Lê Đình Cảnh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Hà Nội có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái bền vững nhờ hệ sinh thái đa dạng và di sản văn hóa phong phú. Thời gian qua, nguồn nhân lực du lịch sinh thái bền vững ở Hà Nội đã được quan tâm phát triển, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Bài viết phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó, đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch sinh thái bền vững, góp phần đưa Hà Nội trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội và bảo vệ môi trường.
Từ khóa: Nguồn nhân lực; du lịch sinh thái; bền vững; phát triển kinh tế; văn hóa – xã hội; Hà Nội.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh toàn cầu hướng tới phát triển bền vững, du lịch sinh thái đã trở thành một trong những xu hướng chủ đạo của ngành Du lịch thế giới. Tại Việt Nam, du lịch sinh thái bền vững cũng đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở các khu vực có hệ sinh thái đa dạng.
Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa mà còn sở hữu nhiều tài nguyên sinh thái phong phú như: vườn Quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh – Ao vua (Ba Vì); hồ Đồng Mô, làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây); hồ Đồng Quan, hồ Hàm Lợn (Sóc Sơn); hồ Quan Sơn (Mỹ Đức)… với thế mạnh về hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Để khai thác hiệu quả tiềm năng này, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò then chốt. Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực du lịch sinh thái bền vững tại Hà Nội vẫn còn những hạn chế dẫn đến chất lượng dịch vụ du lịch có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc phân tích những bất cập về nguồn nhân lực du lịch sinh thái tại Hà Nội, chỉ ra những nguyên nhân hạn chế và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch sinh thái bền vững ở thành phố Hà Nội thời gian tới là rất cần thiết.
2. Du lịch sinh thái bền vững và nguồn nhân lực du lịch sinh thái bền vững
Du lịch sinh thái bền vững là loại hình du lịch có trách nhiệm, tập trung vào bảo tồn thiên nhiên và nâng cao đời sống cộng đồng địa phương. Du lịch sinh thái bền vững phải đáp ứng ba trụ cột: bền vững môi trường, thể hiện ở việc giảm thiểu tác động sinh thái thông qua quản lý chất thải, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ đa dạng sinh học; bền vững kinh tế là việc tạo thu nhập ổn định cho người dân thông qua các dịch vụ du lịch cộng đồng; bền vững văn hóa – xã hội là sự tôn trọng, giữ gìn bản sắc địa phương.
Du lịch sinh thái bền vững là xu hướng du lịch có tiềm năng lớn, lâu dài và hiệu quả. Nghiên cứu của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) chỉ ra rằng, 68% khách du lịch sẵn sàng chi trả cao hơn 15 – 20% cho các dịch vụ bền vững, minh chứng tiềm năng thị trường du lịch sinh thái bền vững lớn1. Ở Việt Nam, thời gian gần đây các mô hình, như: homestay sinh thái, các tour du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm văn hóa bản địa đang có sức hút mạnh mẽ đối với du khách quốc tế. Song thách thức chính nằm ở việc đào tạo nhân lực am hiểu cả sinh thái học lẫn kỹ năng quản trị du lịch, đồng thời xây dựng cơ chế giám sát tác động môi trường nghiêm ngặt.
Chất lượng nguồn nhân lực du lịch sinh thái đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa các mục tiêu du lịch sinh thái bền vững. Họ là cầu nối triển khai các giải pháp công nghệ xanh (năng lượng tái tạo, xử lý rác thải) vào thực tiễn. Nguồn nhân lực địa phương được đào tạo tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, tạo sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo gắn với bản sắc cộng đồng, đồng thời giám sát hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường. Đặc biệt, họ chính là những đại sứ truyền cảm hứng về du lịch có trách nhiệm cho du khách trong nước và quốc tế.
Nguồn nhân lực chất lượng trong du lịch sinh thái bền vững cần đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và địa phương. Nhìn chung, để đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực phải có kiến thức chuyên sâu về đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên và giảm thiểu tác động môi trường. Nguồn nhân lực cần có các kỹ năng: thiết kế và vận hành tour sinh thái tuân thủ nguyên tắc sức chứa sinh thái (giới hạn tối đa về số lượng du khách hoặc hoạt động du lịch mà một hệ sinh thái có thể chịu đựng không gây tác động tiêu cực); thành thạo các công cụ đánh giá tác động môi trường; kỹ năng giáo dục du khách về bảo tồn. Nguồn nhân lực cần có khả năng ngoại ngữ tốt và hiểu biết văn hóa địa phương là tiêu chuẩn bắt buộc. Các chứng chỉ nghề nghiệp, như: chứng chỉ hướng dẫn viên sinh thái (CEG) hoặc chứng chỉ quốc tế về du lịch bền vững (CSLP) cần được chú trọng. Ngoài ra, tiêu chuẩn ngồn nhân lực du lịch sinh thái bền vững rất cần chú trọng sức khỏe, phẩm chất chính trị đạo đức, tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình chu đáo với du khách.
3. Một số bất cập của nguồn nhân lực du lịch sinh thái bền vững
Chất lượng nguồn nhân lực có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguồn nhân lực du lịch sinh thái trực tiếp, bao gồm: các hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn, nhà hàng, các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch, các hộ gia đình hoạt động du lịch sinh thái. Mặc dù số lượng lao động tham gia vào du lịch sinh thái ngày càng tăng, song chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, chỉ 15% lao động trong lĩnh vực này được đào tạo bài bản, trong khi 72% hướng dẫn viên thiếu kiến thức về đa dạng sinh học. Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, 85% nhân viên tại các khu sinh thái không được tập huấn về quản lý chất thải; chỉ 20% có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo; nguồn nhân lực du lịch sinh thái phần lớn thiếu kỹ năng ứng dụng công nghệ xanh trong vận hành tour 2.
Cơ cấu lao động trong du lịch sinh thái bền vững chưa cân đối. Trên thực tế, số lao động trực tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch sinh thái, như: hướng dẫn viên chuyên biệt, nhân viên bảo tồn, cán bộ quản lý tài nguyên còn khá khiêm tốn, trong khi lực lượng lao động phổ thông, làm việc không chính thức tại các điểm du lịch, như: bán hàng rong, giữ xe, dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ lại chiếm tỷ lệ lớn. Tính đến năm 2024, chỉ khoảng 30% lao động trong lĩnh vực du lịch được đào tạo chuyên môn, còn lại chủ yếu là lao động tự phát, thiếu kỹ năng phục vụ du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, lực lượng lao động phục vụ khối quản lý, điều phối du lịch sinh thái ở cấp địa phương cũng thiếu hụt, gây khó khăn trong việc phát triển các sản phẩm du lịch bài bản, bền vững. Sự mất cân đối này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm của du khách mà còn làm giảm khả năng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa – yếu tố cốt lõi của du lịch sinh thái bền vững3.
Mặt khác, kỹ năng, trách nhiệm của nguồn nhân lực du lịch sinh thái bền vững còn có mặt hạn chế. Kỹ năng làm việc của sinh viên ngành du lịch mới tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều lao động có tay nghề chuyển sang ngành khác, dẫn đến thiếu hụt nhân lực chất lượng cao khi lượng khách du lịch tăng cao vào các dịp lễ. Tình trạng tinh thần, thái độ, trách nhiệm của phục vụ các lao động hoạt động du lịch sinh thái bền vững vẫn còn hạn chế, gây ra sự chưa hài lòng cho khách du lịch đến Hà Nội.
Những bất cập trên là do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu là do: thiếu chính sách hỗ trợ đào tạo từ Nhà nước; áp lực đô thị hóa làm thu hẹp không gian du lịch sinh thái bền vững. Bên cạnh đó, nhận thức, ý thức về du lịch sinh thái bền vững còn hạn chế trong cộng đồng và doanh nghiệp; chương trình, nội dung đào tạo lạc hậu, chưa kịp thời cập nhật xu hướng du lịch mới của thế giới, như: du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, du lịch chữa lành…; thiếu sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo kỹ năng thực tiễn.
4. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch sinh thái bền vững ở thành phố Hà Nội
Một là, hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch sinh thái bền vững ở thành phố Hà Nội
Giải pháp này giữ vai trò then chốt trong việc tạo nền tảng dài hạn cho sự phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp và thân thiện với môi trường. Hiện nay, chính sách đào tạo và sử dụng nhân lực du lịch sinh thái vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa gắn với đặc thù từng vùng sinh thái, dẫn đến sự chênh lệch về kỹ năng và nhận thức của lao động. Để thực hiện giải pháp này, trước tiên, cần rà soát, điều chỉnh các chính sách hiện hành liên quan đến đào tạo, tuyển dụng và đãi ngộ lao động trong ngành Du lịch sinh thái; đồng thời, ban hành các cơ chế hỗ trợ đào tạo tại chỗ cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ chương trình hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nhằm gắn kết lý thuyết với thực tiễn, khuyến khích, hỗ trợ đào tạo nghề gắn với bảo tồn thiên nhiên và phát triển cộng đồng.
Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch sinh thái bền vững. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra đội ngũ lao động có đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ phục vụ phù hợp với định hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững. Các cơ sở đào tạo cần cải tiến nội dung và phương pháp đào tạo, đưa các kiến thức về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, du lịch có trách nhiệm và văn hóa bản địa vào chương trình giảng dạy; tăng cường đào tạo tại chỗ cho lao động địa phương thông qua các lớp ngắn hạn, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành nhằm giúp người dân vừa tham gia bảo tồn vừa hưởng lợi từ du lịch; thiết lập cơ chế phối hợp giữa cơ sở đào tạo – doanh nghiệp – chính quyền, từ đó xây dựng các mô hình đào tạo theo nhu cầu thị trường, gắn với thực tiễn từng khu du lịch sinh thái. Ngoài ra, đầu tư cho đội ngũ giảng viên, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm về du lịch sinh thái bền vững cũng là yếu tố không thể thiếu; khuyến khích ứng dụng công nghệ số trong đào tạo, như thực tế ảo, học liệu số và các nền tảng học trực tuyến để mở rộng khả năng tiếp cận cho người được đào tạo.
Ba là, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về du lịch sinh thái bền vững. Nâng cao nhận thức cho người dân về du lịch sinh thái bền vững là giải pháp nền tảng trong việc xây dựng cộng đồng đồng hành và có trách nhiệm trong phát triển du lịch. Hà Nội tập trung “Nâng cao nhận thức của ngành Du lịch về phát triển du lịch chuyên nghiệp theo quy luật thị trường, coi trọng hàng đầu đến chất lượng, bảo đảmhiệu quả, khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững. Nâng cao nhận thức về phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, đa dạng trên cơ sở kết quả nghiên cứu thị trường, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của từng đối tượng khách du lịch”4. Các cấp chính quyền thành phố Hà Nội và các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền qua truyền thông đại chúng, mạng xã hội, các buổi sinh hoạt cộng đồng với nội dung gần gũi, dễ hiểu về du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường và phát triển xanh; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm dành cho người dân địa phương, đặc biệt là các hộ kinh doanh du lịch, homestay nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng ứng xử thân thiện, tận tụy với du khách và môi trường. Ngoài ra, cần lồng ghép giáo dục du lịch sinh thái vào trường học và các phong trào địa phương để hình thành nhận thức sớm và lan tỏa trong cộng đồng. Nhận thức được nâng cao sẽ tạo nền tảng xã hội vững chắc cho du lịch sinh thái phát triển bền vững tại Hà Nội.
Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế về du lịch sinh thái bền vững. Giải pháp này có vai trò quan trọng trong việc giúp Hà Nội tiếp cận tri thức, kinh nghiệm quản lý và mô hình phát triển bền vững từ các quốc gia, thành phố đi trước. Trong bối cảnh du lịch sinh thái đang trở thành xu hướng toàn cầu, việc mở rộng hợp tác sẽ giúp Hà Nội nâng cao năng lực quy hoạch, đào tạo nhân lực và xây dựng sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Để thực hiện giải pháp này, trước hết, quốc gia, ngành Du lịch và thành phố Hà Nội cần chủ động ký kết, gia nhập các chương trình hợp tác đa phương và song phương trong lĩnh vực du lịch sinh thái với các thành phố và tổ chức quốc tế về du lịch, năm bắt xu hướng du lịch mới… Tăng cường trao đổi chuyên gia, tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế tại Hà Nội nhằm học hỏi kinh nghiệm, cập nhật xu hướng mới và quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô. Ngoài ra, Hà Nội cần khuyến khích doanh nghiệp du lịch địa phương tham gia các dự án hợp tác kỹ thuật và đào tạo quốc tế, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc vào các khu du lịch sinh thái trọng điểm. Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế sẽ giúp Hà Nội phát triển du lịch sinh thái theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững hơn.
5. Kết luận
Phát triển nguồn nhân lực du lịch sinh thái bền vững là yếu tố quyết định thành công của ngành Du lịch Hà Nội trong tương lai. Để đạt được mục tiêu này, cần sự đồng bộ từ chính sách, đào tạo đến nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế. Nếu thực hiện tốt, Hà Nội sẽ trở thành điểm đến du lịch sinh thái hàng đầu của Việt Nam, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1. Sở Du lịch Hà Nội (2023). Báo cáo đánh giá nguồn nhân lực du lịch Hà Nội năm 2023.
2. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (2020). Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 30/9/2020 về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
3. Hà Nội: Phát triển du lịch văn hóa chuyên nghiệp, hiện đại, mang thương hiệu trong khu vực và trên thế giới. https://bvhttdl.gov.vn/ha-noi-phat-trien-du-lich-van-hoa-chuyen-nghiep-hien-dai-mang-thuong-hieu-trong-khu-vuc-va-tren-the-gioi-2024120509175273.htm
4. World Tourism Organization (UNWTO) (2023). Global Report on Sustainable Tourism, Madrid. Espanol.