gắn kết thông qua các hoạt động ngoại khóa, phong trào tình nguyện và chương trình mentor sẽ giúp sinh viên phát triển toàn diện cả về tư duy và kỹ năng.
Ba là, tăng cường tuyên truyền để sinh viên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão phát triển đất nước.
Sinh viên phải là lực lượng dấn thân mạnh mẽ vào sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền giúp sinh viên hiểu và tự nguyện cống hiến cho sự phát triển của đất nước, tạo ra trạng thái tinh thần tích cực để sinh viên vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão của bản thân. Thông qua hoạt động tuyên truyền, các trường luôn cổ vũ, khích lệ sinh viên nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, hiểu được bổn phận, trách nhiệm, thời cơ và vận hội của sinh viên trong giai đoạn hiện nay.
Sử dụng hiệu quả mạng xã hội, các loại hình văn hóa, nghệ thuật, các diễn đàn, tọa đàm để truyền tải sinh động lý tưởng cách mạng, tấm gương đạo đức, tấm gương vượt khó và những tấm gương có nhiều cống hiến cho xã hội để truyền cảm hứng cho sinh viên.
Bốn là, phát huy tính tích cực của sinh viên.
Các trường đại học cần tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng hội thảo, tọa đàm về tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm của sinh viên đối với đất nước. Các hoạt động như học tập lịch sử, trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về giá trị dân tộc. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu sáng tạo, tạo môi trường học tập năng động, khuyến khích sinh viên chủ động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo góp phần giải quyết những vấn đề của xã hội và kinh tế đất nước.
Khơi gợi tinh thần trách nhiệm và hành động thông qua các hoạt động tình nguyện, công tác xã hội, chương trình khởi nghiệp. Những phong trào như “Thanh niên tình nguyện,” “Sáng tạo trẻ” không chỉ giúp họ rèn luyện kỹ năng mà còn thúc đẩy sự cống hiến vì cộng đồng.
Xây dựng môi trường học tập và rèn luyện tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên phát triển toàn diện cả về tri thức, đạo đức, kỹ năng sống. Các chương trình giao lưu, hội nhập quốc tế sẽ giúp họ có tư duy rộng mở, tiếp thu kiến thức mới, từ đó, nâng cao năng lực hội nhập và góp phần vào sự phát triển đất nước.
5. Kết luận
Sinh viên là tương lai của đất nước – tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội, muốn có tương lai tốt đẹp thì mỗi thanh niên phải nỗ lực xây dựng bằng ý chí và nghị lực của chính bản thân họ. Việc giáo dục lý tưởng cách mạng và khơi dậy khát vọng cống hiến cho sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên các trường đại học vùng đồng bằng sông Hồng. Đây không chỉ là nền móng vững chắc để hình thành những công dân ưu tú, giàu trách nhiệm với xã hội mà còn là nguồn sức mạnh to lớn thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, từng bước lan tỏa những giá trị nhân văn, khát vọng cống hiến sẽ giúp thế hệ trẻ đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 143.
2. Đồng bằng sông Hồng. https://vi.wikipedia, truy cập ngày 22/4/2025.
3. Số lượng đại học ở đồng bằng sông Hồng gần gấp đôi Đông Nam Bộ. https://tuoitre.vn/so-luong-dai-hoc-o-dong-bang-song-hong-gan-gap-doi-dong-nam-bo-20250306123815874.htm.
4. Hơn 44% số lượng trường đại học của cả nước nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng. https://giaoduc.net.vn/hon-44-so-luong-truong-dai-hoc-cua-ca-nuoc-nam-o-vung-dong-bang-song-hong-post239502.gd.
5. Mùa hè xanh mang sức trẻ tới vùng khó. https://doanthanhnien.vn/tin-tuc/thanh-nien-tinh-nguyen/mua-he-xanh-mang-suc-tre-toi-vung-kho
6. Hồ Chí Minh toàn tập (2000). Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 172.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, khát vọng cống hiến cho học viên các nhà trường quân đội. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/11/21/tang-cuong-giao-duc-ly-tuong-cach-mang-khat-vong-cong-hien-cho-hoc-vien-cac-nha-truong-quan-doi/
3. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, sinh viên tại các trường đại học hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/27/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-giao-duc-ly-tuong-cach-mang-cho-thanh-nien-sinh-vien-tai-cac-truong-dai-hoc-hien-nay/
4. Giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên Việt Nam trước bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/03/20/giao-duc-ly-tuong-cach-mang-cho-sinh-vien-viet-nam-truoc-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-4-0/