Xây dựng tiêu chí đánh giá theo chuẩn mạng lưới các trường đại học ASEAN nhằm nâng cao chất lượng giảng viên trong các trường đại học Việt Nam  

ThS. Đỗ Thị Thu Phương
Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

(Quanlynhanuoc.vn) – Chất lượng giảng viên đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và năng lực cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số giáo dục, việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá giảng viên theo chuẩn khu vực, cụ thể là tiêu chuẩn mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA) trở nên cấp thiết nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên một cách bền vững. Bài báo tập trung phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn liên quan đến chất lượng giảng viên, từ đó đề xuất một hệ thống tiêu chí đánh giá có khả năng vận dụng cao trong điều kiện đặc thù của các trường đại học tại Việt Nam. 

Từ khóa: Chất lượng giảng viên; tiêu chuẩn AUN-QA; giáo dục đại học; bảo đảm chất lượng; phát triển đội ngũ giảng viên.

1. Đặt vấn đề

Trong hệ thống giáo dục đại học, giảng viên được xem là yếu tố trung tâm quyết định chất lượng đào tạo, hiệu quả nghiên cứu và uy tín của cơ sở giáo dục. Nâng cao chất lượng giảng viên không chỉ là nhiệm vụ chiến lược của mỗi trường đại học mà còn là yêu cầu sống còn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập giáo dục khu vực. Sự dịch chuyển nhanh chóng về công nghệ, yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, cùng với xu hướng tự chủ đại học đang đặt ra những thách thức mới đối với đội ngũ giảng viên, đòi hỏi phải có một hệ thống đánh giá năng lực rõ ràng, khách quan và phù hợp với thực tiễn phát triển.

Tại khu vực Đông Nam Á, tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng của mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA) đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu giúp các cơ sở giáo dục định hướng cải tiến hoạt động đào tạo, đặc biệt là trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các nghiên cứu và ứng dụng AUN-QA tại Việt Nam mới chỉ tập trung ở cấp độ chương trình đào tạo hoặc cơ sở giáo dục, trong khi nội dung đánh giá giảng viên – vốn là một thành tố quan trọng trong tiêu chuẩn này – vẫn chưa được khai thác đầy đủ để xây dựng thành hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể, có thể ứng dụng vào thực tiễn quản lý đội ngũ giảng viên.

Từ yêu cầu thực tiễn đó, nghiên cứu này hướng đến việc xây dựng một hệ thống tiêu chí nhằm đánh giá và nâng cao chất lượng giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam, dựa trên khung tham chiếu của AUN-QA và có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện nội tại của nhà trường. Thông qua việc phân tích cơ sở lý luận, khảo cứu thực tiễn và kế thừa các mô hình nghiên cứu tiêu biểu, nội dung bài không chỉ đề xuất các tiêu chí đánh giá cụ thể mà còn xây dựng mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giảng viên – làm cơ sở cho việc cải tiến quản trị nhân sự và nâng cao hiệu quả đào tạo tại các trường đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số hiện nay.

2. Cơ sở lý luận và khung định hướng xây dựng tiêu chí

2.1. Khái quát về chất lượng giảng viên trong giáo dục đại học

Khái niệm “chất lượng giảng viên” thường không được định nghĩa rõ ràng như khái niệm “giảng viên” song lại đóng vai trò then chốt trong việc xác lập chất lượng giáo dục đại học. Chất lượng giảng viên được hiểu là sự hội tụ của ba yếu tố cốt lõi: năng lực chuyên môn, phương pháp giảng dạy và phẩm chất đạo đức. Đây chính là nền tảng giúp giảng viên thực hiện hiệu quả nhiệm vụ truyền đạt tri thức, phát triển kỹ năng và định hướng giá trị cho người học trong bối cảnh giáo dục hiện đại.

Theo Schalock (1979)1, chất lượng giảng viên từng được đo lường qua mức độ hiểu biết chuyên môn, tuân thủ quy định hoặc mức độ tận tâm. Tuy nhiên, các hệ thống giáo dục hiện đại ngày càng nhấn mạnh việc chuẩn hóa năng lực giảng viên thông qua bộ tiêu chuẩn rõ ràng nhằm làm cơ sở cho đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá.

Trong bối cảnh giáo dục đại học vận hành theo mô hình dịch vụ, sinh viên ngày càng được xem là khách hàng. Vì vậy, chất lượng giảng dạy không chỉ đo bằng đầu vào của giảng viên, mà còn phải phản ánh qua trải nghiệm học tập và mức độ hài lòng của người học, theo mô hình “expectation-confirmation” (Suarman, Aziz & Yasin, 2013)2. Gurney (2007)3 khẳng định chất lượng giảng dạy, bao gồm: nội dung cập nhật, phong cách truyền cảm hứng và phương pháp linh hoạt, sáng tạo – ba yếu tố cấu thành năng lực sư phạm hiệu quả.

Như vậy, có thể hiểu, chất lượng giảng viên là sự kết hợp giữa năng lực chuyên môn, phương pháp giảng dạy và phẩm chất đạo đức. Đây không chỉ là cơ sở đánh giá hiệu quả giảng dạy mà còn phản ánh cam kết của giảng viên đối với sự phát triển toàn diện của sinh viên, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục toàn cầu ngày càng cạnh tranh và đòi hỏi cao về chuẩn mực nghề nghiệp.

Trong giáo dục đại học hiện đại, giảng viên chất lượng cao không chỉ là người truyền đạt tri thức mà còn là nhân tố trung tâm quyết định chất lượng đào tạo, sự phát triển của nhà trường và năng lực nghề nghiệp của người học.

Giảng viên là lực lượng trực tiếp hiện thực hóa mục tiêu đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học. Họ mang đến tri thức chuyên môn và truyền cảm hứng, nuôi dưỡng tinh thần học tập tích cực, sáng tạo và tư duy độc lập cho sinh viên. Những giảng viên có chuyên môn vững và phương pháp sư phạm linh hoạt thường kết hợp hiệu quả giữa phương pháp truyền thống với công nghệ, thúc đẩy trải nghiệm học tập chủ động như học qua dự án, thảo luận nhóm và nghiên cứu thực tiễn. Đặc biệt, giảng viên chất lượng cao còn xây dựng mối quan hệ hỗ trợ với người học, quan tâm đến cả sự phát triển học thuật lẫn đạo đức, nhân cách. Nhờ đó, quá trình học tập trở thành cơ hội phát triển toàn diện, chứ không chỉ dừng ở tiếp thu kiến thức.

Bên cạnh giảng dạy, giảng viên còn tham gia tích cực vào nghiên cứu khoa học, xây dựng chương trình đào tạo và mở rộng hợp tác quốc tế. Những giảng viên có năng lực nghiên cứu mạnh không chỉ công bố bài báo, tham gia hội thảo mà còn dẫn dắt nhóm nghiên cứu, kết nối nhà trường với cộng đồng học thuật toàn cầu. Họ đóng vai trò kiến tạo văn hóa học thuật tích cực thông qua việc khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phản biện khoa học. Chính sự hiện diện của đội ngũ giảng viên có năng lực và tâm huyết sẽ là nền tảng cốt lõi cho sự phát triển bền vững và nâng cao uy tín học thuật của nhà trường.

Tác động của giảng viên không dừng lại ở giảng đường mà còn kéo dài đến quá trình hình thành định hướng nghề nghiệp và phát triển sự nghiệp của sinh viên. Giảng viên là người cố vấn, hướng dẫn và kết nối sinh viên với các cơ hội học tập, thực tập và việc làm. Thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề…) và phát triển tư duy phản biện, giảng viên góp phần hình thành những công dân học tập suốt đời – những người có khả năng thích nghi với môi trường làm việc toàn cầu.

Giảng viên chất lượng cao là yếu tố then chốt tạo nên chất lượng đào tạo đại học. Họ ảnh hưởng sâu rộng đến hiệu quả học tập, sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của sinh viên, đồng thời góp phần nâng cao vị thế học thuật, năng lực nghiên cứu và sự phát triển chiến lược của nhà trường. Đầu tư vào đội ngũ giảng viên không chỉ là đầu tư vào chất lượng giáo dục mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giảng viên

Một là, các yếu tố bên trong.

(1) Trình độ chuyên môn và học vấn. Năng lực chuyên môn là nền tảng đầu tiên của chất lượng giảng viên, bao gồm kiến thức chuyên ngành và khả năng vận dụng tri thức vào thực tiễn. Nghiên cứu của Bakar & Quah (2023)4 tại Malaysia cho thấy năng lực giảng viên có thể giải thích tới 89.8% mức độ hài lòng của sinh viên. Tương tự, Halik & Nurlia (2024)5 khẳng định, mối liên hệ tích cực giữa trình độ chuyên môn và hiệu quả đào tạo. Không chỉ dừng lại ở trình độ học thuật, yếu tố then chốt còn nằm ở khả năng thích ứng với nhu cầu học tập thực tiễn và sự phản hồi từ sinh viên6. Bên cạnh đó, phát triển chuyên môn liên tục thông qua bồi dưỡng nghiệp vụ và cập nhật kiến thức mới là yếu tố sống còn để duy trì chất lượng giảng dạy trong bối cảnh giáo dục hiện đại7.

(2) Kỹ năng sư phạm. Kỹ năng giảng dạy, cả truyền thống lẫn hiện đại là yếu tố không thể thiếu trong việc nâng cao hiệu quả học tập. Thiếu năng lực sư phạm là rào cản lớn đối với hiệu suất giảng dạy8. Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, giảng viên cần được trang bị năng lực kỹ thuật số để tăng cường sự tương tác và khả năng tiếp cận học tập cho sinh viên9. Việc kết hợp linh hoạt các phương pháp hiện đại như blended learning, học tập chủ động hay dạy học theo tình huống giúp nâng cao hiệu quả tiếp thu và khơi gợi hứng thú học tập. Chuẩn mực giảng dạy hiện nay đòi hỏi giảng viên không chỉ làm chủ nội dung, mà còn làm chủ phương pháp truyền đạt phù hợp với bối cảnh công nghệ 4.0.

(3) Động lực và thái độ làm việc. Động lực nghề nghiệp và thái độ tích cực là những yếu tố nội tại góp phần nâng cao hiệu suất giảng dạy. Hariani (2017)10 chỉ ra rằng, thái độ, kỷ luật và môi trường làm việc có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc. Giảng viên có tinh thần trách nhiệm, niềm đam mê và sự tận tâm thường tạo ra môi trường học tích cực và thúc đẩy thành tích sinh viên. Nghiên cứu của Muhammad & Rumengan (2024)11 cũng cho thấy những giảng viên có động lực mạnh mẽ thường chủ động đổi mới phương pháp, tham gia nghiên cứu khoa học và tích cực xây dựng môi trường học tập sáng tạo. Như vậy, yếu tố tâm lý và cảm xúc nghề nghiệp có vai trò tương đương với năng lực chuyên môn trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy.

(4) Khả năng nghiên cứu khoa học. Năng lực nghiên cứu không chỉ là yêu cầu bắt buộc trong giáo dục đại học mà còn là yếu tố gắn liền với chất lượng giảng dạy. Theo Ikediashi et al. (2023)12, dạy học gắn với nghiên cứu đóng vai trò trung gian trong việc nâng cao chất lượng sư phạm. Đồng thời, số lượng công bố khoa học và khả năng chuyển giao kết quả nghiên cứu vào bài giảng là chỉ báo quan trọng phản ánh trình độ học thuật của giảng viên13. Sự gắn kết giữa nghiên cứu và giảng dạy tạo ra một vòng tuần hoàn tri thức, nơi giảng viên luôn cập nhật tri thức mới và truyền tải lại cho sinh viên dưới góc nhìn khoa học, thực tiễn và đổi mới. Đồng thời, việc tham gia cộng đồng học thuật quốc tế giúp giảng viên mở rộng mạng lưới chuyên môn và nâng cao uy tín nghề nghiệp.

Việc đầu tư vào phát triển toàn diện các yếu tố này chính là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng thích ứng của giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Hai là, các yếu tố bên ngoài.

(1) Chính sách hỗ trợ và chế độ đãi ngộ. Hệ thống đãi ngộ và chính sách phát triển chuyên môn đóng vai trò then chốt trong việc thu hút, giữ chân và phát triển đội ngũ giảng viên. Nghiên cứu của Fahmi et al. (2023)14, Novitasari (2020)15, Syahsudarmi et al. (2024)16 đã khẳng định rằng, chính sách tổ chức và nguồn lực tác động trực tiếp đến năng suất làm việc của giảng viên. Ngoài lương thưởng, việc hỗ trợ tham gia các chương trình đào tạo chuyên môn liên tục, hội thảo, nghiên cứu khoa học… giúp giảng viên duy trì năng lực nghề nghiệp17. Đồng thời, cơ sở vật chất giảng dạy hiện đại và hệ thống đánh giá định kỳ là nền tảng để tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy18.

(2) Môi trường làm việc. Điều kiện vật chất và không gian làm việc khoa học có ảnh hưởng lớn đến chất lượng chuyên môn. Nghiên cứu của Hariani (2017)19 và Radi (2024)20 cho thấy, môi trường thuận lợi giúp nâng cao hiệu suất và mức độ hài lòng của giảng viên. Các yếu tố, như: trang thiết bị, thư viện, phòng thực hành cùng mối quan hệ đồng nghiệp tích cực tạo nên nền tảng ổn định và hỗ trợ phát triển nghề nghiệp.

(3) Văn hóa tổ chức và phong cách lãnh đạo. Văn hóa học thuật tích cực – nơi đề cao chia sẻ tri thức, tinh thần hợp tác và đổi mới – là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng giảng viên21. Trong bối cảnh đó, phong cách lãnh đạo chuyển đổi và lãnh đạo tâm linh nổi lên như yếu tố quan trọng thúc đẩy hiệu quả làm việc và sự gắn bó tổ chức22. Khi người quản lý giáo dục xây dựng được môi trường tôn trọng giá trị cá nhân, minh bạch và khuyến khích đổi mới, giảng viên sẽ có động lực phát triển bền vững cả về chuyên môn lẫn tinh thần.

(4) Toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, năng lực số trở thành yêu cầu thiết yếu. Giảng viên cần làm chủ công nghệ giảng dạy, phát triển nội dung đa phương tiện và thích ứng với mô hình học tập kết hợp23. Quá trình này đòi hỏi các trường đại học đầu tư chiến lược phát triển năng lực số – không chỉ ở mặt kỹ thuật mà còn bao gồm hỗ trợ tâm lý và cơ chế đồng hành trong quá trình chuyển đổi. Đây là điều kiện cần để giảng viên đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao hiệu quả đào tạo.

(5) Áp lực từ đánh giá và kiểm định. Hệ thống kiểm định chất lượng và phản hồi đa chiều (sinh viên, đồng nghiệp, tự đánh giá) có thể trở thành động lực thúc đẩy giảng viên đổi mới và hoàn thiện chuyên môn. Nghiên cứu của Djidu et al. (2023) và Mardainis et al. (2024)24 cho thấy, khi được xây dựng trên nền tảng minh bạch, hỗ trợ phát triển, hệ thống đánh giá sẽ giúp giảng viên xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu và chủ động nâng cao chất lượng giảng dạy. Điều quan trọng là các cơ sở giáo dục cần xây dựng văn hóa đánh giá mang tính hỗ trợ, xem đánh giá là công cụ phát triển chứ không đơn thuần là công cụ kiểm soát. Điều này sẽ tạo môi trường học thuật tích cực, giúp giảng viên tiếp nhận phản hồi với tinh thần cầu tiến và trách nhiệm.

Các yếu tố bên ngoài – từ chính sách, điều kiện làm việc, văn hóa tổ chức đến ảnh hưởng của toàn cầu hóa – là những nhân tố có tính quyết định đến sự phát triển đội ngũ giảng viên. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc nhận diện và tích hợp các yếu tố này vào hệ thống tiêu chí đánh giá là điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

2.3. Tiêu chuẩn AUN-QA và ứng dụng trong đánh giá giảng viên

AUN-QA được thành lập vào năm 1998 nhằm xây dựng một hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục đại học thống nhất trong khu vực Đông Nam Á. Triết lý của AUN-QA là tiếp cận bảo đảm chất lượng theo chu trình khép kín, trong đó mọi hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng đều được quy chiếu về nhu cầu của các bên liên quan và kết quả học tập mong đợi. Mạng lưới này đã không ngừng mở rộng với 147 thành viên chính thức và 179 cơ sở giáo dục liên kết, trong đó có 35 trường đại học tại Việt Nam với tổng cộng 388 chương trình đào tạo đã được đánh giá25. Việc áp dụng AUN-QA không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chương trình đào tạo mà còn tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục Việt Nam hội nhập sâu rộng với khu vực.

Tiêu chuẩn số 5 trong bộ AUN-QA đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ giảng viên trong việc thực thi và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Các nội dung trong tiêu chuẩn này định hình rõ các năng lực cốt lõi mà một giảng viên cần có để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Cụ thể, AUN-QA yêu cầu giảng viên phải có khả năng thiết kế và triển khai chương trình dạy học một cách nhất quán, gắn kết giữa kết quả học tập mong đợi và nội dung, phương pháp giảng dạy. Đồng thời, giảng viên cần linh hoạt áp dụng đa dạng các phương pháp dạy học và đánh giá phù hợp, sử dụng hiệu quả các công cụ và nguồn lực hỗ trợ giảng dạy như công nghệ thông tin, học liệu số và thiết bị chuyên dụng.

Ngoài ra, tiêu chuẩn AUN-QA cũng yêu cầu giảng viên phải thường xuyên tự đánh giá chất lượng giảng dạy của bản thân thông qua phản hồi từ sinh viên, đồng nghiệp và các bên liên quan để kịp thời cải tiến hoạt động giảng dạy. Năng lực phản tư và rút kinh nghiệm từ thực tiễn giảng dạy được xem là yếu tố thiết yếu, thể hiện tinh thần cầu thị và cam kết phát triển nghề nghiệp của giảng viên. Bên cạnh hoạt động chuyên môn, giảng viên theo chuẩn AUN-QA, cần tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ cho cộng đồng – từ tư vấn chuyên môn đến các hoạt động phục vụ xã hội nhằm tăng sự ảnh hưởng học thuật và đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường và xã hội.

Trên cơ sở này, AUN-QA đề xuất một hệ thống tiêu chí đánh giá giảng viên toàn diện, bao gồm: việc quy hoạch nhân sự chiến lược, đo lường và giám sát tải trọng công việc, xác định và phổ biến năng lực, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực cá nhân, xây dựng hệ thống đánh giá – thăng tiến công bằng, bảo đảm quyền tự do học thuật và đạo đức nghề nghiệp, phát triển chuyên môn liên tục, và quản lý hiệu quả công việc thông qua các cơ chế ghi nhận thành tích. Các yếu tố này không chỉ giúp định hướng rõ ràng cho quá trình phát triển đội ngũ giảng viên mà còn tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả đào tạo và chất lượng học tập của sinh viên một cách bền vững.

Bên cạnh các tiêu chuẩn tổ chức và quản lý, AUN-QA cũng xác định rõ các yếu tố cấu thành nên chất lượng giảng viên đại học. Trước hết là bằng cấp – đại diện cho trình độ học vấn và năng lực nghiên cứu. Một giảng viên đạt chuẩn phải có bằng cấp phù hợp, ưu tiên trình độ tiến sĩ và xuất thân từ các cơ sở đào tạo có uy tín. Tiếp theo là hiểu biết chuyên môn sâu rộng – thể hiện qua khả năng cập nhật kiến thức mới, nhận diện xu thế liên ngành và kết nối lý luận với thực tiễn nghề nghiệp. Kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực chuyên môn cũng đóng vai trò quan trọng, giúp giảng viên linh hoạt xử lý tình huống sư phạm và truyền cảm hứng học tập cho người học.

Không thể thiếu trong cấu trúc này là hệ thống kỹ năng sư phạm – bao gồm: truyền đạt, tổ chức lớp học, đánh giá và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy. Bên cạnh đó, đạo đức nghề nghiệp giữ vai trò nền tảng, bảo đảm sự công bằng, trung thực và có trách nhiệm của giảng viên trong giảng dạy, nghiên cứu và hoạt động cộng đồng. Giảng viên có đạo đức nghề nghiệp tốt không chỉ là người truyền thụ tri thức mà còn là hình mẫu định hướng giá trị cho sinh viên trong môi trường học thuật và xã hội. Như vậy, AUN-QA không chỉ cung cấp một hệ tiêu chuẩn đánh giá, mà còn định hình một mô hình lý tưởng về giảng viên đại học chất lượng cao – chuyên môn vững, phương pháp tốt, trách nhiệm xã hội rõ ràng và cam kết phát triển liên tục.

3. Các thành tố cấu thành chất lượng giảng viên đại học trong bối cảnh áp dụng AUN-QA

Việc xác lập tiêu chí nâng cao chất lượng giảng viên trong nghiên cứu này được đặt trên nền tảng vững chắc của cả lý luận và thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa các nguyên tắc trong tiêu chuẩn AUN-QA và điều kiện cụ thể tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. Trên cơ sở lý thuyết, nghiên cứu đã vận dụng có chọn lọc các nội dung trọng tâm từ tiêu chuẩn AUN-QA – đặc biệt là Tiêu chuẩn 5 về đội ngũ giảng viên – để xây dựng hệ thống tiêu chí phù hợp. Khác với cách tiếp cận áp dụng cứng nhắc, nghiên cứu đề xuất một hệ tiêu chí có tính linh hoạt, phản ánh chân thực các đặc điểm và yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam đang hội nhập quốc tế.

Về mặt thực tiễn, nghiên cứu được triển khai trên cơ sở khảo sát, phân tích thực trạng hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng tại các trường đại học. Các dữ liệu thực tế giúp nhận diện những điểm mạnh, điểm hạn chế và đặc thù của môi trường giáo dục hiện hành, từ đó hiệu chỉnh các tiêu chí nhằm phản ánh đúng yêu cầu thực tế và chuẩn mực khu vực. Thêm vào đó, nghiên cứu cũng kế thừa và phát triển các kết quả từ nhiều công trình tiêu biểu trong và ngoài nước, như: Ngô Sỹ Tùng (2024), Nguyễn Thị Thúy Hạnh (2023), Erika Kustra (2014), Abrar Hiswara (2023), Asia Mbwebwe Rubeba (2025), và Arniati & Arsal (2023) tạo cơ sở học thuật vững chắc cho việc đề xuất mô hình nghiên cứu.

Từ đó, một mô hình tổng thể đã được đề xuất nhằm làm rõ các tiêu chí đánh giá chất lượng giảng viên, đặc biệt nhấn mạnh sự tương thích với tiêu chuẩn AUN-QA. Mô hình phản ánh mối quan hệ tương hỗ giữa năng lực cá nhân, sự hỗ trợ tổ chức và môi trường làm việc, qua đó nhận diện các yếu tố cốt lõi tác động trực tiếp đến chất lượng giảng viên đại học. Cụ thể, mô hình bao gồm 11 yếu tố, trong đó có 10 yếu tố tác động (độc lập) chia thành 3 nhóm chính như sau:

Thứ nhất, nhóm năng lực cá nhân của giảng viên.

Bao gồm 5 yếu tố then chốt. (1) Năng lực sư phạm: thể hiện khả năng thiết kế và tổ chức hoạt động giảng dạy phù hợp với nhu cầu đa dạng của người học, kết hợp các chiến lược giảng dạy linh hoạt và đổi mới. (2) Năng lực chuyên môn: thể hiện qua trình độ chuyên sâu, khả năng cập nhật tri thức mới, áp dụng công nghệ và liên hệ thực tiễn trong giảng dạy và nghiên cứu. (3) Năng lực cá nhân: liên quan đến khả năng tự học, tự điều chỉnh, đổi mới sáng tạo và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. (4) Năng lực xã hội: nhấn mạnh đến kỹ năng giao tiếp, hợp tác, tạo môi trường học tập bình đẳng và hỗ trợ sinh viên. (5) Năng lực công nghệ: là năng lực ứng dụng công nghệ – thông tin và truyền thông vào giảng dạy, tương tác học thuật và nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục.

Thứ hai, nhóm yếu tố hỗ trợ từ tổ chức.

Gồm 2 yếu tố chủ đạo. (1) Chính sách phát triển chuyên môn: thể hiện qua các cơ chế hỗ trợ giảng viên trong đào tạo, nâng cao trình độ, tham gia nghiên cứu và hợp tác quốc tế. (2) Chính sách quản lý nguồn nhân lực: bảo đảm công bằng trong đánh giá hiệu suất, chính sách đãi ngộ minh bạch, và tạo động lực thăng tiến nghề nghiệp cho giảng viên. Hai yếu tố này phản ánh vai trò của nhà trường trong việc xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ bền vững cho sự phát triển đội ngũ giảng viên.

Thứ ba, nhóm các yếu tố thuộc môi trường làm việc.

Gồm 3 thành tố quan trọng. (3) Văn hóa tổ chức góp phần định hình môi trường học thuật tích cực, thúc đẩy tinh thần hợp tác, sáng tạo và đổi mới trong giảng dạy. (2) Hiệu quả quản lý thể hiện qua sự minh bạch, hợp lý trong các chính sách điều hành và hỗ trợ giảng viên đạt được mục tiêu nghề nghiệp. (3) Cơ sở vật chất là nền tảng hạ tầng cần thiết giúp giảng viên có điều kiện tốt để giảng dạy, nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp một cách hiệu quả.

Tổng thể, 10 yếu tố này tạo thành một mạng lưới liên kết chặt chẽ cùng tác động đến chất lượng giảng viên đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc xác định rõ các yếu tố này không chỉ góp phần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn AUN-QA mà còn mở ra định hướng cải tiến chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học.

4. Kết luận

Trong bối cảnh giáo dục đại học đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng bảo đảm chất lượng và hội nhập khu vực, việc xây dựng một hệ thống tiêu chí để nâng cao chất lượng giảng viên trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Với triết lý lấy người học làm trung tâm và hướng đến sự cải tiến liên tục, tiêu chuẩn AUN-QA đã trở thành một khung tham chiếu quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và đội ngũ giảng viên nói riêng. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã tập trung làm rõ nền tảng lý luận và thực tiễn cho việc đề xuất hệ thống tiêu chí đánh giá giảng viên phù hợp với chuẩn AUN-QA trong bối cảnh hiện nay. Các tiêu chí và mô hình đề xuất trong nghiên cứu có thể được vận dụng như một công cụ hữu hiệu trong hoạch định chính sách quản trị nhân sự, thiết kế chương trình đào tạo – bồi dưỡng; đồng thời, làm cơ sở để kiểm định nội bộ chất lượng đào tạo. 

Chú thích:
1. Schalock, D. (1979). Chapter 9: Research on Teacher Selection. Review of research in education, 7 (1), 364 – 417.
2. Suarman, S., Aziz, Z., & Yasin, R. M. (2013). The quality of teaching and learning towards the satisfaction among the university students. Asian Social Science, 9(12), 1911 – 2017.
3. Gurney, P. (2007). Five factors for effective teaching. Teachers’ Work, 4(2), 89-98.
4. Bakar, T. N.-W. T., & Quah, W. B. (2023). Lecturer Competence and Student Satisfaction: A Roadmap for Quality Education. International Journal of Academic Research in Progressive Education and Development. https://doi.org/10.6007/ijarped/v12-i4/18970
5. Halik, J., & Nurlia, N. (2024). Influence of lecturer competence on the quality of education in the management department of ukip makassar. Jurnal GeoEkonomi. https://doi.org/10.36277/geoekonomi.v15i1.326
6. Bagonza, G., & Kaahwa, Y. T. (2024). Lecturers’ Professional Competencies that Enhance University Students’ Expectations about the Quality of University Education in Uganda. 12 (1), 58 – 73. https://doi.org/10.58653/nche.v12i1.5
7. Arniati, A., & Arsal, M. (2023). The Influence of Leadership, Training, Competence on Lecturer Performance in Higher Education. JPPI (Jurnal Penelitian Pendidikan Indonesia). https://doi.org/10.29210/020233061.
8. Ramolula, K., & Nkoane, M. (2024). Pedagogical training of lecturers for higher education. International Journal of Research In Business and Social Science, 13 (6), 330 – 338. https://doi.org/10.20525/ijrbs.v13i6.3425.
9. Zhang, J., & Wu, Y. (2025). Impact of university teachers’ digital teaching skills on teaching quality in higher education. Cogent Education, 12(1). https://doi.org/10.1080/2331186x.2024.2436706
10. Hariani, L. S. (2017). Factors Affecting Lecturers’ Performance. In Proceedings of the 2nd International Conference on Economic Education and Entrepreneurship (ICEEE 2017), pages 393 – 396.
11. Muhammad, M., Wibisono, C., & Rumengan, A. E. (2024). Determinants of lecturer performance: a multifactorial study at private university in Lampung. JPPI (Jurnal Penelitian Pendidikan Indonesia), 10 (2), 466 – 477.
12. Ikediashi, D. I., Moobela, C., Leitch, K., Dan-Jumbo, N., Dania, A. A., Akoh, S. R., & Esangbedo, P. (2023). Lecturer’s pedagogical attributes and teaching quality for construction and engineering education in UK universities: mediating effect of research informed teaching. Journal of Applied Research in Higher Education. https://doi.org/10.1108/jarhe-05-2023-0216
13. Rastegarimehr, B., Mahboubi, M., Raoofi, S., Beigi, S., & Teymourlouy, A. A. (2024). Identifying the factors influencing the quality of education from the perspective of nursing students: A qualitative study. Journal of Education and Health Promotion, 13(1), 422.
14. Fahmi, I. F., Gaffar, M. F., Permana, J., & Herawan, E. (2023). Improving the quality of lecturers in the learning process at universities. Journal of Educational Administration, 20(1), 21–34. https://doi.org/10.17509/jap.v27i2.24696
15. Novitasari, D. (2020). How Does Organizational Support Affect Lecturer Performance in Higher Education. 182 – 192. https://doi.org/10.51386/25815946/IJSMS-V3I4P117
16. Syahsudarmi, S., Juniarti, A. T., & Setia, B. I. (2024). The Role of Organizational Support in Enhancing Lecturer Performance: The Role of Commitment as a Mediator and Lecturer Certification as a Moderator. Almana, 8 (1), 156 – 170. https://doi.org/10.36555/almana.v8i1.2490
Tài liệu tham khảo:
1. AUN (2020). Guide to AUN-QA Assessment at Institutional Level (version 4.0). 
2. Damarjati, W., Herawati, N., & Sabar, S. (2024). The Impact of Work Motivation, Training, and Career Development on University Academic Staff Performance. Research Synergy Foundation Conference Proceeding Series. https://doi.org/10.31098/bmss.v4i1.861.