Thượng tá, TS. Nguyễn Hồng Nguyên
Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng Đảng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, trong đó vấn đề có tính nguyên tắc hàng đầu là phải thực hiện nghiêm túc, triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Một trong những nội dung, biện pháp vô cùng hữu hiệu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng chính là phát huy vai trò trách nhiệm của đảng viên, nhất là vai trò của bí thư cấp ủy ở cơ sở.
Từ khóa: Tập trung dân chủ; trách nhiệm của đảng viên; bí thư cấp ủy; phát huy vai trò.
1. Đặt vấn đề
Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng, được ghi rõ trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”.
Nguyên tắc tập trung dân chủ quy định những nội dung cơ bản, quan trọng nhất về cách thức tổ chức, nguyên tắc, chế độ hoạt động của cơ quan lãnh đạo các cấp và từng đảng viên, bảo đảm cho Đảng trở thành một tổ chức chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, là nguồn gốc sức mạnh của Đảng, quyết định sự tồn tại và phát triển của Đảng, thể hiện bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ là làm suy yếu sức mạnh nội sinh của Đảng. Phủ nhận nguyên tắc đó là phủ nhận Đảng từ trong bản chất. Hòng làm cho Đảng ta suy yếu, kẻ thù thường tìm cách tấn công vào nguyên tắc này. Vì vậy, trong khi “tập trung xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ” thì trước tiên phải phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nghiêm túc, triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ và nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là cần phát huy vai trò của đội ngũ bí thư cấp ủy các cấp ở cơ sở.
2. Nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ
Về đánh giá kết quả thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, Đại hội XIII của Đảng, nêu rõ: “Thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức đảng còn chưa nghiêm, thậm chí vi phạm”1. Thực tế cho thấy, trước khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, mỗi đảng viên đều được nghiên cứu, học tập, quán triệt rất rõ về nguyên tắc tập trung dân chủ. Tuy nhiên, đã có không ít cán bộ, đảng viên, thậm chí cán bộ đảng viên giữ cương vị trọng trách trong Đảng, kể cả người đứng đầu cấp ủy lại vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Từ việc nghiên cứu 6 nội dung cơ bản trong Điều 9 Chương 2 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ có thể xảy ra dưới các dạng, như:
Một là, vi phạm về chế độ, thủ tục, nguyên tắc bầu cử trong Đảng.
Hai là, cấp ủy, tổ chức đảng quyết định các vấn đề quan trọng một cách qua loa, không bàn bạc kỹ càng, thấu đáo hoặc theo ý hướng lái, áp đặt của người đứng đầu.
Ba là, cấp ủy, tổ chức đảng phân biệt, đối xử với những ý kiến thuộc về thiểu số không đúng quy định (các ý kiến thuộc về thiểu số đó bị bác bỏ, gạt bỏ mà không suy xét; phân biệt đối xử; trù dập…).
Bốn là, sự hình thành một nhóm đa số bền vững, có thể thường xuyên chi phối các quyết định lãnh đạo, kể cả quyết định sai trái.
Năm là, việc phát ngôn của cán bộ, đảng viên bên ngoài hội nghị, khi cấp ủy, tổ chức đảng đã quyết định các vấn đề theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Chính từ nguyên nhân nêu trên, trong giai đoạn hiện nay, Đảng luôn xác định xây dựng Đảng là vấn đề then chốt, giữ vững và phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng là vấn đề sống còn của Đảng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ bí thư cấp ủy ở cơ sở cần thực hiện tốt vai trò của người đứng đầu trong nhận thức, trách nhiệm của đảng viên; trong duy trì và tổ chức thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng bộ, chi bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; mở rộng dân chủ gắn liền với tập trung, củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng…
3. Giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ bí thư cấp ủy ở cơ sở
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đảng viên, trước hết là người đứng đầu trong quán triệt và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.
Nhận thức, trách nhiệm luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng, hiệu quả công tác. Nhận thức đúng đắn là cơ sở cho hành động đúng hướng, nhận thức đúng góp phần nâng cao trách nhiệm bản thân và đẩy quyết tâm lên mức cao nhất để thực hiện và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Xây dựng Đảng là vấn đề lớn, đòi hỏi những người làm công tác xây dựng Đảng phải thực sự có hiểu biết sâu sắc, có tầm nhìn xa và trách nhiệm lớn. Điều đó đặt ra vấn đề đối với nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng. Người đứng đầu cấp ủy có vai trò vô cùng quan trọng trong giữ vững và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, nhận thức rõ đây là nguyên tắc thuộc về bản chất, là vấn đề sống còn của Đảng ta.
Tại Điều 9 Chương 2 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định 6 nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ. Tuy nhiên, trong quán triệt và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ thì còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu, phân tích, làm rõ. Chẳng hạn, Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã nêu, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ được biểu hiện thông qua nhiều trường hợp cụ thể, như: thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước (điểm a khoản 1 Điều 8); bị xúi giục, lôi kéo vào những việc làm trái nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; vi phạm quy chế dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, các quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác (điểm c khoản 1 Điều 8); lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phủ quyết ý kiến của đa số thành viên khi thông qua nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận thuộc thẩm quyền của tập thể (điểm a khoản 2 Điều 8)…
Tuy nhiên, Quy định số 102-QĐ/TW đã được thay thế bằng Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị quy định về kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nhưng vẫn chưa nêu cụ thể yêu cầu về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy phải hiểu rõ, hiểu thấu, tường tận những vấn đề cụ thể về nguyên tắc để bảo đảm việc quán triệt, hướng dẫn và chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng. Theo đó, cần nâng cao chất lượng các lớp học tập, bồi dưỡng khi xem xét kết nạp vào Đảng, các lớp đảng viên mới; thông qua duy trì các buổi sinh hoạt, hội họp, sinh học tập, quán triệt những nghị quyết, quy định, chỉ thị, hướng dẫn mới của Đảng, kèm theo những chế tài cụ thể, bảo đảm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong giữ vững và thực hiện nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong Đảng này.
Thứ hai, phát huy vai trò của bí thư cấp ủy trong duy trì và tổ chức thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng bộ, chi bộ.
Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của Đảng, nguyên tắc này được giữ vững và phát huy bởi đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Thực tế cho thấy, các chủ trương, quyết định của tổ chức đảng là các quyết định của tập thể, do tập thể quyết định theo đa số, nhưng bí thư cấp ủy và cán bộ chủ trì là những người khởi xướng, đề xuất, triển khai cho cán bộ, đảng viên, vận động và tổ chức quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách đó, tức là, bí thư cấp ủy chính là người khởi nguồn cho nguyên tắc tập trung dân chủ được phát huy triệt để và họ là người giữ vững, duy trì nguyên tắc đó trong mọi hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng.
Việc đề cao, phát huy vai trò của bí thư cấp ủy trong việc quán triệt và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ được thể hiện bằng cách:
(1) Lựa chọn, bố trí, bồi dưỡng, rèn luyện bí thư cấp ủy đúng, phù hợp. Bí thư cấp ủy phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, về năng lực công tác, nhất là về giữ vững nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng. Là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, bí thư phải thực sự là người giương cao ngọn cờ bảo vệ Đảng, bắt đầu và trước hết là bảo vệ nguyên tắc tập trung dân chủ. Đại hội XIII của Đảng xác định, phải: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”2.
(2) Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ đội ngũ bí thư cấp ủy, nhất là những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bởi thực tế cho thấy, có nhiều cán bộ có tư duy đột phá “nhưng lại phải chịu “búa rìu” của tập thể, chịu áp lực chỉ trích, thậm chí phải trả giá cho sinh mệnh chính trị của chính mình do không có cơ chế bảo vệ; các ý tưởng đột phá nhanh chóng bị rơi vào quên lãng”3.
(3) Kiên quyết xử lý nghiêm với những bí thư cấp ủy làm sai, thiếu gương mẫu trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, bất kể người đó là ai, công lao nhiều hay ít. Có như vậy mới bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ được giữ vững và phát huy trong Đảng.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
Kiểm tra, giám sát giúp tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ngày càng hoàn thiện và lớn mạnh, gột rửa sai lầm, phát huy ưu điểm và thế mạnh, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh điều này: kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương cho Nhân dân. Do đó, góp phần củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức4. Khi xác định tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, là cội nguồn sức mạnh của Đảng, là vấn đề của mọi vấn đề trong Đảng thì càng phải chú trọng và tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
Thực tế hiện nay, nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ bởi nhiều nguyên nhân nhưng “chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”5. Phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ vì “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết”6.
Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, nhất là đội ngũ bí thư cấp ủy cần chú trọng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, hướng vào các vấn đề, như:
(1) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy chế, chế độ mà nguyên tắc tập trung dân chủ đã quy định, như quy chế bầu cử trong Đảng, các chế độ báo cáo, thông báo của cấp ủy đảng các cấp.
(2) Kiểm tra, giám sát việc ban hành và thực hiện các quy chế, quy định, nghị quyết, bảo đảm các quy chế, quy định, nghị quyết đó là thuộc thẩm quyền, đúng với quy định của Đảng; chấp hành nghiêm túc các quy chế, quy định, nghị quyết của cấp ủy cấp trên; phù hợp với đặc điểm và thực tiễn của cơ quan, đơn vị.
(3) Kiểm tra, giám sát việc phát huy dân chủ triệt để trong Đảng, gắn với duy trì nền nếp, kỷ cương trong tổ chức. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý các biểu hiện mất dân chủ, độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng hay các biểu hiện lợi dụng dân chủ để làm sai nguyên tắc, dân chủ tự do, vô tổ chức, dân chủ hình thức.
Thứ tư, mở rộng dân chủ gắn liền với tập trung, củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.
Nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ thực sự đi vào đời sống, thấm nhuần trong sinh hoạt và hoạt động của tổ chức đảng và từng đảng viên khi giải quyết nhuần nhuyễn hai mặt dân chủ và tập trung trong sinh hoạt và hoạt động của Đảng. Một mặt, cần đề cao dân chủ, triệt để phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, bảo đảm mọi đảng viên được biết, được bàn, được tham gia quyết định và tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động của Đảng theo quy định. Đó chính là cách khơi dậy và phát huy trí tuệ tập thể, tạo không khí thoải mái, vui vẻ, xóa tan sự căng thẳng, gò ép trong tổ chức đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”7. Muốn vậy, phải tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích và đề cao dân chủ trong Đảng. Mọi cán bộ đảng viên đều được và đều phải tham gia thảo luận, bàn bạc, trao đổi để đi đến thống nhất. Đồng thời, cần có cơ chể để bảo đảm việc phát huy và thực hành dân chủ, tránh dân chủ hình thức, dân chủ suông, dân chủ giả hiệu.
Mặt khác, hết sức coi trọng vấn đề tập trung, đề cao kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Đây là vấn đề vô cùng cần thiết, là nội dung không thể tách rời khi thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Dân chủ càng mở rộng thì tập trung, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng càng cần được giữ vững, đó là các vấn đề bổ trợ nhau, là cơ sở và cũng là mục đích tồn tại. Tập trung, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng đòi hỏi tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối phục tùng Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của cấp ủy đảng các cấp. Mọi đảng viên dù ở cương vị nào, chức vụ gì cũng đều phải tuyệt đối sự phân công, giao nhiệm vụ của Đảng, phải hoàn thành mọi nhiệm vụ khi được tổ chức giao cho. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng có những điều kiện kỷ luật bắt buộc mỗi đảng viên phải theo. Không có kỷ luật sắt không có Đảng. Đã vào Đảng thì phải theo tư tưởng của Đảng. Đảng đã chỉ thị, nghị quyết là phải làm. Không làm thì đuổi ra ngoài Đảng”8.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc vô cùng quan trọng, có ý nghĩa sống còn của Đảng. Thực hiện không nghiêm túc, triệt để nguyên tắc này sẽ làm cho tổ chức đảng giảm sút sức mạnh. Vi phạm nguyên tắc này sẽ làm cho tổ chức đảng suy yếu, tan vỡ, đảng viên suy thoái, là vấn đề thuộc về bản chất của Đảng. Thường xuyên nắm vững, quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ là cơ sở quan trọng để xây dựng Đảng ta thực sự vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, làm cho tổ chức đảng không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới. Trong thực tế, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, nhất là vấn đề hoàn thiện các quy chế, quy định cụ thể để nguyên tắc tập trung dân chủ được phát huy và giữ vững.
4. Kết luận
Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn đánh giá: “Nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện chưa nghiêm, thậm chí có nơi còn vi phạm nghiêm trọng…”9. Thực tế, nguyên tắc tập trung dân chủ gồm nhiều nội dung, triển khai thực hiện các nội dung đó của nguyên tắc tập trung dân chủ cũng gồm nhiều vấn đề cụ thể, qua nhiều khâu, nhiều bước. Vì vậy, trong hoàn cảnh mới hiện nay, nguyên tắc tập trung dân chủ cần phải được hiểu đúng và thực hiện đúng, trong đó cần có những quy chế, quy định, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và thường xuyên, kịp thời. Mọi cán bộ, đảng viên cần tích cực chủ động cập nhật, nghiên cứu kỹ các quy chế, quy định, hướng dẫn của Đảng trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ để bảo đảm việc triển khai thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ được nghiêm túc, thống nhất và triệt để.
Chú thích:
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 90, 187 – 188, .
3. Dương Mộng Huyền – Nhóm tác giả (2020). Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung – Một số vấn đề lý luận. Tạp chí Cộng sản số 948 (8/2020), tr. 53 – 54.
4, 5, 6. Hồ Chí Minh toàn tập (1995). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 520, 520, 327.
7. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 325.
8. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 16. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 367.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 273.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2021). Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2022). Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
3. Nguyễn Phú Trọng (2005). Xây dựng chỉnh đốn Đảng, một số vấn đề lý luận và thực tiễn. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật.