ThS. Bùi Thị Phương Liên
Vụ Hợp tác quốc tế, Kiểm toán nhà nước
(Quanlynhanuoc.vn) – Các chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường và cải thiện sinh kế cho nông dân. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những thách thức của nền kinh tế thị trường, các chương trình đã mang lại nhiều kết quả tích cực, song vẫn đối diện với các hạn chế về cơ chế tài chính, liên kết tiêu thụ và mức độ ứng dụng công nghệ. Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững đối với giảm nghèo và cải thiện sinh kế nông dân thông qua khảo sát và phân tích thực trạng, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chương trình, hướng tới phát triển bền vững và ổn định sinh kế cho nông dân Việt Nam.
Từ khóa: Nông dân; giảm nghèo; cải thiện sinh kế; đánh giá hiệu quả; Chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững.
1. Đặt vấn đề
Nông nghiệp bền vững là một trong những yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt đối với các quốc gia có tỷ lệ dân số làm nông nghiệp cao như Việt Nam1. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tài nguyên thiên nhiên suy giảm và yêu cầu ngày càng cao về an ninh lương thực, việc xây dựng các chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sinh kế ổn định và giảm nghèo cho nông dân2.
Tại Việt Nam, nhiều chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững đã được triển khai với sự tham gia của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp. Các chương trình này tập trung vào việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, nâng cao năng lực canh tác, ứng dụng công nghệ tiên tiến và xây dựng mô hình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường3. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và những thay đổi trong mô hình sản xuất nông nghiệp, các chương trình hỗ trợ cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm mức độ tiếp cận của nông dân, hiệu quả triển khai và tính bền vững của các mô hình áp dụng4.
Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững đối với công cuộc giảm nghèo và cải thiện sinh kế của nông dân trở nên cần thiết hơn bao giờ hết5. Từ đó, hướng tới xây dựng một nền tảng vững chắc để nông nghiệp bền vững không chỉ được duy trì mà còn phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân6.
2. Thực trạng triển khai chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững tại Việt Nam
2.1. Những thành tựu đạt được
Trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững nhằm nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường và cải thiện sinh kế nông dân. Các chương trình này tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, đào tạo, liên kết thị trường và phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái. Việc triển khai các chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững tại Việt Nam không chỉ thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy phát triển nông nghiệp, mà còn ghi nhận nhiều thành tựu cụ thể, có tác động sâu rộng đến người nông dân, hệ sinh thái nông nghiệp và cả nền kinh tế nông thôn, cụ thể:
Một là, các chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững đã nâng cao năng lực sản xuất và trình độ canh tác của nông dân.
Để đánh giá thực trạng triển khai, nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 200 nông dân và cán bộ quản lý tại các tỉnh đại diện cho các vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau.
Bảng 1. Đánh giá của nông dân về các chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững
Nội dung | Đồng ý (%) | Không đồng ý (%) | Trung lập (%) |
Được tiếp cận hỗ trợ kỹ thuật | 72,0 | 18,0 | 10,0 |
Được hỗ trợ tài chính (vay vốn ưu đãi, trợ cấp) | 60,0 | 29,0 | 11,0 |
Đào tạo kỹ năng và kiến thức về nông nghiệp bền vững | 68,0 | 22,0 | 10,0 |
Liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm | 55,0 | 36,0 | 9,0 |
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp | 50,0 | 40,0 | 10,0 |
Kết quả khảo sát cho thấy một trong những thành tựu nổi bật là sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và kỹ năng sản xuất của nông dân. Tỷ lệ 72% nông dân được tiếp cận các hình thức hỗ trợ kỹ thuật, và 68% được đào tạo kỹ năng cho thấy chương trình đã giúp họ tiếp cận tốt hơn với tiến bộ khoa học – kỹ thuật, quy trình canh tác bền vững. Điều này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên tiết kiệm và giảm ô nhiễm đất, nguồn nước. Việc nâng cao trình độ canh tác cũng làm tăng tính chủ động và sáng tạo của người dân trong sản xuất, từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào mùa vụ và kinh nghiệm truyền thống sang cách làm có tính khoa học và chiến lược hơn.
Hai là, các chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững góp phần thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.
Dù mức độ ứng dụng công nghệ còn hạn chế (50%), nhưng việc một nửa số nông dân được khảo sát khẳng định có áp dụng công nghệ vào sản xuất cho thấy xu hướng chuyển đổi số đang dần lan rộng. Các công nghệ, như: tưới nhỏ giọt, cảm biến nhiệt độ – độ ẩm, nhật ký điện tử canh tác, hay truy xuất nguồn gốc… đã bắt đầu xuất hiện trong thực tiễn nông nghiệp, đặc biệt ở những vùng có điều kiện tiếp cận thông tin và hạ tầng tốt. Thành tựu này có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy nông nghiệp 4.0 và đổi mới sáng tạo nông thôn.
Ba là, các chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững góp phần cải thiện thu nhập và sinh kế cho nông dân.
Các tiêu chí đánh giá bao gồm thu nhập, mức độ ổn định việc làm, khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, cải thiện điều kiện sống và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bảng 2. Đánh giá tác động của chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững
Tiêu chí | Cải thiện (%) | Không thay đổi (%) | Giảm sút (%) |
Thu nhập trung bình tăng sau khi tham gia chương trình | 65,0 | 30,0 | 5,0 |
Việc làm ổn định hơn | 70,0 | 24,0 | 6,0 |
Khả năng tiếp cận vốn và tín dụng tốt hơn | 55,0 | 35,0 | 10,0 |
Cải thiện điều kiện sống (nhà ở, y tế, giáo dục) | 60,0 | 34,0 | 6,0 |
Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu | 50,0 | 40,0 | 10,0 |
Tỷ lệ 65% hộ gia đình ghi nhận thu nhập tăng và 70% cho biết việc làm ổn định hơn là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả kinh tế của các chương trình. Chương trình không chỉ giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn góp phần giảm nghèo một cách bền vững, nhất là ở các vùng khó khăn.Tác động đến sinh kế còn được thể hiện qua việc 60% hộ cho biết điều kiện sống được cải thiện, với những thay đổi tích cực về nhà ở, y tế, giáo dục và tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Điều này phản ánh vai trò của nông nghiệp không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn trong cải thiện chất lượng sống của cư dân nông thôn.
Bốn là, các chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững góp phần nâng cao nhận thức của người dân về môi trường.
Mặc dù 50% hộ ghi nhận tác động của các chương trình trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu được nâng cao chưa phải là con số lớn, nhưng cũng có thể thấy, các chương trình hỗ trợ đã tạo ra chuyển biến ban đầu trong nhận thức và hành vi của người dân về môi trường. Các mô hình, như: canh tác hữu cơ, tuần hoàn nông nghiệp, luân canh cây trồng, sử dụng phân bón sinh học… đang được mở rộng, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ sản xuất nông nghiệp tới môi trường. Điều này góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển xanh, giảm phát thải và thực hiện cam kết khí hậu của Việt Nam (như tại COP26 và cam kết Net Zero).
2.2. Những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đạt được, các chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững trong việc giảm nghèo và cải thiện sinh kế cho nông dân vẫn còn một số hạn chế nhất định:
Thứ nhất, cơ chế tài chính chưa thực sự hiệu quả và còn thiếu tính bao trùm.
Mặc dù các chương trình đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ tài chính, như cho vay ưu đãi, trợ cấp sản xuất, nhưng mức độ tiếp cận của nông dân vẫn còn thấp. Điều này xuất phát từ việc thủ tục vay vốn còn phức tạp, yêu cầu về tài sản thế chấp cao, trong khi phần lớn nông dân không có đủ năng lực pháp lý và hành chính để tiếp cận các nguồn vốn chính thức. Thêm vào đó, các chương trình hỗ trợ tài chính còn mang tính dàn trải, thiếu sự điều tiết và định hướng tập trung vào các vùng sản xuất trọng điểm, dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao. Tình trạng hỗ trợ “dàn hàng ngang” làm giảm hiệu quả của từng khoản đầu tư và không tạo được các điểm đột phá về năng suất hay chuỗi giá trị.
Thứ hai, liên kết thị trường và tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, thiếu ổn định.
Các mô hình hợp tác sản xuất – tiêu thụ chưa được thể chế hóa đầy đủ, khiến nông dân dễ bị thương lái ép giá và thiếu sự ổn định trong thu nhập. Bên cạnh đó, nông dân thiếu thông tin thị trường, kỹ năng đàm phán giá cả và không nắm vững tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm. Điều này dẫn đến tình trạng nông dân không thể dự báo và chuẩn bị cho sản xuất lâu dài, ảnh hưởng đến tính bền vững trong sinh kế.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, thiếu tính ổn định và phù hợp thực tiễn.
Mặc dù các chương trình được triển khai trên quy mô rộng, nhưng hiệu quả thực thi lại phụ thuộc quá nhiều vào từng địa phương, dẫn đến sự chênh lệch rõ rệt trong kết quả giữa các vùng miền. Điều này xuất phát từ sự thiếu gắn kết trong phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương, khiến cho các chính sách và chương trình không được triển khai một cách đồng bộ. Cùng một chương trình, nhưng cách thức thực hiện lại khác nhau tùy theo từng vùng, làm cho việc đánh giá hiệu quả và nhân rộng các mô hình trở nên khó khăn. Hơn nữa, một số chính sách mang tính ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn và không theo kịp nhu cầu thực tế của nông dân. Việc thiếu sự ổn định trong chính sách cũng khiến nông dân khó có thể xây dựng kế hoạch lâu dài; mặt khác, làm giảm sự tin tưởng vào các chương trình hỗ trợ.
Thứ tư, trình độ canh tác và năng lực thích ứng của nông dân còn hạn chế.
Trong bối cảnh nông nghiệp chịu tác động ngày càng rõ rệt từ biến đổi khí hậu, yêu cầu nâng cao năng lực sản xuất và khả năng thích ứng của nông dân trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, phần lớn nông dân vẫn sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, thiếu kiến thức về quy trình sản xuất chuẩn, chưa tiếp cận với các mô hình canh tác tiên tiến, như: nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn hay nông nghiệp thông minh. Bên cạnh đó, năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu là một tiêu chí quan trọng của sinh kế bền vững vẫn còn yếu.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững trong việc giảm nghèo và cải thiện sinh kế cho nông dân
Một là, hoàn thiện cơ chế tài chính theo hướng linh hoạt, bao trùm và phù hợp với thực tiễn nông thôn.
Nền tảng tài chính vững chắc, dễ tiếp cận là yếu tố thiết yếu để nông dân có thể chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững. Thực tế cho thấy, nhiều nông dân hiện vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn chính thức do rào cản về thủ tục hành chính, yêu cầu tài sản thế chấp và hạn chế về năng lực tài chính. Do đó, việc thiết kế lại các gói hỗ trợ tài chính cần xuất phát từ nhu cầu và năng lực thực tế của nông dân, đặc biệt là nhóm yếu thế. Thủ tục vay vốn cần được đơn giản hóa, minh bạch và có thể linh hoạt áp dụng các hình thức tín chấp thông qua tổ chức hội nông dân, hợp tác xã hoặc bảo lãnh cộng đồng. Đồng thời, cần mở rộng và đa dạng hóa nguồn tài chính, kết hợp hài hòa giữa vốn từ ngân sách nhà nước, các quỹ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tài chính vi mô và vốn xã hội hóa.
Các cơ chế tín dụng ưu đãi nên được thiết kế theo hướng phân tầng, có tính đến mức độ rủi ro sản xuất, điều kiện địa lý và khả năng hoàn vốn của từng nhóm đối tượng. Đặc biệt, cần ưu tiên tiếp cận vốn cho phụ nữ nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và nông dân ở vùng sâu, vùng xa, những nhóm cộng đồng dễ bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Ngoài ra, cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực tài chính cho nông dân để họ có thể sử dụng vốn hiệu quả và có trách nhiệm. Khi hệ thống tài chính trở nên thân thiện, linh hoạt và bao trùm hơn, nông dân sẽ có thêm động lực và điều kiện để đầu tư vào sản xuất bền vững, từ đó nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế một cách lâu dài.
Hai là, xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp có sự tham gia chặt chẽ giữa nông dân – doanh nghiệp – nhà nước.
Một chuỗi giá trị hiệu quả là đòn bẩy quan trọng để nông dân gia tăng thu nhập và ổn định sinh kế.Trong một chuỗi giá trị hiệu quả, nông dân không chỉ đóng vai trò là người sản xuất mà còn là mắt xích quan trọng tham gia vào quá trình định hình chất lượng, giá cả và định hướng thị trường. Để hiện thực hóa điều này, cần thể chế hóa các cơ chế hợp tác công – tư (PPP) trong nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò đầu tàu trong bao tiêu sản phẩm, chuyển giao công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu và đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng.
Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức trung gian như hợp tác xã, tổ hợp tác cần được nâng cao thông qua đào tạo về quản lý, hỗ trợ kỹ thuật và kết nối thị trường để bảo đảm cho họ là đại diện tiếng nói của nông dân trong toàn bộ chuỗi. Nhà nước cần ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể cho các mô hình liên kết, như miễn giảm thuế, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, chi phí logistics; đồng thời, phát triển hệ thống thông tin thị trường minh bạch, kịp thời nhằm nâng cao khả năng dự báo và điều tiết sản xuất. Ngoài ra, cần thiết lập các cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả chuỗi giá trị, bảo đảm sự phân phối lợi ích công bằng giữa các bên tham gia.
Ba là, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ theo hướng thân thiện, thiết thực và phù hợp với trình độ nông dân.
Chuyển giao công nghệ cần trở thành trụ cột trong phát triển nông nghiệp bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thị trường cạnh tranh và yêu cầu chất lượng ngày càng cao trên toàn cầu thì việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn giảm thiểu rủi ro và tổn thất trong sản xuất. Tuy nhiên, chuyển giao công nghệ cần phải bảo đảm nguyên tắc “đúng nhu cầu – đúng trình độ – đúng thời điểm”, nghĩa là, công nghệ phải sát với điều kiện thực tế canh tác, dễ hiểu, dễ áp dụng và phù hợp với đặc điểm vùng miền và địa phương. Các mô hình trình diễn cần được triển khai trực tiếp tại cộng đồng, gắn với hoạt động sản xuất cụ thể để nông dân có thể quan sát, thực hành và rút kinh nghiệm.
Hệ thống khuyến nông cần được cải tổ theo hướng hiện đại, kết hợp giữa lực lượng nhà nước và tư nhân, có sự tham gia của doanh nghiệp, viện nghiên cứu và chuyên gia kỹ thuật. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số, như ứng dụng điện thoại thông minh, chatbot tư vấn kỹ thuật, nền tảng học trực tuyến và mạng xã hội nông nghiệp sẽ giúp phổ biến kiến thức một cách nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả đến với bà con nông dân. Việc số hóa trong chuyển giao công nghệ sản xuất sẽ giúp nông dân và các chủ thể liên quan cập nhật thông tin thị trường, dự báo thời tiết, quản lý mùa vụ và kiểm soát dịch bệnh chính xác hơn. Mỗi công nghệ được đưa vào áp dụng cần có lộ trình phù hợp, được hỗ trợ kỹ thuật kèm theo và có cơ chế khuyến khích, tài trợ ban đầu để tạo động lực cho nông dân tiếp cận.
Cuối cùng, điều quan trọng là phải xem nông dân như một đối tác trong quá trình chuyển giao công nghệ, lắng nghe ý kiến và kinh nghiệm bản địa của họ, từ đó tạo ra những giải pháp vừa hiện đại, vừa khả thi, góp phần xây dựng nền nông nghiệp có tính hệ thống, tối ưu, thông minh, bền vững.
Bốn là, nâng cao chất lượng và tính ổn định của chính sách hỗ trợ, bảo đảm sự thống nhất giữa trung ương và địa phương.
Nâng cao chất lượng và tính ổn định của chính sách hỗ trợ là điều kiện tiên quyết để bảo đảm hiệu quả dài hạn của các chương trình phát triển nông nghiệp bền vững. Việc thiếu đồng bộ trong chỉ đạo và thực thi chính sách về chương trình này giữa trung ương và địa phương dẫn đến cùng một chính sách có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, sự chênh lệch trong kết quả và đánh giá kết quả đạt được cũng khác nhau… Do đó, cần xây dựng hệ thống chính sách theo hướng tích hợp, nhất quán từ trung ương đến địa phương, có cơ chế phản hồi hai chiều để cập nhật theo thực tiễn. Chính sách cần có tầm nhìn chiến lược, gắn với các mục tiêu phát triển dài hạn như nông nghiệp xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển nông thôn bao trùm.
Đồng thời, cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành và địa phương trong từng giai đoạn thực thi chính sách, kèm theo cơ chế phối hợp liên ngành chặt chẽ. Việc thí điểm xây dựng “bản đồ chính sách nông nghiệp” theo từng vùng sinh thái là giải pháp hữu hiệu để bảo đảm tính cụ thể, dễ theo dõi và minh bạch về nguồn lực, trách nhiệm và tiến độ triển khai. Chính sách cũng cần có tính linh hoạt, phù hợp với đặc thù địa phương và được thiết kế dựa trên dữ liệu thực chứng thay vì mệnh lệnh hành chính. Cuối cùng, việc đánh giá chính sách phải được thực hiện định kỳ, có sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là người dân với tư cách là đối tượng thụ hưởng chính, góp phần kịp thời điều chỉnh và nâng cao chất lượng hỗ trợ của chính sách đó.
Năm là, tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực và khơi dậy vai trò chủ thể của nông dân trong chuyển đổi nông nghiệp bền vững.
Đào tạo không chỉ là công cụ nâng cao kỹ năng sản xuất mà còn là cách xây dựng tư duy phát triển bền vững. Quá trình đào tạo cần vượt ra khỏi khuôn khổ kỹ thuật đơn thuần để hướng tới việc hình thành tư duy phát triển kinh tế nông hộ hiện đại. Các chương trình đào tạo nên tích hợp kỹ năng lập kế hoạch sản xuất, quản lý tài chính hộ gia đình, phân tích thị trường, xây dựng thương hiệu và ứng dụng công nghệ số trong canh tác. Mô hình đào tạo phải bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với lịch làm việc mùa vụ của nông dân, đồng thời gắn chặt với thực tiễn sản xuất tại địa phương để đảm bảo tính ứng dụng cao.
Việc huy động sự tham gia của doanh nghiệp, viện nghiên cứu và chuyên gia nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao tính chuyên sâu và đa chiều trong nội dung giảng dạy. Ngoài ra, cần phát triển mạng lưới “nông dân giỏi” làm hạt nhân lan tỏa kiến thức và dẫn dắt cộng đồng trong thực hành nông nghiệp thông minh. Khuyến khích nông dân tham gia vào các tổ chức nghề nghiệp, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác không chỉ giúp nâng cao năng lực tổ chức sản xuất mà còn là cách để họ có tiếng nói trong xây dựng chính sách. Hình thành các cộng đồng học tập nông nghiệp tại địa phương sẽ tạo điều kiện để nông dân trao đổi kinh nghiệm, giải quyết vấn đề cùng nhau và nâng cao tinh thần hợp tác.
Đồng thời, việc ứng dụng nền tảng đào tạo trực tuyến, các nhóm mạng xã hội chuyên ngành nông nghiệp sẽ góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận kiến thức cho cả những vùng sâu, vùng xa. Đào tạo cũng cần gắn với mục tiêu nâng cao vai trò chủ thể của người nông dân trong việc tự ra quyết định và chủ động thay đổi mô hình canh tác phù hợp với biến đổi khí hậu. Chính điều này sẽ giúp chuyển từ “nông dân được hỗ trợ” sang “nông dân tự phát triển”, tạo ra động lực nội sinh cho phát triển nông nghiệp bền vững.
4. Kết luận
Các chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững đã và đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở các khu vực nông thôn Việt Nam. Thông qua việc thúc đẩy sản xuất hiệu quả, bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực của người nông dân, các chương trình này góp phần cải thiện sinh kế và giảm nghèo một cách bền vững. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như chính sách hỗ trợ, năng lực tổ chức, khả năng tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường. Những hạn chế hiện tại cho thấy cần có cách tiếp cận toàn diện, linh hoạt và phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn. Trong bối cảnh mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân sẽ là nền tảng quan trọng để các chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững phát huy tối đa hiệu quả. Qua đó, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường và hướng tới phát triển bao trùm, công bằng và lâu dài cho cộng đồng nông thôn Việt Nam.
Chú thích:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (2020). Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. https://moit.gov.vn, ngày 15/9/2023.
2. Nguyễn Ngọc Diễm (2022). Nông nghiệp bền vững – Tổng quan lý thuyết và khả năng áp dụng ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học xã hội, số 10/2022, tr. 9 – 17.
3. Nguyễn Thị Hồng Nhung (2024). Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp ở Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, số 21(12/2024).
4. Chính sách tài chính phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. https://mof.gov.vn, ngày 25/8/2021.
5. Thực tiễn các chính sách hỗ trợ sinh kế cho nông hộ tại Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 05/11/2024.
6. Trần Lâm Duy, Nguyễn Hoàng Giang và Đào Văn Tuyết (2024). Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp bền vững ở Việt Nam: Góc nhìn từ thể chế, quản trị tài chính và hành động tập thể. Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ, 60(SDMD), tr. 54 – 69.