ThS. Tăng Tài Đức
Trường Đại học An ninh nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI (năm 1986) đến nay đã đưa Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới, thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, bị bao vây cấm vận. Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, thế và lực của Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi và hiện nay chúng ta đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bài viết đề cập đến nội dung nhận thức về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và quán triệt tư tưởng này trong giảng dạy trung cấp lý luận chính trị tại trường Đại học An ninh nhân dân.
Từ khóa: Kỷ nguyên; kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; lý luận chính trị.
1. Đặt vấn đề
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là thuật ngữ mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, bước vào một thời kỳ phát triển mới, khẳng định vị thế nước ta trên trường quốc tế. Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ đem đến cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. Chính vì vậy, nhận thức đầy đủ và truyền tải những nội dung về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trong giảng dạy trung cấp lý luận chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần tạo sự thống nhất, đồng thuận và đoàn kết cao trong lực lượng Công an nhân dân nói riêng và toàn xã hội nói chung.
2. Nhận thức về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định và nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”1. Những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới đang tạo nên vóc dáng đáng tự hào của Việt Nam.
Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy biến động với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Đây là kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của trí tuệ nhân tạo (AI), của kinh tế số, chuyển đổi số và xã hội số. Đối với nước ta, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để vươn lên, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Trong buổi trao đổi tại Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Uỷ viên Trung ương Đảng tại Hà Nội ngày 31/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã lý giải về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, trong đó nêu rõ: Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hoà bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.
Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dâu giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.
Đại hội XIV của Đảng ghi dấu ấn 40 năm đổi mới (1986 – 2026). Thành tựu sau 40 năm đổi mới là to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Thực tiễn phát triển đất nước và những bài học kinh nghiệm được tổng kết qua chặng đường 40 năm cho thấy, đường lối đổi mới của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo, chứng tỏ con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội là phù hợp với hoàn cảnh thực tế nước ta. Thời điểm này, nước ta đã chuẩn bị đầy đủ thế và lực bước vào kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn với sự vươn lên mạnh mẽ của một dân tộc tự hào về quá khứ, vững vàng trong hiện tại và đầy khát vọng cho tương lai. Đây như là một lời hiệu triệu kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam thực hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm mang tính thời sự và phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, là sự chắt lọc, đúc kết từ nghiên cứu lý luận về quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực tiễn công cuộc đổi mới ở nước ta trong thời gian qua.
3. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trong giảng dạy trung cấp lý luận chính trị
Trường Đại học An ninh nhân dân được Bộ Công an giao nhiệm vụ giảng dạy trung cấp lý luận chính trị theo Quyết định số 1901/QĐ-BCA ngày 04/4/2024 của Bộ Công an về việc giao nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị và Kế hoạch số 451/KH-BCA-X02 ngày 05/9/2023 của Bộ Công an về triển khai đào tạo trung cấp lý luận chính trị trong Công an nhân dân. Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo các khoa, phòng chức năng tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường nắm về những nội dung của giảng dạy lý luận chính trị. Thông qua đó, lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường hiểu rõ trách nhiệm và nhiệm vụ chính trị mới được Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bộ Công an giao trong tổ chức đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ Công an các đơn vị, địa phương.
Năm 2024, Nhà trường tổ chức tuyển sinh và đào tạo cho 26 lớp trung cấp lý luận chính trị khóa1 theo hai hệ: hệ tập trung (15 lớp) và hệ không tập trung (11 lớp) với tổng số hơn gần 1.400 học viên. Năm 2025, được sự tin tưởng của lãnh đạo Bộ, Nhà trường tiếp tục được giao chỉ tiêu đào tạo gần 1.500 học viên, dự kiến 31 lớp mở tại trường và các địa phương.
Trong bối cảnh đất nước đang có những sự thay đổi mạnh mẽ, thông qua quá trình giảng dạy trung cấp lý luận chính trị, những tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” cần được giảng viên Nhà trường truyền tải đầy đủ, kịp thời đến học viên. Qua đó, sẽ giúp học viên nhận thức sâu sắc tư tưởng chỉ đạo, định hướng về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao và nhận thấy được trách nhiệm của bản thân trong việc góp phần xây dựng đất nước khi bước kỷ nguyên mới, là giai đoạn giữ gìn thành quả cách mạng và vươn lên mạnh mẽ để khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ nhất, khẳng định Việt Nam hiện nay đã đủ thế và lực để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Những thành tựu vĩ đại đạt được sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, giúp Việt Nam tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo: từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm.
Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên hiệp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực2. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học – công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao; tham gia đóng góp tích cực duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Những kết quả đạt được thể hiện tính ưu việt thuộc bản chất của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng trở nên sáng rõ, đầy đủ và hoàn chỉnh hơn. Những kết quả trên, chính là cơ sở chính trị – thực tiễn để Tổng Bí thư Tô Lâm xác định tầm nhìn chiến lược cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, là thời điểm “ý Đảng hòa với lòng dân” trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Thứ hai, những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có sự thay đổi nhanh chóng, cùng những kết quả đạt được sau gần 40 năm đổi mới với trách nhiệm lớn lao trước đất nước và Nhân dân, với tinh thần độc lập sáng tạo, biết dựa vào dân và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, Đảng nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc về những vấn đề còn vướng mắc, chưa được giải quyết triệt để trên con đường phát triển đất nước. Đây là đòi hỏi khách quan, là bước phát triển mới hợp quy luật của cách mạng Việt Nam. Định hướng chiến lược tập trung vào các vấn đề: về cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; về tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi số; chống lãng phí,…
Cụ thể hóa các định hướng trên, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận… liên quan, như: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quy định số 232-QĐ/TW ngày 20/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025; Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận số 128-KL/TW ngày 07/3/2025 của Bộ Chính trị về chủ trương công tác cán bộ…
Trên cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các định hướng, sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời giữ vững sự ổn định chính trị và an ninh quốc gia đưa đất nước thực hiện được các mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại với thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Thứ ba, phát huy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, khát vọng sáng tạo và cống hiến của Nhân dân Việt Nam để chung tay đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Đất nước và dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng luôn kiên cường vượt qua mọi khó khăn và thử thách. Muốn phát huy có hiệu quả tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, khát vọng sáng tạo và cống hiến thì dù trong thời đại nào cũng phải dựa vào Nhân dân; tin vào sức mạnh phi thường của quần chúng nhân dân, sự đồng lòng của Nhân dân là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng dân tộc, chung tay đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Trong tình hình hiện nay, sự lãnh đạo đúng đắn, nhạy bén của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ; sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước và đồng bào ở nước ngoài là điều kiện để phát huy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, khát vọng sáng tạo và cống hiến để chung tay đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Đây chính là “nội lực” để đưa đất nước chuyển mình từ “phát triển từng bước” sang “phát triển đột phá”.
Thông qua hoạt động giảng dạy cho học viên – cũng đồng thời là những người thực hiện tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc phát huy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, khát vọng sáng tạo và cống hiến để chung tay đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới và ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước.“…Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, ý chí tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, kết hợp sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, tự chủ, tự hào, vững tin bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; tất cả vì mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”3.
Thứ tư, đấu tranh và làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch.
Hiện nay, trong bối cảnh đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ, các thế lực phản động liên tiếp có những bài viết chống phá trên các trang mạng xã hội Facebook, Youtube, … Một số đối tượng chống đối chính trị trong nước đưa nhiều tin, bài xuyên tạc về giai đoạn phát triển mới của đất nước, phủ nhận những thành tựu đã đạt được của nước ta sau gần 40 năm đổi mới. Đặc biệt năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổ chức khủng bố Việt Tân đưa ra cái gọi là “Văn kiện 50” – Việt Nam nửa thế kỷ tụt hậu và lối thoát cho tương lai, hay những bài viết có nội dung như muốn bước vào kỷ nguyên vươn mình phải dân chủ hóa đất nước nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, kêu gọi thực hiện đa nguyên đa đảng chính trị mà cụ thể là chúng muốn tuyên truyền xóa bỏ nội dung Điều 4 của Hiến pháp năm 2013; chúng cho rằng, kỷ nguyên mới “tinh giản, tiết kiệm” cũng chỉ là trò mị dân…
Những bài viết đăng tải của chúng nhằm làm cho các tầng lớp nhân dân nhiễu loạn thông tin, hoang mang, dao động, thiếu đi niềm tin vào con đường phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nội dung các bài viết trên đều không phản ánh đúng sự thật về tình hình phát triển của đất nước, phủ nhận những thành tựu đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng… sau gần 40 năm đổi mới.
Không để các thế lực thù địch tuyên truyền sai lệch, xuyên tạc các định hướng của Đảng, quần chúng nhân dân và mọi chủ thể trong xã hội cần nhận thức đúng về bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã hội tụ đầy đủ thế và lực để bước vào một giai đoạn phát triển mới, đồng thời những định hướng chiến lược được đưa ra hết sức rõ ràng, cụ thể, đánh giá những điểm hạn chế, chưa đạt được và những việc cần làm ngay để đạt được từng mục tiêu trên con đường phát triển.
Việc tích hợp những nội dung về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trong giảng dạy trung cấp lý luận chính trị tại Nhà trường sẽ giúp học viên hiểu hơn về mục tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới, những bước đi cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Đồng thời, là cơ sở, kim chỉ nam để học viên tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là trong thời điểm triển khai, tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đại hội XIV của Đảng sắp tới sẽ quyết định những vấn đề quan trọng nhằm cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, sớm đưa nước ta thực hiện được các mục tiêu đề ra, vững vàng tiến bước trong kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.
4. Kết luận
Từ những kỳ tích trong các cuộc kháng chiến đến kỳ tích trong thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc trên hành trình phát triển của đất nước và dân tộc. Kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là một giai đoạn đầy triển vọng và thách thức. Để bước vào kỷ nguyên này, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Mỗi người dân Việt Nam trong đó có lực lượng Công an nhân dân cần phát huy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tự lực, tự cường, sáng tạo và đoàn kết để thực hiện được các mục tiêu trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà trước hết là các mục tiêu 100 năm thành lập Đảng (năm 2030) và 100 năm thành lập nước (năm 2045). Do đó, việc truyền tải đầy đủ tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thông qua giảng dạy trung cấp lý luận chính trị không chỉ giúp người học hiểu rõ trách nhiệm trong việc thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và còn hình thành hành động cụ thể để thực hiện các mục tiêu đó một cách hiệu quả .
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 104.
2. Đề cương bài giảng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Uỷ viên Trung ương Đảng. Hà Nội, ngày 31/10/2024.
3. Nguyễn Phú Trọng (2022). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.