Phật giáo TP. Hồ Chí Minh với công tác phòng, chống dịch bệnh và một số bài học kinh nghiệm

Đào Thanh Hậu
Học viên cao học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Phật giáo TP. Hồ Chí Minh với tinh thần “Phụng sự đạo pháp, phục vụ dân tộc” đã luôn tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn đồng hành cùng Nhân dân thành phố trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành. Bài viết phân tích những đóng góp của Phật giáo TP. Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch bệnh, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với công tác phòng chống dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay.

Từ khóa: Phật giáo; Phật giáo TP. Hồ Chí Minh; phòng, chống dịch bệnh.

1. Đặt vấn đề

Trong hơn 40 năm qua, Phật giáo TP. Hồ Chí Minh luôn nêu cao truyền thống “đồng hành cùng dân tộc”, đóng góp đáng kể vào xây dựng và phát triển thành phố. Các tăng ni, phật tử với tinh thần “Phụng sự đạo pháp, phục vụ dân tộc” đã luôn tuân thủ pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn đồng hành cùng Nhân dân Thành phố ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất, cụ thể là trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Những đóng góp của tăng ni, phật tử không chỉ giúp đỡ về vật chất mà còn tạo nên nguồn động viên tinh thần to lớn cho cộng đồng. Đây chính là minh chứng cho giá trị nhân văn sâu sắc của Phật giáo trong thời đại mới.

2. Đóng góp của Phật giáo TP. Hồ Chí Minh trong phòng, chống dịch bệnh

Thứ nhất, tuyên truyền, vận động tín đồ phòng, chống dịch bệnh.

Thời gian vừa qua, Phật giáo TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để cùng cộng đồng vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng. Phật giáo Thành phố đã tổ chức các buổi thuyết giảng Phật pháp trực tuyến và phát sóng các bài giảng về phòng, chống dịch bệnh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch, như: đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn và tiêm phòng vắc xin. Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, Ban Trị sự cùng với Ban Thông tin – Truyền thông Phật giáo Thành phố triển khai tuyên truyền các văn bản của Chính phủ, các ban, ngành trung ương, cũng như các văn bản của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về cách ly, giãn cách xã hội nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Năm 2023, Phật giáo TP đã phát động chiến dịch “Chia sẻ yêu thương – chung tay phòng dịch”, tiến hành trực tiếp phát vật dụng thiết yếu, các tình nguyện viên được đào tạo cơ bản về khử trùng và tư vấn sử dụng đúng cách, đồng thời phát tờ rơi và tổ chức các buổi nói chuyện ngắn tại chỗ nhằm tăng cường nhận thức phòng, chống dịch. Năm 2024, một số chùa tại Thành phố đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Giữa đức tin và khoa học  Chung tay phòng dịch”. Tại đây, các chuyên gia y tế chia sẻ về tiến độ tiêm chủng, các biện pháp phòng ngừa cụ thể dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế, kèm theo báo cáo nhanh về tình hình dịch bệnh theo vùng.

Các cơ sở Phật giáo thành phố đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng và sáng tạo để lan tỏa thông điệp phòng, chống dịch bệnh đến đông đảo tín đồ và Nhân dân. Đặc biệt, các bài giảng trực tuyến, thông qua các nền tảng, như: youtube, facebook và website đã trở thành kênh hiệu quả để phổ biến biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Những bài giảng này không chỉ cung cấp thông tin khoa học mà còn kết hợp với lời dạy đạo đức của Phật giáo, khuyến khích tín đồ hành động vì lợi ích của cộng đồng. Ngoài việc sử dụng truyền thông hiện đại, các cơ sở Phật giáo Thành phố còn tuyên truyền trực tiếp tại các buổi sinh hoạt cộng đồng, các bảng thông báo và tờ rơi. Những hoạt động này giúp truyền tải nhanh chóng và kịp thời biện pháp phòng, chống dịch đến với đông đảo tín đồ, nhất là người lớn tuổi không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin. Trong các buổi giảng pháp, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng; chia sẻ lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và bảo vệ người xung quanh.

Thứ hai, tuân thủ quy định phòng, chống dịch bệnh.

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố, đã có khoảng thời gian mọi sinh hoạt tập trung của Phật giáo Thành phố đều tạm dừng. Tăng ni, phật tử tiếp tục thực hiện cấm túc, không tổ chức đại lễ Vu lan tập trung đông người, chuyển sang tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đồng thời, các hoạt động giảng pháp, hướng dẫn nghi lễ và sinh hoạt Phật giáo trực tuyến trở thành một phương thức quan trọng để duy trì các hoạt động tôn giáo trong khi vẫn bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Tại nhiều tự viện ở Thành phố, việc tổ chức các hoạt động trực tuyến đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp phật tử duy trì sinh hoạt tôn giáo trong thời gian giãn cách xã hội.

Thứ ba, công tác hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.

Trong thời kỳ TP. Hồ Chí Minh gặp khó khăn nhất khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống nhân dân, Ban Trị sự Phật giáo TP. Hồ Chí Minh kêu gọi tăng ni, phật tử phát huy tinh thần yêu nước, từ bi của người con Phật, tích cực đóng góp vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh, trong đó có việc phát tâm công đức cùng chính quyền Thành phố mua vắc xin tiêm chủng cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Tháng 7/2021, tại chùa Minh Đạo (quận 3), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận số tiền ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19 của Phật giáo Thành phố là 2 tỷ đồng. Ngoài ra, tịnh xá Ngọc Phương (quận Gò Vấp) đã ủng hộ 100 triệu đồng tại buổi tiếp nhận kinh phí mua vắc xinphòng, chống Covid-19 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố1. Tại Thủ Đức, Ban Trị sự Phật giáo thành phố Thủ Đức đã trao số tiền 60 triệu đồng, chung tay với chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh2

Trong năm 2021, chùa Giác Ngộ (Quận 10) đã đặt mua 120 máy trợ thở khí, phối hợp với chính quyền địa phương gửi các máy điều trị đến những nơi có nhu cầu. Ngoài ra, chùa Giác Ngộ và Quỹ Đạo Phật Ngày nay còn hỗ trợ 2 xe cứu thương3. Các tự viện, cũng như các tổ chức Phật giáo tại Thành phố nhanh chóng huy động nguồn lực từ tăng ni, phật tử và cộng đồng để đóng góp vào các quỹ phòng, chống dịch bệnh. Từ những khoản tiền mặt ủng hộ đến vật tư y tế, như: khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, quần áo bảo hộ, thuốc men4… đều nhằm hỗ trợ các bệnh viện, trung tâm y tế và các khu cách ly tập trung.

Thứ tư, công tác hỗ trợ ngành Y tế trong phòng, chống dịch bệnh.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong phong trào “Cởi cà sa, khoác áo blouse tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch”, tính đến tháng 8/2021, Ban Trị sự Phật giáo Thành phốđã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố tổ chức 4 đợt xuất quân lực lượng tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, 196 tình nguyện viên là tăng ni phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến thu dung số 10, Bệnh viện Dã chiến thu dung số 12, Bệnh viện Dã chiến thu dung số 16, Bệnh viện nhân dân Gia Định, Bệnh viện dã chiến Quận 75… Họ đều trải qua khóa tập huấn kiến thức, kỹ năng y tế trong môi trường có bệnh nhân mắc Covid-19, được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trước khi lên đường. 

3. Một số bài học kinh nghiệm 

Một là, sự phối hợp với chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh. Phật giáo Thành phố đã thể hiện tinh thần đoàn kết và hợp tác chặt chẽ với chính quyền các cấp trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Các tổ chức Phật giáo, cơ sở Phật giáo đã đồng hành cùng chính quyền các cấp trong việc cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm và hỗ trợ y tế cho những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Mối quan hệ phối hợp này cho thấy, sự kết nối giữa các tổ chức Phật giáo và chính quyền các cấp đã tạo thành một sức mạnh cộng đồng lớn lao, giúp đối phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh khẩn cấp. Bên cạnh đó, Phật giáo Thành phố đã phát huy vai trò trong công tác cứu trợ, giúp đỡ những người khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. 

Hai là, bài học từ việc chuẩn bị nguồn lực. Một trong những bài học lớn của Phật giáo Thành phố tham gia phòng, chống dịch bệnh là việc chuẩn bị nguồn lực vật chất và tài chính ngay từ trước khi dịch bệnh bùng phát. Các cơ sở Phật giáo tại Thành phố đã có kế hoạch dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men và các thiết bị y tế. Điều này đã giúp Phật giáo Thành phố chủ động triển khai các hoạt động cứu trợ khi dịch bệnh xảy ra. Các tăng ni, phật tử đã chủ động đóng góp tài chính và hiện vật, tạo nguồn quỹ giúp đỡ những người nghèo khó, người lao động tự do và người dân các khu vực bị cách ly.

Phật giáo Thành phố đã thành lập các đội tình nguyện viên từ tăng ni, phật tử để hỗ trợ phòng,chống dịch bệnh. Những tình nguyện viên này đã tham gia vận chuyển và phân phát thực phẩm, trao quà cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ tình nguyện viên không chỉ giúp giảm áp lực cho các lực lượng chức năng của chính quyền các cấp mà còn thể hiện sự nhanh nhạy của giới Phật giáo Thành phố trong việc đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Đồng thời, Phật giáo Thành phố đã xây dựng mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội để cùng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. 

Ba là, bảo đảm an toàn sinh hoạt tôn giáo trong dịch bệnh. Các tự viện áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt trong các buổi lễ và sự kiện tôn giáo, bao gồm việc giới hạn số lượng người tham dự, giữ khoảng cách an toàn, khử trùng thường xuyên và yêu cầu đeo khẩu trang. Điều này thể hiện sự tuân thủ đầy đủ các quy định của Nhà nước; đồng thời, bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng tín đồ. Các tăng ni, phật tử trên địa bàn Thành phố đã tổ chức các buổi cầu nguyện, thiền định và truyền cảm hứng về tinh thần nhẫn nại, vượt qua thử thách. Các cơ sở Phật giáo trên địa bàn Thành phố đã phối hợp với chính quyền các cấp trong việc phân phối vật tư y tế, nhu yếu phẩm, cũng như hỗ trợ các hoạt động xét nghiệm và chăm sóc y tế. Sự hợp tác này giúp Phật giáo tham gia hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như gia tăng sự đoàn kết xã hội trong việc đối phó với đại dịch.

4. Kết luận

Phật giáo TP. Hồ Chí Minh đã có những đóng góp quan trọng và thiết thực vào công tác phòng,chống dịch bệnh thông qua các hoạt động cứu trợ vật chất cũng như duy trì và phát huy các giá trị tinh thần của cộng đồng Phật tử và người dân. Những đóng góp thiết thực của Phật giáo TP. Hồ Chí Minhkhông chỉ thể hiện sự đồng hành cùng cộng đồng trong cuộc chiến chống dịch bệnh mà còn khẳng định vai trò của tôn giáo trong việc xây dựng một xã hội đoàn kết, nhân ái và vượt qua khó khăn. Những đóng góp và kinh nghiệm này sẽ là nền tảng vững chắc để Phật giáo TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chú thích:
1, 2, 3, 5. Ban Trị sự Phật giáo TP. Hồ Chí Minh (2022). Báo cáo thành tích, đề nghị tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
4. TP. Hồ Chí Minh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ 1 tỷ đồng mua vaccine. https://ttbc-hcm.gov.vn/tphcm-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-ung-ho-1-ty-dong-mua-vaccine-15206.html