Đại tá, PGS.TS Trần Hồng Hải
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa bộ đội Hải quân Việt Nam với Nhân dân là truyền thống quý báu, là bản chất tốt đẹp của quân đội ta nói chung và bộ đội Hải quân nói riêng. Bài viết làm rõ vị trí, vai trò của việc giữ vững mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa bộ đội Hải quân với Nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; qua đó, đề xuất một số biện pháp cơ bản giữ vững mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa bộ đội Hải quân Việt Nam với Nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong tình hình mới.
Từ khoá: Mối quan hệ; gắn bó; bộ đội Hải quân Việt Nam; Nhân dân.
1. Mở đầu
Được thành lập ngày 07/5/1955, bộ đội Hải quân là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trên các vùng biển, đảo của Việt Nam và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển; có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo thuộc chủ quyền quốc gia, sẵn sàng chiến đấu, độc lập hoặc hiệp đồng tác chiến, đánh bại cuộc tiến công xâm lược trên hướng biển; giữ vững an ninh trật tự, đấu tranh với mọi hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên biển; tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bảo vệ hoạt động kinh tế biển và các hoạt động khác trên các vùng biển, đảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
2. Nhân dân là chỗ dựa vững chắc để bộ đội Hải quân hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ
Sự trưởng thành lớn mạnh của bộ đội Hải quân luôn gắn liền với tình cảm máu thịt với Nhân dân Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc, cả trong nước và kiều bào nước ngoài. Là lực lượng chiến đấu đặc thù của quân đội, với vai trò nòng cốt trong sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, lịch sử chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất, không quản ngại hy sinh, khó khăn của bộ đội Hải quân đã để lại những hình ảnh cao đẹp, tự hào trong tình cảm nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, cả kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Có thể khẳng định những tình cảm của Nhân dân đối với bộ đội Hải quân rất sâu sắc, là chỗ dựa vững chắc trong mọi hoạt động.
Một là, tình cảm của Nhân dân đối với bội đội Hải quân trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tốc và chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Nằm ở vị trí địa tự nhiên, chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng, với diện tích biển của Việt Nam khoảng hơn 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, biển đảo và thềm lục địa của nước ta có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong lịch sử ông cha ta đã tiến hành nhiều hoạt động, như: khai thác thủy sản, công bố về chính trị, pháp lý để khẳng định chủ quyền biển đảo. Trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975), Đảng đã lãnh đạo xây dựng, phát huy vai trò của bộ đội Hải quân góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhất là trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, vận chuyển đưa người, phương tiện, vũ khí vào miền Nam.
Hình ảnh bộ đội Hải quân đã trở thành huyền thoại và đọng lại sâu sắc trong tình cảm Nhân dân đó là những cán bộ, chiến sĩ Hải quân trên những con “Tàu không số” vận chuyển đưa người, vũ khí, phương tiện vào miền Nam chiến đấu. Trong những lần cán bộ, đồng bào, Nhân dân ta khi đến thăm những di tích Bến tàu không số, đều cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng mà cao cả của biết bao cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu không số. Nhân dân đã cảm nhận sâu sắc sự hy sinh anh dũng của tàu C.235 do anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh chỉ huy chở 14 tấn vũ khí vào Nam. Khi đến biển Hòn Hèo (Khánh Hòa) thì bị tàu chiến Mỹ phát hiện vây bắt. Sau khi bí mật cất dấu vũ khí an toàn, Nguyễn Phan Vinh cùng 20 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu. Biết không thể thoát khỏi vòng vây của giặc, Nguyễn Phan Vinh đã lệnh cho số chiến sĩ còn sống bơi vào bờ và điểm hỏa cho nổ tàu. Nguyễn Phan Vinh cùng 14 chiến sĩ và con tàu C.235 vĩnh viễn nằm lại giữa lòng đại dương bao la… Và đã có nhiều chuyến tàu mãi mãi nằm lại trong lòng biển khơi, nơi yên nghỉ của các anh chỉ là những ngôi “mộ gió” nhưng những hình ảnh và tấm gương anh dũng của các anh vẫn ghi đậm trong lịch sử oai hùng của cách mạng Việt Nam.
Trong cuộc chiến đấu trực diện bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là sự kiện 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nắm chặt tay nhau tạo thành “Vòng tròn bất tử” bảo vệ đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988 đã trở thành hình ảnh và biểu tượng bất khuất về lòng yêu nước trong Nhân dân Việt Nam và bè bạn thế giới.
Với đặc thù đóng quân, trực và sẵn sàng chiến đấu trên các đảo, nhà giàn, nơi tiền tiêu, tuyến đầu của Tổ quốc, hình ảnh bộ đội Hải quân ngày đêm bám biển, bám đảo, bám nhà giàn, tạm gác những nỗi niềm gia đình và người thân để vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc đã lan tỏa sâu rộng trong tình cảm đồng bào và Nhân dân cả nước.
Qua các phương tiện truyền thông, các chuyến tàu thăm biển đảo, Nhân dân trực tiếp chứng kiến những khó khăn, thấu hiểu được lòng dũng cảm, sự hy sinh cũng như tình yêu quê hương, đất nước của bộ đội Hải quân. Qua đó cảm nhận được sự hy sinh của bộ đội Hải quân, của Nhân dân sống trên đảo và thấy được sự đồng lòng của 100 triệu người dân trong nước cũng như bà con kiều bào, cảm nhận rõ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của Việt Nam vẫn được giữ vững. Nhân dân hiểu rõ hơn về quần đảo Trường Sa – nơi tiền tiêu Tổ quốc, hình ảnh những người lính hải quân tuổi mười tám, đôi mươi đang ngày đêm làm nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Hai là, tình cảm của Nhân dân đối với bộ đội Hảo quân trong các hoạt động hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế, cùng ngư dân bám biển, hỗ trợ phòng, chống thiên tai.
Hình ảnh bộ đội Hải quân trong tình cảm Nhân dân không chỉ trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đào của Tổ quốc mà hình ảnh bộ đội Hải quân với rất nhiều hoạt động hỗ trợ sản xuất, cùng ngư dân bám biển, khắc phục thiên tai đã lắng đọng sâu sắc, thân thuộc trong tình cảm Nhân dân. Thực tiễn ngay từ những ngày đầu thành lập, nhất là quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bộ đội Hải quân đã phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển triển khai chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”.
Việc triển khai chương trình đã trực tiếp góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đánh bắt thủy hải sản và phát huy vai trò của ngư dân trong tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên biển, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nhân dân các vùng biển đã quen và tin yêu tự hào với hình ảnh bộ đội Hải quân duy trì nghiêm các lực lượng và phương tiện sẵn sàng chiến đấu trên các vùng biển trọng điểm; đã phát huy tốt vai trò các tàu làm nhiệm vụ trên biển, các trạm ra đa, các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển (nhất là khu vực quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1) đã tổ chức có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản.
Các chiến sĩ hải quân làm điểm tựa, tạo điều kiện hết sức cho ngư dân trên biển… là động lực to lớn để Nhân dân vượt qua mọi khó khăn. Với phương châm “Lo cho ngư dân như người thân của mình”, “Giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim”, hình ảnh bộ đội Hải quân luôn sẵn sàng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, trên khắp các vùng biển cả nước để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân, không quản ngại hiểm nguy, gian khổ, hy sinh, vượt qua sóng dữ, kịp thời có mặt cứu giúp ngư dân bị nạn trên biển đã để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng Nhân dân.
Ba là, tình cảm của Nhân dân đối với bộ đội Hải quân trong hỗ trợ đời sống, văn hóa, giáo dục, nhận nuôi con gia đình khó khăn, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Nhân dân không chỉ biết đến bộ đội Hải quân sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, hay làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển mà hình ảnh bộ đội Hải quân đã trực tiếp gần gũi giúp đỡ, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa trong tình cảm Nhân dân ngày càng đậm nét hơn. Nhất là từ khi Quân chủng Hải quân phát động, triển khai chương trình “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” ở 28 tỉnh, thành phố có biển trên cả nước với mong muốn thúc đẩy các phong trào hoạt động xã hội hướng đến chăm lo, giúp ngư dân có thêm niềm tin, động lực, ổn định cuộc sống, cùng chung tay với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện chương trình, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả. Thực hiện chương trình kết hợp quân dân y, bộ đội Hải quân trực tiếp là những bác sĩ, y sĩ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, thành lập các tổ quân y đến từng địa phương tư vấn, khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho ngư dân. Tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác dân vận, công tác chính sách, thăm, tặng quà gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn.
3. Giữ vững mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa bộ đội Hải quân với Nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ về tầm quan trọng của mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa bộ đội Hải quân với Nhân dân.
Cán bộ, chiến sỹ của bộ đội Hải quân quán triệt và nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của mối quan hệ gắn bó máu thịt với Nhân dân là một trong những chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo đó, cán bộ, chiến sỹ quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Quân uỷ Trung ương về công tác dân vận trong tình hình mới. Cụ thể hoá thành chương trình, hành động, kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị đúng, trúng phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; bảo đảm mọi cán bộ, chiến sỹ đều được tham gia vào tiến hành công tác dân vận không chỉ trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, mà trong nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ Nhân dân phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá mới; xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với thế trận “an ninh nhân dân” vững chắc trong mọi tình huống, điều kiện, hoàn cảnh, không để mất đất, mất dân; luôn bám dân, bám đất.
Tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; không nghe, không tin thông tin sai trái, phản động của các thế lực thù địch; vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của cấp uỷ chính quyền địa phương; của bộ đội Hải quân. Cán bộ, chiến sỹ bộ đội Hải quân thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp, cách thức tiến hành công tác dân vận đối với Nhân dân, đó là, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo việc gì cũng thành công.
Thứ hai, tích cực, chủ động giúp đỡ Nhân dân trong mọi tình huống, điều kiện, hoàn cảnh.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân, bộ đội Hải quân đã làm tốt công tác giúp đỡ, hỗ trợ Nhân dân trong phát triển kinh tế – xã hội, thắt chặt tình đoàn kết quân dân như cá với nước trong tình hình mới. Cấp uỷ, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ các cấp chủ động xây dựng kế hoạch công tác dân vận hằng năm, tập trung vào những khu vực, địa bàn trong tâm, trọng điểm để phân công, giao nhiệm vụ cho các bộ phận, lực lượng giúp đỡ, hỗ trợ Nhân dân vượt qua khó khăn, thiếu thốn ổn định đời sống.
Ở những khu vực, địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, hạn hán bộ đội Hải quân phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tiến hành gia cố nhà cửa, các công trình dân sinh; đưa Nhân dân đến nơi an toàn, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho Nhân dân; sửa chữa, xây dựng trường học, trạm y tế cho Nhân dân, cấp phát thuốc, khám, chữa bệnh miễn phí cho Nhân dân; giúp đỡ ngư dân đánh bắt khai thác nuôi trồng thuỷ hải sản; tiến hành tuần tra, canh gác trên biển, giúp đỡ ngu dân đánh bắt xa bờ có nguy cơ mất an toàn về tài sản, tính mạng. Cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ chính trị các cấp cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương rà soát, đánh giá những hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, xoá nhà tranh, nhà tạm ở những địa bàn khó khăn, phức tạp.
Thứ ba, thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm việc thực hiện nhiệm vụ dân vận.
Cấp uỷ, tổ chức đảng ở các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm việc thực hiện công tác dân vận; từ đó, kịp thời rút ra bài học kinh nghiệm thực hiện công tác dân vận trong thời gian tới được tốt hơn. Theo đó, cấp uỷ, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ các cấp ở cơ quan, đơn vị đánh giá khách quan, thực chất thực hiện công tác dân vận ở các bộ phận, lực lượng; phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thảo luận, đóng góp ý kiến thực hiện các nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ Nhân dân; biểu dương, khen thưởng đối với bộ phận, lực lượng có nhiều nỗ lực, cố gắng trong tham gia giúp đỡ Nhân dân bằng vật chất, tinh thần; đồng thời, chấn chỉnh, nhắc nhở bộ phận, lực lượng làm chưa tốt công tác dân vận, như: vi phạm quan hệ quân dân; chưa thực hiện kỷ luật quân đội, quy định đơn vị chưa nghiêm…
Rà soát, đánh giá kế hoạch công tác dân vận để kịp thời, điều chỉnh bổ sung vào những giai đoạn, thời điểm tiếp theo, bảo đảm sự kế thừa, tiếp nối thành quả công tác dân vận, giúp đỡ Nhân dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, không bị ngắt quãng, đứt đoạn ở một khâu nào. Tăng cường phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức những hoạt động kết nghĩa, tri ân những hộ gia đình tích cực có nhiều đóng góp củng cố, giữ vững tình đoàn kết quân dân, như: tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội hành quân dã ngoại, diễn tập, xây dựng địa bàn đứng chân an toàn tuyệt đối về mặt, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao… qua những hoạt động thiết thực, cụ thể, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến trong cơ quan, đơn vị để phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm hay cách làm tốt trong phối kết hợp thực hiện nhiệm vụ giữa bộ đội Hải quân và Nhân dân.
4. Kết luận
Trong lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, hình ảnh bộ đội Hải quân luôn được Nhân dân tin yêu, ủng hộ và tôn vinh bằng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ – Người chiến sĩ Hải quân”, bởi danh hiệu đó, hình ảnh đó là kết tinh biểu tượng của tinh thần tận hiến vì dân và tỏa sáng của bộ đội Hải quân trong lòng dân tộc. Tình quân dân, giữa bộ đội Hải quân với Nhân dân trở thành mối quan hệ gắn bó máu thịt khăng khít, tiếp tục được bồi đắp thêm những giá trị mới góp phần tạo nên truyền thống “chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến, quyết thắng” của bộ đội Hải quân Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2004). 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam. H. NXB Quân đội nhân dân.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007). Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị Quốc gia.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018). Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.
6. Đảng bộ Quân chủng Hải quân (2020). Văn kiện Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025.
7. Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân (2019). Báo cáo Tổng kết công tác đảng, công tác chính trị trong nhiệm vụ tuyên truyền về biển đảo (2009 – 2019).