Quản lý nhà nước về văn hóa của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong bối cảnh tinh gọn tổ chức bộ máy ở nước ta hiện nay

ThS. Bùi Quang Hiệp
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Quanlynhanuoc.vn) – Quản lý nhà nước về văn hóa là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh. Thực hiện tốt chức năng này sẽ tạo tiền đề, cơ sở để lĩnh vực văn hóa phát triển theo chiều sâu, qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy ở nước ta đang đặt ra cần tái cấu trúc chức năng, nhiệm vụ của quản lý nhà nước về văn hóa của UBND cấp tỉnh. Bài viết làm rõ một số khái niệm có liên quan, vai trò, ý nghĩa quản lý nhà nước về văn hóa của UBND cấp tỉnh; phân tích bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy ở nước ta hiện nay và đề xuất điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn hóa của UBND cấp tỉnh phù hợp với bối cảnh phát triển mới của đất nước ta trong thời gian tới.

Từ khóa: Quản lý nhà nước về văn hóa, UBND cấp tỉnh, cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ.

1. Đặt vấn đề

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về văn hóa của UBND cấp tỉnh nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực. Làm tốt công tác này sẽ tạo cơ sở, động lực để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, đồng thời, bối cảnh của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đặt ra yêu cầu mới trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa. Đây là vấn đề vừa có ý nghĩa cấp thiết, quan trọng, chiến lược trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước. 

2. Một số khái niệm liên quan

Khái niệm văn hóa

Thuật ngữ “Văn hóa” xuất hiện từ lâu đời trong lịch sử nhân loại. Cho đến nay, khái niệm văn hóa luôn có nhiều cách hiểu khác nhau dựa trên cách tiếp cận của mỗi ngành khoa học. Tuy vậy, trong các định nghĩa về văn hóa, dù hiểu theo nghĩa hẹp, nghĩa rộng, nghĩa chuyên biệt thì khái niệm văn hóa có nhiều điểm thống nhất. Chẳng hạn, văn hóa là hoạt động tinh thần nhằm phát huy những năng lực bẩm sinh, bản chất của con người để sáng tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần dựa trên các chuẩn mực của chân, thiện, mỹ nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển của cá nhân và cộng đồng xã hội…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”1. Người đặc biệt coi trọng vai trò của văn hóa khi nhấn mạnh: “Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi”2. Theo UNESCO: “văn hóa là tập hợp các đặc trưng tiêu biểu về tinh thần, vật chất, tri thức và xúc cảm của xã hội hoặc một nhóm người trong xã hội; văn hóa không chỉ bao gồm văn học và nghệ thuật, mà còn cả phong cách sống, phương thức chung sống, các hệ giá trị, truyền thống và niềm tin”3.

Như vậy, văn hóa không phải là cái gì thần bí mà do con người sáng tạo, phát minh ra và bắt nguồn từ chính hoạt động lao động sản xuất, trong đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước của con người. Văn hóa gồm rất nhiều thành tố, mỗi thành tố đều có vai trò quan trọng khác nhau, tạo thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Văn hóa còn là các phương thức sinh hoạt như ăn, mặc, ở, đi lại, văn hóa sản xuất, văn hóa tâm linh…

Khái niệm quản lý

Quản lý là hoạt động gắn với chủ thể quản lý, đối tượng quản lý, có mục đích, nguyên tắc, bộ máy, nội dung, phương thức, công cụ quản lý. Theo Hán Việt từ điển: “quản lý là sự trông nom, coi sóc, quản thúc, bó buộc ai đó theo một khuôn mẫu, quy định, nguyên tắc, luật pháp đã đề ra”4. Mục tiêu của các nhà quản lý nhằm hình thành môi trường tạo thuận lợi đạt được mục tiêu đề ra. Quản lý là cách tổ chức, điều khiển các hoạt động theo yêu cầu nhất định. Có thể hiểu, quản lý là sự tác động có tổ chức, có định hướng của chủ thể quản lý đến đối tượng và khách thể quản lý bằng hệ thống pháp luật, chính sách, nguyên tắc, nội dung, phương pháp và biện pháp cụ thể nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, cơ hội của tổ chức để đạt được mục tiêu đặt ra trong điều kiện môi trường luôn biến động.

Khái niệm quản lý nhà nước về văn hóa

Quản lý nhà nước là tổ chức, điều hành các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội theo quy định. Quản lý nhà nước thể hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan công quyền được quy định bởi các chế tài như Hiến pháp, bộ luật liên quan. Công cụ để quản lý nhà nước là pháp luật, chính sách, bộ máy quản lý, được giao nhiệm vụ thực thi công vụ. Do đó, quản lý nhà nước đòi hỏi phải có hiệu lực, hiệu quả để hoàn thành tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ đề ra.

Quản lý nhà nước về văn hóa là sự quản lý của nhà nước đối với toàn bộ hoạt động văn hóa của quốc gia bằng quyền lực của Nhà nước thông qua Hiến pháp, pháp luật, cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, nguồn lực… nhằm bảo đảm sự phát triển văn hóa, con người theo mục tiêu và định hướng chính trị. Có thể hiểu: “Quản lý nhà nước về văn hóa là sự tác động liên tục, có tổ chức, có chủ đích của Nhà nước bằng hệ thống pháp luật và bộ máy của mình, nhằm phát triển văn hóa, điều chỉnh hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa và liên quan, với mục đích giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”5. Trong bối cảnh hiện nay, quản lý nhà nước về văn hóa đòi hỏi con người cần nâng cao nhận thức, bám sát nhu cầu của cá nhân, xã hôi và tính chất phong phú, đa dạng của thực tiễn; đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Tại Đại hội XIII, Đảng đã khẳng định tầm quan trọng của công tác “nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa”6.

Về chủ th quản lý nhà nước về văn hóa

Chủ thể quản lý văn hóa ở nước ta, có thể phân chia một cách cơ bản,  thành hai nhóm chủ thể, bao gồm: 1) Chủ thể quản lý là chính quyền cấp Trung ương, bao gồm Quốc hội, Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, một số bộ, ngành có liên quan…); 2) Chủ thể quản lý là cấp chính quyền địa phương (Hội đồng nhân dân, UBND, sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp tỉnh, một số sở, ngành liên quan; chính quyền cấp xã và …).

Về khách thể quản lý nhà nước về văn hóa

Khách thể quản lý nhà nước về văn hóa là các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa hoặc có liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Văn hóa với tư cách là khách thể của quản lý được hiểu theo nghĩa cụ thể gồm các hoạt động văn hóa (trong đó có các dịch vụ văn hóa, hoạt động sáng tạo…) và các giá trị văn hóa (cụ thể là các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể…). Mặt khác, theo sự phân công trong hệ thống cơ quan nhà nước các cấp, không phải toàn bộ hoạt động văn hóa hiểu theo nghĩa rộng đều do ngành văn hóa quản lý. Văn hóa giáo dục, khoa học công nghệ… do cơ quan giáo dục, khoa học công nghệ quản lý7.

3. Vai trò quản lý nhà nước về văn hóa của UBND cấp tỉnh

Thứ nhất, quản lý nhà nước về văn hóa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tếxã hội

Văn hóa là nền tảng tinh thần, đồng thời, vừa là mục tiêu vừa là động lực, điều tiết sự phát triển của xã hội. Mục đích của quản lý nhà nước về văn hóa nhằm duy trì sự ổn định, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lĩnh vực văn hóa liên quan mật thiết đến đời sống tư tưởng, tình cảm… của người dân. Vì vậy, việc quản lý có hiệu quả, hiệu lực sẽ tạo điều kiện để xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, giúp Nhân dân sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, tạo dựng một lối sống văn minh, hiện đại.

Thứ hai, quản lý nhà nước về văn hóa bảo đảm quyền tiếp cận và thụ hưởng thành quả văn hóa của người dân

Thông qua việc xây dựng, ban hành và thực thi cơ chế, chính sách pháp luật về văn hóa, trên cơ sở tuân thủ luật pháp, công ước, điều ước quốc tế, sự phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của đất nước, việc quản lý có hiệu quả các hoạt động văn hóa sẽ tạo môi trường, không gian sống và làm việc tiến bộ, nhân văn đối với xã hội. Mọi người đều được tôn trọng, được pháp luật bảo vệ, được đối xử bình đẳng, làm những gì pháp luật không cấm, phù hợp với chuẩn mực, đạo đức. Thông qua công tác quản lý nhà nước về văn hóa, người dân ý thức rõ hơn về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân trong quá trình tham gia sáng tạo, thực hành và hưởng thụ những thành quả, sản phẩm văn hóa. Điều 41 Hiến pháp năm 2013, quy định: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”8. Cùng với Hiến pháp là các bộ luật, quy định, thông tư, nghị định… hướng dẫn thi hành về từng lĩnh vực cụ thể, góp phần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiện đại để đảm bảo quyền của người dân khi tham gia vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.

Thứ ba, quản lý nhà nước về văn hóa góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân

 Mục đích của quản lý nhà nước về văn hóa nhằm điều hướng các hoạt động, lĩnh vực theo mục tiêu, kế hoạch, chiến lược quốc gia đã đề ra. Trên cơ sở đó, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của các chủ thể. Văn hóa là lĩnh vực đặc biệt, liên quan trực tiếp đến xây dựng con người trong thời đại mới. Vì vậy, quản lý tốt lĩnh vực này sẽ phản ánh tính chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, vì cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh của nhân dân. Thông qua công tác quản lý nhà nước về văn hóa, người dân sẽ hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để chủ động, tích cực tham gia với tinh thần, trách nhiệm cao. Đồng thời, phối hợp cùng các cấp chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội trong việc tham gia quản lý, vận hành và phát triển hoạt động văn hóa.

Thứ tư, quản lý nhà nước về văn hóa góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ngăn chặn, đy lùi những hành vi tiêu cực, bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội

Bên cạnh việc tạo cơ chế, hành lang pháp lý và môi trường tự do, dân chủ để hoạt động văn hóa diễn ra an toàn, thuận lợi thì công tác quản lý nhà nước về văn hóa còn góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhận diện, cảnh báo, ngăn ngừa từ sớm, từ xa những hiện tượng, hành vi phản văn hóa. Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… đã và đang tạo ra những cơ hội mới cho phát triển văn hóa của nước ta. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về văn hóa đang đứng trước những thách thức như tình trạng “xâm lăng” văn hóa gắn với giá trị lạc hậu, những luồng tư tưởng cực đoan bên ngoài thâm nhập và truyền bá thông qua không gian mạng… Việc tăng cường, đổi mới công tác quản lý nhà nước về văn hóa sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch cũng như quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trên cơ sở đó, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

4. Bối cảnh cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay

Hiện nay, trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy ở nước ta, công tác quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành nói chung và lĩnh vực văn hóa nói riêng đã có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, theo hướng hiệu lực, hiệu quả. Đảng, Nhà nước ta đã ban hành những văn bản, quyết định để triển khai thực hiện công tác này trong toàn bộ hệ thống chính trị. Điển hình như: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị… Trong đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước”9.

Đồng thời, Luật số 65/2025/QH15 19/02/2025 của Quốc hội về Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: “Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên”10. Đồng thời: “Chính phủ lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra tổ chức, hoạt động của UBND; ban hành Quy chế làm việc mẫu của Ủy ban nhân dân”11. Qua đó cho thấy, một mặt, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh được phân cấp theo nguyên tắc bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ; mặt khác, phát huy tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, phục vụ Nhân dân. Trong đó, chú trọng phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành và của chính quyền cấp tỉnh. Phân cấp rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, gắn với chức năng, nhiệm vụ; bảo đảm tăng tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hiện quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh. Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nhằm chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp như hiện nay (tỉnh, huyện và xã) thành 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở), bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ cấp trung ương đến cơ sở. Do đó, để thực hiện chủ trương thực hiện mô hình địa phương 2 cấp sẽ cần điều chỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh so với trước đây.

Bên cạnh đó, Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “Nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Việc nghiên cứu phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát đúng với tình hình thực tiễn; khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, tổ chức trung gian cồng kềnh; bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”12… Trên cơ sở đó, tạo lập hành lang pháp lý để các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Trên cơ sở Nghị định số 45/2025/NĐ-CP ngày 28/2/2025 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương… khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ cấp huyện thì chức năng, nhiệm vụ của UBND tỉnh trong công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về văn hóa nói riêng đã thể hiện tầm bao quát, vĩ mô về nội dung, phương thức quản lý. Về cơ bản, một số nhiệm vụ của cấp huyện được chuyển lên tỉnh và một số nhiệm vụ chuyển xuống cấp xã theo hướng tăng quyền lực, trách nhiệm của chính quyền cấp xã…

5. Định hướng đổi mới chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn hóa của UBND cấp tỉnh

Thứ nhất, nội dung quản lý nước về văn hóa.

Trong quản lý nhà nước về văn hóa của UBND tỉnh, nội dung quản lý giữ vai trò quan trọng, tạo cơ sở để hoạt động văn hóa đạt kết quả cao. Để làm tốt công tác này, UBND cần chú trọng công tác quản lý ở một số nội dung sau: 1) Xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn hóa; 2) Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa; 3) Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về quản lý văn hóa, như: Hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và cổ động, quản lý và bảo tồn di sản văn hóa (di tích lịch sử – văn hóa, lễ hội truyền thống, di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể), quản lý và cấp phép hoạt động văn hóa (biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, xuất bản), quản lý kinh doanh dịch vụ văn hóa, tổ chức các sự kiện văn hóa (lễ hội, triển lãm, hội nghị), quản lý hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, hợp tác quốc tế về văn hóa (trao đổi văn hóa, hợp tác về di sản văn hóa, hợp tác về nghệ thuật), công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm… Trong đó, bám sát quan điểm chỉ đạo tại Đại hội XIII của Đảng, đó là: “xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”13.

Thứ hai, phương thức quản lý nhà nước về văn hóa.

Phương thức quản lý nhà nước về văn hóa của UBND cấp tỉnh có thể được hiểu là cách thức, phương pháp sử dụng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý; là phương pháp hành chính, phương pháp kinh tế, nhất là phương pháp giáo dục… để đưa các hoạt động văn hóa vào nề nếp, ổn định, phát triển, phát huy vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội trong hệ thống chính trị.

Phương thức quản lý nhà nước về văn hóa của UBND cấp tỉnh cần tập trung ở công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Phương thức quản lý nhà nước về văn hóa của UBND cấp tỉnh cần thực hiên thông qua công tác tổ chức, cán bộ; cần thường xuyên quan tâm, củng cố tổ chức bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phương thức này cần thực hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, công tác thi đua – khen thưởng trong quản lý nhà nước về văn hóa, trong đó thanh tra, kiểm tra phải chủ động, kịp thời, thường xuyên nhằm phát hiện những mô hình mới, cách làm hay, đồng thời, xử lý các vi phạm pháp luật về văn hóa. Làm tốt công tác thi đua – khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân, tạo ra đòn bẩy, động lực thúc đẩy các hoạt động văn hóa phát triển.

Thứ ba, kiến tạo môi trường, nguồn lực, điều kiện bảo đảm quản lý nhà nước về văn hóa đạt hiệu quả, chất lượng trong bối cảnh mới.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, đặc biệt bối cảnh thực thi chính quyền địa phương hai cấp ở nước ta, để công tác quản lý nhà nước về văn hóa đạt hiệu quả cao, UBND cấp tỉnh cần xây dựng, chuẩn bị các điều kiện thiết yếu, trọng tâm, trọng điểm để thực hiện quản lý tốt về văn hóa tại địa phương; trong đó, đặc biệt chú trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa thành chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả cao, chất lượng, phù hợp với đặc trưng của địa phương; tạo hành lang pháp lý thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào phát triển văn hóa, bảo đảm an toàn, hiệu lực, hiệu quả cho các chủ thể tham gia hoạt động văn hóa.

Môi trường pháp lý là ưu tiên cần kiến tạo, theo đó cần phân cấp và trao quyền mạnh mẽ hơn cho UBND cấp xã trong quản lý nhà nước về văn hóa. Khuyến khích phát triển văn hóa của cấp cơ sở gắn với cơ chế đặc thù, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp chính quyền xã trong phát triển các chương trình, dự án văn hóa.

Về phía UBND cấp tỉnh, cần kiến tạo và tập trung thực hiện chức năng kiến tạo chính sách và giám sát, kiểm tra, đánh giá các hoạt động văn hóa của địa phương, không tham gia chức năng lập kế hoạch và thực thi các hoạt động văn hóa. Chức năng này có thể phân cấp xuống cho UBND cấp xã.

UBND cấp tỉnh cần kiến tạo chính sách, đặc biết phát triển chính sách đầu tư phát triển văn hóa gắn với chính sách phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta. Hình thành các chính sách hợp tác công tư (PPP) phù hợp với đặc trưng của từng tỉnh, từng địa phương. Đây là những kiến tạo nền tảng để tạo dụng nguồn lực, nguồn vốn của toàn dân, toàn xã hội để phát triển văn hóa nước ta trong thời gian tới.

 Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về văn hóa cần chú trọng đầu tư các nguồn lực, trong đó chú trọng nguồn lực về con người văn hóa; phát huy lợi thế của quốc gia để hợp tác quốc tế về văn hóa, đưa những giá trị văn minh cho dân tộc, cho thế hệ trẻ, đồng thời tăng cường đầu tư số hóa dữ liệu, chuyển đổi số, phát triển các trung tâm dữ liệu số văn hóa theo vùng miền, địa phương, vùa bảo tồn, vừa khai thác các giá trị văn hóa bản đại và toàn cầu. UBND cấp tỉnh cần phát huy tối đa vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân hiểu biết đầy đủ và tự giác thực hành văn hóa theo đúng đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 3. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 458.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 1. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 25.
3. Khung Thống kê văn hóa UNESCO 2009 (FCS). https://uis.unesco.org, truy cập ngày 22/4/2025.
4. Đào Duy Anh (2006). Hán Việt Từ điển. H. NXB. Văn hóa thông tin Hà Nội, tr. 489.
5, 7. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa. https://tuyengiao.hungyen.dcs.vn, truy cập ngày 29/4/2025
6, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.146, 110.
8. Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013, Điều 41.
9. Ban Chấp hành Trung ương (2017). Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
10, 11. Quốc hội (2025). Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.
12. Ban Chấp hành Trung ương (2025). Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.