TS. Lê Thị Thu Phượng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Di sản văn hóa, với tư cách là những giá trị vật chất và tinh thần được trao truyền qua các thế hệ, đóng vai trò nền tảng trong việc định hình bản sắc, ký ức và sự phát triển của một quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ, việc quản lý di sản văn hóa ngày càng trở nên cấp thiết. Bài viết làm rõ một số vấn đề lý luận về di sản văn hóa và những yếu tố tác động đến quản lý di sản văn hóa để các nhà quản lý có cơ sở hoạch định chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý đối với di sản văn hóa ở Việt Nam.
Từ khóa: Quản lý; di sản văn hóa; tác động; yếu tố; văn hóa Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Di sản văn hóa là tài sản vô giá của mỗi quốc gia, dân tộc, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Việc quản lý di sản văn hóa không chỉ là nhiệm vụ bảo tồn những giá trị quá khứ mà còn là quá trình phát huy những giá trị đó trong đời sống đương đại, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội. Tuy nhiên, công tác quản lý di sản văn hóa đang đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, phân tích sâu sắc về mặt lý luận.
Việt Nam là quốc gia với 54 dân tộc cùng sinh sống, vì vậy, kho tàng di sản văn hóa của đất nước là rất phong phú, đa dạng và rất đặc sắc. Cùng với thời gian, nhiều giá trị di sản văn hóa được phát hiện, nhiều giá trị mới được hình thành trên nền tảng các giá trị di sản truyền thống để bổ sung vào kho tàng di sản văn hóa chung của dân tộc. Tuy nhiên, nhiều giá trị di sản cũng sẽ bị xuống cấp, thậm chí bị mất đi vĩnh viễn do tác động của thiên nhiên và chính con người, đặc biệt trong bối cảnh có sự “giao thoa” ngày một sâu rộng về văn hóa giữa các dân tộc trong quá trình hội nhập. Đặc điểm này đã và đang đặt ra những thách thức to lớn cũng như những nhiệm vụ cấp thiết cho công tác quản lý di sản văn hóa ở Việt Nam nói chung và ở từng địa phương nói riêng.
2. Di sản văn hóa
Tại khoản 2 Điều 1 Luật Di sản văn hóa năm 2024, khái niệm di sản văn hóa được quy định cụ thể: Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Di sản văn hóa phi vật thể là tri thức, kỹ năng, tập quán, biểu đạt văn hóa cùng đồ vật, đồ tạo tác, không gian liên quan được cộng đồng, nhóm người, cá nhân thực hành, trao truyền qua nhiều thế hệ và hình thành nên bản sắc văn hóa của họ, không ngừng được trao truyền, bảo vệ, tái tạo, sáng tạo, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học (khoản 1 Điều 2 Luật Di sản văn hóa năm 2024). Theo đó, di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm: (1) Biểu đạt và truyền thống truyền khẩu gồm các hình thức thể hiện thông tin bằng ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết, ký tự và ngữ văn dân gian; (2) Nghệ thuật trình diễn dân gian gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu truyền thống và các hình thức trình diễn dân gian khác; (3) Tập quán xã hội và tín ngưỡng gồm các thực hành thường xuyên, ổn định, thể hiện quan niệm, niềm tin của cộng đồng, thông qua các lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống mang bản sắc văn hóa của cộng đồng chủ thể; (4) Lễ hội truyền thống gồm các thực hành nghi lễ và sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng, được thực hiện theo chu kỳ tại không gian văn hóa liên quan; (5) Tri thức dân gian gồm tri thức về tự nhiên và vũ trụ, sức khỏe và đời sống con người, lao động, sản xuất, phòng bệnh, chữa bệnh, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác; (6) Nghề thủ công truyền thống gồm các thực hành thủ công bằng tri thức, kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết, nghệ thuật cùng với công cụ, đồ vật, đồ tạo tác, nguyên vật liệu tự nhiên, tạo ra các sản phẩm mang bản sắc văn hóa của cộng đồng chủ thể (Điều 10 Luật Di sản văn hóa năm 2024).
Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có một, một số hoặc tất cả giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (khoản 2 Điều 3 Luật Di sản văn hóa năm 2024). Theo đó, di sản văn hóa vật thể bao gồm: di tích lịch sử, văn hóa, danh làm thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Tuy nhiên, sự phân định giữa di sản vật thể và phi vật thể cũng chỉ mang tính tương đối nhằm nghiên cứu những đặc tính riêng của từng di sản, còn trong thực tế, yếu tố vật thể và phi vật thể luôn gắn kết chặt chẽ với nhau, cùng tồn tại để làm nên giá trị của một di sản. Khi đó, di sản văn hóa phi vật thể là linh hồn, là cốt lõi, là biểu hiện tinh thần của di sản văn hóa vật thể; còn cái hiện hữu, cái làm nên di sản văn hóa vật thể thì tồn tại như là biểu hiện vật chất của di sản văn hóa phi vật thể ấy.
Cụ thể, di sản văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) được Nhà nước xếp hạng là di sản văn hóa vật thể. Tuy nhiên, ý nghĩa vật thể của các bia tiến sỹ không nhiều, chỉ là các chứng tích khẳng định Việt Nam có một nền giáo dục và khoa cử lâu đời. Chính ý nghĩa phi vật chất ấy lại là căn cứ để UNESCO công nhận là di sản văn hóa, ký ức nhân loại. Về phương diện vật chất, với điều kiện kỹ thuật và tài chính hiện nay, nhiều bia đá có thể chạm, khắc đẹp hơn nhiều, nhưng có đẹp đến đâu cũng không thay được các bia tiến sĩ đang được lưu giữ, bảo tồn ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ngược lại “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nó không phải là di sản văn hóa vật thể, nhưng nếu thiếu vắng những cái cồng, cái chiêng nguyên bản mang ý nghĩa vật chất thì ý nghĩa phi vật chất về “không gian văn hóa” khó có thể tồn tại. Như vậy, việc phân chia văn hóa thành văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể chỉ mang ý nghĩa tương đối và khái niệm về di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể cũng không là ngoại lệ.
Căn cứ vào mức độ giá trị, di sản có thể được phân thành di sản có giá trị đặc biệt hay các di sản có mức độ quan trọng cấp quốc tế; nhóm di sản có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia và nhóm di sản có ý nghĩa quan trọng cấp địa phương. Tuy nhiên, các di sản văn hóa vẫn có những đặc điểm chung, đó là:
Tính biểu trưng đại diện cho mỗi nền văn hóa của một quốc gia, một dân tộc. Mọi di sản đều là sản phẩm sáng tạo của con người, tuy nhiên không phải tất cả những gì con người sáng tạo ra đều là di sản. Chỉ những sản phẩm có giá trị văn hóa tinh túy nhất của một quốc gia, dân tộc mới được xem là di sản để truyền lại cho các thế hệ kế tiếp. Chính vì vậy, di sản luôn mang tính biểu trưng và đại diện.
Tính lịch sử: mọi di sản văn hóa đều được hình thành trong những thời kỳ nhất định với những đặc điểm cụ thể về xã hội và nền văn minh cũng như kỹ thuật tạo ra chúng. Thông qua di sản văn hóa, đặc điểm xã hội của một giai đoạn lịch sử phát triển nhất định sẽ được hiểu một cách đầy đủ và rõ ràng. Chính vì vậy, di sản văn hóa mang tính lịch sử sâu sắc.
Tính truyền thống: di sản không chỉ lưu truyền cho thế hệ kế tiếp mà còn được lưu truyền qua nhiều thế hệ, không chỉ bản thân di sản mà cả những giá trị phi vật thể đi cùng với chúng cũng được truyền sang thế hệ sau bằng mô phỏng, phát triển và sáng tạo mới trên nền của di sản cũ. Chính điều này tạo nên tính truyền thống của di sản.
Tính nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng dưới các tác động khác nhau: di sản văn hóa dễ bị hư hỏng, bị phá hủy và bị mai một do những tác động khác nhau của con người, của điều kiện thời tiết, của các phản ứng hóa học diễn ra trong tự nhiên… Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, các thế hệ đi trước đã sáng tạo và để lại nhiều di tích có giá trị. Tuy nhiên, các di tích không thể trường tồn mãi mà bị xuống cấp theo thời gian, thậm chí bị mất đi vĩnh viễn do sự tàn phá của chiến tranh, thiên tai, sự xâm hại của chính con người trong các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.
Việc nhận thức đầy đủ khái niệm, nội hàm và tính chất của di sản văn hóa là căn cứ lý luận quan trọng để sử dụng các khái niệm đã được luật hóa trong các văn bản pháp lý, đặc biệt là Luật Di sản văn hóa một cách phù hợp và cũng là cơ sở lý luận để triển khai các nội dung nghiên cứu được đặt ra.
3. Những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý di sản văn hóa
Tính hiệu quả của hoạt động quản lý di sản văn hóa được thể hiện ở kết quả thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về văn hóa nói chung và quản lý di sản văn hóa nói riêng, đặc biệt là bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Thực tế hoạt động quản lý di sản văn hóa chịu ảnh hưởng của những yếu tố cơ bản sau:
(1) Nhận thức của xã hội, đặc biệt là của các cấp quản lý. Đây là nhận thức của xã hội về vai trò của di sản đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, qua đó, có sự quan tâm thỏa đáng đối với hoạt động quản lý di sản. Hoạt động quản lý di sản sẽ được triển khai thuận lợi nếu nhận thức của xã hội, đặc biệt của các cấp quản lý là phù hợp.
(2) Hướng dẫn chi tiết về quản lý di sản. Thể hiện tính đầy đủ, cụ thể và dễ triển khai trong thực tế hệ thống quy định pháp luật về quản lý di sản văn hóa. Trong thực tế triển khai Luật Di sản văn hóa, ở những cấp cơ sở nào có được quy định cụ thể đối với hoạt động quản lý di sản, đặc biệt là đối với hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thì nơi đó sẽ thực hiện có kết quả hơn các nhiệm vụ về quản lý di sản.
(3) Năng lực của tổ chức và cá nhân có chức năng quản lý di sản. Hoạt động quản lý luôn đòi hỏi năng lực của tổ chức và cá nhân thực hiện. Năng lực này được thể hiện bằng số lượng các cá nhân trong tổ chức và trình độ về quản lý và nghiệp vụ của từng cá nhân thuộc đội ngũ quản lý. Quản lý di sản cũng không phải là ngoại lệ.
(4) Năng lực ứng dụng khoa học – công nghệ vào hoạt động quản lý di sản. Như đã đề cập ở trên, nội hàm của hoạt động bảo tồn luôn bao gồm cả hoạt động bảo vệ và bảo quản. Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tồn luôn là yếu tố quan trọng, chính vì vậy, năng lực ứng dụng (đội ngũ, trình độ công nghệ, trang thiết bị) được xem có ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý di sản, đặc biệt là bảo tồn các giá trị di sản.
(5) Nguồn lực vật chất cho hoạt động quản lý di sản. Kinh phí cho hoạt động bảo tồn luôn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản lý, bởi đây là điều kiện để vận hành bộ máy, để triển khai các nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý. Hiện nay, kinh phí cho quản lý văn hóa nói chung và quản lý di sản nói riêng chủ yếu được bảo đảm từ nguồn ngân sách. Nguồn thu từ việc khai thác giá trị di sản phục vụ mục đích tham quan, học tập, nghiên cứu và đặc biệt là du lịch hiện không được phép sử dụng trực tiếp cho hoạt động quản lý. Cơ chế này đã và đang là “vật cản” đối với hoạt động quản lý di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam.
(6) Lựa chọn phương thức tiếp cận thực hiện hoạt động quản lý di sản. Với vai trò là nền tảng của mọi sự phát triển, hoạt động quản lý văn hóa nói chung và quản lý di sản nói riêng, phương thức tiếp cận truyền thống để thực hiện các nhiệm vụ quản lý là dựa vào nguồn lực nhà nước. Cùng với thời gian, phương thức tiếp cận này bộc lộ nhiều hạn chế, hiệu quả quản lý thấp bởi thiếu động lực và nguồn lực. Chính vì vậy, việc lựa chọn phương thức tiếp cận mới, phù hợp với đặc điểm quản lý di sản của địa bàn cụ thể sẽ tạo được động lực và có thêm nguồn lực cho hoạt động quản lý cũng như nâng cao được hiệu quả của hoạt động này. Quản lý di sản văn hóa trong mối quan hệ gắn với du lịch là phương thức tiếp cận phù hợp, nâng cao được hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã được nhiều quốc gia, nhiều địa phương và điểm đến lựa chọn. Tuy nhiên, nội hàm của phương thức tiếp cận này phụ thuộc vào tính nhạy cảm của di sản và đặc điểm của từng địa bàn.
(7) Mức độ tham gia của cộng đồng vào hoạt động quản lý di sản. Trong công ước quốc tế bảo vệ đa dạng văn hóa năm 2003, UNESCO đã khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa và cho rằng “không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng”. Sự tham gia tích cực của cộng đồng với những hiểu biết sâu sắc về các giá trị văn hóa truyền thống trong việc thực hành và truyền dạy được xem là nguồn lực quan trọng, có tính chất quyết định trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
(8) Khả năng liên kết các đối tượng có liên quan. Quản lý di sản văn hóa là nhiệm vụ của nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều đối tượng chứ không chỉ riêng của ngành văn hóa. Chính vì vậy, hoạt động quản lý chỉ có thể có hiệu quả nếu việc liên kết các đối tượng có liên quan là rất cần được chú trọng.
(9) Sự hỗ trợ của các tổ chức. Di sản văn hóa Việt Nam là một bộ phận không tách rời di sản văn hóa nhân loại, chính vì vậy, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về kinh nghiệm, công nghệ, nguồn lực tài chính sẽ luôn là yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả quản lý di sản ở Việt Nam.
4. Một số giải pháp tăng cường công tác quản lý di sản văn hóa
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý. Cần có hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý di sản văn hóa. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý di sản văn hóa, bảo đảm có đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ. Phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý giữa cấp trung ương, địa phương, bảo đảm sự phối hợp hiệu quả.
Thứ hai, tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý di sản văn hóa. Bảo đảm nguồn kinh phí đủ mạnh cho các hoạt động bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa. Huy động các nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vào công tác bảo tồn di sản. Áp dụng các công nghệ tiên tiến trong việc bảo tồn, số hóa và quảng bá di sản văn hóa.
Thứ ba, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị của di sản văn hóa, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm sự đồng thuận và ủng hộ từ cộng đồng. Đưa nội dung giáo dục về di sản văn hóa vào chương trình học tập, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ và trân trọng giá trị di sản của dân tộc.
Thứ tư, phát triển du lịch văn hóa bền vững. Xây dựng quy hoạch phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo tồn di sản, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch văn hóa, đáp ứng nhu cầu của du khách; đồng thời, bảo đảm không gây ảnh hưởng tiêu cực đến di sản. Tăng cường quảng bá di sản văn hóa trên các phương tiện truyền thông, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Thứ năm, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia có kinh nghiệm trong việc quản lý di sản văn hóa. Thu hút nguồn lực tài chính, kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế cho công tác bảo tồn di sản văn hóa. Tăng cường xây dựng hồ sơ di sản văn hóa để đề cử UNESCO công nhận là di sản thế giới, góp phần nâng cao vị thế của di sản văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
5. Kết luận
Di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng, là yếu tố cốt lõi của bản sắc dân tộc; đồng thời, là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại. Do vậy, trong quá trình hội nhập phát triển hiện nay đòi hỏi sự tăng cường quản lý đối với di sản văn hóa. Vì vậy, xác định những yếu tố ảnh hưởng đến quản lý di sản văn hóa luôn là mục tiêu quan trọng hàng đầu cần thực hiện tốt để giúp cho hoạt động quản lý di sản văn hóa đạt được những hiệu quả cao trong thời gian tới, góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2010). Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021). Giáo trình văn hóa và phát triển (dùng cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị). H. NXB Lý luận chính trị.
3. Lê Thị Thu Phượng (2017). Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tộc người trong mối quan hệ với phát triển du lịch (nghiên cứu trường hợp tộc người Dao Quần Trắng, thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
4. Quốc hội (2001, 2009). Luật Di sản văn hóa năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều củaLuật Di sản văn hóa năm 2009.