ThS. Phạm Thị Hậu
Bộ Nội vụ
(Quanlynhanuoc.vn) – Sự tham gia của người dân vào hoạt động quản trị của nhà nước là một xu hướng trên toàn thế giới. Tại Nhật Bản, quốc gia có truyền thống Nho giáo và sự tôn trọng thứ bậc được phản ánh ngay trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, người dân thường tin tưởng vào quyết định của cơ quan nhà nước và những người do họ bầu ra. Xuất phát từ nhu cầu quản trị tốt, Nhật Bản đã đa dạng hóa các hình thức tham gia của người dân vào hoạt động của Nhà nước mà phản ánh rõ nhất là cấp chính quyền địa phương. Bài viết cung cấp một số thông tin về các hình thức người dân tham gia vào hoạt động của chính quyền địa phương tại Nhật Bản, từ đó đưa ra một số kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam1.
Từ khóa: Sự tham gia của người dân, chính quyền địa phương, dân chủ trực tiếp, Nhật Bản.
1. Khái quát về quyền tham gia của người dân ở Nhật Bản
Quyền tham gia của người dân được quy định trong Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 và các luật có liên quan, như: Luật Tự trị địa phương, Luật Thủ tục hành chính năm 1993. Ngoài ra, Nhật Bản có 47 chính quyền địa phương cấp tỉnh và 1.718 chính quyền địa phương cấp hạt (792 thành phố, 743 thị trấn, 183 làng xã) và theo Luật Tự trị địa phương năm 1947, hội đồng của các chính quyền địa phương có thẩm quyền ban hành điều lệ về sự tham gia của người dân.
Cùng với quá trình đẩy mạnh tự quản và tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương, các chính quyền địa phương đã thành lập các hội đồng do người dân bầu ra để thảo luận và quyết định các vấn đề cụ thể của địa phương. Đồng thời, chính quyền địa phương tại Nhật Bản ngày càng khuyến khích sự tham gia của người dân vào các hoạt động của chính quyền thông qua các phương thức, như trưng cầu ý dân, sáng kiến công dân (các yêu cầu trực tiếp của người dân về việc ban hành, sửa đổi, bãi bỏ các quy định, điều lệ, giải tán Hội đồng, bãi nhiệm Nghị viên Hội đồng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính, bãi nhiệm công chức chủ chốt…); yêu cầu thanh tra, khiếu nại hoặc tham gia ý kiến đối với các vấn đề của địa phương.
Nỗ lực đầu tiên về sự tham gia của công chúng tại Nhật Bản là vào những năm 1960, tại tỉnh Toyama miền trung Nhật Bản2. Khi đó, trên địa bàn xuất hiện nhiều vụ ngộ độc camium mà nguyên nhân được xác định là do tình trạng ô nhiễm đến từ các mỏ khai thác khoáng sản tại địa phương. Người dân trong vùng đã đệ đơn chống lại công ty khai thác mỏ và họ đã thắng kiện vào năm 1972. Vụ việc kết thúc với một thỏa thuận được ký kết giữa công ty khai thác mỏ, chính quyền địa phương và người dân địa phương. Đây là trường hợp đầu tiên có sự tham gia của người dân cùng giải quyết một vấn đề của địa phương.
Lý giải về sự cần thiết có sự tham gia của người dân vào các hoạt động của chính quyền địa phương xuất phát từ hai lý do chính. Một là, sự tham gia của người dân là biện pháp nhằm giải quyết hạn chế của dân chủ đại diện, theo đó trong một nhà nước được thiết lập bởi dân chủ đại diện luôn có khả năng xảy ra sự khác biệt giữa ý muốn của cử tri và người đại diện trong thời gian đương nhiệm. Để bù đắp cho thiếu sót này, một hệ thống được tạo ra để người dân có phương tiện trực tiếp bày tỏ ý muốn của mình, đó chính là các hình thức người dân tham gia ý kiến đối với cơ quan nhà nước. Hai là, trong bối cảnh nhu cầu của người dân ngày càng đa dạng, các vấn đề của cộng đồng càng trở nên phức tạp mà chính quyền có thể không nắm bắt đầy đủ để cung ứng các dịch vụ công một cách đầy đủ và hiệu quả. Do vậy, thông qua việc tạo lập một hệ thống các phương thức để người người dân tham gia ý kiến, cơ quan nhà nước có thể cung ứng dịch vụ công đáp ứng chính xác hơn nhu cầu đa dạng của người dân. Một lý giải khác được đưa ra trong bối cảnh hiện nay là sự tham gia của người dân thúc đẩy phát triển bền vững3. Theo đó, bổ sung quy trình tham gia của người dân trước khi cơ quan nhà nước quyết định nhằm giảm bớt các tình huống cơ quan nhà nước ban hành các quyết định vội vã mà chưa lường trước các tác động đối với môi trường và xã hội. Sự tham gia của người dân có ý nghĩa trong việc bảo đảm các quyết định được suy xét kỹ lưỡng và bảo đảm tính bền vững, phù hợp với nhiều nhóm lợi ích trong xã hội.
2. Các phương thức để người dân tham gia vào hoạt động của chính quyền địa phương ở Nhật Bản
Ngoại trừ hình thức tham gia trực tiếp là bầu cử, công dân Nhật Bản tham gia vào công việc của chính quyền địa phương thông qua các hình thức, như: trưng cầu ý dân, sáng kiến công dân, hệ thống tuyển dụng công khai ủy viên, chế độ tham vấn rộng rãi, hệ thống giám sát của người dân, chế độ hội họp của cộng đồng dân cư.
Thứ nhất, chế độ trưng cầu ý dân. Tại Nhật Bản, trưng cầu ý dân ở phạm vi địa phương được quy định bởi các điều lệ của chính quyền địa phương do Hội đồng địa phương ban hành. Tại các điều lệ này sẽ quy định về đối tượng, phạm vi trưng cầu ý dân, hình thức bỏ phiếu, cách thức bỏ phiếu, điều kiện để cuộc bỏ phiếu được tiến hành hợp pháp, giá trị của kết quả bỏ phiếu.
Các vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là các vấn đề thuộc quyền quyết định của chính quyền địa phương, không bao gồm các vấn đề nằm ngoài quyền hạn của chính quyền địa phương. Phiếu ý kiến của người dân chỉ có 2 nội dung: Tán thành hoặc Phản đối.
Để tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thì phải đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ chữ ký cử tri nhất định (Ví dụ, tại thành phố Nagasaki, đơn yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân phải có chữ ký của 1/6 số người có quyền bỏ phiếu). Thông thường, một cuộc bỏ phiếu được thành lập khi có tỷ lệ đi bỏ phiếu từ 50% trở lên, nếu tỷ lệ bỏ phiếu dưới 50% thì cuộc bỏ phiếu không được thành lập và không tiến hành kiểm phiếu. Điều lệ về trưng cầu ý dân cũng quy định các hành vi nghiêm cấm, như: cấm ràng buộc tự do ý chí, cấm các can thiệp không thỏa đáng và xâm phạm môi trường sống yên bình của người dân. Kết quả trưng cầu ý dân thông thường có ý nghĩa bắt buộc đối với cơ quan hành chính.
Chính quyền địa phương đầu tiên của Nhật Bản ban hành điều lệ về trưng cầu ý dân là thị trấn Kubokawa của tỉnh Kochi vào năm 1982, tuy nhiên, địa phương này chưa từng tổ chức trưng cầu ý dân. Cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên của Nhật Bản diễn ra tại thị trấn Maki của tỉnh Niigata năm 1996 về việc có nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay không4. Tuy nhiên, kết quả trưng cầu ý dân không được xác lập do nội dung trưng cầu không thuộc thẩm quyền quyết định của chính quyền địa phương. Một số cuộc trưng cầu ý dân khác diễn ra chủ yếu về các nội dung, như cho phép xây dựng nhà máy rác thải trên địa bàn hoặc việc giảm bớt hay di dời các căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản.
Thứ hai, sáng kiến công dân. Sáng kiến công dân là hình thức người dân trực tiếp đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các ý kiến của mình. Sáng kiến của công dân được cơ quan có thẩm quyền xem xét khi đạt một tỷ lê người nhất định yêu cầu trên tổng số cử tri hoặc dân số địa phương. Luật Tự trị địa phương Nhật Bản quy định cụ thể nội dung sáng kiến công dân gồm yêu cầu ban hành, sửa đổi, bãi bỏ các điều lệ của địa phương; yêu cầu kiểm toán hoặc kiểm toán độc lập, yêu cầu giải tán Hội đồng, bãi nhiệm nghị viên Hội đồng, cách chức người đứng đầu cơ quan hành chính hoặc bãi nhiệm công chức chủ chốt trong chính quyền địa phương. Sáng kiến công dân có thể là nguồn gốc để tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân trong phạm vi địa phương hoặc bắt buộc Hội đồng phải xem xét, quyết định một vấn đề cụ thể. Từ năm 2007 – 2020 Nhật Bản đã ghi nhận 256 sáng kiến yêu cầu ban hành, sửa đổi, bãi bỏ điều lệ; 14 sáng kiến về giải tán Hội đồng địa phương, 22 sáng kiến về bãi nhiệm nghị viên Hội đồng địa phương, 76 sáng kiến về cách chức người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương5.
Thứ ba, tuyển dụng công khai ủy viên các hội đồng tư vấn của địa phương.
Để lắng nghe ý kiến người dân, đặc biệt là những người có khả năng chịu sự tác động, ảnh hưởng của chính sách, các chính quyền địa phương thành lập các hội đồng tư vấn và tổ chức tuyển dụng công khai một số vị trí ủy viên của các hội đồng tư vấn nhằm thu thập ý kiến, quan điểm của người dân (có thể là các chuyên gia hoặc thành viên của các tổ chức phi chính phủ). Các ủy viên được tuyển dụng có nghĩa vụ tham gia đóng góp ý kiến đối với các kế hoạch hoặc các dự án do chính quyền địa phương đề xuất, đồng thời được trả thù lao cho sự tham gia của mình.
Thứ tư, chế độ tham vấn rộng rãi. Luật Thủ tục hành chính của Nhật Bản quy định, khi Chính phủ ban hành các quy định phải công khai dự thảo và thu thập ý kiến rộng rãi của người dân trong thời gian ít nhất 30 ngày. Một số điều lệ của chính quyền địa phương quy định cụ thể các nội dung phải được tham vấn rộng rãi ý kiến người dân trước khi ban hành, như quy hoạch, chính sách cơ quan của chính quyền địa phương, dự thảo các điều lệ có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Chính quyền địa phương xem xét, quyết định việc tiếp thu hay bác bỏ ý kiến tham vấn của người dân, đồng thời, có trách nhiệm công khai lý do bác bỏ ý kiến tham vấn.
Thứ năm, hệ thống giám sát của người dân. Đây là hệ thống tiến hành thăm dò ý kiến người dân thông qua phiếu khảo sát. Đối tượng khảo sát được lựa chọn các ứng viên đăng ký hoặc lựa chọn ngẫu nhiên từ số lượng người đăng ký qua internet; một số trường hợp đối tượng khảo sát là tất cả những người đăng ký tham gia trên internet. Đối tượng khảo sát có thể được trả thù lao cho mỗi lần khảo sát hoặc không có thù lao tùy thuộc vào điều lệ của từng chính quyền địa phương. Ví dụ, thành phố Nishinomiya thuộc tỉnh Hyogo lựa chọn ngẫu nhiên 400 – 500 người đồng ý tham gia khảo sát hằng năm về các vấn đề của địa phương, như việc cải tạo nghĩa trang, sử dụng thư viện công cộng, cải tạo nhà ở,… và có trả thù lao cho người tham gia. Thành phố Kitakyushu, tỉnh Kyushu lựa chọn 150 người thông qua tuyển dụng rộng rãi để tiến hành khảo sát năm 2023 về các vấn đề, như chứng sa sút trí tuệ, du lịch, học tập suốt đời, xóa bỏ bạo lực,…
Thứ sáu, tổ chức cuộc họp dân cư. Nhằm giải quyết các bất đồng giữa người dân và chính quyền, các cuộc họp dân cư được tổ chức nhằm mục đích đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với người dân, giúp chính quyền nắm bắt nhu cầu của người dân, từ đó bảo đảm sự hiểu biết lẫn nhau giữa chính quyền với người dân. Chủ đề các cuộc đối thoại, cuộc họp dân cư thường về lĩnh vực quy hoạch đô thị, quy hoạch và xây dựng các cơ sở cộng đồng,… Một số chủ đề được đưa ra thảo luận định kỳ hoặc trong một khoảng thời gian cụ thể được lên kế hoạch và thông báo trước tới người dân nhằm tạo điều kiện thu hút tối đa sự tham gia ý kiến của người dân tại các cuộc họp. Ví dụ: Để đối thoại với người dân về chủ đề “cuộc sống số”, chính quyền thành phố Chigasaki thuộc tỉnh Kanagawa tổ chức định kỳ các cuộc họp dân cư trên địa bàn vào chiều Chủ nhật hằng tuần, kế hoạch tổ chức được thông báo rộng rãi tới toàn thể cư dân thành phố.
3. Sự tham gia của người dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước ở Việt Nam
Điều 28 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền tham gia thảo luận, kiến nghị với cơ quan nhà nước của công dân, Quốc hội đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật tạo khung pháp lý cho việc bảo đảm thực hiện quyền này trên thực tế. Có thể kể tới đó là: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2016, Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022… Mặc dù vậy, quy định của pháp luật cũng như quá trình thực hiện pháp luật vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế quyền tham gia của người dân. Cụ thể:
Một là, về lĩnh vực xây dựng pháp luật. Pháp luật hiện hành ghi nhận sự tham gia của người dân vào tất cả các giai đoạn của quá trình soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ giai đoạn soạn thảo, góp ý vào dự thảo đến quá trình thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn, sự tham gia của người dân vẫn bị hạn chế bởi các quy định pháp luật. Đối với giai đoạn sáng kiến lập pháp, người dân có thể tham gia vào việc xây dựng pháp luật ngay từ giai đoạn lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội một cách gián tiếp thông qua Mặt trận Tổ quốc mà không thể tự mình thực hiện việc này với tư cách cá nhân, nhóm công dân hoặc một tổ chức bất kỳ.
Đối với giai đoạn tham gia trong quá trình soạn thảo, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, người dân có thể tham gia trực tiếp vào Ban soạn thảo với tư cách là các chuyên gia, nhà khoa học được cơ quan chủ trì soạn thảo lựa chọn hoặc tham gia gián tiếp thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc . Tuy nhiên, việc tham gia còn tùy thuộc khá lớn vào quyết định mời/không mời của cơ quan chủ trì soạn thảo. Đối với giai đoạn góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, người dân có thể gửi trực tiếp ý kiến góp ý tới cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc tham gia ý kiến thông qua cáchội thảo, tọa đàm, thông qua trang thông tin điện tử của cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc của Chính phủ, hoặc tham gia đóng góp ý kiến thông qua tổ chức đại diện (Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể).
Tuy nhiên, ngoại trừ một số văn bản quy phạm đặc biệt quan trọng và tác động sâu rộng đến đời sống người dân, như Luật Đất Đai, Luật Nhà ở… thì hầu hết các dự thảo văn bản quy phạm được đăng tải lấy ý kiến Nhân dân đều ít nhận được sự quan tâm, tham gia ý kiến của người dân. Đồng thời, các biện pháp bảo đảm để người dân tham gia ý kiến, như cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan chưa được coi trọng, hầu như các dự thảo văn bản lấy ý kiến đều không kèm theo các bản thuyết minh nên người dân khó tiếp cận các nội dung chuyên sâu của dự thảo văn bản. Quá trình tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của người dân còn hình thức, chưa đi vào thực chất; việc tiếp thu, giải trình ý kiến chưa bảo đảm tính công khai, khách quan.
Hai là, về phản ánh, kiến nghị của công dân. Hiện nay, các quy định về phản ánh, kiến nghị của công dân nằm rải rác trong một số văn bản như Luật Tiếp công dân năm 2013, Thông tư 06/2014/TT-TTCP quy định tiếp công dân và Thông tư 07/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân. Các quy định này chủ yếu dừng lại ở khâu tiếp nhận, xử lý đơn phản ánh, kiến nghị mà chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết phản ánh, kiến nghị của công dân; các cơ chế bảo đảm quyền phản ánh, kiến nghị của công dân (bảo vệ người phản ánh, kiến nghị; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc giải quyết phản ánh, kiến nghị của công dân; chế tài trong trường hợp không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng phản ánh, kiến nghị của công dân).
Ba là, về sáng kiến công dân. Đây là hình thức công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội thông qua việc bỏ phiếu về một vấn đề chính trị, pháp lý – được đề xuất bởi một số công dân, chứ không dựa trên đề xuất của Chính phủ, cơ quan lập pháp hay cơ quan công quyền khác. Mặc dù là một hình thức tham gia của công dân khá phổ biến trên thế giới nhưng tại Việt Nam, pháp luật hầu như chưa quy định về sáng kiến công dân. Chỉ có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc khi một tỷ lệ công dân đề xuất một vấn đề nghị định thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết hoặc đưa ra bỏ phiếu. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định “Công dân cư trú tại thôn, tổ dân phố có sáng kiến đề xuất về nội dung quy định tại Điều 15 của Luật này và được ít nhất là 10% tổng số hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận thì gửi đề xuất đến trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định nếu không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội”. Quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ quy định quyền đề xuất sáng kiến công dân nhưng chưa quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, cách thức tiến hành (cách thức thu thập chữ ký của 10% cử tri), cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện sáng kiến công dân,… Trong khi đó, quy định về sáng kiến công dân trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở mới dừng lại trong việc đề xuất các vấn đề liên quan đến tự quản của cộng đồng dân cư mà không có giá trị đối với hoạt động của cơ quan nhà nước.
4. Một số kiến nghị nhằm tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước ở Việt Nam
Thứ nhất, về cách tiếp cận về quyền tham gia của người dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước.
Từ quy định của pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật ở Việt Nam cho thấy, cách tiếp cận phổ biến về quyền tham gia của người dân là xem người dân như chủ thể thụ động, chỉ tham gia ý kiến khi Nhà nước yêu cầu/cho phép. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, quyền tham gia của người dân là quyền chủ động. Theo đó, người dân có quyền chủ động yêu cầu, đề xuất các sáng kiến công dân để cơ quan nhà nước xem xét, quyết định thay vì phụ thuộc vào việc Nhà nước lấy ý kiến Nhân dân. Đồng thời, trong mối quan hệ giữa người dân thực hiện quyền tham gia với Nhà nước không chỉ là quan hệ giữa chủ thể mang quyền và chủ thể mang nghĩa vụ mà còn là mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi. Theo đó, ngoài việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân thì sự tham gia của người dân cũng là phương thức hạn chế sai lầm của Nhà nước, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản trị nhà nước.
Thứ hai, về phạm vi thực hiện quyền tham gia của người dân thông qua phương thức trưng cầu ý dân.
Theo quy định của Luật trưng cầu ý dân thì trưng cầu ý dân ở Việt Nam chỉ có thể được tiến hành trên phạm vi cả nước mà không có trưng cầu ý dân ở địa phương. Tuy nhiên, đối với các vấn đề chỉ có ảnh hưởng đối với người dân ở từng địa phương cụ thể thì cần nghiên cứu để có thể quyết định trưng cầu ý dân ở địa phương. Bởi lẽ, nếu chúng ta xác định có cả trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước và có cả trưng cầu ý dân ở địa phương thì sự tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân sẽ được phát huy tốt hơn, nhất là khi chúng ta đang tiến hành việc phân cấp, phân quyền cho địa phương ngày càng rõ ràng hơn, triệt để hơn và việc quy định về trưng cầu ý dân ở phạm vi địa phương sẽ làm cho các chính sách/dự án thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương sát với ý chí, nguyện vọng của người dân.
Thứ ba, tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương các cấp được quyết định các vấn đề cần có sự tham gia ý kiến của người dân, ngoài các nội dung đã được quy định trong luật.
Theo đó, trên nguyên tắc “phát huy dân chủ ở cơ sở” thì việc trao quyền cho chính quyền địa phương được quyết định các vấn đề đưa ra lấy ý kiến người dân sẽ vừa tạo phương thức để chính quyền nắm bắt được chính xác, đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của người dân để đưa ra các quyết định phù hợp, đồng thời, cũng là phương thức để người dân giám sát hoạt động của chính quyền địa phương, hạn chế các sai phạm xuất phát từ sự lạm quyền của chính quyền địa phương.
Thứ tư, thay đổi tư duy về sự tham gia của người dân từ ưu tiên số lượng đến ưu tiên hiệu quả, chất lượng của sự tham gia.
Theo đó, thay vì lấy ý kiến người dân ở phạm vi rộng đối với các chính sách vĩ mô hoặc các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có tính chuyên môn sâu, không phù hợp với sự quan tâm, hiểu biết của đại đa số người dân như hiện nay thì cần tăng cường sự tham gia của người dân đối với các dự án, chính sách cụ thể, gắn liền với đời sống của người dân (ví dụ: các vấn đề về xử lý nước thải, về chăm sóc người cao tuổi, về quản lý vật nuôi trong đô thị,…). Đồng thời, cần đa dạng hóa đối tượng lấy ý kiến phù hợp với nội dung và mục tiêu lấy ý kiến. Theo đó, có thể mở rộng hình thức lấy ý kiến một nhóm người dân cụ thể quan tâm đến vấn đề được lấy ý kiến hoặc các hình thức và khảo sát, điều tra xã hội, tổ chức các cuộc họp cư dân, các hình thức trao đổi, đối thoại giữa cơ quan nhà nước và người dân.
Thứ năm, tăng cường sự tham gia của người dân ở cơ sở đồng thời với quá trình tăng cường tự quản địa phương.
Cấp cơ sở trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay là cấp xã, là cấp thấp nhất, là nơi người dân thể hiện trực tiếp nhất quyền làm chủ của mình. Thông quá quá trình tham gia của người dân đối với các vấn đề của cơ sở, người dân đồng thời nâng cao năng lực thực hành dân chủ, từ đó thúc đẩy dân chủ ở các cấp độ cao hơn.
Chú thích:
1. Bài viết là một phần kết quả Luận án tiến sỹ về “Bảo đảm quyền tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước của công dân ở Việt Nam hiện nay” đang thực hiện tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
2. Kaji.M (2012). Vai trò của chuyên gia và sự tham gia của công chúng trong kiểm soát ô nhiễm, đạo đức trong khoa học chính trị và môi trường. Tập 12. tr. 99 – 111.
3. Deichmann, U.and Lall (2007). Citizen Feedback and Delivery of Urban Services. World Development, Tập 35 (4), tr. 649 – 662.
4. Osugi Satosu (2007). People and Local Government – Resident Participation in the Management of Local Governments.
5. Takada Hirofumi (2024). Sự tham gia và hợp tác của người dân trong chính quyền địa phương Nhật Bản.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Luật Tiếp công dân năm 2013.
3. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2016.
4. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
5. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.
6. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.
7. Anjula Gurtoo. Citizen Participation in Governmental Decision Making in Japan: A Review.
8. Tổ chức IDEA quốc tế (2014). Dân chủ ở cấp độ địa phương, Sổ tay IDEA quốc tế số 4. H. NXB. Đại học quốc gia Hà Nội.