Xây dựng đội ngũ giáo viên trung học phổ thông đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo trong tình hình mới

Phùng Đức Hùng
Trường Quân sự Quân khu 2

(Quanlynhanuoc.vn) – Giáo viên các trường trung học phổ thông là lực lượng có vị trí, vai trò hết sức sức quan trọng góp phần trực tiếp quyết định chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo của nhà trường trung học phổ thông. Do đó, xây dựng đội ngũ giáo viên trung học phổ thông đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo của đất nước trong tình hình mới đặt ra cấp thiết và cần có những giải pháp đồng bộ xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên trung học phổ thông.

Từ khóa: Giáo dục phổ thông, giáo viên, nhà giáo, phổ thông trung học.

1. Đặt vấn đề

Tiếp tục thực hiện chuẩn hóa và nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực toàn diện cho đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông là nhiệm vụ thường xuyên, vừa có ý nghĩa cấp thiết trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản lâu dài nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đang đặt ra. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu: “Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”1.

Đội ngũ giáo viên ở các trường trung học phổ thông là một bộ phận không thể tách rời của đội ngũ trí thức trong xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng. Giáo viên là nguồn lực đặc biệt quan trọng, đồng thời là lực lượng giữ vị trí quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo của đất nước, cũng như giáo viên trung học phổ thông quyết định trực tiếp đến chất lượng giáo dục, đào tạo ở bậc học nền tảng là giáo dục phổ thông.

Đánh giá về vị trí, vai trò của đội ngũ giáo viên đối với sự hình thành, phát triển nhân cách người học sinh, nhà sư phạm nổi tiếng người Nga Usinxki từng nói: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với người học. Sức mạnh đó không thể thay thế bằng một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”2. Giáo viên cũng chính là lực lượng có trình độ học vấn cao, có chuyên môn và phương pháp giảng dạy, có năng lực tư duy sáng tạo và khả năng truyền thụ các nội dung kiến thức cho học sinh trong nhà trường – những chủ nhân tương lai của đất nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Thực trạng về chất lượng đội ngũ giáo viên trung học phổ thông hiện nay

Trên thực tế, với những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp của Đảng, Nhà nước về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018. Theo đó, các nhà trường phổ thông đã tập huấn toàn diện các mô-đun thực hiện chương trình (9 mô-đun), trong đó chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng sử dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Việc kiểm tra, đánh giá cũng được điều chỉnh để phù hợp với mực tiêu này3. Từ năm học 2024 – 2025, các chương trình được triển khai đồng bộ đối với các môn học và hoạt động giáo dục của nhà trường, triển khai đầy đủ đến cả cấp tiểu học với các môn học và được tổ chức đồng bộ trên phạm vi cả nước4. Đồng thời, phát huy tính tính chủ động của cơ sở giáo dục, các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, giảng dạy phù hợp với điều kiện thực tế5.

Đối với đội ngũ giáo viên, không những được chuẩn hóa về trình độ sư phạm mà còn được quan tâm xây dựng khá toàn diện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và tay nghề sư phạm, qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp “trồng người”6. Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt chú trọng thực hiện mô-đun 8 là phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông, khuyến khích năng lực tự học, tự nghiên cứu khoa học sư phạm, phát triển chuyên môn liên tục, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, giáo dục phổ thông trong điều kiện mới. Nhiều giáo viên đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và được xã hội tôn vinh “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”7. Họ thực sự là những tấm gương mẫu mực cả về phẩm chất nhân cách lẫn phong cách sư phạm để học sinh noi theo.

Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của xã hội nói chung và sự nghiệp giáo dục, đào tạo nói riêng, đặc biệt là sự phát triển của khoa học, công nghệ thông tin, công nghệ số đã tác động không nhỏ đến việc dạy học của đội ngũ nhà giáo và giáo viên trung học phổ thông, nhất là việc áp dụng công nghệ thông tin vào giáo dục, đào tạo. Đội ngũ giáo viên ở các trường trung học phổ thông có nơi còn thiếu về số lượng (năm học 2024 – 2025, cả nước còn thiếu 16.011 giáo viên trung học phổ thông)8.

Năm học 2023 – 2024, ngành giáo dục giao bổ sung 27.826 biên chế giáo viên, nhưng chỉ tuyển dụng được 19.474 người, chỉ đạt gần 70% chỉ tiêu. Một số giáo viên, nhất là ở những vùng khó khăn, chưa đạt chuẩn, chất lượng có mặt còn hạn chế, trình độ chuyên môn của một số giáo viên bị tụt hậu so với yêu cầu phát triển giáo dục, đào tạo của đất nước và khu vực, nhất là những vùng, khu vực còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn còn cao, năm học 2022 – 2023 có 9.295 giáo viên nghỉ việc do thu nhập thấp và áp lực công việc9. Cơ cấu đội ngũ giáo viên còn mất cân đối giữa các môn học cùng cấp học và giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau. Nhiều địa phương có tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên, thừa ở khu vực đô thị, đồng bằng, thiếu ở vùng núi, vùng khó khăn, đặc biệt, thiếu giáo viên các bộ môn đặc thù như ngoại ngữ, tin học…

Năng lực thực hành giảng dạy và tổ chức các hoạt động sư phạm xã hội cho học sinh của một số giáo viên còn hạn chế. Cá biệt, một số giáo viên chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, cống hiến với nghề, chưa thực sự nỗ lực phấn đấu vươn lên trong công tác chuyên môn, giảng dạy.

3. Một số nhiệm vụ, biện pháp

Một là, quán triệt, vận dụng quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ nhà giáo trong xây dựng đội ngũ giáo viên ở các trường trung học phổ thông.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, không ngừng đổi mới giáo dục, đào tạo là cơ sở, nền tảng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, tiếp tục mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam”10. Đảng đặt ra yêu cầu về xây dựng đội ngũ nhà giáo, cần tiếp tục chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên ở các trường trung học phổ thông đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Trong xác định quan điểm chỉ đạo xây dựng đội ngũ trí thức ở Việt Nam, Nghị quyết đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới”11. Vì vậy, vấn đề định hướng và đề ra các giải pháp xây dựng đội ngũ giáo viên ở các trường trung học phổ thông hiện nay cần trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, cấp ủy và chính quyền các cấp, vận dụng sát với yêu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương và thực tế của nhà trường.

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò đội ngũ giáo viên, cần đề cao trách nhiệm của mọi tổ chức, lực lượng nhằm góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo không ngùng lớn mạnh. Coi trọng đầu tư phát triển xây dựng nguồn nhân lực đội nhũ giáo viên là cơ bản, quan trọng nhất để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở mỗi nhà trường phổ thông. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xác định các giải pháp có tính chất đồng bộ vừa trực tiếp vừa cơ bản lâu dài để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, khắc phục những hạn chế, tồn tại; mặt khác, cần tích cực đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, đó cũng chính là đòn bẩy, điều kiện quan trọng cho đội ngũ giáo viên tự khẳng định mình để phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh.

Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cơ quan chức năng, cơ sở giáo dục, đào tạo đối với việc xây dựng đội ngũ nhà giáo ở các trường trung học phổ thông.

Cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương, các cơ sở giáo dục đào tạo cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ giáo viên ở các trường trung học phổ thông. Cần quan tâm quản lý nội dung và chất lượng đào tạo, chấn chỉnh và nâng cao năng lực quản lý giáo dục, đào tạo. Các tổ chức, cơ sở giáo dục, đào tạo cần nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của đội ngũ giáo viên, tăng cường giáo dục cho mọi đối tượng nâng cao ý thức tôn vinh nghề nghiệp và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Mặt khác, công tác lãnh đạo, quản lý ở các cơ sở đào tạo cần phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục, động viên, khích lệ mỗi giáo viên phải có ý thức liên tục phấn đấu vươn lên, hăng say lao động, sáng tạo góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của nhà trường. Thường xuyên có những buổi tiếp xúc, đối thoại, làm việc với giáo viên, trực tiếp lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của giáo viên, kịp thời có những giải đáp thích hợp và giải pháp hữu hiệu giải quyết những băn khoăn, vướng mắc của từng giáo viên để có những biện pháp quản lý phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên phát huy hết năng lực, sở trường và khắc phục những hạn chế, khó khăn trong công tác.

Ba là, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên các trường trung học phổ thông.

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phải tiến hành toàn diện, theo từng khâu, từng bước từ việc tuyển chọn sinh viên cho tới công tác giáo dục, đào tạo ở các trường sư phạm; từ khâu quản lý đến việc bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên ở các trường trung học phổ thông cả về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, nhân cách người cán bộ. Giáo viên phải được trang bị và rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề sư phạm, năng lực tổ chức, giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Bảo đảm đội ngũ nhà giáo nói chung, giáo viên trung học phổ thông nói riêng tiếp cận, nắm bắt được tri thức mới thuộc chuyên ngành, chuyên môn giảng dạy và nghiên cứu, đồng thời coi trọng giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm và tác phong làm việc khoa học.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên trung học phổ thông bảo đảm cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, trong đó chú trọng nâng cao trình độ học vấn, năng lực, tay nghề sư phạm và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn ở nhà trường phổ thông. Có chính sách tạo nguồn bồi dưỡng, cử đi học, tập huấn nâng cao tay nghề cho giáo viên; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng linh hoạt, sáng tạo đáp ứng tốt và phù hợp với thực tế từng địa phương, nhà trường. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo có trình độ chuyên môn cao theo chuyên môn giảng dạy. Bên cạnh đó, cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên tự học tập, nghiên cứu, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực, khả năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp giáo dục, đào tạo ở các nhà trường trung học phổ thông hiện nay.

Bốn là, tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và hoàn thiện chính sách, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên.

Cơ sở vật chất, phương tiện đầy đủ, hiện đại sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các nhà trường và ngược lại. Vì vậy, bên cạnh việc lãnh đạo, quản lý tốt, cần thường xuyên cung cấp bổ sung cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho việc dạy học và nghiên cứu ở các trường trung học phổ thông, nhất là phương tiện công nghệ thông tin, mô hình học cụ, phòng thí nghiệm, nghiên cứu, phòng đa năng.

Tiếp tục hoàn thiện các chính sách về đãi ngộ, khen thưởng, bảo đảm điều kiện làm việc và sinh hoạt cho giáo viên. Tôn vinh “nghề giáo”, khích lệ, động viên, khen thưởng kịp thời những giáo viên nỗ lực, vượt khó vươn lên trong công tác; giáo viên có trình độ chuyên môn, tay nghề sư phạm cao, có kinh nghiệm và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nhà trường và sự nghiệp giáo dục đào tạo. Quan tâm hoàn thiện chính sách, chế độ đãi ngộ, bảo đảm cho đội ngũ nhà giáo được hưởng đầy đủ các lợi ích vật chất, tinh thần, lương, thưởng xứng đáng với nghề nghiệp, vai trò cống hiến của họ, giúp giáo viên có đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn, chuyên tâm cống hiến cho nghề nghiệp. Chế độ, chính sách đãi ngộ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy cho giáo viên phát huy tốt sự nghiệp “trồng người”, cống hiến thường xuyên và hiệu quả vào sự nghiệp giáo dục đào tạo, vào chất lượng giáo dục của nhà trường. Đây còn là điều kiện để mỗi người giáo viên vươn lên phát triển bản thân và “xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 129.
2. Lê Văn Hồng (2001). Tâm lý học lứa tuổi và Tâm lý học sư phạm. H. NXB Đại học Quốc gia, tr. 190.
3, 4. Số tỉnh thành hoàn thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 1 trung học cơ sở là 100%; trung học cơ sở ở mức độ 2 là 11 tỉnh, thành phố (17,5%); mức độ 3 là 7 tỉnh, thành phố (11,1%); tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành chương trình trung học cơ sở là 90,7%. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8330.
5.  Phát huy tính chủ động linh hoạt trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. https://nhandan.vn/phat-huy-tinh-chu-dong-linh-hoat-trong-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-post855313.html.
6. Theo Báo Giáo dục và Thời đại Online: Năm học 2024 – 2025 tỷ lệ giáo viên trung học phổ thông trên toàn quốc đạt chuẩn trình độ đào tạo theo yêu cầu của Luật Giáo dục 2019 là 99,9%, nhiều địa phương đạt chuẩn 100%, ví dụ như tỉnh Phú Thọ toàn bộ giáo viên trung học phổ thông đều đạt chuẩn, trong đó 18% đạt trình độ trên chuẩn.
7. Theo báo Thái Bình điện tử: Năm học 2022- 2023, cả nước có 5 giáo viên trung học phổ thông được phong tặng Nhà giáo Nhân dân; cả nước có 1.167 giáo viện được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, trong đó trên 300 là giáo viên trung học phổ thông, tiêu biểu như Hà Nội có 20 thầy cô, Thanh Hóa 11 thầy cô, Bắc Giang 5 thầy cô…; hàng nghìn giáo viên được tặng bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong giảng dạy và giáo dục.
8, 9. Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục hiện nay. https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/88722/235/de-xuat-giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-thieu-giao-vien-tai-cac-co-so-giao-duc-hien-nay.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 115.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 147.